Tôi biết, khi tôi viết rằng "không cần phải bỏ tính ích kỷ để thành người tốt", có thể sẽ gặp rất nhiều phản bác vì xưa nay chẳng ai muốn bị người khác nói mình là người ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết quan tâm đến lợi ích của bản thân họ mà không quan tâm tới người khác. Tất cả chúng ta đều muốn nghĩ rằng mình là con người biết đồng cảm và có lòng trắc ẩn, biết tôn trọng cảm xúc của người khác cũng như của bản thân. Cha mẹ, trường học cũng luôn dạy những đứa trẻ phải bỏ tính ích kỷ và trở thành con người vị tha. Tôi không nói rằng điều cha mẹ và trường học dạy là hoàn toàn sai, nhưng trên thực tế, liệu có nhất thiết phải bỏ tính ích kỷ để trở thành người tốt?

Xin hãy nhìn vào 2 chữ "ích kỷ", ích ở đây nằm trong chữ lợi ích, kỷ ở đây có nghĩa là bản thân mình. Ích kỷ có nghĩa là vì lợi ích của bản thân mình, ích kỷ vốn không hề đồng nghĩa với gây hại tới người khác, chỉ khi ích kỷ vì lợi ích của mình mà làm hại người khác mới đáng lên án! 


Trước đây, từ trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam ta, đều lấy cái "ta" làm trọng, cái "tôi" luôn bị xem nhẹ. Tuy nhiên, thời đại đổi thay, cái "tôi" nay quan trọng như thế nào có lẽ tôi chẳng cần giải trình nữa thì chúng ta cũng đều hiểu. Một chút ích kỷ, vì lợi ích của mình hơn, quan tâm tới bản thân mình nhiều hơn chẳng những không hề xấu mà còn mang lại  những hiệu ứng tốt đẹp. Quan tâm tới mình, sẽ hiểu bản thân mình nhiều hơn, cá tính hơn cũng như chăm sóc cho bản thân mình tốt hơn. Nếu là như vậy, tại sao chúng ta lại phải cố gắng triệt tiêu hoàn toàn tính ích kỷ? Hãy thử hỏi thế này, giả sử có 1 người luôn chỉ vì bạn, bất kể bản thân người ấy, chỉ biết chăm sóc người khác nhưng chính bản thân mình lại không chăm sóc nổi trong mọi tình huống thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Vâng, cảm kích thì có cảm kích, vui thì có vui vì có người quan tâm tới mình, nhưng thử hỏi, liệu người đó có khiến bạn phải lo lắng, thậm chí giống như 1 gánh nặng đối với bạn không? Liệu một người luôn là gánh nặng với người xung quanh có phải là người tốt?


Hơn nữa, có bao giờ bạn tự hỏi thế nào là một "người tốt" không, bạn căn cứ vào đâu để định nghĩa một người là "tốt" còn định nghĩa người kia là "không tốt" hay thậm chí mạnh tay hơn nữa là "xấu"? Tất cả những ranh giới trên đời, đều chỉ là tương đối, vậy tại sao bạn lại lấy tiêu chuẩn của mình áp đặt lên một người khác? Tốt ở đây có thể là luôn giúp đỡ bạn bè, hay đơn giản chỉ là không làm hại đến ai cũng đã có thể là tốt. Người ta có thể ích kỷ, chỉ vì lợi ích của họ, không quan tâm tới bạn, nhưng người ta không hề làm gì hại đến ai, thì liệu đó phải được gọi là xấu hay tốt? 


Không thể phủ nhận rằng, có những người tính ích kỷ quá cao, thậm chỉ sẵn sàng hy sinh người khác, không từ thủ đoạn, dẫm đạp lên người khác để đạt được lợi ích, mục đích cho mình. Nhưng "một số" không đồng nghĩa với "tất cả". Xin đừng đánh đồng cả tập đoàn chỉ vì một vài cá thể! 


Ích kỷ vốn là bản chất tự nhiên của con người, tự bản thân nó không quyết định được, mà nó xấu hay tốt là tùy thuộc vào người sở hữu nó hành động như thế nào. Nếu chỉ là một chút ích kỷ, lại làm cho mọi việc tốt đẹp hơn, ngược lại, nếu ích kỷ quá nhiều, mức độ quá cao thì nó trở thành xấu. Ích kỷ cũng giống như những hạt muối và chúng ta là những người đầu bếp, nếu người đầu bếp cho quá nhiều muối vào thức ăn sẽ khiến thức ăn trở nên mặn chát, khó nuốt nhưng nếu vừa phải thì lại làm cho món ăn vô cùng ngon miệng. Nấu một món ăn ngon, hay nấu một món ăn đắng chát là do người đầu bếp, không phải do những hạt muối, việc chúng ta cần làm là làm sao để điều chỉnh lượng muối cho phù hợp, không phải là loại bỏ hẳn muối ra khỏi danh sách nguyên liệu! Cũng giống như vậy, chúng ta không cần thiết phải loại bỏ, triệt tiêu hoàn toàn tính ích kỷ mới có thể trở thành một người tốt, việc chúng ta cần làm là học cách điều chỉnh, tiết chế để mức độ ích kỷ trong chúng ta ở mức vừa phải!