Một thi sĩ thiên tài từng nói: “Những kẻ có thể kiềm chế được dục vọng của mình chẳng qua là vì dục vọng của bọn chúng quá yếu ớt.”
Vậy thì dục vọng là gì? Là những ham muốn của con người như danh vọng, lợi ích, tình yêu,... Hay nói tóm gọn lại: Dục vọng là ham muốn đoạt lấy một điều gì đó.
Ai cũng chê trách và phê phán dục vọng, nhưng họ quên rằng chính dục vọng là khởi nguồn của toàn bộ nhân loại và cũng chính nó là thứ đã thúc đẩy cho nền văn minh phát triển và tiến bộ qua từng ngày. Thật buồn cười khi thấy nhiều ông nhà sư ban ngày rao giảng về sự tiết chế dục vọng nhưng ban đêm đi ăn bún mắm và ghẹo gái. Thật buồn cười khi thấy một cô ca sĩ miệng nói đạo lý và đi làm từ thiện nhưng đồng thời ăn chặn tiền của đồng bào. Thật buồn cười khi thấy nhiều người ghét bỏ tính háo sắc nhưng bản thân họ lại là kẻ đa tình hơn ai hết. Thật buồn cười khi thấy nhiều người ghê tởm kẻ sát nhân tàn bạo nhưng lại ngưỡng mộ và khâm phục tài năng của Napoleon. Thật buồn cười khi thấy rằng con người càng cố đóng vai thiên thần thì họ lại càng giống ác quỷ. Thật buồn cười khi thấy Pascal đã nói rất đúng: “Con người không phải thần thánh mà cũng không phải thú vật, khổ nỗi kẻ nào cố làm thánh thì lại hóa thành thú”. Nếu nhìn lại lịch sử thì những cá nhân có đóng góp và ảnh hưởng lớn nhất đến nhân loại thực chất là những con người tham vọng, ám ảnh, điên cuồng và mắc nhiều lỗi lầm nhất hơn ai hết. Ngay cả Phật Thích Ca – kẻ được nhiều người đời xem như bậc thánh nhân từ bi đại dũng, thời trẻ đã từng tận hưởng mọi thứ lạc thú trên đời mà đâm ra chán ghét, sau này bỏ cả trách nhiệm với đất nước, vợ con để lên đường tìm kiếm sự giải thoát bản ngã, đã từng làm nhiều điều ngu ngốc như tự ép xác, nhịn ăn nhịn uống suýt chết, sau nhiều năm đã nhận ra sai lầm và giác ngộ, trở thành người điềm đạm chí cực, thông thái và sáng suốt nhất trần đời, cứu giúp chúng sinh khỏi khổ đau, công ơn tả biết bao nhiêu cho đủ. Tất cả những thứ đó đạt được cũng nhờ sự ngu muội, bồng bột và sai lầm ban đầu đấy thôi. Nói đi cũng phải nói lại. Đồng ý có quá nhiều dục vọng thì không tốt về nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng đám các người cũng nên bớt các thói đạo đức giả lại đi. Kẻ ghét bỏ sự kiêu ngạo nhất há chẳng phải là kẻ kiêu ngạo nhất sao? Kẻ phê phán dục vọng hóa ra lại là kẻ có nhiều dục vọng nhất, đúng thật rành người mà quáng mình.
Còn về thù hận? Ai cũng nói là thù hận không tốt, thù hận chỉ hại cho bản thân mình thôi. Cũng không hẳn. Bị tát một tai nhưng trong lòng không một chút tức giận, chứng tỏ bạn là người đại dũng mãnh, đại từ bi. Bị tát một tai, trong lòng nổi xung muốn đánh lại nhưng sau đó bỗng hết giận dữ và tha thứ, điều này chỉ cho thấy bạn yếu đuối nhu nhược.
Thù hận là động lực gắn kết loài người lại với nhau và thúc đẩy họ hành động để đạt được mục đích chung. Nhân dân Việt Nam đánh giặc ngoại xâm, nếu không có sự thù hận và cùng đồng lòng đoàn kết lại chống giặc giữ nước thì lấy đâu ra độc lập tự chủ như ngày hôm nay. Stalin cai trị Liên Xô rất tàn bạo và cứng rắn, người dân mang lòng uất hận nhưng không biết trút vào đâu, thành ra căm thù tư bản, đoàn kết chống phát xít.
Trong những khoảng khắc gian nguy của thời cuộc, cần có những cá nhân có dục vọng lớn lao và mang lòng thù hận nhiều hơn ai hết. Hồ Chí Minh nếu không biết căm thù giặc và mang ý chí tranh hùng thiên hạ thì làm sao mà mới 20 tuổi đã dám một mình lên đường bôn ba ra thế giới. Cha của Nguyễn Trãi bị giặt bắt đi, ông đi theo khóc lóc thì cha mới bảo “về nhà mà nghĩ cách đánh giặc trả thù cho cha chứ khóc thì được gì”, về sau Nguyễn Trãi theo phò Lê Lợi đánh giặc rửa hận cho gia đình và đất nước giành lại độc lập. Napoleon xuất thân hèn kém, tuổi trẻ chịu biết bao bất công của xã hội bấy giờ đâm ra quyết tâm chứng tỏ bản thân, xưng bá thiên hạ, sau này bá chủ gần nửa Châu Âu, uy danh lừng lẫy vang vọng đến tận hôm nay.
Sự căm thù và chán ghét thực tại thúc đẩy con người biết đấu tranh và hành động. Từ hận thù mới nảy sinh lòng nhiệt huyết, mong muốn và hy vọng về điều tốt đẹp hơn.
 Dục vọng và hận thù cũng có thể sinh ra những tên tội phạm man rợ, nguy hiểm cho xã hội. Nhưng đừng quên rằng chính những tên tội phạm đó cho ta thấy được những mặt trái trong tâm hồn mỗi con người. Tội phạm và vĩ nhân về bản chất đều giống nhau cả, cũng là những cá nhân cá biệt, mãnh liệt quá trớn, không thích nghi nổi với sự yếu đuối, bó buộc tầm thường của xã hội.
“Tất cả những kẻ tội phạm đều phi nhân tính. Nhưng tất cả những vĩ nhân đều là những kẻ tội phạm.” - Nietzsche
Thích Ca, Napoleon, Stalin, Hồ Chí Minh - Những cá nhân xuất chúng, cô độc, trầm lặng, bản lĩnh cao cường.
Thích Ca, Napoleon, Stalin, Hồ Chí Minh - Những cá nhân xuất chúng, cô độc, trầm lặng, bản lĩnh cao cường.