Không chỉ riêng tác giả của câu nói trên, chắc hẳn tất cả chúng ta ở đây đều mong điều này trở thành hiện thực. Bên cạnh những giải pháp như giãn cách xã hội (social distancing), rồi mô hình Intermittent distancing nghiên cứu bởi Imperial College London (thực hiện giãn cách xã hội gián đoạn, on khi số ca cần chăm sóc đặc biệt tăng cao gần chạm giới hạn chịu đựng của hệ thống y tế, và off khi tình hình được kiểm soát trở lại, kéo dài đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn thông qua thuốc/ vaccine/ miễn dịch cộng đồng), hay mô hình dập dịch mà New Zealand đang thực hiện (Thủ tướng New Zealand hôm nay - 9/4 -  đã tuyên bố "chiến thắng dịch bệnh" - cá nhân mình cho rằng đây là nhận định chủ quan), chúng ta còn giải pháp "trông đợi mùa hè", khi nhiệt độ sẽ lên chót vót, và thần Apollo, cùng với việc sạc đầy các pin năng lượng mặt trời, sẽ thẳng tay trừng trị đám cô Vy gian ác. Đó là một giải pháp khá "think out of the box", nhưng, muốn think out of the box thì trước hết phải xác định cái box đã, nên cái note này ra đời.
(Nguồn: Internet)
Hóa ra, hiện tượng các bệnh truyền nhiễm on-off theo mùa đã được quan sát từ thời Apollo thật! Từ khoảng 2.500 năm trước, Hippocrates Thucydides đã phát hiện ra hiện tượng này. Suốt từ đó đến nay, rất nhiều bệnh truyền nhiễm được ghi nhận là chỉ hoạt động thời vụ, năng nổ vài tháng nhất định rồi lặn một hơi cho tới năm sau. Tuy nhiên, chưa ai giải thích và mọi dữ kiện chúng ta có chỉ là “ghi nhận”, tức là dừng ở mức độ thống kê.
Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang tàn phá dữ dội cả về thể xác lẫn tinh thần toàn thế giới, với hơn 1.500.000 người nhiễm bệnh, gần 100.000 ca tử vong tính đến 09/04, thì việc có một cái phao tinh thần là rất quan trọng. Và “giả thiết” trên chính là cái phao đó – liên tục được gợi lên và áp dụng rộng rãi trong các thông điệp từ đủ mọi thành phần. Chẳng hạn, TT Trump, trong tuyên bố ngày 14/02, “có thuyết cho rằng, đến tháng 4, khi thời tiết ấm lên, virus sẽ bị tiêu diệt.” Khoan bàn đến tính đúng sai của tuyên bố, vì có thể Trump đang nói đến một tháng 4 khác, giờ chúng ta sẽ đập hộp để xem bên trong có gì ngoài hy vọng mà giả thiết trên lại được “over-interpreted” đến vậy, dẫn lời Nancy Messonnier, cán bộ chuyên trách về Covid-19 của CDC Hoa Kỳ. Cô dùng từ này trong một buổi họp báo 2 ngày trước…Lễ Tình Nhân.
Theo thống kê, các bệnh khác nhau sẽ hoạt động theo các kiểu (pattern) khác nhau. Một số hoạt động mạnh vào đầu hoặc cuối mùa đông, một số yêu mùa xuân, hoặc mùa thu, thậm chí kể cả mùa hè cũng có các fan riêng mà chỉ ưa hoạt động mùa này. Ngoài ra, thời gian hình thành đỉnh dịch của một số bệnh cũng phụ thuộc vào vĩ độ của nơi bùng phát. Và một số bệnh thì sẽ hoành hành chẳng theo quy luật nào về thời gian cả. Vậy nên, giờ chẳng ai, ngoài Trump – tất nhiên, có thể chắc chắn được SARS-CoV-2 sẽ hoạt động ra sao khi thời tiết ấm lên. Thậm chí, theo Nancy, kể cả khi sự chuyển mùa có ảnh hưởng đến SARS-CoV-2, nó vẫn có thể tiếp tục lây lan bất chấp pattern trong năm đầu tiên (và hy vọng nhỏ nhoi là nó sẽ phát tán nhưng với tốc độ chậm hơn), do loài người gần như hoàn toàn chưa có miễn dịch cho căn bệnh này.
Trên đây là phần giải đáp ngắn cho câu hỏi về chiếc hộp: Không có căn cứ khoa học nào tính đến thời điểm này cho giả thiết mà chúng ta đang kì vọng cả. Tuy nhiên nếu các bạn muốn mở rộng vấn đề hơn một chút, thì có một vài căn cứ khoa học cho những câu hỏi tại sao.
Tại sao nhiều dịch bệnh lại bùng phát theo mùa?
Theo nghiên cứu công bố năm 2018 của Micaela Martinez (ĐH Columbia, Hoa Kỳ), có ít nhất 68 bệnh truyền nhiễm bùng phát theo mùa. Tuy nhiên, chúng có pattern riêng và thay đổi tùy theo từng khu vực. Theo hình dưới đây, số liệu được cung cấp bởi Chính phủ Hoa Kỳ, mỗi vòng tròn biểu thị tỉ lệ phần trăm của số ca nhiễm bệnh trong tháng đó so với tổng số ca ghi nhận trong năm.
(Nguồn: Science Magazine)
Cho đến nay, có một số lí giải cho hiện tượng này, mình xin tóm tắt ra như sau:
1. Với các bệnh truyền nhiễm với vật trung gian truyền bệnh là côn trùng, thời gian bùng phát của dịch bệnh này sẽ liên quan chặt chẽ tới vòng đời, mùa sinh sản, thời gian hoạt động mạnh của đám côn trùng đáng ghét đó trong năm/ theo từng khu vực. Các bệnh này có đặc điểm chung là sẽ bùng phát vào mùa mưa, mùa ẩm, như bệnh ngủ Châu Phi (kí sinh trùng - ruồi Glossina), sốt chikungunya (virus – muỗi), sốt xuất huyết, bệnh mù lòa đường sông (giun xoắn Onchocerca) … Tất nhiên không thể bỏ qua bệnh “muỗi đốt” ở Việt Nam, chắc hẳn cũng đang bùng phát vào giai đoạn này, gây ngứa và xấu xí.
(Nguồn: Internet)
2. Xét về cấu tạo, rất nhiều loại virus có thêm 1 lớp màng bên ngoài bằng lipid (lipid membrane – gọi là envelope), bên cạnh một vỏ bọc protein (capsid protein). Cái envelope này có tác dụng giúp virus “né” hệ thống miễn dịch trong quá trình thâm nhập vào tế bào vật chủ. Tuy nhiên, các virus mặc quả áo mưa này thì lại không ưa trời xuân hè lắm, khi lớp envelope sẽ bị phá hủy và virus sẽ bị tiêu diệt. Một chút hình ảnh cho các bạn dễ hình dung về ảnh hưởng của nhiệt độ và độ ẩm: một bệnh nhân cúm sẽ truyền bệnh ra ngoài phổ biến thông qua khạc nhổ hắt hơi, khi khoảng 100.000 giọt bé xíu xiu sẽ được phun ra ngoài mang theo hàng trăm triệu virus cúm. Vận tốc đo được cỡ 160km/h (không tính những người luyện tập nhiều). Với vận tốc và kích thước như vậy, các “giọt mang bệnh” đó sẽ rất nhạy cảm với nhiệt độ và độ ẩm, những yếu tố tác động trực tiếp đến độ bay hơi và thời gian tồn tại trong không khí của các giọt trên. Dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào về SARS-CoV-2, nhưng nghiên cứu về những người anh em virus mặc áo mưa đều cho kết quả “khả quan” là chúng sẽ rất nhạy cảm với thời tiêt, đồng nghĩa áo mưa sẽ rách và virus bị tiêu diệt khi nhiệt độ tăng và độ ẩm tuyệt đối giảm, trong đó yếu tố thứ 2 dường như quyết định hơn.
Chú thích nhỏ: Độ ẩm tuyệt đối được đo bằng số lượng hơi nước thực tế trên một thể tích không khí (kg/m3), khác với độ ẩm tương đối sẽ được đo bằng cách so sánh với mức bão hòa (100%) của không khí tại thời điểm đo (mà cái này thì thay đổi dựa trên nhiệt độ, áp suất, thành phần không khí…)
(Nguồn: www.thailandmedical.news)
3. Hệ miễn dịch con người cũng thay đổi theo mùa? 
Đây cũng là một giả thiết được các nhà khoa học đề cập đến. Cơ sở của giả thiết này đến từ thói quen sinh hoạt của con người thay đổi theo mùa. Ở xứ ta thì hơi khác/ không rõ ràng lắm nhưng đa phần các nước phương Tây, mùa hè con người sẽ dành thời gian ngoài trời nhiều hơn, hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn, danh sách các hoạt động và khẩu phần ăn cũng khác, và dẫn đến sức khỏe/ sức đề kháng cũng sẽ khác. Giả thiết này được củng cố thêm bởi hiện tượng quan sát được từ loài chim sáo đá (stonechat): Cứ vào đầu hè là các cô các cậu chim lại gồng lên, tiêu diệt hết lũ vi khuẩn trong cơ thể, trước khi quay trở lại quê hương UK (hành trình tốn nhiều calo và không cần lắm những file đính kèm như vi khuẩn) để khép lại kì di cư tránh rét. Một nghiên cứu khác đăng trên Vaccine năm 2016 bởi Joanna E. Long, kết luận, tiêm vaccine vào buổi sáng sẽ có tác dụng tốt hơn (kích thích phản ứng của kháng thể) so với buổi chiều, phần nào củng cố thêm giả thiết về hệ miễn dịch con người có quan hệ với chu kì thời gian (ngày/mùa/năm). Một vài nghiên cứu khác chỉ tiếp các cơ chế miễn dịch này được điều tiết bởi các hormones (cụ thể hơn là melatonin) – thứ mà chúng ta cảm nhận rõ được nó vốn liên hệ chặt chẽ với lối sống và khẩu phần ăn như thế nào. Hiện tại đề tài này đang được Micaela Martinez và nhóm của mình tập trung nghiên cứu thêm.
Trên dưới cái gì cũng là giả thiết?
Có hai nguyên nhân: Khách quan và chủ quan.
1. Khách quan là SARS-CoV-2 quá mới (tháng 12/2019), và việc áp dụng tất cả những gì chúng ta biết về các chủng virus corona khác chỉ giúp close gap và mang đến cho chúng ta những thuận lợi ban đầu trong nghiên cứu thôi. Còn nghiên cứu thì vẫn là nghiên cứu. Các nhà khoa học trông vậy mà cũng là người thôi. Phải từ từ…
2. Chủ quan thì… 
Đề tài này trước giờ chẳng ma nào làm. Thông thường, các đề tài dạng này sẽ được giao cho các postdoc lead. Trong hệ thống academia thông thường (không tính VN và TQ), postdoc là con đường bắt buộc các tiến sĩ sau khi tốt nghiệp phải apply (thường làm 2 postdoc x 2 năm) tại các học viện, nhóm nghiên cứu (càng danh giá càng tốt vì càng có quan hệ và có tiền). Các postdoc sẽ nằm gai nếm mật ở các nơi đó với mức lương khá bèo (cỡ $2.000-2.500/tháng), ấp ủ các đề tài đủ impact, publish papers rồi hy vọng khi hoàn thành 2 nhiệm kì (thường ở 2 nơi khác nhau cho tăng tính đa dạng) sẽ có offer vào vị trí Asst.Prof tại một trường ĐH nào đó, dựa trên CV và references cày được trong thời gian nhận low-paid job kia. Do vậy, khi xét về tính hiệu quả và thực dụng thì các đồng chí sẽ né khẩn trương các đề tài dạng này, bởi lẽ họ sẽ có thể chỉ làm được 1 thí nghiệm trong 2-3 năm quan sát, và nếu mọi thứ rẽ trái, như 90% thí nghiệm khoa học, thì sự nghiệp của họ chấm dứt. Mình thì mình cũng né.
Trước thời điểm đại dịch bùng phát, mình cũng không nghĩ funding đổ vào những đề tài kiểu như này. Nếu các bạn thử google về SARS, bạn sẽ thấy đại dịch này sẽ đủ 18 tuổi vào năm sau trong khi thế giới vẫn chưa có vaccine cho nó. Rất nhiều tiền đã được bơm (hoặc hứa bơm) vào 2003, nhưng sau đó cắt dần vì những lý do khác nhau, để đến trước đại dịch lần này thứ phổ biến nhất mà chúng ta biết về corona là….bia. Phàm những gì phải đối mặt thì sau cùng vẫn không tránh được, ha!
Trong một buổi seminar với “một trong năm bộ não đang thay đổi ngành sinh học thế giới” (trường mình PR vậy còn mình quên tên rồi) năm ngoái, có một câu hỏi:
- Đề tài thuộc dạng nào nhóm của giáo sư sẽ tập trung ưu tiên nghiên cứu?
- Những đề tài có khả năng giành FDA nhanh nhất. Next question? - Giáo sư trả lời không mất đến 1 giây suy nghĩ. 
***** 
Tóm lại thì, hơi cụt hứng nhưng hiện tại chúng ta không có gì ngoài hy vọng trong cái hộp đó cả!
But there are no atheists in foxholes.
Thời gian sẽ trả lời, còn trước đó thì chúng ta làm gì?
Ở nhà thôi quý vị ạ!
***** 
Nguồn tham khảo:
1. Ed Yong, How the Pandemic Will End?, The Atlantic 
2. Jon Cohen, Why do dozens of diseases wax and wane with the seasons—and will COVID-19?, Science Mag. 
3. Atul Khullar, The Role of Melatonin in the Circadian Rhythm Sleep-Wake Cycle, Psychiatric Times 
4. Joanna E. Long, Mark T. Drayson, Angela E. Taylor, Kai M. Toellner, Janet M. Lord, Anna C. Phillips, Morning vaccination enhances antibody response over afternoon vaccination: A cluster-randomised trial, Vaccine, Volume 34, Issue 24, 2016, Pages 2679-2685, ISSN 0264-410X, https://doi.org/10.1016/j.vaccine.2016.04.032.