CỔ CẦM THẬP ĐẠI DANH KHÚC KÌ 1
10 bản nhạc cổ của nền văn minh phương Đông. Là sự đúc kết của cổ nhân, từ nhạc luật đến phương diện nhân sinh. Được lưu truyền tới...
10 bản nhạc cổ của nền văn minh phương Đông. Là sự đúc kết của cổ nhân, từ nhạc luật đến phương diện nhân sinh. Được lưu truyền tới ngày hôm nay cũng đã qua mấy ngàn năm.
Thập đại danh khúc phải được tấu bằng cổ cầm, thứ đàn của bậc quân tử thánh nhân trong Nho giáo xưa mới có thể hiện rõ khí khái, căn cốt bản đàn, cũng như rượu bồ đào thì phải uống trong chén phỉ thuý. Nên tôi mạn phép gắn 2 chữ " cổ cầm " với " thập đại danh khúc"
Mời thưởng thức...
____________________________________________________________________
CAO SƠN LƯU THUỶ
“Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm” (高山流水,知己难逢 )

BÁ NHA - TỬ KÌ
Tương truyền, “Cao sơn” và “Lưu thủy” là hai khúc đàn sinh thời Bá Nha thường tấu, và chỉ Tử Kỳ cảm thụ được tiếng đàn của Bá Nha qua hai khúc nhạc ấy. Bá Nha chơi đàn tuyệt hay, Tử Kỳ nghe đàn càng giỏi. Từ ấy, người đời sau dùng hai điển cố “Cao sơn” và “Lưu Thủy” để ví tình bạn giữa những người bạn tri âm tri kỷ, hiểu đối phương hơn cả bản thân mình.
Một người hạnh phúc, không hẳn là một người giàu sang, phú quý, có tất cả mọi thứ, mà là người có một tri âm, một tình bạn tri kỷ. Đối với một kiếp người, chỉ cần có một người tri kỷ đã là hạnh phúc lắm rồi.
Trong văn học nghệ thuật, các điển cố “tri âm”, “cao sơn”, “lưu thủy” cũng được sử dụng rất nhiều trong thơ ca.
QUẢNG LĂNG TÁN
“Quảng Lăng tán” là một cầm khúc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Ghi chép về “Quảng Lăng tán” trong tư liệu lịch sử không ít, nhưng lại mâu thuẫn với nhau, khiến cho khúc nhạc này càng thêm phần bí ẩn. Trong các điển cố về “Quảng Lăng tán” thì câu chuyện tiếng đàn gắn liền với khí tiết của Kê Khang thường được người đời sau ngưỡng mộ đem lòng nhắc tới.
Thời Ngụy Tấn, có một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” là Kê Khang. Trong Cầm phú của ông có những câu như: “Chúng khí chi trung, cầm đức tối ưu” (Trong các loại nhạc khí, thì đức của đàn cầm là nhất), “Hàm thiên địa chi thuần hòa hề, hấp nhật nguyệt chi hưu quang” (Ngậm khí thuần hòa của trời đất, hấp thụ vẻ đẹp của mặt trăng mặt trời), v.v. Điều đó hàm ý rằng Kê Khang rất yêu cầm nghệ.
Lúc bấy giờ, họ Tư Mã đang tiếm quyền Tào Ngụy, Kê Khang tài giỏi nhưng tính tình cương quyết. Ông luôn đứng về phía nhà Ngụy, một mực tỏ thái độ không hợp tác với họ Tư Mã.
Năm 262 sau Công Nguyên, vì không chịu hợp tác với chính quyền họ Tư Mã, Kê Khang bị Tư Mã Chiêu mượn cớ sát hại. Theo Tấn thư ghi, lúc Kê Khang ở trong ngục, có 3.000 thái học sinh yêu cầu miễn xá cho ông và nguyện ý bái ông làm thầy, nhưng không được chấp nhận.
Khi Kê Khang lâm hình, thấy còn chút ít thời gian bèn xin cho mang đến một cây cổ cầm, rồi ông ung dung diễn tấu lần cuối khúc nhạc tâm huyết nhất đời mình là “Quảng Lăng tán”. Ðàn xong ông nói: “Có kẻ xin học bài này, ta không dạy, thế là từ đây không ai còn đàn bài Quảng Lăng này nữa”.
Đại thi hào Nguyễn Du cũng có nhắc đến khúc “Quảng Lăng tán” trong “Truyện Kiều” như sau:
Kê Khang, này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân
Nguyễn Du cũng than rằng sau này, không có ai còn đàn được khúc “Quảng Lăng tán” trọn vẹn như Kê Khang nữa:
Thán tức Quảng Lăng huyền tuyệt hậu
Tì bà tân phổ bán Hồ Khương
Tạm dịch là:
Than thở cho tiếng đàn Quảng Lăng nay đã thất truyền
Bài nhạc mới cho đàn tì bà, một nửa là theo điệu Hồ Khương
Sau Kê Khang, có thể khúc Quảng Lăng này vẫn lưu truyền nhiều dị bản nhưng không còn là khúc nhạc hoàn chỉnh. Vì thế người đời sau phải tự bổ túc nó, khiến nó không còn toàn vẹn nữa.
Ghi chép sớm nhất về “Quảng Lăng tán” có lẽ là từ thời Đông Hán. Lúc bấy giờ, Thái Ung, cha của nàng Thái Văn Cơ, là người giỏi về âm luật, đã viết cuốn “Cầm tháo”. Cuốn sách này miêu tả việc thích khách Nhiếp Chính khổ công tập đàn 10 năm để có cơ hội đâm chết Hàn vương báo thù cho cha. Trong đó, “Quảng Lăng tán” chính là khúc nhạc mà Nhiếp Chính đàn trước khi hành thích Hàn Ai hầu.
Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, Nhiếp Chính đóng một vai trò khác, là một trong năm thích khách được Tư Mã Thiên đưa vào chính sử, đặt ngang Tào Mạt, Kinh Kha. Theo đó, sau khi chịu tang mẹ ba năm, Nhiếp Chính một mình một kiếm xông vào hành thích tướng quốc nước Hàn là Hiệp Lũy ngay giữa đám tùy tùng, cận vệ. Nhiếp Chính làm vậy để báo đáp lại sự tôn kính mà Nghiêm Trọng Tử dành cho ông và mẹ, khi ông sa cơ, phải làm nghề hàng thịt tại nước Tề.
Trong các tác phẩm kiếm hiệp cũng tương truyền rất nhiều câu chuyện về nhạc khúc này. Phim Tiếu Ngạo Giang Hồ có đoạn Lệnh Hồ Xung đi cùng Hướng Vấn Thiên đến cứu Nhậm Ngã Hành và đánh bại Giang Nam tứ hữu. Quyển nhạc phổ cầm trong tay chính là “Quảng Lăng tán” mà khi đó được gọi là đệ nhất nhạc phổ. Còn hai cao nhân sáng tác ra khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ nói rằng, nhạc khúc hay hơn cả “Quảng Lăng tán” thì họ chưa tìm được…
BÌNH SA LẠC NHẠN
Bình sa lạc nhạn là một trong ‘Thập đại danh khúc’ (10 nhạc khúc vĩ đại) của người Trung Hoa. Nó là nỗi lòng của người viễn xứ, nỗi nhớ nhung khao khát, điệu buồn ly thảm. Cánh nhạn nào như cố nhân xa quê. Đó cũng là nhạc khúc gắn liền với cuộc đời của một người đẹp tuyệt thế giai nhân, Vương Chiêu Quân.
Nhắc tới Vương Chiêu Quân, người ta nhớ đến bậc mĩ nhân sắc nước hương trời, chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn. Vẻ đẹp của nàng là cảm hứng của những áng thơ văn bất hủ lưu truyền ngàn đời.
Thế nhưng, hồng nhan thì đa truân, tài hoa thì bạc mệnh. Điều này thật chẳng sai với số phận của nàng Vương Chiêu Quân. Nhan sắc bị tiểu nhân ham tiền bôi vạch, bức họa dung nhan nàng chẳng lọt được vào mắt vua, cô đơn vò võ chốn thâm cung, như chim quý giam trong lồng ngọc. Để rồi nàng quyết định sang đất nước Hung Nô xa xăm.
Ngày ra mắt vua Hán và vua Hung Nô thì Hán Nguyên Đế sững sờ vì nàng quá đẹp, đẹp hơn hết các hoàng hậu và phi tần mà nhà vua đã từng nhìn thấy. Muốn giữ lại thì đã không kịp vì lúc đó vua Hung Nô cũng ngồi cùng ở đó. Thế là nàng Chiêu Quân đành phải ngậm ngùi sang Hung Nô làm vợ.
Bình sa lạc nhạn là tiếng khóc nỉ non của một giai nhân tuyệt thế viễn xứ rời quê. Như nỗi lòng cô đơn của con chim nhạn, giữa cảnh trời bay liệng cút côi, sải rộng cánh mà bơ vơ nơi đất khách.
Vương Chiêu Quân sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng hồng nhan thì đa truân. (Ảnh minh họa: sina.com)
Tiếng đàn vang lên nỗi buồn sâu thẳm, giọt lệ rơi âm thầm trên má hồng phận nữ nhi làm dâu xứ người
Trên đường về nước Hung Nô, đến gần biên giới quay đầu nhìn lại quê hương lần cuối, lòng Chiêu Quân chan chứa nỗi buồn, ngẩng mặt nhìn bầu trời cao vòi vọi, ánh mắt xa xăm nhìn về chốn cung son, nơi mà với nàng xa lạ tới cô quạnh, con đường càng xa cố hương, thì cung son kia lại càng gần, nhìn về phía trước mà tâm u sầu lặng lẽ. Vậy là vận mệnh cũng như lìa xa cố thổ.
Nỗi lòng u uất biết tỏ cùng ai, nàng lặng lẽ ngồi đàn khúc nhạc, khiến cánh chim nhạn cảm xót ngừng bay, khiến người đời nghe mà tê tái.
Khung cảnh ấy đã được diễn tả trong đoạn thơ:
Nam lai trình tận Bắc lai trình,
Nam Bắc na kham trướng biệt tình.
Vạn lý Hán thiên hoa hữu lệ,
Bách niên Hồ địa mã vô thanh.
(Chiêu Quân xuất tái)
Dịch:
Bắc trình dõi bước dứt Nam trình
Nam Bắc đường chia mối thảm đoanh
Trời Hán tuôn dòng hoa khóc tủi
Đất Hồ im tiếng ngựa reo binh
Tiếng đàn trầm mặc, buồn rầu, khiến giọt lệ của tâm hồn héo hon lăn tròn trên má. Như lời trách phận kiếp hồng nhan, đa tài mà truân chuyên.
Mỗi giọt lệ tuôn rơi, là sự u uất bi thương, lời than trách như tiếng khóc giữa đất trời bao la rộng lớn, đơn côi mà thổn thức một mình.
Tiếng đàn của Chiêu Quân là tiếng than ai oán vút lên không trung, đúng lúc đó có một đàn chim nhạn bay qua, nhìn thấy thiếu nữ mĩ lệ, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn, quên cả vỗ cánh mà sa xuống đất.
Nỗi lòng của người xa xứ mà Chiêu Quân gửi gắm qua tiếng đàn, khiến nhiều người đau xót. Vì cuộc sống mà họ phải tha hương, những đêm nằm nhớ nhung cố hương mà tuôn lệ. Cảnh xưa chốn cũ, người đâu thấy, chỉ còn lại đây một mối nhớ nhung, nơi xa lạ như cánh nhạn bơ vơ giữa trời, đập mạnh cánh vào không trung như tiếng khóc giữa dòng đời ồn ã.

Hoạ Vương Chiêu Quân
DƯƠNG XUÂN BẠCH TUYẾT
Trong thập đại danh khúc của Trung Hoa, duy chỉ có Dương Xuân Bạch Tuyết là khúc nhạc vui vẻ, âm thanh réo rắt, gợi lên trong lòng cảnh chớm xuân, có một chút gì đó rộn rã và tươi tắn. Đông đi Xuân tới, đất mẹ hồi sinh, thế giới tự nhiên hẳn là tràn trề nhịp sống, như chực bung nở.
Có nguồn giải thích rằng Dương Xuân Bạch Tuyết là một khúc hát của nước Sở trong thời Chiến quốc, nhưng sau này đặc biệt dùng để chỉ nghệ thuật cao thâm thoát tục. Trong “Tống Từ – Tống Ngọc Đáp Sở Vương Vấn” có ghi lại rằng: “Trong nước có hàng ngàn người hòa với nhau thì là khúc Dương A và Giới Lộ. Trong nước có hàng trăm người hòa với nhau thì là khúc Dương Xuân, Bạch Tuyết. Trong nước có hàng chục người hòa với nhau, tinh thông âm luật, kỹ thuật cao siêu, trang nhã chẳng qua chỉ có vài người mà thôi. Giai điệu càng cao thâm, số người có thể hòa theo càng ít vậy.”
Cuộc trò chuyện này giữa Tống Ngọc và Sở Vương không phải là bàn luận về nhã và tục của khúc nhạc, mà mượn sự khác biệt giữa “nhã” và “tục” để giải thích rằng tài đức của ai đó không phải điều kẻ phàm nhân có thể nhận thức được
Theo truyền thuyết, Dương Xuân và Bạch Tuyết là tên hai khúc hát do ca nữ nổi tiếng của nước Sở là Mạc Sầu hát và truyền ra với sự giúp đỡ của Khuất Nguyên và Tống Ngọc. Khúc nhạc đã thất truyền từ lâu sau khi trải qua 2.000 năm lịch sử. Giai điệu và ca từ nguyên gốc như thế nào, tới nay đã không còn tư liệu tham khảo.
Vào năm Đường Hiển Khánh thứ hai (657 sau Công Nguyên), Lữ Tài từng sử dụng các làn điệu đàn cổ để “định ra âm Cung âm Thương, mà sáng tác nên ca khúc”, đồng thời phối với lời bài hát và truyền ra bản nhạc. Cuốn “Thần Kỳ Bí Phổ” liệt kê khúc Dương Xuân thuộc giọng âm Cung ở quyển 1, còn Bạch Tuyết được liệt vào giọng âm Thương ở quyển 2. Đồng thời trong lời giải của Bạch Tuyết có ghi: “Dương Xuân khiến vạn vật biết đến mùa xuân, hòa cùng gió nhẹ thư thái; Bạch Tuyết nghiêm trang, thánh khiết, như tiếng ngọc giữa rừng trúc trắng xóa tuyết rơi.”
Cũng có nguồn cho rằng đó là hai khúc cổ cầm. Trong “Dương Luân Thái Cổ Di Âm” thời nhà Minh nói rằng: “Hai khúc này do Sư Khoáng sáng tác. Thiên đế thời xưa cho Tố Nữ (nữ Thần trong truyền thuyết) gảy đàn 5 dây, mà tấu lên khúc Dương Xuân, nên Sư Khoáng mô phỏng theo mà sáng tác ra khúc hát mới.” Đến thời Đường thì đã thất truyền.
Sư Khoáng là nhạc quan dưới thời Tấn Bình Công. Đôi tai của ông rất mẫn cảm, có thể phân biệt được giai điệu từ mọi hướng. Tiếng đàn của ông cũng rất hay, nghe nói chỉ cần ông đánh đàn thì ngay cả đàn cừu ngọc và hạc trắng trên trời cũng sẽ xuống hạ giới chiêm ngưỡng. Hàm dưỡng âm nhạc của Sư Khoáng rất tốt. Dù chơi khúc nhạc gì hay sử dụng nhạc cụ nào, ông cũng có thể biết được âm thanh của nó có hài hòa và âm luật có chính xác hay không chỉ bằng cách lắng tai nghe.
Một lần, nước Tấn chuẩn bị tổ chức một lễ tế quy mô lớn. Tấn Bình Công lệnh cho đúc một quả chuông lớn và gọi tất cả các nhạc công đến nghe tiếng chuông. Tiếng chuông vang dội khiến các nhạc công phải trầm trồ. Tấn Bình Công nghe những lời tán tụng của các nhạc công, trong lòng vô cùng cao hứng, và muốn trọng thưởng cho người đúc chuông.
Lúc này, Sư Khoáng bước tới, cúi đầu nói với Tấn Bình Công rằng: “Thưa quân vương, tiếng chuông này không hài hòa, cần đúc lại!” Tấn Bình Công rất không vui nói: “Các nhạc công đều nói rất hài hòa rồi, lẽ nào họ đều sai hay sao?” Sư Khoáng nói: “Tiếng chuông hài hòa hay không, không phải do mọi người nói nó hài hòa mà trở nên hài hòa! Huống hồ, sự hài hòa của chiếc chuông lớn này rất khó phân biệt.” Nghe xong, Tấn Bình Công tức giận bỏ đi, không nói một lời.
Sau đó, Vệ Linh Công đến thăm nước Tấn và mang theo nhạc sư Sư Quyên của mình tới. Tấn Bình Công vội mời Sư Quyên đến nghe chuông. Nghe xong Sư Quyên nói: “Chiếc chuông này không hài hòa chút nào.” Tấn Bình Công lúc này mới tin lời Sư Khoáng và cho người đúc lại một chiếc chuông lớn khác. Sau đó, Tấn Bình Công nói: “Chỉ có Sư Khoáng là Thần nhạc sư.”
Sư Khoáng là một nhạc sư có tính cách ngay thẳng. Một lần nọ, Tấn Bình Công và quần thần thiết tiệc rượu vui vẻ trong cung, ai nấy đều hát tới mức say mèm, khóc khóc, cười cười, người thì ngã quỵ, người thì sinh chuyện. Nhân lúc rượu vào cao hứng, Tấn Bình Công lớn tiếng nói với các quan rằng: “Ài, hạnh phúc nhất trên đời không gì bằng được làm vua nhỉ? Chỉ cần ông ta nói một tiếng, không ai dám trái lời”.
Lúc này Sư Khoáng đã đến tuổi cuối đời, đôi mắt cũng không nhìn được nữa, nhưng ông vẫn ở bên cạnh Tấn Bình Công. Là một lão thần của nước Tấn, một lòng một dạ trung thành, nên ông rất được Tấn Bình Công kính trọng. Nghe được những lời này của Tấn Bình Công, trong lòng ông cảm thấy rất khó chịu, nhưng trước mặt quần thần, lại không thể dễ dàng trực tiếp trách cứ. Vậy nên ông không nói gì, đột nhiên ôm chiếc đàn đang đặt trên gối hướng về phía Tấn Bình Công đang ngồi ném mạnh. Tấn Bình Công vội vàng né thoát. Chiếc đàn va vào tường vỡ tan, tường cũng lõm một hố sâu.
“Thái sư, người đang đánh ai vậy?” Tấn Bình Công kinh ngạc hỏi. Sư Khoáng nói: “Thần vừa nghe thấy kẻ tiểu nhân nói năng loạn bậy trước mặt quân vương, nên dùng đàn đập hắn.”
Tấn Bình Công vội vàng nói: “Chính là ta!” Sư Khoáng cau mày, sắc mặt rất khó coi, lắc đầu nói: “Thật vậy sao? Đây không phải là lời mà một vị quân vương nên nói!” Tấn Bình Công cảm thấy hổ thẹn, nhất thời không biết đáp lại lời trách móc của Sư Khoáng thế nào. Các cận thần muốn đắp lại bức tường đã bị đàn đập lõm, Tấn Bình Công ngăn lại, nói: “Thôi bỏ đi, cứ để nó như vậy, coi như lời cảnh báo dành cho ta.”
Đại thể Sư Khoáng là một vị nhạc sư như thế. Cho nên hậu thế đều kính phục ông, những câu chuyện xoay quanh tài nghệ âm nhạc của ông đều vô cùng huyền bí, nên mới có thuyết cho rằng Sư Khoáng dựa theo Thần khúc mà sáng tạo ra Dương Xuân Bạch Tuyết.
Quay lại khúc Dương Xuân Bạch Tuyết ngày nay, trên thực tế trong quá trình lưu truyền, nó đã bị biến đổi rất nhiều đến nỗi khó mà truy nguyên. Hiện tại, nó đã trở thành danh khúc của đàn tỳ bà, hết sức nổi tiếng, chỉ là khúc nhạc cho đàn tỳ bà này tới nay vẫn không rõ ai sáng tác.
Vương Trĩ Đăng, một nhà thơ thời nhà Minh, đã từng viết một bài thơ có tên “Trường An Xuân Tuyết Khúc” nói rằng:
Ái ngọc tỳ bà hàn ngọc phu,
Nhất ban như tuyết ánh la nhu.
Bão lai chỉ tuyển “Dương Xuân khúc”,
Đàn tác bàn trung đại tiểu chu.
Tạm dịch:
Ngọc nữ tỳ bà lạnh da ngọc,
Như tuyết ánh trên làn áo cánh.
Ôm đến chỉ chọn “Dương Xuân khúc”,
Như ngọc lớn nhỏ trên đĩa rơi.
Theo ghi chép về bài thơ này, có thể thấy Dương Xuân Bạch Tuyết đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian ngay từ thời nhà Minh.
Khúc Dương Xuân Bạch Tuyết lần đầu tiên được tìm thấy trong các bản nhạc sao chép của Cúc Sĩ Lâm (có tên là “Lục Bản”). Sau đó được tìm thấy trong các phiên bản khác như “13 bản nhạc tỳ bà nổi tiếng phái Nam Bắc” (có tên Dương Xuân Cổ Khúc), “Dưỡng Chính Hiên Phổ” (Có tên Dương Xuân Bạch Tuyết) và “Dương Xuân Cổ Khúc” của Uông Dục Đình để lại.
Trong quá trình phát triển và tiến hóa của các phiên bản này, chất liệu và cấu trúc của các bản nhạc đều khác nhau. Ngày nay, bản nhạc 10 đoạn và 12 đoạn do Lý Phương Viên và Thẩm Hạo Sơ chỉnh lý được gọi là “Đại Dương Xuân”, và bản nhạc 7 đoạn do Uông Dục Đình truyền lại là “Tiểu Dương Xuân” hoặc “Khoái Bản Dương Xuân” (Khúc Dương Xuân tiết tấu nhanh).
Khúc tỳ bà Dương Xuân Bạch Tuyết ngày nay thật ra không giống truyền thuyết. Nó rất thông tục, dễ hiểu, và đồng thời cũng rất được yêu mến. Khúc nhạc ngắn và mạnh mẽ này được phổ biến rộng rãi, từ Quảng Đông đến Nội Mông, từ Tứ Xuyên đến Sơn Đông; từ nhạc Khách Gia đến đàn dây và sáo Giang Nam, từ khúc bản đầu Giang Nam đến Sơn Tây… đều có thể tìm được bóng dáng của khúc nhạc này.
Khúc Dương Xuân Bạch Tuyết ngày nay bao gồm 7 đoạn nhỏ, mỗi đoạn có một phụ đề, gồm:
“Độc chiếm ngao đầu”
“Gió lay nhành sen”
“Một vầng trăng sáng”
“Ngọc bản tham thiền”
“Thiết sách bản thanh”
“Đạo viện cầm thanh”
“Đông cao hạc minh”
Những tiêu đề này có vẻ tao nhã, nhưng kỳ thực chúng không liên quan gì đến việc cảm thụ nội dung của bản nhạc, chỉ thể hiện phong thái nho nhã của các văn nhân.
Phần 2:

Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Ngọc Hải Bùi
Không ngờ có thể thấy được người đam mê cổ cầm đây. Cảm ơn tác giả, hi vọng sớm có bài về list những nhạc phẩm cổ cầm hay, ngoài Thập đại danh khúc.
- Báo cáo

DH Howard
đồng ý
- Báo cáo