Cách lên kế hoạch đi du lịch để hết hoang mang & ngáo đá
Dù bản thân vốn là một đứa thích đi du lịch kiểu phong trần bụi bặm, thích lúc nào đi lúc đó, không thích gò bó tìm cách lên kế hoạch...
Dù bản thân vốn là một đứa thích đi du lịch kiểu phong trần bụi bặm, thích lúc nào đi lúc đó, không thích gò bó tìm cách lên kế hoạch du lịch các kiểu con đà điểu, nhưng cho đến một năm trở lại đây, khi đã thực sự "lớn khôn", Uyên mới thực sự tỉnh ra, rằng bất kể đi đâu, với mục đích gì, đi với ai, thì việc lên plan là một thứ không bao giờ được bỏ qua.
Nếu bạn là người không muốn mất tiền ngu ngốc, tay xách nách mang hành lý, vật vã tìm kiếm xe cộ, vé tàu xe, hay hớt ha hớt hải chạy đến một nơi không có gì để chụp choẹt ngó nghiêng chỉ vì đến không đúng thời điểm, thì bạn có thể kéo xuống đọc tiếp bài của Uyên nha.
Well, shall we?
#1: Xác định khu vực muốn đi
Tại sao là "khu vực" muốn đi mà không phải là một địa điểm cụ thể nào đó? Bởi nếu bạn chưa có ý tưởng cụ thể là muốn đi đâu, nhưng lại cần chuẩn bị trước chi phí và kế hoạch thì việc đầu tiên cứ xác định khu vực mà bạn muốn đi trước đã.
Ví dụ như bạn đang băn khoăn không biết nên đi đâu ở khu vực Đông Nam Á, ví dụ như bạn đang băn khoăn không biết nên đi Thái, Sing, Mã Lai, hay Campuchia, cứ lấy đại diện ở giữa với mức chi phí bạn cho là cao nhất là Singapore, và bắt đầu lên kế hoạch chi phí, thời gian đi cho địa điểm đó, từ đó bạn có thể linh hoạt thay đổi các địa điểm còn lại khi đã có phần kế hoạch thô cơ bản, sẽ tiết kiệm thời gian cho bạn rất rất nhiều.
Còn nếu chưa biết đi đâu và chưa có cảm hứng để đi đâu thì sao? Tìm cảm hứng ở phim, truyện, sách, và các câu chuyện nhảm nhí trong blog của Uyên liền!
Đừng trông lạc lối như Uyên...
#2: Xác định khoảng thời gian đi và thời gian cần thiết để lên kế hoạch
Việc lên kế hoạch sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu các bạn xác định được mình sẽ đi trong bao lâu. Việc tính toán chi phí và điểm đến cho chuyến đi sẽ chẳng bao giờ có nghĩa nếu các bạn không biết mình đi trong bao lâu.
Đi 5 ngày sẽ khác với đi 1 tháng, cho nên trước khi hỏi bản thân cần chuẩn bị những gì cho chuyến đi, thì hãy hỏi bản thân mày sẽ đi trong bao lâu.
- Đối với chuyến đi kéo dài từ 3-5 ngày: Nên có một khoảng thời gian từ 1 - 2 tuần để chuẩn bị, nhất là phần phương tiện di chuyển như máy bay và xe giường nằm
- Đối với chuyến đi kéo dài từ 1 tuần - 2 tuần: Cần ít nhất 1 tháng để chuẩn bị
- Đối với chuyến đi từ 1 tháng trở lên: Nên cần có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phân theo giai đoạn trong vòng từ 3 tháng - 6 tháng. Nên chia nhỏ thời gian ra, ví dụ tháng đầu tiên chuẩn bị kế hoạch thô, tháng tiếp theo tiến hành đặt vé và dịch vụ, tháng tiếp theo sẽ lên kế hoạch tiết kiệm, và dành 1 tuần cuối cùng để review lại bản kế hoạch và sẵn sàng để vi vu.
Cũng đừng hoang mang bộp chộp rụp cái là đi như này...
#3: Xác định mục đích đi
Chuyến đi này các bạn sẽ đi kiểu tiết kiệm trải nghiệm hay sang chảnh? Muốn trải nghiệm kiểu địa phương hay nghỉ dưỡng thư giãn? Đi để tìm hiểu văn hóa hay shopping? Tất cả những điều trên là những câu hỏi nên được đặt ra trước khi lên một lịch trình du lịch chi tiết.
Ví dụ đi Thái Lan để shopping các bạn hầu như chỉ cần 4 ngày 3 đêm, chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều, điểm đến sẽ tập trung ở thủ đô Bangkok, các điểm đến cụ thể sẽ là những điểm chợ đêm/shopping mall nổi tiếng,... Nhưng nếu bạn muốn đi hành hương, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa, điểm đến sẽ trải dài từ Nam chí Bắc, thời gian sẽ cần nhiều hơn 5 ngày, chi phí sẽ tăng lên vì di chuyển nhiều hơn.
Và cũng đừng bay từ Việt Nam qua Campuchia trong vòng 1 nốt nhạc với mục đích mông lung như Uyên...
#4: Lên bảng kế hoạch chi phí chuyến đi
Đây có lẽ là phần đau đầu và mệt mỏi nhất mỗi lần lên kế hoạch du lịch. Hãy phân phần chi phí của bạn ra hai phần: Chi phí cố định & chí phí biến đổi (linh hoạt)
Chi phí cố định gồm những chi phí bạn đã chắc chắn nhờ nghiên cứu trước cho thời điểm và địa điểm bạn muốn đi, thường bao gồm những chi phí như: Vé máy bay/oto, phòng khách sạn, vé tham quan, phương tiện di chuyển trong chuyến đi.
Chi phí biến đổi linh hoạt gồm những chi phí bạn không chắc chắn trước được và thường nằm trong các loại chi phí dự phòng, ví dụ: chi phí ăn uống, chi phí cầu đường, chi phí xăng xe, chi phí hải quan/xuất nhập cảnh (nếu đi nước ngoài), chi phí thuế dịch vụ, chi phí dự phòng,...
Sau khi xác định được tất cả 4 yếu tố trên, bạn sẽ tính được trung bình khoản chi phí mà bạn phải chi trả (trên đầu người) cho cả chuyến đi, từ đó dễ dàng lên kế hoạch tiết kiệm hơn.
Cách Uyên lên kế hoạch chi phí cho mỗi chuyến đi trong Bullet Journal
#5: Lên kế hoạch tiết kiệm dựa trên kế hoạch du lịch đã lên
Tiết kiệm không phải là điều dễ dàng tí nào. Hãy tập viết tất cả những chi phí bạn đang tiêu xuống, xác định rõ ràng đầu tiên là những khoản chi phí bắt buộc cơ bản bạn phải tiêu hằng ngày như ăn uống, xăng xe. Thứ hai là những khoản có thể cần thiết sẽ tiêu (chi phí tiêu vặt) như quần áo, mỹ phẩm,...Thứ ba là những khoản "nguy hiểm" có thể trỗi dậy như đám tang, thôi nôi, đám cưới,...
Khi đã xác định được ba loại khoản chi tiêu đó, làm ơn tự vấn và nghiêm túc hỏi bản thân cho từng khoản rằng "Cái này có thực sự cần thiết không?", nếu khoản này không quá cần thiết, thì có cách nào cắt giảm xuống được không?
Tiếp theo là việc xác định số tiền sẽ phải tiết kiệm cho chuyến đi của bạn. Ví dụ như bạn cần 10 triệu cho một chuyến đi, và 2 tháng nữa là bạn sẽ đi, vậy bạn sẽ phải tiết kiệm được 150k mỗi ngày. Cứ thế, bạn sẽ biết phải quản lý chi tiêu của mình hằng ngày như thế nào để "lòi" ra số tiền đó (hoặc đơn giản hơn là kiếm thêm ngoài lương cứng 10 triệu nữa :D)
#6: Làm Credit/visa Card, hoặc ít nhất là thẻ ATM có Internet Banking
Để chi? Để tất cả mọi sự trên đời được dễ dàng và nhanh chóng các bạn ạ!
Trong việc lên kế hoạch đi du lịch, thì thẻ ngân hàng thanh toán online là không thể thiếu. Đừng trách một ngày bạn săn được vé bay/vé xe rẻ mà không nhanh chân đặt chỗ được chỉ vì thanh toán chậm trễ!
Book vé bay hay book phòng khách sạn đều vậy, có thẻ thanh toán giữ chân nhanh chóng là tự nhiên có động lực đi chơi liền (đã đặt đã mất tiền thì phải đi!), hơn nữa lại an tâm là không bị mất chỗ, lại có giá tốt hơn người ta.
Timo đang là ngân hàng Uyên đang ưa dùng nhất cho cả thẻ tín dụng lẫn debit (No sponsor)
#7: Săn vé bay và book trước phòng khách sạn
Chắc chắn ai cũng biết hai khoản này là hai khoản chiếm nhiều chi phí nhất cho một chuyến đi, đó là lý do đây là hai việc bạn nên làm ngay lập tức sau khi đã có cho mình một kế hoạch du hí chắc chắn.
Luôn luôn sẵn sàng cho mình những App đặt vé bay và phòng chất lượng như: Traveloka, Skyscanner, Momondo, Booking.com, Airbnb, Agoda,...Các bạn có thể nghía qua bài viết về cách đặt vé bay và phòng khách sạn tiết kiệm của Uyên để có những tip chi tiết hơn nha.
#8: Lên kế hoạch chi tiết cho điểm đến/hoạt động vui chơi
Đây là phần có thể nói tốn nhiều thời gian nhất trong việc lên kế hoạch. Để giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi, hãy nhờ đến những công cụ hỗ trợ việc planning như Inspirock, Tripadvisor,...để có thể thay bạn đỡ mất công nghĩ tới việc đi đâu, mấy ngày, chơi gì, ăn gì.
Nếu không, thì có những mục cơ bản sau đây các bạn nên nghiên cứu:
- Thông tin cần biết về điểm đến: Dùng đến các trang thông tin như blog cá nhân, Tripadvisor, Trang thông tin chính thức của địa điểm đó (thường đươc quản lý bởi tổng cục du lịch của chính phủ).
- Những hoạt động có thể tham gia ở điểm đến: Chi tiết nhất các bạn có thể xem qua blog du lịch, Lonely Planet,...
- Địa điểm ăn uống: Tham khảo các app về ẩm thực của đất nước/địa điểm đó, Tripadvisor, Lonely Planet, Yelp, Foody,...
- Book trước những hoạt động phải trả phí: Giờ các bạn đã không còn phải xếp hàng mua vé đợi chờ mệt mỏi nữa. Hàng loạt các app du lịch ra đời giúp các bạn sở hữu một tấm vé trò chơi hay show ca nhạc hay một tour tham quan ngắn ngày một cách dễ dàng chỉ với vài cú chạm như: Klook, KKday, Traveloka,...Việc của bạn chỉ còn là xách mông lên, cầm điện thoại và đi mà thôi.
#9: Pack đồ!
Kế hoạch sẵn sàng, kinh tế sẵn sàng, đơn xin phỉ phép sẵn sàng? Xếp đồ vô vali để mà đi thôi! Đây là bước mệt mỏi không kém đâu các bạn. Vậy làm sao cho dễ?
Lập danh sách theo mục dùm Uyên. Không cần quan tâm đi bao nhiêu ngày, chỉ cần quan tâm đến thời tiết và tính chất của chuyến đi là ok hết. Đi đâu thì đi, làm một cái checklist là không thể thiếu được. Đại loại nó sẽ bao gồm 3 mục cơ bản:
- Vật dụng cá nhân: Mỹ phẩm, bộ vệ sinh cá nhân
- Quần áo nói chung
- Giấy tờ quan trọng: Passport, ID card, booking vé bay, phòng khách sạn, tiền bạc,...
Các bạn có thể ngó qua bài chi tiết về Tip xếp đồ khi đi du lịch của Uyên ở đây nha!
Tư trang cho hành trình xuyên Việt của bạn Uyên (gần giống của Uyên cách đây 1 năm)
#10: Phắn thôi!
Còn các bạn lên kế hoạch du hí cho mình như nào? Kể Uyên nghe bên dưới nha!
Chúc các bạn du hí êm đẹp! xD
Đọc thêm những bài khác của mình ở đây
Du lịch
/du-lich
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất