Chắc hẳn những ai mê âm nhạc, đặc biệt là những thể loại nhạc hàn lâm phương Tây sẽ có thể từng nghe qua những tác phẩm mà người biểu diễn là một nam giới nhưng giọng hát lại rất cao, và thanh, như một người phụ nữ thực sự. Giọng hát thiên thần đấy thực ra có một cái tên hẳn hoi - contratenor, hoặc phổ biến hơn, countertenor - và có một vị trí vô cùng đặc biệt trong sự phát triển của nhạc cổ điển phương Tây.
Contratenor (phản nam cao) là thuật ngữ dùng để chỉ những nam giới trưỡng thành nhưng có thể hát với âm vực của nữ giới, thường cao hơn giọng tenor (nam cao), có thể đạt đến âm vực của một alto (nữ trầm), mezzo-soprano (nữ trung) hay thậm chí là soprano (nữ cao). Đây được xem là một giọng hiếm vì không có nhiều những người đàn ông có thể hát ở quãng giọng của phụ nữ đủ đẹp, đủ mạnh để có thể xuyên thấu một dàn nhạc và lọt đến tai người nghe. Tuy nhiên, giọng contratenor có một lịch sử khá là đau thương.
Vào khoảng thế kỷ thứ XVI, tức trong thời kỳ Phục hưng ở Ý, bởi vì những định kiến hà khắc và những quan điểm cổ hủ trong tôn giáo, phụ nữ không được tạo bất kỳ tiếng động nào, thậm chí cả nói chuyện, trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo, vậy nên, các dàn hợp xướng thời đó sẽ sử dụng các bé trai để hát những phần có quãng giọng cao hơn những nam giới trưởng thành, họ gọi những cậu bé đó là soprano và alto (bất ngờ chưa, cái đuôi -o trong 2 từ đó là dùng để chỉ giống đực đấy). Tuy nhiên, cái gì rồi cũng phải đến lúc thay đổi, các cậu bé sau này sẽ phải lớn lên và trải qua tuổi dậy thì, tức là giọng hát thiên thần đó sẽ không còn nữa mà sẽ bị thay thế bởi một giọng khàn hơn, trầm hơn, thứ giọng rất dễ tìm kiếm ở các nam giới. Vì vậy, người ta đã nghĩ ra một cách vừa quái dị, vừa tàn nhẫn để giữ được giọng hát đó: thiến những đứa nhỏ trước khi chúng vỡ giọng. Những cậu bé bị thiến đấy cùng giọng hát của chúng được chung là “castrato” (nam thiến).
Thường thì những gia đình có con trai bị thiến và “bán” cho các nhà thờ sẽ được thưởng rất nhiều của cải và có thể đổi đời từ một gia đình rách rưới không lo nổi miệng ăn thành một gia đình có thể chi trả được cho nhu cầu cơ bản, thậm chí là khá giả, vì vậy, đã từng có rất nhiều nhà cho thiến những đứa con trai của họ và đưa chúng vào nhà thờ, đương nhiên là bất hợp pháp. Vì sự kém phát triển của y tế thời đó mà các bé trai sẽ bị thiến sống, không gây tê, không gây mê, không sát trùng, những ca phẫu thuật này sẽ được thực hiện bởi các nha sĩ hoặc các bác sĩ ở những nơi không ai biết, và vì sợ phải vướng vào vòng lao lý nên các gia đình sẽ bào chữa cho vết thương của con họ bằng nhiều lý do như ngã ngựa hay bị lợn rừng tấn công. Chỉ có 80% các bé trai sống sót qua các cuộc phẫu thuật đó.
Đến tận thế kỷ thứ XVII, giọng castrato mới có được cơ hội tỏa sáng thực sự trong các vở opera sau khi Francesco Bernardi - nghệ danh là Senesino (1686 - 1758), một trong những giọng castrato đầu tiên trình diễn opera - xuất hiện trên sân khấu nhà hát tại Venice, Ý vào năm 1707. Lần lượt sau đó, nhiều castrato xuất hiện hơn, ví dụ như Carlo Broschi, được biết đến với nghệ danh Farinelli (1705 - 1782), tên tuổi của Senesino và Farinelli đều gắn liền với các tác phẩm của nhà soạn nhạc George F. Handel (1685 - 1759), và ông tác giả này cực kỳ yêu thích loại giọng castrato. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVIII và XIX, việc thiến các bé trai để tạo thành các castrati hoàn toàn bị cấm, castrato cuối cùng chính là Alessandro Moreschi (1858 - 1922).
Sau khi thời đại của các nam thiến kết thúc, những nam giới hát được giọng nữ ít đi, và đó cũng là lúc mà thuật ngữ contratenor được đưa vào sử dụng để chỉ những giọng hát ấy, soprano và alto trong các dàn hợp xướng hay các vở opera được thay thế bằng nữ giới. Giờ đây những người đàn ông có thể dùng giọng óc hoặc giả thanh, hay thậm chí giọng ngực (cực kỳ hiếm), để hát những đoạn nhạc có cao độ nằm trong âm vực của nữ giới chính thức được gọi là contratenor. Ở Việt Nam, giọng contratenor không xuất hiện nhiều, có thể kể đến một vài cái tên được biết đến nhiều như Trần Tùng Anh (The Voice 2017), Đông Ca (Operaphilia), Phạm Trần Phương (Sing My Song 2016),...
Tuy có thể tạo ra âm thanh như giọng hát của các thiên thần với một sức hút mãnh liệt, giọng contratenor - phản nam cao - đã trải qua một lịch sử đầy đau đớn về cả mặt thể xác lẫn tinh thần, có thể nói là một địa ngục trần gian, nhưng nhờ sự phát triển của ý thức con người cùng tính nhân bản trong nghệ thuật, sự bi thương đó đã dần được xóa bỏ và thay thế bằng vẻ đẹp nghệ thuật thuần túy. Cũng nhờ sự tàn nhẫn của con người thời đại trước mà chúng ta mới khám phá ra được một giọng ca tuyệt vời, nhưng cũng chính sự tàn nhẫn đó đã đẩy rất rất nhiều người vào cảnh túng quẫn, bi ai. Có thể nói rằng, những thứ đẹp đẽ đôi khi lại có một khởi đầu vô cùng đau thương.
Ảnh: "Castrato cuối cùng - Alessandro Moreschi"
Ảnh: "Castrato cuối cùng - Alessandro Moreschi"
____________
Bài viết có tham khảo từ các nguồn: Britannica, Opera For All, Philharmonia Baroque, Classic FM.