[Cà phê 1 mình] Những bài học trường đời - Phần 13
Đôi lời tâm sự Nội dung này đã được nhắc tới trong bài Ông bạn của tôi . Phần này mình sẽ kể chi tiết hơn về cuộc gặp gỡ đó....
Đôi lời tâm sự
Nội dung này đã được nhắc tới trong bài Ông bạn của tôi. Phần này mình sẽ kể chi tiết hơn về cuộc gặp gỡ đó. Đối với mình Ông vừa là 1 người bạn, vừa là người ông, vừa là người thầy mà mình rất quý trọng. Ông như 1 người bạn đứng ở trên miệng hố sẵn sàng đưa tay ra kéo mình lên. Đó là mảnh ghép cuối cùng mà mình đang tìm kiếm để bước qua tuổi 2x. Quả thực rất khó để có duyên gặp 1 người như vậy.
Đọc thêm:
Người thầy thứ ba
Khi làm công việc viết file Excel tôi gặp khá nhiều khách hàng đặc biệt, từ khắp mọi miền tổ quốc, đủ mọi vị trí: như anh Tuấn (CFO), em Tuấn (kém tôi 1 tuổi nhưng hiện giờ đã làm giám đốc tại 1 công ty lớn về sản xuất đồ Nhựa trong Đồng Nai), có 1 bác kỹ sư nông nghiệp muốn quản lý đầm nuôi tôm tận miền Nam (có lẽ ở 1 tỉnh miền Tây), có 1 anh bạn làm viễn thông ở bên Lào (người việt), 1 cô nàng xin xắn dễ thương trong TP HCM (mà tôi sẽ kể trong dịp khác), có chủ 1 resoft ở miền Trung... rất nhiều loại hình công việc và nhiều vị trí quản lý khác nhau. Nhờ đó tôi học thêm được nhiều điều không chỉ ở kiến thức chuyên môn của tôi là Kế toán. Tôi cũng nhận ra rằng trong các công việc này đều có liên quan đến kế toán: Thu-Chi, nhập xuất kho, công nợ, doanh thu-chi phí... nhờ thế mà tôi hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của ngành này trong thực tế. Dù có làm ở vị trí nào, công việc nào thì kiến thức kế toán cũng rất quan trọng. Ấy thế mà trước đây tôi ko nhận ra. Phải chăng việc chỉ học lý thuyết và làm ở 1 vị trí cấp thấp thì không nhìn thấy điều đó? Có lẽ vậy.
Muốn hiểu rõ hơn về 1 nghề, có lẽ ta cần phải nhìn rộng hơn, kết nối nó với những ngành nghề khác, hòa trong 1 bức tranh tổng thể, 1 quy trình đầy đủ (từ sản xuất cho tới tiêu dùng) thì mới hiểu hết về nó được. Không thể chỉ ngồi 1 chỗ, ôm máy tính mà cho rằng ta đã biết hết rồi. Đây có lẽ cũng là sai lầm phổ biến của tôi trước kia. Tôi chưa hiểu rõ về nghề mình chọn, chưa thực sự làm đúng công việc mà nghề mình theo đuổi, ấy thế mà tôi đã vội quy kết rằng nghề đó rất chán. Sau một thời gian lăn lộn trường đời thì tôi vẫn làm công việc đó, chỉ là ở 1 tâm thế và góc nhìn khác. Nhưng khi hiểu rõ về nó thì tôi làm việc 1 cách nghiêm túc hơn nhiều.
Một trong những khách hàng đặc biệt của tôi là 1 bác đã lớn tuổi. Bác tìm được 1 file quản lý kho của tôi trên internet, sau đó bác tìm hiểu và thấy nó thú vị. Bác liên hệ tôi muốn gặp mặt. Khi ấy tôi đang freelancer nên cũng không ngại đi gặp những khách hàng này. Bởi những khách hàng gặp mặt nói chuyện trực tiếp chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả hơn nhiều so với khách hàng chỉ giao tiếp qua mạng.
Lúc đầu tôi không biết thông tin gì về bác, bởi hầu hết tôi chỉ giao tiếp qua internet. Trên đó thì không có nhiều cơ sở để biết họ là ai, giới tính nào, độ tuổi nào, chức vụ gì... chỉ đơn thuần là nickname hoặc địa chỉ email mà thôi. Tôi cũng không quan trọng việc đó lắm, bởi dù họ là ai đi nữa thì họ đến với tôi cũng vì công việc mà thôi, và quan trọng là họ cần tôi. Dù họ có là 1 nhân viên quèn hay 1 giám đốc đi nữa thì về bản chất đều giống nhau.
Hôm ấy tôi tới nhà bác theo lời hẹn. Điều đặc biệt là khi tới đúng địa chỉ rồi thì tôi chỉ thấy trước mặt mình là 1 bức tường. Tôi tưởng nhầm địa chỉ, vội lấy điện thoại ra gọi cho bác để hỏi. Lúc ấy bác mới ló mặt ra từ cửa phòng tầng 2 (bây giờ tôi mới để ý phía trên bức tường có 1 phòng ở). Bác chỉ cho tôi lối lên: là những bậc cầu thang bằng khung sắt ở sát bờ tường. Một lối đi kỳ lạ - tôi thầm nghĩ nhưng vẫn đi theo lối đó.
Bước vào trong phòng tôi còn thấy kỳ lạ hơn. Phòng rất nhỏ, chỉ đủ cho 1 người sinh hoạt nhưng lại có tới 2 cửa. Cửa tôi vào hóa ra lại là cửa phụ, còn cửa chính dẫn ra 1 căn phòng lớn bên trong. Tôi chợt nhận ra lối tôi vừa đi chính là lối thoát hiểm của căn phòng này. Tại sao 1 căn phòng lại cần lối thoát hiểm? Tôi băn khoăn nhưng không dám đặt câu hỏi, chỉ lặng yên quan sát căn phòng.
Trong phòng nổi bật lên là chiếc giường như giường bệnh viện với khung sắt ở 4 đầu. Cạnh giường là 1 chiếc xe lăn. Trên tường có treo 1 thanh kiếm - mà tôi nhận ra đó là kiếm thật chứ không phải mô hình. Góc phòng có 1 tủ quần áo, tủ sách và bàn máy tính. Phòng nhỏ nên tôi ngồi tạm ở gần bàn máy tính, không dám ngồi trên giường. Chủ nhân căn phòng là 1 người đàn ông đã lớn tuổi, có khi lớn tuổi hơn bố tôi. Gương mặt ông vẫn toát lên vẻ minh mẫn với ánh mắt sáng, sâu. Ông có mái tóc dài, dù đã bạc nhưng được búi lại gọn gàng. Nếu mái tóc ấy là của 1 cậu thanh niên thì có thể nghĩ đó là 1 anh chàng nghịch ngợm, lãng tử. Ở ông dù đã lớn tuổi vẫn giữ được cái nét đó, có chăng nó càng khiến ông trở nên phong trần, ngầu đời hơn mà thôi. Ông vịn vào thành giường, ngồi xuống chiếc xe lăn và bắt đầu nói chuyện với tôi:
- Chào mừng cháu đến với phòng của bác. Cháu thông cảm, bác bị bệnh về xương nên không thể ngồi nói chuyện bình thường được.
Tôi cố mỉm cười để đáp lời. Quả thực tôi chưa nuốt trôi cảm giác lo lắng, hoang mang, nhưng không thể bất lịch sự với người lớn tuổi được.
Bác bắt đầu nói chuyện về file excel của tôi. Bác nói rằng bác đang tìm hiểu để cho con dâu bác dùng. Con dâu bác đang làm về kế toán. Tôi khá ngạc nhiên khi lần đầu thấy một người tìm đến tôi nhưng không phải là người sử dụng trực tiếp. Đúng ra con dâu bác mới phải là người tìm đến tôi chứ nhỉ? Tôi chỉ thoáng qua suy nghĩ ấy thôi, rồi nhanh chóng hòa nhập vào câu chuyện của bác. Gì chứ chuyên môn của tôi, sản phẩm của tôi thì tôi rành lắm, nói chuyện cả ngày cũng không chán.
Càng nói chúng tôi càng hợp nhau, không chỉ trong việc chia sẻ kiến thức liên quan tới chuyên môn mà còn ở những vấn đề khác trong cuộc sống. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể ngồi nói chuyện thẳng thắn với 1 người lớn tuổi hơn mình nhiều như vậy. Từ nhỏ tôi đã không có ông nội, ở nhà thì bố con tôi không hợp nhau cho lắm, còn ông ngoại thì gần như chẳng bao giờ trò chuyện quá 30 giây. Vậy nên tôi có cảm giác bác giống như ông nội của mình vậy. Tôi có thể hỏi ông những điều mà mình thắc mắc - như 1 đứa trẻ, còn ông thì kiên nhẫn lắng nghe và chia sẻ lại với tôi.
Chuyện tiền bạc
Quả thực các thắc mắc trong lòng tôi có nhiều lắm. Bởi khi ấy tôi vẫn chưa có gì trong tay. Tiền không có nhiều, tình cảm chưa tới đâu, công việc sự nghiệp thì mơ hồ, đam mê thì có nhưng chưa tạo ra tiền, bố mẹ thì không kỳ vọng hay tin tưởng vào tôi... rất nhiều thứ ngổn ngang trong đầu. Chúng như những bụi gai níu lấy chân tôi, không cho tôi tiến lên. Tôi quyết định hỏi ông về thứ khiến tôi đang băn khoăn nhất:
- Làm thế nào để ổn định về tài chính được hả bác?
- Thế công việc hiện tại của cháu thì sao, có kiếm được nhiều tiền không?
- Đúng là cháu đang không có việc làm ổn định, chỉ hỗ trợ người ta làm file excel thôi, nhưng cũng không kiếm được nhiều tiền.
- Bác cũng không chắc lắm, bác nghĩ cháu cần 1 công việc khác.
Tôi im lặng, không biết trả lời thế nào nữa. Trong đầu tôi cũng có nghĩ đến điều này rồi. Tôi cần phải giải quyết được vấn đề tài chính trước khi nghĩ đến những thứ xa vời hơn. Suy cho cùng việc viết file Excel chỉ giúp tôi có kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ, chứ tiền - thứ tôi thực sự cần - lại không có nhiều. Tôi suy nghĩ một lát rồi hỏi lại bác:
- Vậy làm thế nào để đỡ phải lo lắng về vấn đề tiền bạc? Hiện cháu rất đau đầu với vấn đề này.
Bác nhìn tôi một lát, tựa như đang cân nhắc câu trả lời. Không biết có phải tôi vừa hỏi 1 câu gì đó ngu xuẩn không nữa. Thế rồi bác cất lời:
- Có những việc cháu phải tiêu như ăn uống, đổ xăng, mua máy tính để làm việc... thì đó là những thứ đương nhiên cháu phải chi tiêu. Dù có nghĩ đến nó hay không thì cháu vẫn phải tiêu. Vậy thì cháu đừng nghĩ đến những điều đó nữa, đừng nghĩ làm thế nào để tiết kiệm các khoản tiền đó, hãy chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để kiếm tiền thôi. Khi cháu kiếm được nhiều hơn số tiền mà cháu tiêu thì cháu sẽ không phải lo nghĩ nhiều về tiền bạc nữa.
Tôi lắng nghe những lời bác nói mà trong lòng có chút gì đó... mông lung. Nghe thì đúng đó, nhưng trong góc nhìn của tôi, rõ ràng việc kiếm được bao nhiêu thì tôi biết, chứ còn chi tiền ra thì cứ như mất kiểm soát. Lúc thì tiền cho người yêu, lúc thì tiền sửa xe, lúc thì tiền ăn, dù tránh tụ tập bạn bè thì đôi khi vẫn phải gặp. Vậy thì làm sao mà không nghĩ đến chi tiêu được? Túi có ít tiền thì phải cân nhắc chi tiêu sao cho tiết kiệm chứ. Còn kiếm tiền đâu phải nói là kiếm được đâu? Tôi đang phải cày cuốc cả về tay chân lẫn đầu óc mà vẫn không đủ tiêu đây.
Thấy mặt tôi vẫn nhăn nhó khó tiêu, bác để tôi suy nghĩ một lát rồi hỏi tôi:
- Theo cháu trong 3 thứ: KIẾM TIỀN, GIỮ TIỀN và TIÊU TIỀN cái nào khó nhất?
Tôi vừa nghe câu hỏi đã trả lời ngay mà không cần suy nghĩ:
- Kiếm tiền bác ạ.
- Tại sao?
- Cháu thấy kiếm được việc làm rất khó. Đồng lương nhận được thì bèo, không đủ trang trải cuộc sống. Việc phải đối mặt với áp lực kiếm tiền khiến cháu rất căng thẳng. Xung quanh mọi người, bạn bè, cha mẹ... họ đều đang nỗ lực kiếm tiền, trong khi cháu thì đang thất nghiệp và phải ngồi đây chỉ với hơn 10 ngàn trong túi, chưa đủ cho bữa chiều. Kiếm tiền thật khó. Ai cũng vất vả với nó, gần như không có thời gian cho việc gì khác.
- Thật sự khó như vậy sao? Bác thấy kiếm tiền mới là dễ nhất. Ta có sức, ta bán sức lấy tiền. Ta có hàng hóa, ta bán hàng thu được tiền. Ta có trí tuệ, ta bán kiến thức lấy tiền. Vậy đâu có gì khó? Kiếm tiền chỉ đơn giản là cho người khác cảm xúc và họ cho ta tiền.
- Cháu không hiểu giữ tiền có gì khó? Chỉ đơn giản là để tiền trong túi cẩn thận tránh bị trộm cắp là được thôi mà.
- Giữ tiền đâu chỉ có vậy. Có tiền trong túi, nhu cầu của ta sẽ phát sinh, khi đó ta sẽ muốn tiêu tiền. Giữ tiền đầu tiên là phải kiểm soát không tiêu vào những thứ không cần thiết.
+ Tiếp sau đó là khi biết ta có tiền, người khác sẽ muốn ta tiêu tiền để lấy tiền của ta. Lúc này ta phải kiểm soát cảm xúc để tránh bị người ta dắt mũi. Nếu bị dắt mũi thì họ sẽ dễ dàng lấy tiền ra khỏi túi của ta. Giữ tiền chính là kiểm soát cảm xúc và kiểm soát nhu cầu của bản thân cháu ạ. Việc này khó hơn việc ta chủ động cho người khác cảm xúc.
+ Thêm vào đó chắc cháu có biết tới từ "lạm phát" phải không nào. Giữ tiền sao cho đồng tiền không bị mất giá theo thời gian cũng là việc đòi hỏi cháu phải có kiến thức tài chính, có sự phản ứng nhanh nhạy với hiện tại, có thời gian cho việc giữ tiền. Đâu phải dễ dàng để có được cả những thứ này phải không nào?
Tôi nghe mà thấy như có ai ném cục tạ vào dạ dày mình vậy. Sao từ trước tới giờ chưa ai nói cho tôi những điều như thế này nhỉ.
- Vậy tiêu tiền có gì mà khó hả bác?
- Tiêu tiền khó bởi ta phải dùng lý trí nhiều hơn. Đây không phải chỉ đơn thuần là cảm xúc, bởi việc này đòi hỏi ta phải tranh đấu giữa lý trí với cảm xúc rất nhiều.
- Cháu thấy có sẵn tiền trong túi thì tiêu thật dễ dàng, đâu có gì phức tạp mà phải liên quan tới lý trí với cảm xúc?
- Tiêu tiền với giữ tiền nghe có vẻ mâu thuẫn và ngược nhau, nhưng thực chất lại gắn bó với nhau. Việc giữ tiền chính là để tiêu tiền cho đúng mục đích, chứ không phải chỉ giữ mà không tiêu. Tiêu tiền chính là tư duy về đầu tư:
Thứ 1: Đầu tư cho tái sản xuất
Tiền ta kiếm được đồng nghĩa ta phải đánh đổi 1 thứ gì đó mới có được. Như thế việc đầu tiên là phải dùng tiền thu được để bù đắp những mất mát. Dùng sức thì phải dành tiền để ăn, nghỉ cho lại sức. Dùng trí thì phải dành tiền để học thêm. Dùng hàng hóa thì phải dành tiền để mua thêm. Nếu không cân nhắc việc này mà cứ tiêu hết thì sẽ dẫn tới khó kiếm tiền hơn. Đây là 1 phần lý do kiến cháu thấy kiếm tiền khó, bởi nó là kết quả của tiêu tiền không đúng cách.
Thứ 2: Đầu tư cho cảm xúc
Ngoài ra còn phải dành tiền cho gia đình, trả ơn, chăm sóc người đã nuôi dưỡng ta, dạy dỗ ta, giúp đỡ ta, bảo vệ ta, chăm sóc ta. Nếu không tiêu tiền cho những nơi này, ta sẽ mất chỗ dựa, như cây mất gốc, sẽ không thể vững vàng trong cuộc sống được. Việc tiêu tiền vào đây sẽ đem lại cho cháu những cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc, bình yên, an tâm. Nếu không chăm sóc tốt, cháu sẽ luôn trong cảm xúc lo lắng, bất an, cảm thấy mình là kẻ vô ơn... khi đó kiếm thêm tiền cũng đâu có ý nghĩa.
Thứ 3: Đầu tư cho tương lai
Tương lai ở đây chính là con cái, cho sức khỏe của cháu trong tương lai. Đây chính là 1 khoản bảo hiểm cho cháu khi về già. Lúc ta ốm yếu, lúc ta không còn khả năng kiếm tiền nữa, cũng không giữ được tiền nữa, thì ta cần tới người chăm sóc, người giúp ta giữ tiền ta đang có. Thêm vào đó cháu cũng đâu muốn con cháu mình không biết giữ tiền của cháu, không biết tiêu tiền cháu dành cho nó, phải không nào. Có thể con cái cháu không tự kiếm được tiền, nhưng nó vẫn có thể sống tốt nếu biết giữ tiền và tiêu tiền đúng cách.
Vậy cháu đã thấy tiêu tiền phức tạp thế nào chưa. Ai cũng có thể tiêu tiền vào 1 mục đích nào đó, nhưng để cân bằng những vấn đề trong cuộc sống thì phải biết cách tiêu tiền sao cho tốt. Điều này thực sự là một điều khó.
Vậy cháu đã thấy tiêu tiền phức tạp thế nào chưa. Ai cũng có thể tiêu tiền vào 1 mục đích nào đó, nhưng để cân bằng những vấn đề trong cuộc sống thì phải biết cách tiêu tiền sao cho tốt. Điều này thực sự là một điều khó.
Những tâm sự của người bạn già thật dài và khiến tôi như bước vào 1 thế giới khác. Những điều tôi đã định nghĩa, những điều tôi đã cân bằng từ trước tới giờ bỗng thay đổi hoàn toàn. Lúc ấy tôi chẳng thể hiểu hết những gì người bạn già nói. Tôi chỉ biết 1 điều: Tôi sẽ kiểm nghiệm những lời này. Để tôi xem có thực sự những khái niệm mới mẻ về "tiền" này nó đúng đến đâu. Khi ấy, tôi nhận thấy sự khác biệt rất lớn của gần 40 năm kinh nghiệm sống thể hiện chỉ qua 1 câu hỏi...
(những nội dung này mình đã viết trong bài Kiếm tiền, giữ tiền, tiêu tiền, cái nào khó nhất?)
Chuyện lo xa
Chúng tôi nói chuyện một lúc mà đã tới gần 1h chiều. Tôi giật mình không ngờ thời gian trôi qua nhanh đến thế. Mải mê nói chuyện mà quên mất cả thời gian. Bác kêu tôi ở lại để ăn cùng bác cho đỡ buồn, vì bác hay ăn 1 mình.
Bác đãi tôi combo mì tôm và xúc xích (loại xúc xích ăn liền). Tôi không quá cầu kỳ chuyện ăn uống, và người ta đã mời thì tôi không nỡ từ chối. Nhưng món này tôi không khoái lắm. Dù đói nhưng tôi cũng không ăn một cách ngon lành được. Thấy vậy bác hỏi tôi:
- Cháu không quen ăn như thế này à?
- Vâng, nhưng không sao đâu bác ạ. Cháu không quan trọng chuyện này đâu.
- Nếu được thì cháu có thể tập ăn cho quen. Điều này cũng quan trọng đấy cháu ạ.
Tôi nghe thấy vậy liền tò mò hỏi lại:
- Thật ạ?
- Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, lương thực khan hiếm hoặc bạo loạn thì cháu sẽ rất khó có thể kiếm được lương thực. Nên cần tập cho mình thích nghi với đồ ăn liền này.
Bác lo xa quá chăng? Tôi tự hỏi vậy, bởi làm gì mà đến mức đó? Có chăng khó khăn một vài ngày thôi, nên món này chỉ là tình thế, chứ trong điều kiện bình thường thì đâu cần. Nhưng có vẻ như bác là người quen với món ăn này lắm, bởi trong nhà luôn sẵn mì gói, xúc xích. Bác cũng thuộc dạng lo xa khi có cả cửa thoát hiểm trong phòng nữa cơ mà. Có phải những người già đều suy nghĩ như bác không? Cái này tôi không chắc. Nhưng có vẻ những người trẻ như tôi hầu như không lo xa đến thế. Tôi tự hỏi việc này có cần thiết hay không? Bởi tôi còn đang lo hiện tại chưa xong, đâu có tâm trí nghĩ về những thứ xa xôi?
Sau này tôi nhận ra: dù làm gì, dù ở hoàn cảnh nào, luôn luôn phải tính cho mình 1 đường lùi. Lo xa có lẽ là điều cần thiết. Mọi thứ mất đi đều có thể làm lại được, chỉ có mất mạng là khỏi làm lại.
Chuyện chính trị
Ăn xong chúng tôi lại tiếp tục trò chuyện. Câu chuyện xoay quanh những vấn đề cuộc sống, bao gồm cả tình yêu, tình dục, chính trị.
Thấy tôi cũng có vẻ quan tâm tới chính trị, bác hỏi tôi:
- Cháu có biết mục đích của chính trị là gì không?
Trước giờ tôi vẫn hay xem thời sự, đọc tin về chính trị trong nước, ngoài nước nhưng chưa bao giờ, chưa ai hỏi tôi câu này. Mục đích của chính trị là gì? Tôi suy nghĩ mãi vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.
- Cháu không biết ạ. Tôi ngập ngừng trả lời.
- Vậy theo cháu trong 3 người: Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền thì ai là người làm chính trị giỏi nhất?
- Cháu nghĩ là Tào Tháo ạ.
- Tại sao cháu lại nghĩ thế?
- Vì Tào Tháo là gian hùng. Ông ta vừa giỏi, vừa có uy, vừa gian trá, vừa biết thu phục người khác, vừa sẵn sàng diệt trừ kẻ khác thẳng tay, lại đạt đến đỉnh cao quyền lực.
Đó là tất cả những gì tôi đang biết, đang nghĩ về vấn đề chính trị. Các vấn đề chính trị chẳng phải đều nói về những điều đó hay sao?
- Nói về đỉnh cao quyền lực thì Lưu Bị mới là người làm vua cháu ạ. Tào Tháo chỉ làm Thừa Tướng thôi.
Ừ nhỉ, tôi không để ý chi tiết này. Nhưng điều đó đâu có ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ của tôi. Bởi ông ta vẫn thâu tóm tất cả cơ mà.
- Vậy bác nghĩ ai mới là người làm chính trị giỏi?
- Bác thấy Lưu Bị mới giỏi.
Theo những gì tôi biết thì Lưu Bị không hề tài cán gì. Ông ta hoàn toàn dựa vào những người giỏi bên mình để đạt được thành tựu mà thôi. Có giỏi thì phải là Khổng Minh tài trí, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân dũng mãnh cơ. Tôi không hiểu sao bác lại nghĩ vậy nên hỏi lại:
- Cháu không hiểu Lưu Bị giỏi ở điểm gì?
- Cháu có nghĩ Lưu Bị thuộc dòng dõi hoàng tộc không?
- Có ạ. Chính nhà vua còn công nhận mà bác.
- Bác không nghĩ thế. Nhà vua lúc ấy ở thế bí, nên có người cậy nhờ được thì bám vào thôi. Cháu có để ý ở ngay phần đầu Đốc Bưu đã nói là không hề có người như ông ta mạo nhận trong gia phả hoàng tộc không? Biết đâu nhà vua tự viết thêm vào để có thể lợi dụng ông ta không?
Kể cả nếu có đúng là có tồn tại 1 ông Lưu Bị dòng dõi hoàng tộc đi nữa, chắc gì người đó không phải là 1 kẻ mạo danh? Lưu Bị này một thân một mình cơ mà. Biết đâu ông ta không phải Lưu Bị thật, nhưng vì biết danh phận người kia nên mạo danh để lấy lòng tin người khác thì sao?
Ông bác có những suy nghĩ kỳ lạ ghê. Trước giờ tôi không hề nghĩ vậy. Và lối suy nghĩ này cũng vượt quá phạm vi câu chuyện rồi. Tôi thường hay xuôi theo câu chuyện mà không nghĩ khác đi. Lần này là lần đầu tôi gặp một người có lối suy nghĩ lạ thường đó.
Bác tiếp lời:
- Mục đích chính của chính trị là quyền lực cháu ạ. Để đạt đến quyền lực thì người ta có thể dùng nhiều thủ đoạn. Nhưng người làm chính trị giỏi là người đạt đến quyền lực tối cao bằng cách thu phục lòng người, chứ không phải bằng thủ đoạn gian dối hay vũ lực.
Xét ở góc độ này thì đúng là Lưu Bị làm như thế thật. Ông ta có tài giỏi nhất là thu phục lòng người. Các tướng giỏi như Quan Vũ, Trương Phi bị thu phục từ kết nghĩa Vườn Đào. Triệu Vân bị thu phục từ trận Trường Bản khi Lưu Bị ném con. Khổng Minh bị thu phục từ 3 lần cầu hiền không nản chí của Lưu Bị. Mà không chỉ thu phục 1 lần là xong, ông ta còn luôn luôn khiến người ta tin tưởng, nể phục, trung thành trong từng hành động nhỏ. Không chỉ thu phục các tướng tài, ông ta còn có được lòng dân, thậm chí cả nhà vua cũng bị thu phục nốt. Mà đâu phải Lưu Bị là kẻ nhân từ, có những khi ông ta chỉ nói 1 lời mà gián tiếp giết chết kẻ khác. Nếu xét ở độ thâm hiểm thì ông ta cũng rất thâm hiểm đó chứ.
Càng nghĩ sâu hơn, tôi càng nhận ra điều đó. Nó thể hiện rõ ràng và xuyên suốt, có chăng ông ta không thể hiện mình nổi bật ra mà luôn ẩn mình phía sau. Từ 1 kẻ vô danh, thậm chí nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ mà trở thành vua một cõi, được lòng tất cả từ người dân đến tướng lĩnh, ấy mới thực sự là đỉnh cao quyền lực.
Tôi buột miệng hỏi bác:
- Ông Lưu Bị này giống bác Hồ quá bác nhỉ?
Bác chỉ mỉm cười mà không trả lời tôi.
Chuyện 3 nhà
Lát sau bác lại hỏi:
- Theo cháu giữa 3 người: Nhà buôn, Nhà khoa học, Nhà chính trị thì ai là người quan trọng nhất?
Nhà chính trị thì mục tiêu là quyền lực
Nhà buôn thì mục tiêu hiển nhiên là lợi nhuận, là tiền.
Nhà khoa học thì tôi đoán mục tiêu của họ là được sáng tạo, sáng chế, phát minh, tìm ra những điều mới lạ.
Vậy mối quan hệ giữa 3 người này là gì? Nếu đặt riêng 3 người này thì mục tiêu của họ có vẻ chẳng liên quan gì tới nhau. Như thế thì chẳng đánh giá được ai quan trọng nhất.
Tôi đành chọn 1 đáp án mà mình cho là đúng nhất:
- Theo cháu thì nhà buôn ạ. Vì nhà buôn giống như các tập đoàn tài chính, họ có thể đứng sau bơm tiền cho người làm chính trị để mở thông đường kinh doanh, cho họ những quyền lợi để có ưu thế hơn, giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn.
- Thế thế giới sẽ ra sao nếu thiếu nhà khoa học? Bác hỏi tôi.
- Cháu cũng không rõ lắm. Tôi thành thật trả lời.
- Nhà khoa học giống như các tập đoàn công nghệ, họ tạo ra công nghệ mới, dẫn dắt và thay đổi thế giới. Những người như Steve Job, Bill Gate là nhà khoa học đó cháu.
Vậy thì họ đúng là rất quan trọng rồi. Họ làm thay đổi cả nhà buôn ấy chứ. Những sản phẩm họ tạo ra đủ sức làm thay đổi thế giới, cách vận hành của thế giới. Những công nghệ như ô tô, xe lửa, điện, xăng dầu, máy tính, điện thoại... quả thật nếu không nhờ khoa học phát triển thì thế giới đâu có ngày hôm nay. Nếu chỉ xoay quanh nhà buôn và nhà chính trị thì thế giới thật giống chế độ phong kiến, nơi chỉ có nhà vua thâu tóm quyền lực và nhà buôn làm giàu cho đất nước. Mà như thế thì hóa ra nhà chính trị lại quan trọng nhất còn gì.
Càng suy nghĩ về chủ đề này tôi càng thấy xoắn não, khó mà đưa ra câu trả lời chính xác được.
- Vậy câu trả lời đúng có phải là không có ai quan trọng nhất?
- Có lẽ vậy. Điều quan trọng là cháu hiểu mình thuộc nhóm nào mà thôi.
- Nếu vậy cháu nghĩ mình là nhà khoa học. Cháu không đam mê việc buôn bán, kiếm thật nhiều tiền. Cháu cũng không ham muốn quyền lực. Chỉ cần sống bình thường và phát triển năng lực bản thân mà thôi.
- Cháu đã hiểu rõ hơn về bản thân rồi đó. Cứ suy nghĩ về nó cháu sẽ tìm ra hướng đi phù hợp thôi.
Sau này tôi nhận ra bài học 3 nhà thực chất không phải 3 con người cụ thể, mà nó là 3 phần có trong 1 con người. Không ai hoàn toàn là nhà khoa học, nhà buôn hay nhà chính trị, mà 1 con người có cả 3 thứ ấy, chỉ là với từng người thì mức độ khác nhau mà thôi. Chúng ta vẫn học tập và sáng tạo, chúng ta vẫn kiếm tiền, chúng ta vẫn khẳng định vị trí trong xã hội... có điều với từng người thì mức độ và sự ưu tiên của họ sẽ khác nhau, thậm chí tại từng độ tuổi họ cũng khác nhau nữa.
Chuyện tình dục
Tình dục cũng là một chủ đề mà tôi quan tâm. Bởi tôi đâu có ai để hỏi trực tiếp ngoài đời thực, chỉ biết tìm hiểu trên mạng mà thôi. Bác là người từng trải nên có thể bác có thể nói rõ hơn cho tôi thì sao. Vậy nên tôi cũng chủ động hỏi bác về vấn đề này:
- Có phải cứ quan hệ lâu là khỏe trong tình dục phải không bác?
- Ai bảo cháu thế?
- Cháu thấy trên mạng người ta hay đề cao chuyện quan hệ lâu.
Bác hỏi lại tôi:
- Thế theo cháu "lâu" là bao nhiêu phút?
- Cháu nghĩ khoảng 10-15 phút trở lên, tính từ khi bắt đầu quan hệ bác ạ, không bao gồm việc dạo đầu.
- Bác thấy người yếu cũng có thể làm được như vậy. Với bác chuyện 10 phút hay 30 phút không phải vấn đề để đánh giá khỏe hay yếu.
- Vậy thế nào mới là khỏe vậy bác? Tôi tò mò hỏi.
- Bác đánh giá trên thời gian giữa 2 lần cương cứng liên tiếp. Cháu biết là khi xuất tinh xong thì cái ấy sẽ mềm đi đúng không? Nếu thời gian cương cứng trở lại càng ngắn thì càng khỏe, và quan hệ được càng nhiều lần thì càng khỏe. Tính theo số lần chứ không tính theo thời gian trên 1 lần. Chuyện thời gian trên 1 lần nó liên quan tới kỹ thuật bế tinh cháu ạ, không phải khỏe, yếu của năng lực tình dục.
Bác tiếp lời:
- Cháu có biết công thức đo sự khỏe - yếu là độ tuổi nhân với bội của 9 không? Tức là:
+ Từ 20-29 thì 2x9 = 18 = 1 tuần 8 lần
+ Từ 30-39 thì 3x9 = 27 = 2 tuần 7 lần
...
+ Từ 90-99 là 9x9 = 81 = 8 tuần 1 lần
Công thức này bác thấy nó chỉ là thước đo chung thôi, không phải ai cũng làm được. Có người khỏe yếu khác nhau thì số lần cũng khác nhau. Nhưng nếu yếu thì nên tăng cường về chất lượng trên mỗi lần sẽ tốt hơn. Có thể cải thiện được nhưng khá là khó để đột biến.
Có câu này nữa cháu có biết không:
- Ai có nhu cầu tình dục cao dễ thành ác quỷ, ai có nhu cầu tình dục thấp dễ thành thánh nhân.
Tôi chỉ biết ai có nhu cầu tình dục cao, khỏe thì được xã hội đề cao thôi, chứ lần đầu tôi nghe câu này. Nhưng ở đây có một cách nói hơi khác: Nhu cầu cao chứ không phải khỏe. Tôi bèn hỏi lại:
- Nhu cầu cao với khỏe khác nhau thế nào vậy bác?
- À, về tình dục thì có 2 hệ quy chiếu. Một là khả năng khỏe hay yếu, hai là sự mong muốn thỏa mãn. Có thể cháu yếu nhưng lại có mong muốn cao.
Điều này thì tôi có biết nhưng chưa hề nghĩ nghiêm túc về nó. Tôi lắng nghe bác giải thích thêm:
- Mong muốn thỏa mãn có thể phân ra giữa các đối tượng giúp cháu thỏa mãn và cách thỏa mãn trên đối tượng đó. Có thể cháu muốn quan hệ cùng giới thay vì khác giới, hoặc cả 2 giới đều được, thậm chí có thể quan hệ với động vật cũng thỏa mãn thay vì với con người. Hoặc giả cháu quan hệ chỉ với 1 giới tính nữ, nhưng lại muốn quan hệ với nhiều người khác nhau thay vì chỉ 1 người, hoặc chỉ 1 người nhưng lại nhiều vị trí khác nhau chứ không chỉ 1 vị trí truyền thống.
Tôi ngồi nghe mà chỉ biết há hốc mồm. Ông bác có vẻ hiểu rất rõ về chuyện này nên nói ra một cách thật đơn giản, dễ dàng. Tôi hình dung chuyện này nó như 1 dấu cộng vậy. Nếu dấu cộng càng nhỏ, ngắn và cân bằng thì đôi khi nó chỉ là 1 dấu chấm, và người ta không bận tâm tới nó thật. Còn khi nó bị lệch hoặc các chiều của dấu cộng càng dài ra, nó càng mất cân đối và khiến người ta trở thành 1 thứ gì đó khó nhận ra. Ừ, nếu nghĩ vậy thì câu nói trên có vẻ đúng: "Ai có nhu cầu tình dục cao dễ thành ác quỷ, ai có nhu cầu tình dục thấp dễ thành thánh nhân".
Vậy hóa ra càng nghiêm túc trong tình dục, càng cân bằng được nó thì càng tốt, thay vì cổ xúy cho sự phát triển của nó. Trước giờ tôi nghĩ ngược lại. Giờ lại nghĩ khác đi. Cái tôi cho là đúng trước kia giờ thành sai, còn cái cho là sai lại thấy đúng. Quả thực nói chuyện với người già thật xoắn não.
---
Sau những câu chuyện với bác, tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình khá nhiều. Ngay cả những thứ mà ông anh ngày trước nói với tôi cũng không rõ ràng như thế. Nó chỉ là 1 mặt của xã hội thôi, còn bây giờ tiếp xúc với bác tôi mới được biết tới mặt còn lại. Nó có thể khác đi nhiều, nhưng bù lại nó cũng cho tôi thấy thế hệ của tôi đang nghĩ thế nào, còn người đã trải qua họ nghĩ ra sao. Tôi không cho rằng mọi điều ông bác nói đều đúng. Nó chỉ là 1 lời chỉ dẫn cho tôi mà thôi. Dẫu sao nó cũng rất cần thiết để tôi bước chậm hơn, cẩn thận hơn. Bác dành cho tôi 1 lời khuyên:
- Cháu nên tập nhìn mọi thứ cẩn thận hơn, nhìn sâu hơn. Đừng chỉ nhìn lướt qua vẻ bề ngoài. Hãy thử nhìn mọi thứ với 1 ánh mắt khác, góc nhìn khác, và luôn nghi ngờ chúng. Những thứ cháu nhìn thấy, cháu đọc được, cháu trải qua, hãy đừng vội vàng bỏ qua. Hãy giữ nó ở trong đầu cháu, suy nghĩ kỹ hơn về nó, tìm nguyên nhân của nó, bản chất của nó, hay kết nối nó với những gì cháu biết. Lúc đó có thể cháu sẽ suy nghĩ và cảm nhận cuộc sống khác đi nhiều đó.
(to be continued)
---
Hết phần 13.
---
Hết phần 13.
26/01/2021
Đọc thêm:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất