Có những thứ tưởng chừng như là tất cả ở thời điểm này, nhưng lại trở thành thứ yếu ở thời điểm khác.  
Hồi còn bé, chúng ta khao khát được phiếu bé ngoan, được mua đồ chơi,...Nếu như không có được, bạn sẽ rất buồn như kiểu cả thế giới sụp đổ.
Thế nhưng mãi sau này bạn mới hiểu rằng mình có thể mua được 100 tờ phiếu bé ngoan đó, có thể tự mua đồ chơi bằng tiền tiết kiệm :D
Vậy thì, việc trượt ĐH, có quá to tát?

BẠN XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC NGHỈ NGƠI 

Tiếng trống hết giờ làm bài thi tốt nghiệp môn Sử vang lên, một cơn mưa rào ập đến, đã đánh dấu sự kết thúc 12 năm đèn sách của mình. Hồi đó, mình có chút gì đó vấn vương, có chút gì đó nhẹ lòng, cũng có chút gì đó hy vọng.
Mình không rõ có làm được bài qua điểm liệt hay không, cũng chẳng rõ sẽ đỗ đại học gì. Nhưng mình đã thấy rất vui cho hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của mình. Gạt qua những suy nghĩ tồi tệ về việc không làm được bài như kỳ vọng, mình nghĩ nhiều hơn về tương lai. Mình tự hỏi, rồi sẽ thế nào nhỉ? Kể cả khi đỗ đại học, thì mình sẽ là ai trong thế giới này? 
Ngày hôm nay, khi biết 4 năm tới mình sẽ ở đâu, có người sẽ vui, có người sẽ buồn.
Dù là như nào thì cũng cứ thoải mái thể hiện cảm xúc nhé. Bạn có thể khóc, có thể chửi thề. Bạn có thể ăn mừng, có thể vui sướng, thưởng cho mình những ngày tháng vui chơi. 
Nhưng bạn không thể sống mãi trong tình cảnh như thế được. 
Thời gian vẫn cứ trôi, bạn vẫn cứ lớn lên, xã hội thì vận động không ngừng, chẳng lẽ khao khát của bạn vẫn chỉ ở đó? 
Có thể các bạn bị nhồi vào đầu mình rằng: Không đỗ được đại học này thì coi như một thất bại thảm họa, là cái gì đó bị ghim vào để người ta phán xét, đay nghiến.
Cũng có thể các bạn bị nhồi vào đầu mình rằng: Học đại A thì gần như sẽ có việc làm hoặc học đại học B thì có nước thất nghiệp mà thôi.
Nếu vậy thì đâu cần 4-5 năm mài giũa ở giảng đường? Hay có trường đại học nào dám tự tin đảm bảo đầu ra cho các bạn?

SUY NGHĨ QUYẾT ĐỊNH 50% CUỘC CHƠI

Giờ đây, khi bước vào một trang mới, bạn đã chuẩn bị cho mình những gì?
Có lẽ, thứ quan trọng nhất không phải là kiến thức. Bởi kiến thức dễ thay đổi theo thời gian. Điều tồn tại lâu nhất chính là tư duy hay còn gọi là suy nghĩ.
Nếu bạn nghĩ không làm được thì bạn sẽ không hành động, đương nhiên kết quả là KHÔNG
Nếu bạn nghĩ có thể làm được thì bạn sẽ hành động, đương nhiên kết quả là KHÔNG hoặc CÓ.
Nhưng cái KHÔNG của kết quả được hình thành bởi một quá trình thực hiện. Vì thế, bạn có thể xem lại quá trình đó đang gặp vấn đề gì để sửa đổi và thực hiện lại một lần nữa.
Chắc các bạn nghe điều này rất nhiều lần và cũng thấy thật trừu tượng đúng không?
Ôi nhưng cuộc đời mà nắm bắt được mọi thứ, cái gì cũng rõ ràng thì còn gì vui nữa?
Phải có đau thì mới biết đâu là không đau?
Phải có buồn thì mới biết thế nào là vui?
Phải có thất bại thì mới biết thế nào là thành công?
Những thuật ngữ trừu tượng này đều không có quy chuẩn đúng sai mà do cảm nhận mỗi người. 
Vậy thì việc nghĩ như thế nào là việc của bạn đó. :D

BÀI KIỂM TRA CHỈ THỂ HIỆN KHẢ NĂNG LÀM BÀI TẠI THỜI ĐIỂM ĐÓ

Có rất nhiều yếu tố để quyết định khi làm một bài kiểm tra. Ví dụ như sức khỏe thể chất, tinh thần, thời tiết, không gian, các vật dụng làm bài, kiến thức và khả năng giải quyết vấn đề của bạn. 
Nếu vậy, thật tội khi chúng ta lại đi trách bản thân mình vì đã làm không tốt?
Đúng là kết quả là thứ người ta nhìn vào, nhưng quá trình là thứ bạn nhìn vào. Vậy bạn sống vì người ta hay vì mình?
Mình từng đứng top đầu trong rất nhiều lần thi loại đội tuyển, cũng từng đứng cuối bảng. Cuối cùng, mình vẫn trượt đội tuyển quốc gia. Nhưng mình đã đỗ NV1 đại học. Rồi sau đó mình cũng trượt không ít cuộc thi ở đại học, cũng từng bị điểm C. 
Hồi mình còn học phổ thông, mỗi lần điểm thấp, mình buồn chán kinh khủng, và cứ thế, để mình chìm vào tiêu cực và mất niềm tin ở chính mình.
Và thực sự, điều đó chẳng giải quyết được gì. 
Nếu trượt NV1, hãy suy nghĩ thi lại đại học. Chậm một năm còn hơn lỡ cả đời.
Nếu trượt NV1, hãy cân nhắc vào trường rank thấp hơn và bổ sung thiếu sót mà trường không thể cung cấp.
….
Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ tiên tiến, không thiếu cách để học tập, chỉ là cách đó khác người ta một chút, sẽ khó khăn hơn một chút.
Một chiến binh thực thụ thì chẳng bao giờ sợ khó, sợ khổ cả đúng không nào?
Cuối cùng, cũng giống như bao cột mốc trong cuộc đời, như sinh ra, chết đi, chuyển cấp học, kết hôn, sinh con, về hưu, học đại học cũng chỉ là một cột mốc. Mà cột mốc thì mỗi người khác nhau, không có quy chuẩn nào là tuyệt đối.
Bạn có thể đi học muộn hơn, có thể tốt nghiệp muộn, có thể kết hôn sớm hoặc muộn hoặc không kết hôn, về hưu sớm cũng có thể về hưu muộn. ĐÚNG VỚI BẠN là được.