Bài viết này tuy ngắn nhưng nó giải thích một vấn đề khá là quan trọng đấy

Nếu bạn để ý kỹ, trọng tâm phần lớn mọi cuộc đối thoại đều xoay quanh một cá nhân.

Gọi người bắt chuyện là A
Một người hoạt ngôn nào đó là B.
Và khi người B tiếp nhận cuộc trò chuyện, thay vì đưa ra những câu hỏi ngược lại cho A, họ chỉ trao đi những lời nhận định về chủ đề mà cả hai đang nói tới.
Ví dụ:
A: “Dạo này bồ sao rồi?”
B: “Thiệt lòng thì tui ổn. Mọi thứ đều suôn sẻ! Tui vừa chuyển chỗ ở, có một công việc mới, tất cả đều thuận lợi.”
A: “Tuyệt! Bồ đã làm quen với mọi thứ chưa đấy?”
B: “Đương nhiên là rồi! Tiện đây thì món tacos chỗ đấy ngon lắm.”
A: “Ừa đằng này cũng khoái tacos nè.”
B: “Nhưng mà chúng ngon thật sự đấy. Bồ biết là tui luôn cuồng món tacos mà. Chẳng gì hơn được tacos luôn á.”
A: “Tui cũng nghĩ thế”
B: “Ừa chắc tui ăn tacos cả đời luôn cũng được.”
Vâng vâng… và vâng vâng


Đọc qua đoạn hội thoại trên, các bạn có thể nhận ra rằng cảm xúc của người A trong một vài thời điểm đã không được người B quan tâm đến. Người B đã không hỏi ngược lại đối phương “Còn bồ thì sao?” mà chỉ mãi luyên thuyên (thường là về bản thân mình) và bày tỏ với người đối diện – trong khi lẽ ra người B nên cho phép đối phương có cơ hội trao đổi về bản thân mình.

Đây là một trong những sai lầm phổ biến nhất mà tôi đã chứng kiến trong quá trình tương tác giữa con người với nhau.

Sự thiếu sót này huỷ hoại các mối quan hệ.
Nó tạo ra những xung đột và hiểu lầm không cần thiết.
Nó khơi dậy sự oán giận.
Tất cả mọi người đều có nhu cầu chia sẻ về bản thân – và nếu như không được quan tâm tới, họ sẽ trở nên cáu bẳn.


Và chính bởi sự cáu bẩn đó, họ sẽ trở nên không còn hứng thú trong việc lắng nghe người khác và đặt ra câu hỏi quan tâm đến người đó nữa – và rồi vòng tuần hoàn lặp lại.
Đơn giản mà.
Khi bạn giao tiếp với bất kỳ ai, đừng chỉ giao mà hãy tiếp nhận cả những chia sẻ của họ bằng việc đặt ra câu hỏi và thực sự lắng nghe.

Tác giả: Nicolas Cole từ Medium
Dịch giả: Khánh Vy từ Group QRVN