Vào những năm trước lớp 12 tôi học toán chỉ ở mức trung bình, nhưng khi vào năm lớp 12 vì mục tiêu thi đậu vào một đại học chuyên ngành khối A nên tôi xác định phải học thật giỏi toán, lí, hóa. Ở thời điểm đó học  giỏi toán đối với tôi là một khó khăn rất lớn vì nhà tôi nghèo không có  điều kiện đi học thêm, chẳng có nhiều tiền mua sách tham khảo, còn tôi  thì cũng chẳng thông mình gì. Để thi đậu  đại học, không những bạn phải giải thành thạo các bài tập trong sách  giáo khoa, mà còn nắm trong lòng bàn tay các cách giải những dạng đề  trong bộ đề đại học. Đây quả là một thách thức rất lớn đối với một học  sinh học trung bình toán như tôi.
Nghị lực và lòng khát khao của con người bao giờ cũng là viên ngọc ước kì diệu, chính nhờ nó mà tôi  đã nghĩ ra được phương pháp để đạt được mục tiêu của đời mình. Sau  nhiều ngày dày vò mình với câu hỏi “Muốn giải một bài toán ta phải có  cái gì, làm như thế nào?”, tôi đã tìm ra câu trả lời. Và ngày hôm nay  một bạn trẻ hỏi tôi “Cơ hội là gì, làm sao để nắm bắt được nó?”, đã làm  tôi liên tưởng đến những khó khăn tôi vướng mắc thời niên thiếu.
1. CƠ HỘI LÀ GÌ?
Nhiều người nói với tôi rằng cơ hội là thời điểm hội tụ một số điều  kiện thuận lợi. Câu nói không sai, nhưng theo tôi nó sáo rỗng, chẳng có  ích nhiều cho người cần một đáp án thực tế. Tại sao ư? Tại trong câu trả  lời này có quá nhiều khái niệm mà chúng ta cần phải làm sáng tỏ. Thời  điểm là gì? Hội tụ là hội tụ như thế nào? Thuận lợi là thuận lợi làm  sao? Rất mơ hồ!
Tôi có cách nhìn và cách hiểu rất giản dị về cơ hội như thế này:
CƠ HỘI LÀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA CÓ THỂ NẮM BẮT ĐƯỢC NHẰM LÀM THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CHÚNG TA THEO CHIỀU HƯỚNG TỐT HƠN!
Các bạn nên lưu ý một điều, khái niệm cơ hội mà tôi đưa ra gắn liền với  khái niệm “tốt hơn”, điều này có nghĩa là “tốt hơn” thì mới gọi là cơ  hội còn xấu đi không được cho là cơ hội.
Đây là một vấn đề khá  phức tạp, rất dễ gây hiểu lầm. Chính vì hiểu sai mà trong cuộc sống hiện  nay rất nhiều người cho rằng “một cái gì đó thoáng qua” là cơ hội, họ  day dứt, họ dằn vặt, nhưng thật sự đó lại không phải là cơ hội. Quá  trình từ lúc bạn nhận ra cơ hội đến khi nắm bắt được nó phải trả giá rất  nhiều, không phải nhìn thấy cơ hội là kết quả nằm trong tay bạn liền  đâu. Bạn đừng quên “có thể nắm bắt được” mới gọi là cơ hội.
Có người thì phải quyết định bỏ một chọn một, làm xong họ lại cũng không  hài lòng, họ cho rằng họ đã đánh mất cái kia. Phải nói là nhận thức của  họ thấp, còn lòng tham của họ vô đáy. Khái niệm “tốt hơn” luôn được gắn  với “mục đích của chủ thể”, điều này có nghĩa là “tốt hơn” so với mục  đích của bạn chứ không phải mục đích của thiên hạ. Cái “tốt hơn” phải  phù hợp với hoàn cảnh của bạn, với những chuẩn mực đạo đức bạn đưa ra,  với những nguyên tắc sống mà bạn xác lập … chứ không phải của người  khác.
Để dễ hiểu hơn nữa tôi cho một số ví dụ sau đây:
Ví dụ 1:
Một cô gái mới quen một anh chàng. Kết quả mối tình đẹp của họ là một  bé trai kháu khỉnh. Một ngày kia công ty cô gái cử cô ra nước ngoài công  tác khi con trai vẫn chưa tròn 2 tuổi. Ước mơ được đi nước ngoài là một  ước mơ được ấp ủ từ khi còn rất nhỏ của cô. Đứng trước quyết định của  ban giám đốc, cô đã về nhà suy nghĩ trằn trọc bao nhiêu đêm mà không tìm  ra câu trả lời là nên đi hay không. Nếu đi thì cô sẽ đánh mất cơ hội ở  bên chồng con, được chồng yêu thương và được chăm sóc con; còn nếu không  đi thì làm sao cô có cơ hội ra nước ngoài học tập?
Các bạn có  nhận ra rằng cô gái này đang có một cơ hội bên chồng con không? Đó là  hiện thực, là kết quả, cái mà cô đang nắm trong tay. Còn cái mà cô gọi  là “cơ hội ra nước ngoài học tập” vẫn chỉ là cơ hội chưa biến thành hiện  thực. Tôi giả sử ngay cả việc “ở bên chồng con” và “học tập ở nước  ngoài” chưa xảy ra đi, khi đó căn cứ vào đâu mà chúng ta nhận ra đâu là  cơ hột thật và đâu chỉ là cơ hội giả? Đó là căn cứ vào mục đích … của cô  gái ấy! Đối với cô gái ấy cô coi trọng hạnh phúc gia đình hơn hay ra  nước ngoài hơn? Nghĩa là đâu là khái niệm “tốt hơn” được cô ấy xác lập  trong đầu? Khi trả lời được câu hỏi này cô ấy sẽ dứt khoát chọn một  trong hai.
Bên cạnh đó, đứng về phía hoàn cảnh cô ấy mà nói thì  tình cảm là thứ mất đi không bao giờ lấy lại được, trong khi đó đi nước  ngoài thì có tiền là đi được thôi, còn học tập thì học ở đâu mà chẳng  được, đâu nhất thiết phải đi nước ngoài. Chưa đi nước ngoài thì thấy đi  nước ngoài là ghê gớm, đến khi đi rồi thì thấy chẳng có gì là lạ hết, ra  đường cũng gặp người, về nhà cũng bốn bức tường mà thôi. Người thiếu  thốn cái gì thì hay tìm cái đó, khi làm cái này không thể làm được cái  khác. Chỉ kẻ nhận thức thấp mới muốn làm được tất cả một lúc, tất cả đều  hoàn hảo mà thôi! Những kẻ như vậy cái giá mà họ phải trả là nỗi dằn  vặt khi quyết định ở lại với chồng con, và khi quyết định ra nước ngoài  thì phải đối diện với sự cô đơn trống vắng.
Ví dụ 2:
Một bạn trẻ quê ở Hải Dương nhà rất nghèo nên quyết định đi xuất khẩu  lao động sang Nhật làm việc. Tiền đóng thế chân khi đi là 12.000 USD,  còn chi phí môi giới là 1.500 USD. Khi qua Nhật bạn ấy làm việc với mức  lương khoảng 800 USD, sau khi trừ chi phí ăn ở chỉ còn khoảng 500 USD.  Như vậy sau 3 năm làm việc nếu chịu khó để dành lắm bạn ấy cũng chỉ được  18.000 USD. Sau khi trừ chi phí môi giới 1.500 USD, tiền mua quà cáp …,  chắc bạn ấy đem về chỉ khoảng 15.000 USD. Đó là tính toán trong điều  kiện lí tưởng. Chẳng may sang Nhật công ty không có việc bạn ấy phải  nghỉ hưởng 60% lương, hay về nước sớm (trong luật lao động của Nhật thì  tu nghiệp sinh nào bước sang năm 2 thì họ có thể cắt hợp đồng bất cứ khi  nào, chỉ cần báo trước một tháng) thì sao?
Tôi lại giả sử với  13.500 USD có trong tay thay vì đi Nhật bạn ấy đầu tư vào mua đất. Với  tốc độ tăng giá đất trung bình khoảng 20% một năm, thì sau 3 năm tệ nhất  miếng đất của bạn ấy cũng bán được 21.600 USD. Rồi trong quá trình ở  nhà bạn ấy sẽ đi làm, đi học, tìm kiếm người yêu … Giả sử một năm bạn ấy  để dành được 1.200 USD thì sau 3 năm để dành được 3.600 USD. Sau khi  lấy tiền đất bán được trừ cho vốn ban đầu bạn ấy có 8.100 USD, cộng với  3.600 USD nữa là 11.700 USD. Số tiền này chênh lệch chẳng đáng là bao so  với số tiền bạn ấy kiếm được khi đi Nhật.
Kết luận: Một khi  bạn nhìn thấy cơ hội này, bạn lại không nhìn thấy cơ hội khác. Con mắt  bạn chỉ chăm chăm nhìn vào cái gì mà bạn muốn thực hiện. Một cơ hội thật  sự là một cơ hội được xem xét ở nhiều phương diện, cân nhắc giữa cái  được và cái mất. Giả sử theo kết quả tính toán là A, thì 70% của A mới  là kết quả thật sự. Giống như bạn trẻ đi xuất khẩu lao động ở trên, khi  đi bạn phải mua sắm đồ đạc, phải làm tiệc chia tay, khi qua Nhật phải  tốn tiền thư từ, điện thoại, khi về phải mua quà, phải làm tiệc ăn mừng …  cho nên thực ra số tiền bạn ấy kiếm được thấp hơn nhiều kết quả tôi  tính toán ở trên. Bạn nói bạn kiếm được 18.000 USD là bạn tự dối lòng,  cho thấy kiến thức về kinh tế của bạn quá thấp. Lấy kết quả thật sự này  so sánh với những kết quả hiện tại, hay những cơ hội có thể nắm chắc  100% trong tay, bạn sẽ biết đó có phải là cơ hội thật hay không.
2. LÀM SAO ĐỂ PHÂN TÍCH BIẾT ĐƯỢC ĐÓ CÓ PHẢI LÀ MỘT CƠ HỘI THẬT HAY KHÔNG?
Như các bạn biết, con người là một tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cho  nên để xem xét đó có phải là một cơ hội hay không bạn phải đặt vấn đề  đó trong mối quan hệ với các vấn đề khác, nói đơn giản hơn là xem xét  tất cả cái được và cái mất. Con mắt càng bao quát, phân tích càng sâu  sắc, tính toán càng giỏi, dự đoán càng chính xác … thì bạn càng đưa ra  quyết định đúng.
Bạn đừng nói với tôi bạn chỉ muốn có tiền  thôi, khi có tiền bạn làm gì chứ? Bạn đừng nói với tôi là bạn chỉ muốn  đi du học bằng bất cứ giá nào, khi đi du học về bạn sẽ ra sao? Kết quả  cuối cùng mới là điều chúng ta cần quan tâm. Con người nếu nhìn sự việc  bằng con mắt hẹp hòi, bảo thủ … sẽ duy ý chí, không phát huy được năng  lực sáng tạo của bản thân, cuộc sống lúc nào cũng cảm thấy bế tắc.
Nhiều bạn trẻ nói với tôi không dám lấy vợ vì không có tiền cưới, nhiều  bạn trẻ nói với tôi không dám đến thăm người yêu vì phải mua quà, nhiều  bạn trẻ nói với tôi không dám về nhà cha mẹ bởi biết mua gì khi về …,  đa phần những khó khăn là do chúng ta tưởng tượng ra. Ngay cả như ngày  mai trái đất nổ tung thì hãy cứ để nó diễn ra như vậy. Chúng ta không  thể thay đổi được những điều gì nằm ngoài khả năng của chúng ta, nhưng  những việc mà chúng ta có thể làm tốt nhất bây giờ tại sao chúng ta lại  bỏ qua? Có cần bạn làm tiệc tùng rùm beng lên khi cưới không, nguyên  nhân chính vẫn là các bạn chưa yêu nhau thật sự! Một tờ báo, một cành  hoa, một cái bánh ngọt nhỏ … khi đến thăm người yêu, những cái đó giá  bao nhiêu tiền? Cha mẹ bạn ăn ngày ba bữa cơm, nếu thiếu thốn vật chất  mà giờ đây bạn lại không về thăm thì sẽ thiếu thốn thêm về tinh thần,  chẳng lẽ bạn không nhận ra tinh thần cũng có giá trị sao? Con người hơn  nhau không phải hình dáng bên ngoài, vàng đeo đầy người, những cái gì  phù phiếm tất sẽ bị thời gian cuốn trôi, chỉ còn những giá trị đạo đức,  lối sống đẹp, kiến thức hay … là vĩnh hằng mà thôi. Tôi không tin một  người có những giá trị ấy mà lại không có cuộc sống hạnh phúc!
Để có thể xem xét đó có phải là một cơ hội thật hay không, các bạn hãy làm theo trình tự các bước phân tích sau đây:
Bước 1: Viết lên một tấm bảng hay tờ giấy thật to mục tiêu mà mình muốn đạt sau khi nắm bắt được cơ hội ấy.
Tôi lấy lại ví dụ bạn trẻ đi xuất khẩu lao động ở trên, bạn ấy sẽ ghi chữ TIỀN!
Bước 2: Liệt kê tất cả những cái được khi bạn nắm bắt cơ hội.
Tôi lấy lại ví dụ bạn trẻ đi xuất khẩu lao động ở trên, bạn ấy sẽ ghi như sau:
a. Được đi Nhật. Ghi vậy chung chung quá hãy ghi cụ thể hơn như thế này:
+ Được tham quan xem nước Nhật là một nước như thế nào.
+ Được học tiếng Nhật, biết đâu sau này về dùng thứ tiếng này để kiếm tiền nữa.
+ Được học tập kĩ thuật của Nhật.
b. Kiếm được tiền với mức lương 800 USD/1 tháng, sau khi trừ chi phí hết còn 500 USD/1 tháng.
Bạn lần lượt liệt kê tất cả những cái gì mà bạn cho là bạn được (nghĩa  là tốt) khi bạn nắm bắt cơ hội này, ở đây tôi chỉ ví dụ nên không có  nhiều thời gian liệt kê hết ra.
Bước 3: Liệt kê tất cả những cái bạn phải đánh đổi khi bạn nắm bắt cơ hội.
Tôi lấy lại ví dụ bạn trẻ đi xuất khẩu lao động ở trên, bạn ấy sẽ ghi như sau:
a. Phải xa gia đình, họ hàng, người yêu, bạn bè …
b. Phải bỏ ra một số tiền là 13.500 USD.
c. Phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn tình cảm, vật chất … nơi xứ người.
d. Mất đi cơ hội học tập, làm việc tại quê hương …
Bạn lần lượt liệt kê tất cả những cái gì mà bạn cho là bạn mất (nghĩa  là xấu) khi bạn nắm bắt lấy cơ hội này, ở đây tôi chỉ ví dụ nên không có  nhiều thời gian liệt kê hết ra.
Bước 4: Bác bỏ.
Ở bước này bạn sẽ lấy tất cả thông tin liệt kê trong bước 2 và bước 3 rồi  bác bỏ nó, nghĩa là bạn phải phân tích vào bản chất vấn đề để tìm ra  được những vấn đề bạn liệt kê ra có đúng như vậy không, nếu không đúng  có nghĩa là điều mà bạn liệt kê ra là sai. Nếu sai thì không coi đó là  luận chứng để bảo vệ cho lí lẽ mình đưa ra. Muốn phân tích được tất  nhiên bạn phải nắm được các qui luật suy nghĩ của con người, đầy đủ  thông tin cần thiết … Vì thiếu hai điều này mà nhiều bạn không thể vượt  qua được bước 4 này.
Tôi ví dụ bạn bắt đầu bác bỏ những liệt kê đưa ra trong bước 2 như sau:
a. Được tham quan xem nước Nhật là một nước như thế nào: Mục đích của  bạn là kiếm tiền chứ không phải đi tham quan, cho nên đây là một lí do  không thể chấp nhận được. Bạn mượn bao nhiêu tiền thế chân, chịu bao  nhiêu vất vả … chỉ để đi tham quan nước Nhật thôi sao? Thực tế chứng  minh rằng nhiều tu nghiệp sinh qua Nhật chỉ loanh quanh lẩn quẩn ở những  vùng quê hẻo lánh (vì đa phần công ty Nhật đặt xa thành phố), muốn đi  lên thành phố phải tốn rất nhiều chi phí (tu nghiệp sinh có tiền đâu mà  đi), nên chỉ biết có nơi mình ở thôi. Nhiều bạn tu nghiệp sinh thật sự  vỡ mộng khi biết mình sang Nhật mà sống ở những vùng quê còn tệ hơn ở  Việt Nam, phương tiện di chuyển của các bạn đều bằng xe đạp, hoặc đi bộ.  Lí do này không được chấp nhận. Hủy!
Được học tiếng Nhật: Biết  bao nhiêu người không một lần đi Nhật vẫn trở thành phiên dịch giỏi,  nếu bạn thật sự muốn học tiếng Nhật thì bạn học ở đâu mà chẳng được, đây  không phải là lí lẽ đúng!
Được học tập kĩ thuật của Nhật: Điều  này có không ta? Nhật là một nước công nghiệp, họ luôn coi con người  như một cái máy. Thực tế nhiều nhân viên ở Nhật suốt đời chỉ biết một kĩ  năng nào đó trong cái công việc họ làm hàng ngày, không hề biết thêm  được kĩ năng, hay kiến thức nào khác. Giả sử bạn qua Nhật bạn có học  được một kĩ thuật nào đó đi, thì bạn cũng không thể áp dụng nó vào hoàn  cảnh đất nước ta. Tại sao ư? Tại kĩ thuật đó chỉ có thể áp dụng trong  điều kiện sản xuất của Nhật, với công nghệ của Nhật … chứ sao nữa. Bạn  nói bạn sáng tạo ư? Ít ra cũng có khái niệm về các kĩ thuật đó ư? Tôi  hoàn toàn đồng ý, nhưng mục đích của bạn là gì nào? Làm việc phải có mục  đích, tranh luận cũng phải có mục đích, chính vì vậy tôi không chấp  nhận việc mục đích chưa đạt được mà lại ngó sang cái khác. Bên cạnh đó,  đôi khi không cần phải sang Nhật chúng ta cũng có thể học được kĩ thuật của Nhật. Hãy bỏ lí lẽ này sang một bên.
b. Kiếm được tiền  khoảng 800 USD/1 tháng. Điều này tôi chấp nhận. Bạn nói bạn tăng ca thì  kiếm hơn hả? Nếu tôi nói bạn thất nghiệp thì sao? Chúng ta chỉ tính  toán, phân tích dựa trên những gì chúng ta “có thể nắm bắt được”, chứ  không phải những gì chúng ta suy luận, hay tưởng tượng ra, chính vì vậy  chúng ta chỉ lấy những thông tin hiện thực. Bạn không phải là một triết  gia, và tôi cũng không chỉ bạn cách phân tích như các nhà thông thái đó,  cái tôi chỉ là những cái gì thực tế dành cho một người bình thường.
Sau khi phân tích bước 2 xong thì chúng ta thấy mọi lí lẽ đưa ra đều bị  bác bỏ hết, duy nhất chỉ còn lại lí lẽ kiếm 500 USD/1 tháng là được  chấp nhận. Chúng ta sẽ lấy lí lẽ này để làm cơ sở tính toán cụ thể trong  bước 5.
Tiếp theo bạn bắt đầu bác bỏ những liệt kê trong bước 3  bằng các suy luận tương tự. Để không làm mất thời gian của nhiều người,  tôi giả sử sau khi bác bỏ tất cả các liệt kê trong bước 3 chúng ta chỉ  còn lại lí lẽ: Phải bỏ ra một số tiền là 13.500 USD.
Bây giờ chúng ta sẽ sang bước 5.
Bước 5: Tính toán cụ thể những lí lẽ còn lại trong bước 4 ra giấy tờ.
Sở dĩ tư duy của chúng ta hời hợt bởi chúng ta chỉ suy nghĩ vẩn vơ  trong đầu mà không mô hình hóa nó, không thử nghiệm nó, không tính toán  cụ thể nó ra … Để quyết định của chúng ta chính xác tôi cần làm việc với  những con số, những chứng cứ, những kết quả … có thật. Tôi lấy lại ví  dụ bạn trẻ đi xuất khẩu lao động ở trên và bắt đầu tính toán như sau:
a. Chi phí:
+ 12.000 USD tiền thế chân (lấy lại sau khi về nước).
+ 1.500 USD tiền môi giới (mất luôn).
+ Tiền mua sắm vật dụng, làm tiệc tùng … trước khi đi 500 USD (giả sử).
+ Chi phí quà cáp, thư từ, điện thoại hàng tháng từ bên Nhật về ViệtNam1 tháng (giả sử) thấp nhất là 20 USD.
+ Tiền ăn, ở bên Nhật 300 USD/1 tháng (giả sử).
+ Tiền mua quà khi về 1.000 USD.
+ Chi phí rủi ro nếu bị bệnh, đi lại, … (giả sử tôi cho ở mức thấp nhất) là 0 USD.
Vậy tổng chi phí sau 3 năm là: 1.500 USD + 500 USD + 240 USD + 10.800 USD+ 1.000 USD = 14.040 USD.
b. Thu vào trước khi trừ chi phí:
+ 800 USD/1 tháng.
Vậy tổng thu vào trước khi trừ chi phí sau 3 năm là: 800 x 36 = 28.800 USD.
c. Thu vào sau khi trừ chi phí:
+ 28.800 USD – 14.040 USD = 14.760 USD.
Con số cuối cùng mà bạn sẽ đem về nước là 14.760 USD.
Bước 6: So sánh với một cơ hội khác nếu bạn cùng bỏ ra một công sức, thời gian, vốn liếng … như vậy.
Trong trường hợp ví dụ trên tôi so sánh cơ hội đi Nhật với cơ hội đầu  tư vào bất động sản. Trong trường hợp ở lại Việt Nam vừa đi làm vừa đầu  tư vào bất động sản thì sau 3 năm bạn trẻ ấy sẽ kiếm được khoảng 11.700  USD.
Bước thứ 7: Phân tích và quyết định.
Sau khi trải  qua 6 bước trên, chúng ta cơ bản sẽ có tất cả những chứng cứ xác thực  nhất để có thể phân tích và đưa ra quyết định.
Tôi quay lại ví  dụ 1, khi bước vào bước 1 cô gái ghi lên bảng là HỌC TẬP Ở NƯỚC NGOÀI,  nhưng khi đến bước 3 thì cô gái chợt phát hiện ra mình đã ghi mục tiêu  sai, mục tiêu đúng của cô gái là HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH. Đến đây thì cô gái  đó không cần phải đi tiếp nữa mà quyết định luôn là không đi nữa.
Tôi trở lại ví dụ 2, sau khi tính toán xong thấy số tiền mình kiếm được  khi đi Nhật hơn số tiền khi mình ở nhà là 3.060 USD, lúc này bạn trẻ tu  nghiệp mới đặt lên bàn cân để phân tích. Đôi khi quyết định sai hay  không lại nằm ở bước này. Khi bạn phân tích bạn phải gắn sự việc cần  phân tích với hoàn cảnh bản thân mình. Với hoàn cảnh hiện tại thì điều  gì là quan trọng nhất đối với bạn, bạn có chịu đựng nổi 3 năm gian khổ  khi sang Nhật làm việc, nếu xảy ra rủi ro mức cao nhất mà bạn có thể  chấp nhận là bao nhiêu …? Hãy đưa ra hàng loạt những câu hỏi đó để cân  nhắc mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với bạn. Sau khi xem xét  tất cả các khía cạnh, nếu câu trả lời của bạn là “chấp nhận” thì hãy  tiến hành đi Nhật, còn không thì hủy bỏ. Năng lực phân tích vấn đề không  phải ai cũng có, nếu không có năng lực đó thì bạn hãy đem kết quả của 6  bước trên trình bày với một người có năng lực hơn mình, với sự giúp sức  của người khác tôi nghĩ bạn sẽ tìm được câu trả lời chính xác hơn.
3. LÀM SAO ĐỂ NẮM BẮT ĐƯỢC CƠ HỘI?
Sau khi phân tích thấy đó đúng là một cơ hội, vấn đề còn lại của bạn là  trả lời câu hỏi “Làm sao để nắm bắt được cơ hội?” mà thôi.
Như các bạn biết, để giải một bài toán trước tiên các bạn phải có các điều kiện cần và đủ, bước tiếp theo là kĩ năng tính toán.
Bạn hãy liệt kê ra tất cả những phương án bạn có thể thực hiện để hoàn  tất các điều kiện của bài toán. Thao tác này đòi hỏi bạn phải có khả  năng sáng tạo cực kì.
Sau khi liện kê ra các phương án đó bước  tiếp theo là đi thực hiện nó. Ví dụ bạn đi mượn tiền thì bạn phải có khả  năng giao tiếp tốt, bạn có thể năn nỉ ỉ ôi, hay hô hào lớn tiếng …, tất  cả điều này phụ thuộc vào kĩ năng của bạn, làm sao để đạt được mục đích  thì thôi. Gọi là cơ hội nghĩa là chúng ta “có thể” nắm bắt được nó, chứ  không phải là “chắc chắn” nắm bắt được nó, chính vì vậy đòi hỏi chúng  ta phải nỗ lực vượt lên chính mình. Nhiều người không thể vượt qua bước  cuối cùng này do năng lực bản thân quá kém, điều này có nghĩa là bạn  phải rèn luyện thêm. Không phải cơ hội tự nhiên đến với ta, để có thể  nắm bắt được một cơ hội nào đó chúng ta phải có sự chuẩn bị rất lâu dài,  công phu từ trước. Những kẻ cứ hở miệng ra là nói rằng chẳng có một cơ  hội nào đến với tôi hết, thật ra trong đầu kẻ đó nghĩ rằng cơ hội là thứ  từ trên trời rơi xuống.
Hãy tìm kiếm cơ hội từ bản thân mỗi  chúng ta. Khi năng lực, phẩm chất (nghị lực, sáng tạo, tri thức …) của  bạn càng cao thì càng nhiều cơ hội đến với bạn!
CHAT MASTER (ANASTAR.VN)
----------------------------------------------------------------------------------
💡 Mời các bạn đọc thêm các bài chia sẻ khác của Anastar tại Chuyên trang thông tin khởi nghiệp, học tập và làm việc: http://anastar.vn
Email liên hệ: [email protected] / [email protected]