Đại dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức chưa từng có với hệ thống quản trị của các quốc gia. Chúng ta thường nghe rằng đại dịch này sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nhưng còn một vấn đề lớn khác nữa là công lý trong đại dịch.
Khi dịch bệnh ập đến, nó làm lộ ra nhiều vấn đề đạo đức trong y tế hơn mức chúng ta có thể nghĩ đến. Các bác sĩ vốn có thiên chức cứu người thì nay họ bị đẩy vào tình thế phải lựa chọn việc cứu bệnh nhân nào có tỉ lệ sống sót cao hơn hay việc các bệnh nhân vốn đang chữa trị bệnh phải nhường lại giường bệnh ICU, máy thở cho các bệnh nhân mắc COVID nguy cấp hơn. Nhiều người mắc các bệnh mãn tính cũng gặp khó khăn không kém bởi hệ thống y tế lúc này đều dồn sức cho cuộc chiến chống dịch ngoài kia. Và mới đây nhất lại là vấn đề phân chia vaccine. Hiển nhiên chúng ta phải hiểu rằng số lượng liều vaccine có thể sản xuất là không đủ để cung ứng hết cho toàn bộ người dân cùng một lúc và cầu thì cao hơn cung, do đó việc phân chia vaccine làm sao cho hợp lý, đảm bảo công bằng là trọng tâm mà chính phủ các nước phải lưu ý.

Phân chia thế nào gọi là công bằng?

Tất cả người dân đều nên được chia vaccine cùng 1 lúc thì mới công bằng? Những người mắc bệnh nền nên được ưu tiên tiêm trước? Hay những lực lượng cống hiến nhiều nhất cho nền kinh tế thì nên được ưu tiên hơn? Đâu mới là giải pháp được xem là công bằng?
Dưới góc nhìn của chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism), một chính sách sẽ được xem là công bằng nếu nó đem lại được tổng phần lợi ích cao nhất, khiến nhiều người hạnh phúc nhất. Lấy ví dụ đơn giản là khi nhà nước giải tỏa mặt bằng chuẩn bị xây đường sẽ phải có 1-2 hộ gia đình chịu hy sinh, di dời đi nơi khác. Nhưng bù lại nhà nước sẽ xây dựng được một con đường lớn, có lợi cho hơn 10 hộ gia đình còn lại. Sự hi sinh của 1-2 hộ gia đình xứng đáng về mặt đạo đức vì nó đem lại hạnh phúc, lợi ích lớn nhất cho số đông nhất. Như vậy, chính sách phân bổ vaccine chỉ được xem là công bằng nếu nó có thể cứu được nhiều mạng sống nhất. Điều đó đồng nghĩa những người có bệnh nền, những người già trên 65 tuổi nên là đối tượng ưu tiên tiêm trước. Nhưng trường hợp này dường như chỉ phù hợp với nhóm những quốc gia có thu nhập cao, số người cao tuổi chiếm phần nhiều trong tổng dân số và có tuổi thọ dài hơn so với nhóm các quốc gia thu nhập thấp. Bởi đặc điểm của các quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp là có tháp tuổi trẻ hơn với tuổi thọ của người dân ngắn hơn. Khi đó, việc tiêm cho những người già sẽ không đem lại được tổng phần lợi ích cao nhất bởi không cứu được phần đông dân số. Hoặc nhìn ở góc độ khác, nếu trong số những người thuộc diện ưu tiên có cả những người nghiện ma túy, nghiện thuốc lá - về mặt kỹ thuật, là những người dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch - thì liệu bạn có còn cảm thấy chính sách này công bằng? 
Ở một góc nhìn khác, mà mình cho rằng phức tạp hơn, là cách John Rawls - một trong những học giả có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 - luận bàn về “công lý như là công bằng” (justice as fairness). Các lập luận của Rawls xuất phát từ giả định về bức bàn vô minh (the veil of ignorance). Đằng sau bức màn, người ra quyết định sẽ có kiến thức chung về 1 số lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhưng lại không có khái niệm gì về việc mình là ai, giới tính gì, hoàn cảnh gia đình ra sao hay mình sẽ đạt được lợi ích nào nếu đưa ra chính sách này. Khi đó, mọi lý do chủ quan sẽ được loại đi. Bạn sẽ đưa ra quyết định mà bạn cho rằng là tốt nhất, bất kể sau cùng nó có thể gây bất lợi cho chính bạn. Trên cơ sở này, Rawls đề ra 2 nguyên tắc của công lý: (1) mọi người dân phải được tiếp cận đến một hệ thống các quyền tự do, quyền cơ bản như nhau và (2) sự bất công trong xã hội chỉ được chấp nhận nếu để bảo vệ cho những người yếu thế hơn. Ở đây, theo cách định nghĩa của Rawls, những người yếu thế (the least advantaged) là những người xuất thân từ gia đình hay giai cấp chịu nhiều thiệt thòi hơn người khác, những người chỉ có được tài năng giới hạn cho phép họ kiếm tiền ít hơn hay những người kém may mắn, kém hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng những yếu tố này vốn không thể thay đổi, cũng như việc chúng ta không thể quyết định mình sẽ được sinh ra ở gia đình nào, với màu da nào. Vì vậy, một xã hội công bằng là xã hội giảm tới mức tối thiểu những hậu quả xuất phát từ những lý do mang tính võ đoán, trong khi làm tăng tới mức tối đa phúc lợi cho những người bị thiệt thòi nhất. Khác với các nhà chủ nghĩa quân bình (Egalitarianism), lý thuyết này không cho rằng công bằng là tất cả đều nhận được một lượng hàng hóa xã hội (lương bổng, cơ hội, sự tôn trọng,..) như nhau, hay cố gắng cào bằng ở đầu ra để rồi bỏ qua sự khác biệt về mặt lợi ích của từng cá nhân. Vậy nói theo Rawls, chính sách phân bổ vaccine phải loại bỏ các yếu tố về địa vị, về hoàn cảnh (bất kể anh là kẻ nghiện hay tội phạm). Thay vào đó, vaccine cần phải được tiêm cho những người thiệt thòi hơn như người lao động nghèo, người vô gia cư, những người mắc bệnh nền, nhóm tuổi trên 65 để bảo vệ họ trước đại dịch. Khi đó sự chờ đợi của những nhóm người khác, dù cho họ có là nhân tố cống hiến hết mình cho đất nước thì vẫn xứng đáng về mặt đạo đức và là một chính sách phân chia công bằng. Cũng với góc nhìn này, mình tin rằng việc chính phủ VN phân chia vaccine cho nhóm các nghề nghiệp thiết yếu rồi mới đến lượt những người 65 tuổi trở lên là cách mà họ làm tăng hàng rào bảo vệ cho những người thuộc nhóm yếu thế hơn bởi lực lượng này đóng vai trò chống dịch, đảm bảo mọi mặt đời sống. 

Vì sao phải phân chia vaccine một cách công bằng?

Một nghiên cứu được tiến hành gần đây bởi Salvatore Di Martino và Isaac Prilleltensky chỉ ra rằng chính phủ càng công bằng thì người dân sẽ càng hạnh phúc. Bởi cơ bản, nếu họ được hưởng sự công bằng và có niềm tin vào các quyết sách của nhà nước họ sẽ không nảy sinh tâm lý lo sợ rằng quyền lợi của mình đang bị tước đi. Họ sẽ không cảm thấy bất công và mắc kẹt trong việc phải tính toán phần lợi thiệt hơn. Trong đại dịch này, ngoài việc ổn định tình hình thì ổn định lòng dân cũng mang tính sống còn với sự tồn tại của các chính quyền trong và sau đại dịch. Cái mình muốn nói ở đây là ít nhất chính phủ hầu hết các nước đã không thương mại hóa vaccine với người dân. Điều đó sẽ khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn và nhà nước sẽ đánh mất vai trò của mình. Về cơ bản, cách chia vaccine công bằng nhất là quay số trúng thưởng. Khi đó, mọi lý do chủ quan sẽ được loại bỏ, những người được lựa chọn tiêm chủng hoàn toàn dựa vào may mắn. Nhưng dĩ nhiên chẳng chính phủ nào lại thực hiện chiến dịch tiêm chủng theo kiểu này vì nó không tối đa hóa được lợi ích mà họ cần có trong dịch bệnh. Và đối với mình, chính phủ có thể quyết định chính sách tiêm vaccine mà họ cho là hợp lý, bất kể là chia mức ưu tiên theo tuổi hay theo nghề nghiệp, nhưng điều quan trọng là họ phải biện minh (justify) được cho chính sách đó, phải khiến người dân tin tưởng rằng chính sách như vậy là công bằng. Bởi lẽ, một chính sách được xem là hợp lý hay chưa, một điều được xem là chuẩn mực đạo đức hay không còn phụ thuộc vào cách mà người dân của xã hội đó ngầm hiểu với nhau như thế nào. Nói cách khác, nếu bạn thuộc nhóm người 65 tuổi trở lên, vẫn chưa được tiêm chủng vì phải nhường suất cho các lực lượng tiểu thương ở chợ hay công an làm nhiệm vụ mà chính bạn cảm thấy hợp lý, công bằng thì sau cùng chính sách phân chia vaccine của nhà nước là công bằng. Ở đây, mình muốn kết lại bằng một câu nói của Hồ Chí Minh về vấn đề lưu thông phân phối:
Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không theo
Ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay, không sợ thiếu vaccine, chỉ sợ chia không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không nghe theo!

Vaccine và các cường quốc

Ở đây, mình muốn nói một chút về vấn đề yêu cầu các quốc gia giàu có hơn chia sẻ liều vaccine để nhanh chóng kiểm soát dịch. Lược bỏ các yếu tố khẩn cấp y tế, ở góc độ đạo đức, nghe qua thì mình thấy vấn đề này giống như việc yêu cầu người giàu phải làm từ thiện vậy. Chúng ta thường hay nghĩ rằng người giàu thì may mắn hơn nên họ cần phải làm từ thiện, cho tiền người nghèo, nhưng quên rằng việc bạn yêu cầu ai đó phải bỏ đi 1 phần tài sản của họ theo cách họ không mong muốn là xâm phạm vào quyền tự do, quyền tư hữu tài sản. Nói như John Locke, mỗi người sinh ra đều có sẵn 3 quyền tự nhiên: quyền được sống, quyền được tự do và quyền sở hữu tài sản. Các quyền này đã tồn tại sẵn có trước sự ra đời của bất kỳ thể chế chính trị nào, nên ngay cả nhà nước cũng không thể xâm phạm đến. Do đó, chúng ta có thể đưa ra đề nghị, có thể khuyến khích nhưng không nên là bắt ép. Quay lại vấn đề cường quốc và vaccine, việc các quốc gia trữ vaccine phù hợp với chuẩn mực đạo đức nếu họ dùng để bảo vệ người dân của chính quốc gia họ. Nhưng đừng quên rằng vai trò cường quốc thường đi kèm với trách nhiệm. Nói một cách chính trị thì nếu các cường quốc như Mỹ bỏ qua việc chia sẻ vaccine cho các quốc gia đang thiếu nguồn cung, chính họ đang làm lãng phí đi cơ hội củng cố tầm ảnh hưởng, trong khi có những cường quốc xét lại đang sẵn sàng chia sẻ một cách hào phóng. Điều đó có thể ảnh hưởng đến cục diện chính trị quốc tế sau đại dịch. 
Lời cuối, dù là về mặt y tế, đạo đức hay chính trị thì rõ ràng dịch bệnh đã và đang làm thay đổi thế giới này rất nhiều theo cả cách tích cực lẫn tiêu cực. Sau đại dịch, chúng ta có thể vẫn sẽ trở về với cuộc sống của mình, những vấn đề nêu trên sẽ tạm thời bị bỏ qua, nhưng mình tin rằng cuộc sống giờ đây sẽ chẳng bao giờ quay về được chính xác như trước kia.
Nguồn TLTK:
1. Distributive justice during the coronavirus disease 2019 pandemic in Australia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7283635/
2. A new study suggests that social and economic justice in your country play a large role in your happiness: https://greatergood.berkeley.edu/.../would_more_social...
3. Vaccine Fairness – The Big Picture: https://medicine.iu.edu/blogs/bioethics/vaccine-fairness
4. Vaccine ethics: an ethical framework for global distribution of COVID-19 vaccines:  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7887861/