Các bạn đã hiểu đúng “Quy y Tam Bảo”?
Bài viết này dành cho các bạn có quan tâm về Đạo Phật, hiểu biết một chút về Đạo Phật vì vấn đề Quy y Tam Bảo rất đỗi bình thường trong Đạo Phật.
Bài viết này giúp các bạn suy ngẫm về Đạo Phật.
Quy Y Tam Bảo
Cụm từ Quy y Tam Bảo chắc hẳn không còn xa lạ với người Phật tử. Cụm từ này thể hiện cho một sự kiện mà người Phật tử cần thiết trải qua không chỉ một mà có thể nhiều lần trong đời. Vì sao lại như vậy? - Vì sự tham cầu dẫn đến mê tín vẫn còn hiện hữu trong Đạo Phật.
Quy y Tam bảo gồm cụm động từ “Quy y” và cụm danh từ “Tam Bảo”. Trước hết nói về Tam Bảo, Tam bảo là Ba ngôi quý báu của nhà Phật gồm Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Phật là bậc giác ngộ đã chế ra các phương pháp tu hành (Pháp) để giúp chúng sanh diệt trừ được mê muội, khổ đau và nhờ chúng Tăng, là những người tình nguyện theo Phật dẫn dắt chúng sanh trên con đường Đạo. Là một Phật tử thiết tha mong cầu giải thoát thì “quay về nương tựa” (Quy y) Ba ngôi báu đó.
Một lẽ thật mà mọi người đều biết đó là có một Đức Phật Thích ca Mâu ni (Đức Phật lịch sử) và qua lời kể của Ngài, có hằng hà sa số Phật ở các Quốc độ khác đang thuyết Pháp trong Tam thiên Đại thiên thế giới và có vô số Tăng đang giúp chúng sanh tiến bước trên con đường Đạo. Như vậy, chúng sanh Quy y Tam Bảo là nhớ về, quay lại và hướng về để nương tựa nơi Pháp của các Đức Phật đó thông qua sự hướng dẫn của chư Tăng đang theo Đức Phật.
Nói về Tam Bảo, nghĩa của cụm danh từ này không thuần như mọi người thường nghĩ chỉ có Phật, Pháp và Tăng. Tam Bảo gồm 3 bậc là Đồng thể Tam Bảo, Xuất thế gian Tam Bảo và Thế gian trụ trì Tam Bảo. Đức Phật Thích ca Mâu ni hay Đức Phật A Di Đà (Phật Bảo); các pháp Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ,...(Pháp Bảo) và các vị Bồ Tát, A la hán đệ tử Phật (Tăng Bảo) đều thuộc về Xuất thế gian Tam bảo. Các tượng Phật, xá lợi Phật (Phật Bảo) được thờ trong chùa, ba tạng kinh điển gồm Kinh, Luật và Luận (Pháp Bảo) và các vị Tỳ Kheo tu hành chân chánh trong thời hiện tại (Tăng Bảo) thì thuộc về Thế gian trụ trì Tam Bảo. Ngày nay, phần lớn Phật tử đi chùa lạy Phật, tụng kinh, niệm Phật, nghe các bậc Tăng, Ni giảng kinh, giảng pháp,...đều thuộc về hai bậc Tam bảo nêu trên. Như vậy, họ chỉ chạy theo Tam Bảo bên ngoài mà quên mất Đồng thể Tam Bảo bên trong mặc dù mỗi ngày đi chùa đều có nói rằng Tự quy y Phật, Tự quy y Pháp và Tự quy y Tăng.
Tự quy y Tam Bảo là quay về nương tựa thể tánh sáng suốt của mỗi chúng sanh (vì thể tánh đó đồng với thể tánh của Chư Phật); trong tâm mỗi chúng sanh đều có đủ Pháp tánh từ bi, hỷ xả, nhẫn nhục, tinh tấn, trí tuệ,...đồng với chư Phật và ngay lúc đó phải nghe theo sự dẫn dắt của ông Thầy trong tâm mình vì chính ông Thầy này là đức tánh thanh tịnh giống như vị tăng bên ngoài. Đó là Đồng thể Tam Bảo.
Quay lại câu hỏi ban đầu, vì sao Phật tử ngày nay không chỉ quy y một
lần mà có thể quy y nhiều lần ở nhiều chùa với nhiều Tăng, Ni khác nhau? Có nhiều trường hợp dẫn đến tình huống như vậy, ở đây xin nêu ra hai trường hợp cụ thể:
- Một là, cầu được Phật độ cho có nhiều phước, điều này giống như mục đích mà Phật tử đi thật nhiều chùa đầu năm, đi nhiều chùa cho có nhiều phước, Quy y nhiều chùa để Phật phù hộ, độ trì cho bình an, phú quý,...
- Hai là, khi đã Quy y ở chùa này xong lại nghe ở chùa khác có Thầy khác giảng kinh hay lắm, hoặc giả nghe Phật, Bồ tát ở đó linh lắm, lại đến đó để Quy y, và cứ thế Quy y hết Thầy nọ đến Thầy này.
(Đi nhiều chùa đầu năm, hoặc trong năm là rất tốt, tôi không phản đối hành động này nếu hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa, lạy Phật, điều này sẽ được bàn vào một dịp khác).
Qua hai trường hợp nêu trên, rõ ràng Phật tử còn tham cầu nhiều, tham cầu bình an, tham cầu nhiều phước, tham cầu phú quý,... nhưng họ quên rằng tất cả đều do Nhân quả chi phối, gieo nhân gì thì gặt quả đó, quả kết nhanh hay chậm tùy theo duyên đủ hay chưa. Phật tử quên đi Đồng thể Tam Bảo, quên đi phần Tự quy y mà cứ nghĩ có một Đức Phật bên ngoài thân tâm có thể ban phước cho họ, trong khi Đức Phật Thích ca Mâu ni từng nói Ngài không thể ban phước hay giáng họa cho bất kỳ ai.
Cũng bởi vì tính tham cầu này cùng với sự không được học Phật nhiều đã làm cho người Phật tử ngày nay không phân biệt được những pháp ngoại đạo và chánh pháp của Đạo Phật mà đi lầm vào con đường tà kiến, mê tín,... Sự mê tín này ăn sâu vào gốc rễ suy nghĩ của người Phật tử, khó có thể xóa bỏ được. Cũng sự mê tín này đã làm cho người Phật tử quên đi lời phát nguyện khi thực hiện nghi thức Quy y là Quy y Phật thì trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật; Quy y Pháp thì trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo; Quy y Tăng thì trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng.
Quy y Tam Bảo là hành động phát tâm rất có lợi ích, nôm na mà nói thì đó chính là lời hứa của người Quy y với tự chính bản tâm của mình có sự chứng minh của chư Phật và chúng Tăng. Người Phật tử Quy y và giữ đúng lời hứa đó sẽ không đi lạc vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất