[CTQ2] Chúng ta là ... lục uẩn?
Phật giáo dạy rằng con người là một hợp thể tạm thời được cấu thành từ ngũ uẩn, tức năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Ngã...
Phật giáo dạy rằng con người là một hợp thể tạm thời được cấu thành từ ngũ uẩn, tức năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Ngã – tức là “ta” – không thật sự tồn tại, chỉ là một ảo ảnh được tạo nên bởi nă uẩn đó. Từ cái nhìn ấy, Phật giáo khuyên con người buông bỏ chấp ngã, để có thể sống tỉnh thức và an lạc hơn.Tôi thấy rằng cái nhìn này là đúng, nhưng chưa đủ. Tôi tin rằng ngã, hay “ta”, có tồn tại – nhưng chỉ khi có thêm một “uẩn” nữa, kết hợp cùng năm uẩn kia tạo thành “lục uẩn”.
Từ đó, cái “ta” mới thực sự hiện hữu. Tại sao lại vậy? Trước hết, hãy cùng tìm hiểu sơ qua về năm uẩn trên.
1. SẮC UẨN
Đầu tiên là sắc uẩn. Sắc là vật chất, đại diện cho cơ thể con người. Sắc uẩn chỉ sự vô thường của thân xác, vì thân thể luôn thay đổi và không bền vững. Cái nhìn này trùng khớp với khoa học hiện đại, khi cơ thể được tạo thành từ hàng nghìn tỷ tế bào khác nhau, mỗi tế bào lại là một vật sống, một cỗ máy phức tạp, không ý thức, không trí thông minh, nhưng sống. Khi tách ra khỏi cơ thể ta và để trong môi trường
thích hợp, các tế bào vẫn có thể sống, tồn tại độc lập với ta. Nhưng khi lấy hết tế bào ra khỏi ta, sẽ không còn tồn tại “ta” nữa.
Chưa dừng lại ở đó, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, cơ thể cũng
liên tục thay đổi. Từng tế bào cũng liên tục đột biến dưới tác động của ngoại cảnh, liên tục chết đi và được thay thế bởi một tế bào mới. Nói cách khác, ta liên tục chết đi và một ta mới được sinh ra.
Vậy, ở ranh giới nào, một đống tế bào sẽ trở thành ta, và ta trở thành một đống tế bào? Khi ta hiến ghép một bộ phận của mình cho người khác, liệu “ta” sẽ tiếp tục sống như một phần trên họ, hay phần “ta” sẽ bị cắt đi? Khi ta và một người khác trao đổi các tế bào cho nhau, từng tế bào một, đến thời điểm nào ta sẽ trở thành người đó? Những câu hỏi trên cũng đã được thắc mắc từ rất lâu về trước ở phương Tây xa xôi dưới cái tên nghịch lý con tàu Theseus.
Việc định nghĩa ta là một hình ảnh cố định vốn dĩ là bất khả thi. Thứ ta gọi là bản thân chỉ tồn tại trong khoảnh khắc này, là một lát cắt trong sự tồn tại của một đống các tế bào liên tục thay đổi, liên tục chết đi, liên tục được sinh ra.
2. THỌ UẨN, TƯỞNG UẨN VÀ HÀNH UẨN
Thọ uẩn là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa giác quan và
đối tượng mà sinh ra thọ. Tưởng uẩn là nhóm tri giác có khả năng nhận biết đối tượng là cái gì, là khả năng kinh nghiệm của các giác quan. Hành uẩn là toàn bộ những yếu tố tạo ra hoạt động tinh thần, phản ứng tâm lý và các xung động có khả năng dẫn đến hành động. Nói cách khác, thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn chính là trí thông minh, ý thức và tính cách của ta, cùng nhau tạo nên tâm trí, hay “linh hồn”.
Ý thức là một khái niệm chưa được xác định rõ ràng. Ta đều biết ý thức nghĩa là gì, là những gì ta đang trải nghiệm ngay tại đây, ngay
bây giờ, là cảm giác trải nghiệm thông tin từ các giác quan. Ý thức cho phép ta nhận thức được cả môi trường bên ngoài và trạng thái bên trong chúng ta. Chức năng đầu tiên của ý thức là để cho sinh vật sống có thể di chuyển tới nơi có đồ ăn, hoặc tránh xa thứ có thể làm hại nó. Thông qua tiến hóa, ý thức phát triển thêm các tầng mới, như nhận thức về không gian thông qua các giác quan, rồi đến khả năng ghi nhớ, cảm giác thời gian,… và cuối cùng là ý thức kết luận – thứ con người
đang trải nghiệm, từ đó sinh ra ngôn ngữ, giúp con người giao tiếp và thắc mắc về chính bản thân mình.
Trí thông minh thường bị nhầm lẫn với ý thức nhưng là một khái niệm tách biệt, giúp con người nói riêng và sinh vật sống nói chung giải quyết các vấn đề, đặc biệt là các vấn đề sinh tồn, được biểu hiện thông qua các hành vi như phản xạ cố hữu, bản năng hoặc các cấp độ học hỏi khác nhau. Trí thông minh là tổng hợp của các kỹ năng khác nhau, như thu thập thông tin, ghi nhớ, sáng tạo,... Trí thông minh cho phép con người hợp tác và chia sẻ kiến thức cho nhau. Nhờ trí thông minh mà con người có thể trở thành một phần của xã hội, có thể tác động lên hàng triệu, hàng tỷ con người khác và ngược lại, chịu sự ảnh
hưởng của toàn xã hội, của văn hóa nơi mình sinh ra và lớn lên.
Tính cách hay nhân cách được định nghĩa là một tập hợp các đặc tính của những kiểu mẫu hành vi, nhận thức, và cảm xúc được hình thành
từ các yếu tố sinh học và môi trường. Tính cách được tâm lý học hiện đại chia ra năm đặc điểm tính cách lớn, bao gồm sự cởi mở trước trải nghiệm (openness), sự tận tâm (conscientious), sự hướng ngoại (extraversion), sự dễ chịu (agreeable) và sự nhạy cảm (neuroticism). Tính cách, ý thức và trí thông minh cùng nhau tạo nên “linh hồn” của một người. Thứ “linh hồn” này là phần không gắn với cơ thể vật chất, hoặc ít nhất, nằm trong não bộ, được coi là phần quan trọng hơn so với cơ thể, là cốt lõi quan trọng của chúng ta.
Sự tách biệt giữa cơ thể và “linh hồn” đã có mặt trong suốt lịch sử loài người, đặc biệt là trong các tôn giáo hay các tác phẩm văn học. Trong Dune, các Kwisatz Haderach có khả năng truy cập ký ức duy truyền của tổ tiên, qua đó tiếp nhận trí thông minh và kiến thức của những người đã chết, trở về trong tâm thức của mình. Khi truy cập toàn bộ ký ức của một người nhất định, thậm chí các Kwisatz Haderach có thể hành động như người đó, suy nghĩ như người đó, khiến người đó như hồi sinh trong thân xác của mình. Trong Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ cũng đã làm nổi bật sự tách biệt giữa “linh hồn” và
thể xác như hai thứ riêng biệt, một tâm trí của linh hồn và một của thể xác. Sự mâu thuẫn giữa hai tâm trí trong một con người, thú vị thay, cũng có thể tìm thấy gần như tương tự ở những bệnh nhân bị động kinh được điều trị bằng phương pháp cắt thể chai.
Bộ não của chúng ta bao gồm hai bán cầu: trái và phải. Hai bán cầu cùng nhau làm lên thứ gọi là ta, nửa trái kiểm soát nửa phải cơ thể
và ngược lại. Hai “nửa mình” này kết nối với nhau thông qua một bó sợi thần kinh, nhưng có thể cắt đi. Vậy, chuyện gì xảy ra khi chúng ta cắt nó đi, để cho hai bán cầu hoạt động độc lập?
Những bệnh nhân có hai “nửa não” tưởng chừng vẫn là một con người, lại có những hành vi kỳ lạ. Hai tay có thể mâu thuẫn với nhau trong hành động, như tay trái muốn lấy sách để ôn thi, tay phải phản đối và muốn cầm điện thoại lướt TikTok. Não trái kiểm soát nửa bên phải và não phải kiểm soát nửa bên trái, nhưng chỉ có não trái – nơi chứa trung tâm điều khiển tiếng nói – có thể trò chuyện. Trong tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ, có thể coi như Hồn Trương Ba chính là não trái, và não phải là xác anh hàng thịt. Bình thường, khi vẫn
còn mạng lưới thần kinh kết nối hai bên não, chúng có thể giao tiếp với nhau, nhưng sau khi chia cắt, ta có thể cho não phải đọc một từ gì đó và hỏi người đó ta thấy gì. Họ sẽ trả lời không thấy gì cả, bởi vì não trái thực sự không thấy gì hết, còn não phải – không thể nói – có thể chỉ ra vật được nhắc tới. Ngược lại, khi cho não phải cầm một đồ vật và hỏi họ đang cầm gì, não trái sẽ trả lời rằng nó đang không cầm gì cả. Thậm chí, khi yêu cầu người đó vẽ, họ có thể vẽ hai vật khác nhau cùng một lúc, điều mà một người bình thường khó làm được.
Câu hỏi được đặt ra là khi ta, khi “linh hồn” bị chia thành hai nửa cùng với não, nửa nào mới là ta? Nếu nửa trái – nửa có thể trả lời
là ta, nhưng chỉ có nửa phải mới là nửa có thể nhận dạng khuôn mặt, điều mà nửa trái không làm được. Nếu nửa trái là ta, ta không thể phân biệt được gia đình và người lạ. Ta là Trương Ba không thể nhận ra người thân, hay là anh hàng thịt không thể nói?
3. thức uẩn
Thức uẩn là khả năng rõ biết, phản ánh thế giới hiện thực. Thức nhận biết sự hiện diện của đối tượng giống như tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó. Theo tôi hiểu, thức uẩn là cách con người quan sát thế giới. Theo triết học – tâm lý học hiện đại, con người không quan sát thế giới như một đối tượng khách quan, mà quan sát qua Tháp tầng ý nghĩa (Hierarchy of Perception).
Tháp tầng ý nghĩa có thể hiểu đơn giản là có 3 tầng cơ bản: vật lý, công năng và biểu tượng/giá trị. Lấy ví dụ chiếc ghế. Chiếc ghế là gì? Là vật có 4 chân. Ghế là thứ để ngồi lên. Ghế cũng là nơi mà ông ngoại ngồi đọc truyện cho ta hồi nhỏ. Chiếc ghế được ta quan sát đồng thời tồn tại ở cả 3 thế giới, thay đổi tùy vào hoàn cảnh một cách linh hoạt, biến đổi tùy vào mục tiêu và cảm xúc. Các tầng ý nghĩa cũng thay đổi dựa vào ý thức và trí thông minh của cả người quan sát và xã hội. Nói cách khác, xã hội tác động lên cách ta quan sát và tùy vào mỗi người mà cùng một vật thể, một thế giới có thể có vô số hình dạng.
Chúng ta cũng tự quan sát bản thân dưới vô số các tầng ý nghĩa. Tôn giáo, văn hóa và xã hội có thể gán ý nghĩa cho ta và ta cũng có thể làm điều tương tự. Dù ở trường hợp nào, ta dưới lăng kính của vô số tầng ý nghĩa cũng đã bị bóp méo, trở thành một ảo ảnh, được thêu dệt cho phù hợp với định kiến của người quan sát. Nếu ta không thể được quan sát dưới một cái nhìn khách quan, làm thế nào để biết ta là
gì?
4. "thực uẩn"
Có thực mới vực được đạo.
Điều làm nên một nhà sư không phải là cái duyên dẫn họ tới Phật giáo, mà là một lòng tu tập, là quyết định sống để tu tập và tu tập để đạt tới Niết Bàn. Điều làm nên một tín hữu không phải vì họ được truyền đạo, mà vì họ tin vào lời dạy của Chúa, mà ở việc họ tới nhà thờ, họ cầu nguyện. Một người theo chủ nghĩa khắc kỷ là người rèn luyện bản thân không để ngoại cảnh quyết định cảm xúc và hành động.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức – năm uẩn cùng nhau tạo nên thân thể và tâm trí. Cơ thể thì biến đổi vô thường, tính cách thì có thể phân loại và xếp chung với những người khác. Điều gì khiến ta khác biệt giữa chúng ta, khiến ta là ta chứ không phải là ai khác? Cái ngã chỉ là một ảo ảnh không tồn tại trong ngũ uẩn bởi ta ở đó không tự hành động, không tự lựa chọn cho bản thân.
Tôi tư duy, nên tôi tồn tại? Không, tôi hành động, nên tôi tồn tại. Sống
là thực hành cái đạo làm người của mình, là thực hành cái ta, thì ta mới sống, cái ngã mới tồn tại. Cái uẩn còn thiếu trong ngũ uẩn, tôi tạm gọi là “thực”.
Cái “thực uẩn” hay “lục uẩn” tôi nói cũng chẳng phải phát hiện gì mới,
chủ nghĩa hiện sinh hay nhiều trường phái khác cũng đã nói rõ điều đó dù ít hay nhiều. Tôi nghĩ giá trị của câu hỏi "Chúng ta là gì?" nằm ở việc ta chủ động đi tìm câu trả lời, nằm ở mục đích và quyết tâm đi tìm điều làm tâm hồn ta thỏa mãn. Thứ giúp tôi có thể rời khỏi giường ngày hôm đó không phải là những câu chữ của bất kỳ triết gia nào, mà là việc tôi quyết định tìm lý do để tiếp tục cố gắng. Tôi biết tôi của quá khứ, của hiện tại. Điều quan trọng là tôi tiếp tục đi tìm tôi ở tương lai.
Sau khi tôi đi du học được vài tháng, nhiều chuyện xảy ra khiến tôi mất đi định hướng, mất cả động lực học tập. Nhiều ngày liền, tôi chỉ nằm lì trên giường; trong lúc chán nản tưởng như sắp trầm cảm, triết học là thứ tôi tìm đến để xốc lại tinh thần cho bản thân. Chủ nghĩa Khắc kỷ, Phật giáo, Thiên Chúa giáo… tôi cũng thử đủ thứ — từ thiền định đến cầu nguyện. Tuy không đạt được sự “giác ngộ” mà tôi mong muốn, nhưng ít nhất tôi cũng có thể ra khỏi giường và tiếp tục đi học. Một đêm nhiều tháng sau đó, khi đang miên man suy nghĩ linh tinh trước khi đi ngủ như mọi khi, bỗng dưng tôi tự hỏi bản thân: “Tôi là cái gì?” Và niềm khao khát tìm được câu trả lời khiến tôi thức trắng đêm chỉ để nằm suy nghĩ.
Đến bây giờ, tôi đã nắm được câu trả lời — hoặc ít nhất là tôi nghĩ vậy. Bài viết này, phần ít là để trả lời cho câu hỏi đó; phần nhiều là để tôi viết ra những điều đã giúp tôi có định hướng trở lại, cho tôi sự tự tin để trưởng thành thành con người mà tôi muốn.
Vậy chúng ta là gì? Chúng ta là cơ thể này, dù đang lớn lên hay đang già đi. Chúng ta là tâm trí này, mỗi ngày thay đổi, mỗi ngày vun đắp. Chúng ta là mục tiêu để trau dồi rèn luyện, để tốt hơn ta của ngày hôm qua. Chúng ta là những điều ta làm mỗi ngày. Chúng ta là sự cố gắng của chính chúng ta.
Tên: Trường
Email: tientruong462004@gmail.com

Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này