Dù ở lứa tuổi nào, vô hình hay hữu hình, bản thân mỗi chúng ta đều gắn liền với hai chữ “giáo dục”. Đây là một câu chuyện xuyên suốt cuộc đời của mỗi con người.
Bạn có từng bắt gặp cảnh bố mẹ đang mặc sức mắng nhiếc con cái, thậm chí ghim một tá đòn roi mỗi khi con mắc lỗi? Hay bạn thấy mình là nhân vật trong những tình huống như thế. Không kể con cái ở tuổi nào, bố mẹ ai nấy đều luôn lo lắng cho con. Nhưng lo sao cho đúng, hay cứ trách trời trách đất, trách người này người kia, trách đủ thứ từ trường lớp đến xã hội,… Chắc chắn không phải nhà nào cũng thế, nhưng có lẽ những sự than trách của phụ huynh “dành tặng” cho con cái đã trở nên phổ biến. Xin phép được đưa quan điểm cá nhân: To tiếng mắng chửi hay đòn roi là những cách giải quyết thể hiện sự bất lực trong giáo dục con cái!
Hành trình phát triển cốt lõi của mỗi cá nhân thường trải qua: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Khi chăm sóc một cái cây, người ta đưa chất dinh dưỡng vào đất để phát triển gốc rễ, sau đó chăm chút từ gốc đến ngọn. Có thể khi đề cập đến chủ đề này, một số người làm bố, làm mẹ nếu đọc được sẽ có đôi chút chạnh lòng. Nhưng nếu xét đến nguyên nhân khiến một đứa trẻ không ngoan, người làm bố mẹ phải xem lại bản thân. Đừng để đến lúc hậu quả xảy ra, chồng quay ra bảo tại vợ, vợ quay lại trách do chồng.
“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” đến nay đã thành chuyện xưa như diễm. Nội dung chính của câu tục ngữ là đề cập đến giáo dục gia đình ngày trước. Những người gần gũi với một cá nhân trong giai đoạn chồi, mầm, lá sẽ có tác động lớn đến tính cách, tư duy và nếp sống của cá nhân đó. Giờ thì dân chủ, công bằng, văn minh, trách nhiệm dù được phân chia hay không thì đa phần cũng trở nên đồng đều hơn. Những gia đình vẫn đi theo nếp cũ, nam giới trụ cột, nhường phần lớn việc nuôi dạy con cái cho người phụ nữ thuộc trường hợp ngoại lệ. Chắc chắn vẫn còn nhiều loại hình ngoại lệ khác, không thể bao quát hết được.
Cha mẹ là ai? Bản thân mỗi người làm cha, làm mẹ có xác định được mình. Cho dù tính chất gia đình là thế nào đi chăng nữa, để tránh chuyện sau này phải đặt câu hỏi: Tại sao con mình lại như này? Tại sao lại như kia? Hãy trả lời được về chuyện trách nhiệm của người làm cha làm mẹ là gì? Không phải cứ sinh con ra, cho cơm ăn, áo mặc, cho tiền đến trường học hành rồi đáp ứng đầy đủ phương tiện vui chơi, giải trí là đủ.
“Dạy con từ thuở còn thơ”. Là bố mẹ, chúng ta đều có lựa chọn sinh ra đứa con như thế nào. Tốt hay xấu? Ngoan hay không ngoan?... Là bố mẹ, chúng ta giống như những mảnh ruộng. Nếu mảnh ruộng đó tốt, cây cối lớn lên từ đó sẽ tươi tốt. Nếu mảnh ruộng khô cằn, cây cối lớn lên chắc chắn sẽ kém về mọi mặt. Chính vì thế, “thai giáo” cho con từ suy nghĩ, lời nói, hành động đã trở nên rất quan trọng. Điều đó giúp định hướng mỗi con người về đạo đức, chuẩn mực sống ngay từ khi ở trong bụng mẹ.
Bố mẹ nào mà không lo lắng cho con, thậm chí là dành cả cuộc đời để theo chân con “từng li từng tí”. Nếu lo lắng không đúng cách, thì sự theo chân đó sẽ kéo dài và vun đắp nỗi lo một cách vô nghĩa. Nếu không dạy dỗ từng bước nhỏ nhất, từ những lời dạy đạo đức đến chuyện học hành, tỉ mỉ chút một,… thì những đứa trẻ sau này có lớn đến mấy cũng chỉ là lớn về mặt thể xác, bé về mặt tâm hồn.
#conhutaiai