Cả đời vỡ lẽ
Một câu chuyện thực, viết 1 mạch, trong 1 đêm mưa chạy deadline 180821.
Nếu bạn được dạy một thứ, bạn làm nó, thì gọi là thực hành. Còn nếu mình làm nó, vận dụng nó mà không thật sự biết về nó trước đó thì có gọi là thực hành không? Mình mong là có, để mình vừa đủ tiêu chuẩn viết tiếp. Mình sẽ viết về câu nói của Socrates “Tôi biết một điều duy nhất là tôi không biết gì”. Câu nói mãi sau này khi tìm hiểu sơ sơ về Triết học, mình mới biết về nguồn gốc, có từ tác phẩm Biện Hộ mà trong đó, Plato kể lại câu chuyện về Socrates tại thành Delphi. Nôm na Socrates được vị đồng cô ở đền cho là người thông thái nhất, trong khi ông tự nhận mình là người vô minh, vô tri. Để chứng minh điều đồng cô nói về ông là sai, ông đi khắp chốn tìm người tài hơn mình. Và ông nhận ra rằng, nhân gian đầy rẫy những kẻ tự nhận mình tri thức nhưng kì thực trống rỗng, và vì ông khẳng định sự dốt nát, vô tri của mình, ông tự trở thành người khôn ngoan hơn so với nhân loại ngoài kia. Cái nghịch lý Socrates này chắc vì thâm thúy quá, hoặc mình lớn chậm quá (xác suất cao), nên mãi khi gần ba mươi tuổi, mình mới được tiếp nhận. Đó là Socrates ở thành Delphi, giờ thì mình sẽ kể về mình ở thành bôn ba nhé.
Vỡ lẽ lần một
Cái cách đào tạo ở trường suốt những năm phổ thông làm mình cũng nghĩ mình “ngon” lắm. Mình hay được nhất lớp, nhất khối, thi Đại học đầu vào cũng gần bằng thủ khoa. Nhưng “xui” là tính mình không phải vì vậy mà nghênh ngang, ngược lại mình chan hòa và sôi nổi với mọi người. Dùng từ xui vì nếu may mắn hơn, mình lỡ khoe khoang, khoác lác thì chắc mình đã bị dập cho tơi tả để nhận ra những bài học sớm hơn. Đằng này, cái quá trình nó tới quá từ từ, mãi khi chân mình chạm đất ... Tokyo!
Đặt cái tấm vé 1 chiều tới Nhật, mình đã ấp ủ về cái tính từ miêu tả cho hành trình này sẽ là mơn mởn, và rồi mình sớm vỡ mộng vì nó quá tơi tả. Trong những cái ngày tháng Tư khi trời Nhật còn se lạnh, mình nắn nót từng con chữ Hiragana để điền vào cái đơn xin việc lấy tại ga Ikebukuro. Nhủ là chỉ cần bước vào tầm 3 cái nhà hàng thôi, mình sẽ được nhận việc. À, mình không có đang xin vào làm quản lý đâu, mình xin làm tạp vụ nhé. Chắc do xác suất thống kê hồi đó không thích thầy (hoặc ngược lại), nên mình tiên liệu không đúng, thiếu mất số 0. Mình ra vô tổng cộng tầm 30 cái nhà hàng, với tập hồ sơ gồm: bằng cử nhân Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương, Ielts 7.5, bằng Nhật ngữ JLPT N3 (cày 15 tiếng một ngày trong 6 tháng trước khi bay), bằng khen giải nhất hùng biện tiếng Anh thành phố, và vô số các giấy tờ từ phường, Hội đoàn về các hoạt động tình nguyện, ngoại khóa,... Cái sấp hồ sơ toàn giấy tờ quý, mình nâng niu không cho mưa gió nào vô được, hệt như cách mình nâng niu cái tôi và sự hiểu biết của mình ở cái tuổi 22. Cứ đêm về kiểm tra mail, không thấy nhà hàng nào hồi âm, là mình lại ngồi nắn nót các bức xin việc cho các nhà hàng tiếp theo. Đó là những đêm đáng sợ nhất, khi mình lạc lõng và hoang mang đối diện với cái tôi mà bây giờ chỉ còn là một thứ không-còn-đủ-giá-trị-để-gọi-tên, vì nó đã bị huyễn hoặc và nuông chiều quá lâu, để phải chấp nhận một suy nghĩ rằng: mình thậm chí không đủ ưu để làm một tạp vụ!
Cuối cùng cũng nhận được một chân bếp ở cái nhà hàng thứ 38 mà mình phải đi thêm 2 ga nữa mới tới. Chỉ được làm bếp thôi, vì không đủ trình để làm thu ngân! Lại là một cái vỡ lẽ nữa trong cái tháng thứ 2 ở Tokyo. Quay lại chuyện bếp, là cái nơi mà mình thấm từng chữ trong “Tôi không biết gì”. Đồ sống, đồ chín nhiệt độ bảo quản khác nhau như nào, để salmonella không tấn công (phải được chỉ bảo mới biết salmonella không phải là 1 loại cá hồi, do giỏi tiếng Anh quá nên thấy chữ “salmon” là đinh ninh mình biết tuốt); cách sắp xếp lá tía tô lên gà sống như nào cho gà thì tươi, lá thì đẹp; rượu sake thì rót vào ly nào, khi ướp lạnh, uống nóng thì ngon, dở ra sao; bào daikon (củ cải trắng) thì cắt khúc nào là ngọt nhất (đáp án: khúc giữa); cầm dao luồng vào cánh tay khi di chuyển như nào để không gây hại cho bếp (thời gian đầu, quen thói cứ xách con dao xăm xăm y như samurai, rất may không có thương vong!). Kể ra thì chắc cả một trời kiến thức vỡ òa, một đống cái hay ho của người bản địa, và cả những cái “À thì ra” thầm lặng, xấu hổ cho muôn vàn cái mình không biết. Vì mình trước đó ở nhà trường, chỉ ngồi mộng tưởng về một tương lai mình sẽ làm sếp, chứ đâu có hình dung cái ngày mình sẽ làm ... bếp! Đến lúc chà toilet là cái công việc dễ nhất rồi (lúc đó mình nghĩ vậy, bây giờ hết), thì vẫn bị la vì chọn nhầm nước tẩy (ôi tiếng Nhật phức tạp lắm, đến cái nhãn hướng dẫn!). Cũng may nhờ làm bếp mà có cơ hội gỡ lại cái tiếng Nhật lõm bõm lúc đó, do đứng sau cánh gà nên có cơ hội tám chuyện với các bạn bếp khác, trình tiếng lên hẳn, để rồi tháng 12 năm đó, mình lấy được N2. Các bạn làm bếp chung đa phần chỉ học tới cấp 2, hoặc cấp 3 rồi thi senmon (các trường nghề). Nếu là mình của một năm trước, thì bạn bè mình toàn thứ dữ, vì như vậy mới “đồng cấp” với mình (lại là một cái suy nghĩ ngu dốt); thì lúc này đây, những người dạy cho mình nhiều nhất, khiến mình phải ganh tị với kiến thức về bếp, về văn hóa, địa lý, về lối sống nhiều nhất lại là các bạn thời gian đi học chỉ có phân nửa mình và bằng khen (nếu có) chắc chỉ tính được theo gram (của mình tính những ký). Muốn chốt ở cái đoạn này là sự hân hoan cái thời khắc mình thừa nhận mình dốt, dốt thật chứ không phải kiểu nhận dốt giả bộ khiêm tốn khi được khen lúc còn ở Việt Nam đâu. Vì ở đây, ai mà đi khen một cái đứa vừa không có tiếng Nhật, vừa còn chả biết cầm dao!
Quãng thời gian ở Nhật sau đó dù vẫn luôn có khó khăn và áp lực, và còn thêm nữa những cái lần dốt không có chỗ trốn, mình nhận thấy mình lớn lên và đôi mắt mình to hơn rất nhiều (nghĩa bóng). Mình tìm được công việc chính thức tại một công ty viễn thông, có tiền nhiều hơn, có địa vị chút chút và không phải chà toilet nữa (nếu có, cũng sẽ không còn nhầm nhãn nước tẩy). Ba năm ở Nhật cũng tích góp được một ít, mình nộp đơn xin học Thạc Sĩ ở Anh, mình chọn Luân Đôn luôn cho máu. Tokyo mình còn sống được, huống hồ gì! Mình tự nhủ. Vả lại, giờ mình “biết điều” hơn rồi, đời sẽ dễ thở hơn. Nghĩ vậy và bay về Việt Nam đóng cái visa, mình bay một chuyến tới Anh trong một ngày chớm đông tháng 10.
Vỡ lẽ lần hai
2 tháng đầu ở ký túc xá, 2 cái việc mình làm mỗi ngày đó là:
1. Xem giá của các trang viết luận hộ
2. Xem giá của các hãng máy bay giá rẻ đề về lại Việt Nam
vì mình ... bứt! Mình muốn đào tẩu về Việt Nam, không tiếp tục cái hành trình này nữa. Cái sốc quãng thời gian đầu ở Anh tồi tệ hơn lúc ở Nhật. Mình sốc vì mình nghĩ dù mình dốt trong phương diện nào đi chăng nữa, mình cũng sẽ không dốt trong sự học. Lớp phó học tập 12 năm không lẽ dốt? Hai ngoại ngữ không lẽ dốt? Biết bao nhiêu kiến thức có thêm lúc ở Nhật, không lẽ dốt? Vô được cái trường nằm trong top 10 thế giới như hiện tại không lẽ do ăn may? Cứ ngỡ mình biết là mình không đủ giỏi rồi, để không sốc, nhưng nếu vẫn còn sốc, chắc chắn vẫn còn đâu đó trong tiềm thức cái suy nghĩ là mình giỏi. Buổi học đầu tiên, thầy giáo nói giọng Anh (mình học giọng Mỹ) mà mình chỉ nghe được tầm 60% những lúc thầy không pha trò (lúc thầy pha trò, ví von tấu hài, mình thật sự điếc! Tai nghe tiếng cười xung quanh, mà miệng thì méo xệch vì cái sự xấu hổ nó đã như luồng điện quấn lấy người). Đó là khoảnh khắc giết chết mình đầu tiên. Vì đến cái tự tin nhất là cái ngoại ngữ - nhờ nó mình có chút “fame” tại sân nhà cách đây một năm, giờ còn như một trò hề với mình giữa cái giảng đường này, thì còn 364 ngày tiếp theo, mình sẽ bám vào cái gì để không bị bóp nát? Rồi tới lúc học bộ môn Tâm lý học – cái bộ môn sang trọng mà mình cũng nghĩ mình sẽ thích, tại mình khoái mấy cái MBTI quá mà (tối hôm trước bữa học còn làm lại cái trắc nghiệm, chụp màn hình và ghi chú lại cái kết quả của mình để mai ung dung huyên thuyên). Như biết có một con nhỏ người Việt đang ấp ủ cơ hội được bung lụa nơi góc phòng, thầy giáo liền mở màn bằng một cái tên, không phải là MBTI, mà là “bit fine”. Cái gì? “Bit fine” = “hơi khỏe”? Thầy lộn chăng? Tâm lý học mà tên kém sang vậy? Mình phải ghi cái chữ “hơi khỏe” đó lên vở rồi cứ thế suốt buổi học nghe thầy huyên thuyên (thay vì cái kịch bản là mình). Tụi bạn to cao xung quanh sôi nổi trao đổi, phản biện. Còn mình thì cứ mãi cố gắng cắt nghĩa hai cái chữ này. Tối về, tra ra mới biết, cái “hơi khỏe” đó nó là “Big Five”, một cái mô hình tính cách được đánh giá cao nhất trong tâm lý học hiện nay. Còn cái MBTI mà mình may-là-đã-không-huyên-thuyên chỉ được coi là ngụy khoa học!
Mình thật sự đã xếp sẵn va-li về lại, suy nghĩ cái khoảnh khắc được trốn cái cảnh mỗi ngày là một sự ngu dốt này làm mình sướng rơn. May (hay xui?) cái giá máy bay về lại Việt Nam lúc đó cao quá, mà các dịch vụ viết hộ luận cũng cao gần bằng vé máy bay, nên mình bị kẹt ở đó tận .... một năm! À, thật ra mình đã chọn ở lại để hoàn thành cái thạc sỹ nước mắt này (mình đặt tên nó trong nhật ký là “Bloody Master”). Mình đã nhận ra việc mình muốn trốn chạy cái thành phố này là do mình vẫn còn nghĩ việc dốt và thừa nhận mình dốt là một điều đáng xấu hổ, khi mọi người nhìn vào mình, và nhất là khi mình tự nhìn chính mình. Cái sự dốt nó còn yếu hơn điểm yếu, nên mình thà né tránh nó còn hơn chờ nó khai tử mình. Nhưng sau những đêm trằn trọc giữa ở và về, đi tiếp hay dừng lại, mình tự nhận ra cái dốt là một điều hiển nhiên và một sự may mắn. Đó là động lực khiến mình tiếp tục khám phá, tìm tòi và mình lì đòn hơn bao giờ hết. Một năm trời ở Anh, mình đọc sách gấp ba lần suốt quãng đời (lãng phí) của mình trước đó. Mình đọc ngấu nghiến, đọc để khai sáng cái não đã quen đọc sách giáo khoa, đọc để phát hiện mình đã cưỡi ngựa xem hoa suốt hơn 1/3 cuộc đời. Đọc để biết qua trang sách, biết bao bậc thánh nhân đã luôn khiêm nhường như nào, dù họ có được người đời coi trọng và tôn sùng đến đâu. Họ xem bản thân như hư vô, còn mình đang thật sự là hư vô thì lại muốn loẹt lòe. Mình cuối cùng rồi cũng như cây cỏ, con chó, con mèo, sinh ra chỉ là một cái mảnh ghép li ti trong cái vũ trụ vô bề này mà thôi.
Mình không tính viết dài, vì mình biết về cuộc thi cũng ngay cái gần ngày cuối, mà mình cũng không nghĩ mình đủ tầm để viết về triết học. Nhưng rốt cuộc thì như thế nào mới là biết đủ, và rồi thì mình thực sự biết điều gì, và không biết điều gì? Mình muốn được lặp lại câu nói của Socrates “Tôi biết một điều duy nhất là tôi không biết gì”, để chốt cho đoạn kể vụn của mình. Mình vẫn luôn thực hành câu nói này, để tự nhắc bản thân cho dù mình có là ai, trở thành gì, có đọc cả ngàn quyển sách, có đi tới tận Mặt trời, thì mình cũng chỉ đơn giản là đang dung nạp thêm một ít vốn sống, một ít kiến thức để lấy đó làm hành trang chống sốc cho cái hố đen kiến thức ngoài kia thôi. Và vì còn một chặng đường vượt qua cái dốt quá dài nên sẽ có chông gai, nhưng cũng sẽ đầy những thú vị. Mình chúc các bạn và cả bản thân luôn sức khỏe để tận hưởng đoạn đường dài-mà-vui này nhé.
#Spiderum #THTH

Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất