Phần trước:

Cơ hội


Dù những câu chuyện với người bạn già giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc thay đổi góc nhìn về xã hội, nhưng đối với tôi nó lại mang tính "lý thuyết" khá nhiều. Tôi vốn là người nặng về tính lý thuyết, nhưng ở thời điểm này tôi thấy mình đã tiếp thu đủ lý thuyết rồi, tôi muốn thực sự hành động, trải nghiệm để kiểm chứng mớ lý thuyết ấy. Nếu những trải nghiệm của tôi chứng tỏ lý thuyết đúng thì tôi mới tin, còn nếu chưa được trải nghiệm thì lý thuyết đó chỉ như 1 dấu hỏi trong tâm trí tôi mà thôi.
Tôi vừa tiếp tục công việc đang làm là vừa học vừa làm trên Excel (tôi có tự học thêm cả lập trình VBA trên Excel), nhưng cũng vừa tìm kiếm, nghe ngóng xem có cơ hội nào khác không. Mục tiêu của tôi lúc này là tìm một công việc có thu nhập khá hơn, ổn định hơn, bởi tôi cũng đã qua tuổi 27 rồi, không thể lông bông mãi được. Áp lực về kiếm tiền vẫn là áp lực lớn nhất, nóng nhất mà tôi cần phải giải quyết lúc này.
Chị gái tôi làm dịch vụ vệ sinh (dọn dẹp văn phòng, nhà ở) cho người nước ngoài, cụ thể là những người Hàn Quốc. Một ngày nọ chị tôi hỏi tôi: 
- Chỗ chị đang làm đang muốn tìm 1 người làm quản lý văn phòng (tương đương vị trí Admin), cậu có muốn làm ở đó không?
Tôi hỏi lại:
- Làm ở công ty của người Hàn à? Nhưng em có biết tiếng Hàn đâu.
Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe thấy cơ hội này là 1 sự phòng vệ. Tôi không hiểu sao mình lại quan tâm ngay tới việc "phải biết tiếng Hàn mới vào làm công ty của người Hàn Quốc", có lẽ đó là 1 phản ứng bình thường, nhưng nó đang đi ngược với mục tiêu của tôi: đó là tìm cơ hội.
- Chị mày cũng có biết tiếng Hàn đâu, nhưng vẫn làm việc được với người ta đấy thôi. Khối đứa muốn làm việc này đấy. Mày cứ suy nghĩ xem. Nếu muốn làm thì tao giới thiệu cho.
Tôi khá đắn đo trước lời đề nghị này. Xét về kiến thức và khả năng thì tôi có thể làm được, nhưng ngoại ngữ quả thật là vấn đề lớn. Theo tôi được biết thì các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc họ đều không sử dụng nhiều tiếng anh mà dùng ngôn ngữ của chính họ. Thậm chí tiếng anh tôi cũng không tốt. Có thể nói nếu họ bắt buộc phải biết tiếng Hàn thì tôi sẽ bị loại ngay. Nhưng một cơ hội tốt như vậy chẳng nhẽ lại bỏ qua? Chưa thử sao biết có được hay không. Tôi nhủ thầm và quyết tâm thử sức với cơ hội này.
Tôi chuẩn bị một bộ CV bằng tiếng anh, đồng thời tôi dùng google dịch để dịch từ tiếng anh sang tiếng Hàn. Trong quá trình dịch CV tôi nhận ra một thứ khá hay ho, đó là khả năng dùng máy tính và Excel của mình hoàn toàn có thể được hỗ trợ tốt với Google dịch. Nó sẽ giúp tôi đỡ lo lắng về việc không biết tiếng Hàn. Ít ra tôi cũng có 1 phương án dự phòng.
Hôm ấy tôi đến sớm, ăn mặc chỉnh tề vì nghĩ người nước ngoài, đặc biệt là người Hàn, Nhật họ rất đề cao chuyện đúng giờ và nghiêm túc trong công việc. Người phỏng vấn tôi là giám đốc công ty, thường gọi là Mr Kim. Quả đúng như tôi dự trù tình huống xấu: Mr Kim không nói tiếng anh, ông nói toàn bằng tiếng Hàn. Còn tôi thì cố gắng giới thiệu mình bằng tiếng anh. Thấy vậy ông cũng thử nói lại bằng tiếng anh. Có điều dù cùng nói tiếng anh nhưng cả Mr Kim và tôi chẳng hiểu đối phương nói gì. Nếu đánh giá tiếng anh của tôi tệ thì của Mr Kim cũng tệ không kém. "Phen này toi rồi" - tôi nhủ thầm.
Khi Mr Kim cầm CV của tôi lên xem, ông khá ngạc nhiên và hỏi tôi, đại ý là tại sao lại làm được CV bằng tiếng Hàn mà bảo không biết tiếng Hàn? Tôi trả lời thành thật: tôi dùng google dịch, và tôi mô tả lại cách làm của mình.
Ngoài ra tôi còn nói thêm việc tôi có khả năng báo cáo công việc bằng tiếng Hàn theo cách này, đó là khi làm việc tôi sẽ dùng tiếng việt để ghi chép, trình bày, sau đó sử dụng khả năng Excel của mình dịch tự động kết quả báo cáo sang tiếng Hàn. Đây là một kỹ thuật mà tôi đã thử ở nhà và thành công (sử dụng hàm Excel và VBA để chỉ cần bấm 1 nút sẽ tự động chuyển từ tiếng việt sang tiếng Hàn, hoặc tiếng Anh tùy theo ngôn ngữ tôi chọn - khá giống với các website có chức năng chuyển ngữ, đều thông qua 1 thư viện chuyển ngữ ẩn bên trong, còn bề mặt sẽ hiển thị theo ngôn ngữ được chọn). Điều ấy khiến Mr Kim khá bất ngờ. Cộng thêm việc ông rất tin tưởng vào chị gái tôi và đang cần gấp người quản lý văn phòng, vậy nên tôi được nhận. Với ứng biến và một chút sáng tạo, tôi đã khắc phục được nhược điểm ngôn ngữ của mình, cứu được bàn thua trông thấy.
Mr Kim ra điều kiện tôi phải học tiếng Hàn, và tới kỳ thi Topik gần nhất (khoảng gần 6 tháng) phải đạt được chứng chỉ Topik 1, nếu không sẽ cho nghỉ việc. Bù lại ông sẽ tạo điều kiện là công ty sẽ trả học phí nếu tôi đạt chứng chỉ. Tôi vui vẻ chấp nhận yêu cầu này.
Làm việc với Mr Kim tôi học được rất nhiều điều thú vị về văn hóa, con người Hàn Quốc. Điều tôi đặc biệt chú ý đó là tác phong làm việc của ông cực kỳ cẩn thận. Ông rất quan tâm tới vấn đề vệ sinh trong văn phòng và sắp xếp đồ dùng ngăn nắp. Mỗi khi chuẩn bị trang bị đi công tác ông thường kiểm tra rất kỹ và sắp xếp một cách gọn gàng. Mỗi khi muốn tôi làm việc gì ông thường mô tả rất kỹ và hỏi tôi đã thực sự hiểu chưa (do bất đồng ngôn ngữ nên cũng thật khó để tôi hiểu được 100% ý của ông). Ông còn bày cho tôi 1 cách: đó là đừng dịch trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Hàn qua Google dịch, bởi nó chỉ đạt hiệu quả 40-50% thôi. Cách hay hơn là dịch từ tiếng việt sang tiếng Anh trước, sau đó dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hàn thì tỷ lệ chính xác sẽ cao hơn. Chính điều này khiến tôi chú ý hơn tới tiếng Anh. Ngoài vai trò là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế, nó còn làm cầu nối tới các ngôn ngữ khác tốt hơn. 
Mr Kim cũng rất yêu thích việc chăm sóc cây cảnh. Trước đây tôi vốn nghĩ việc chăm sóc mấy cái cây cảnh trong văn phòng là việc không cần thiết, rằng nó chẳng có lợi ích gì, chỉ là sở thích cá nhân thôi. Nhưng Mr Kim có dạy tôi rằng: Khi làm việc nhiều bên máy tính sẽ dễ bị mỏi mắt và căng thẳng, khi đó nhìn vào cây xanh sẽ giúp mắt điều tiết tốt hơn, đỡ mỏi, đỡ căng thẳng. Hoạt động chăm sóc cây cũng giúp mình vận động, thư giãn thay vì ngồi làm việc liên tục. Ngoài ra nó cũng rèn cho mình tính cẩn thận và sống tình cảm hơn, bắt đầu từ những điều nhỏ bé quanh mình. Giữ cho cây xanh tốt cũng là giữ cho mình một tâm hồn thư thái và tình cảm. Bởi thế mà bây giờ tôi rất thích cây cảnh.
Mr Kim rất quý nhân viên của mình. Và công ty tôi lúc đó có khá nhiều người quê ở Thanh Hóa. Mr Kim cũng biết việc người Việt thường có cái nhìn không tốt với người dân xứ Thanh, thậm chí cả ở Hàn Quốc người ta cũng có cái nhìn này, nhưng với ông thì khác. Ông lại cho rằng họ làm việc nhiệt tình, năng suất cao, lại khỏe mạnh và dễ bảo. Về điều này thì tôi không có ý kiến gì với ông. Tuy nhiên tôi nhận thấy việc không tin tưởng (hay nghĩ xấu) về người khác tạo cho chính bản thân một sự bất lợi. Ông sống chân thành với họ, và họ cũng chân thành với ông. Chẳng biết những người khác thế nào, chứ những nhân viên trong công ty tôi đều chứng tỏ điều ấy. Nếu bản thân ông có ánh nhìn đề phòng, thì họ cũng dễ dàng nhận ra điều đó và đáp trả tương tự thôi. Có chăng sự cẩn thận, kỹ tính của ông đã là một biện pháp phòng vệ tự nhiên và không gây khó chịu ở người khác? Tôi có thể cảm nhận được điều đó.
Mr Kim cũng đề cao năng lực Excel của tôi. Ông thường bảo chưa gặp ai dùng Excel tốt như vậy. Tôi thì nghĩ do chuyên môn của ông không phải là cái này, chứ tôi cũng đâu có gì đặc biệt. Tuy nhiên ông vẫn yêu cầu tôi dạy lại kiến thức về Excel cho nhân viên trong công ty, trong đó cả ông cũng học nữa.
...
Có công việc mới với thu nhập tốt, môi trường tốt và có cơ hội phát triển bản thân nên tôi nhanh chóng vượt qua vấn đề kiếm tiền một cách dễ dàng. Tôi không còn phải lo lắng về thu nhập nữa mà tập trung hoàn thành công việc và phát triển thêm kiến thức về tiếng Hàn và Excel. Cuối năm ấy tôi lấy vợ. Ai cũng mừng cho tôi khi mọi chuyện đều thuận lợi tới không ngờ. Trên chặng đường ấy Mr Kim là người đã giúp đỡ và hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi biết ơn ông vô cùng.
Sau 1 năm thì vợ chồng tôi đón cô con gái đầu lòng. Đồng thời cuối năm ấy tôi nhận được một lời đề nghị, một "cơ hội" khác. Đó có lẽ là quyết định lớn nhất thay đổi cuộc đời tôi. Tôi sẽ kể về điều này trong phần tiếp theo.
Tôi nhận thấy cơ hội là thứ mà ai cũng có. Nó đến bất ngờ khi mà ta chẳng hề chuẩn bị hay có dự định sẵn về nó. Nắm được cơ hội không có nghĩa là thành công. Nó tùy thuộc vào cách ta hành động tiếp như thế nào. Cơ hội chỉ đơn giản là 1 ngã rẽ, có thể dẫn tới thành công, cũng có thể dẫn tới vực thẳm. Nếu bỏ qua cơ hội, thứ mà ta mất đi có lẽ chỉ là một lần được tự quyết. Còn nắm lấy cơ hội, thứ mà ta mất đi có thể là toàn bộ những cố gắng từ trước tới giờ. Vậy nên để có thể đứng được trên đôi chân của chính mình, ta cần học cách ra quyết định và dám chấp nhận khi lựa chọn một điều gì đó cho cuộc đời mình.
(to be continue)
---
Hết phần 14
05/02/2021
Đọc tiếp: