CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA TẠI GẠC MA THÁNG 3 NĂM 1988?
Mỗi năm, cứ đến ngày 14 tháng 3, cả nước lại tổ chức tưởng niệm những người lính đã hy sinh xương máu của mình trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988...
Mỗi năm, cứ đến ngày 14 tháng 3, cả nước lại tổ chức tưởng niệm những người lính đã hy sinh xương máu của mình trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Đến ngày hôm nay, đã 37 năm đã trôi qua, sóng biển vẫn ầm ào xô bờ nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm mà sự hy sinh của họ được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc.
Vậy, những con người ấy, họ đã không tiếc mình tiến vào một cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta như thế nào? Nhân dịp này, hãy cùng chúng mình tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
1, Sự tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa
Trước hết, chúng ta cần phải làm rõ rằng, quần đảo Trường Sa vào thời điểm ấy đã là một vùng tranh chấp chủ quyền trong khu vực với nhiều tuyên bố chủ quyền chồng chéo lên nhau bởi các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc. Hai quốc gia này đã đưa ra nhiều lí lẽ và bằng chứng khác nhau nhằm khẳng định chủ quyền của mình tại quần đảo này. Dưới đây là một số mốc thời gian quan trọng liên quan tới những tranh chấp tại quần đảo này giữa hai quốc gia trước khi trận hải chiến Gạc Ma diễn ra:
Ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra bản "Quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc", trong đó có đề cập tới Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng có gửi một công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, mà về sau chính công hàm này được phía Trung Quốc diễn giải là sự thừa nhận của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa và Hoàng Sa (tuy nhiên, thời điểm này Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa kiểm soát khu vực hai quần đảo này nên không có pháp lý chủ quyền với hai quần đảo đó, vậy nên nội dung trong công hàm không thể được sử dụng để làm chứng cứ cho việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo này).
Tháng 7 năm 1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, Quốc gia Việt Nam tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc lãnh thổ Việt Nam. Tuyên bố này không bị bác bỏ hay bảo lưu ý kiến nào của 51 nước có mặt tại hội nghị. Tuy nhiên, hội nghị San Francisco không xác nhận chủ quyền của bất kỳ nước nào ở Hoàng Sa và Trường Sa, 2 quần đảo này được xem là vô chủ. Tháng 4 năm 1950 Pháp trao lại quyền quản lý quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) cho chính phủ Quốc gia Việt Nam nhưng việc đồn trú vẫn do quân đội Pháp đảm nhiệm. Và khi người Pháp rời khỏi Việt Nam sau Hiệp định Genève năm 1954, quyền kiểm soát thuộc về Quân đội Quốc gia Việt Nam và kế tiếp là Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện đóng giữ Trường Sa. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, các lực lượng hải quân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiếp quản quyền kiểm soát quần đảo cho đến nay.
Ngày 15 tháng 3 năm 1979, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tức chính thể duy nhất kế thừa tất cả các nhà nước tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam trước năm 1976, bao gồm cả những chính thể của Việt Nam từng tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) công bố văn bản giải trình về vấn đề biên giới Việt - Trung, qua đó lên án các hành động xâm lấn chủ quyền trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước đó. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không chấp nhận cách giải trình của Việt Nam.
Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tiếp tục công bố một văn bản loại Sách Trắng giới thiệu mười chín tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn không công nhận những tài liệu này.
2, Trước trận chiến
Trong những tháng đầu năm 1988, lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc cho hải quân di chuyển tới khu vực quần đảo Trường Sa, lần lượt chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực ngày. Ngày 31 tháng 1, Trung Quốc chiếm giữ đá Chữ Thập. Liên tiếp từ ngày 18 tháng 2 đến ngày 28 tháng 2, Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng các đá Châu Viên (18 tháng 2), đá Ga Ven (26 tháng 2), đá Tư Nghĩa (28 tháng 2).
Về phía hải quân Việt Nam, để đáp lại hành động xâm lấn này, quân ta cũng đã đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đá Tiên Nữ (ngày 26 tháng 1), đá Lát (5 tháng 2), đá Lớn (6 tháng 2), đá Đông (18 tháng 2), đá Tốc Tan (27 tháng 2), đá Núi Le (2 tháng 3). Nhìn chung, hành động kịp thời này đã bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận.
Căn cứ vào tình hình xung quanh khu vực Trường Sa, Hải quân Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và phía đông kinh tuyến 115 độ Đông. Sau khi xem xét địa thế khu vực, quân ta xác định: Gạc Ma, Côn Lin và Len Đao là những đảo giữ vị trí quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ khác tại quần đảo Trường Sa. Vì vậy, thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao... Lữ đoàn Vận tải 125 được lệnh điều động lực lượng tác chiến cho nhiệm vụ này.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc sau khi đưa quân chiếm đóng các rạn san hô Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa cũng đang có ý đồ chiếm giữ ba đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Ngay từ đầu tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.
Lúc 19 giờ ngày 11 tháng 3, tàu HQ-604 rời quân cảng Cam Ranh ra đá Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ như một phần của chiến dịch CQ-88 (tức chiến dịch "Chủ Quyền 88"). Trên đường đi, sáng ngày 13 tháng 3 tàu ghé đá Lớn để chuyển lệnh từ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho tàu HQ-505, đang đưa công binh đến đá Lớn.
Ngày 12 tháng 3, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy, đang làm nhiệm vụ ở đá Đông, được lệnh đến đóng giữ đá Len Đao trước 6 giờ ngày 14 tháng 3. 11 giờ ngày 13 tháng 3, tàu có mặt tại đá Tốc Tan, cập mạn tàu Đại Lãnh gặp phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Võ Tiến Cai để nhận nhiệm vụ cụ thể. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5 giờ ngày 14 tháng 3 và cắm cờ Việt Nam trên đá san hô này.
Thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đá Gạc Ma và Cô Lin, 9 giờ ngày 13 tháng 3, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh từ đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ-505 và HQ-604 có hai phân đội công binh tổng gồm 70 người thuộc Trung đoàn công binh 83, bốn tổ chiến đấu tổng gồm 22 người thuộc Lữ đoàn 146 do Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và bốn chiến sĩ đo đạc của Đoàn Đo đạc và Biên vẽ bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu.
16 giờ 20 ngày 13 tháng 3, tàu HQ-604 đã đến địa điểm thả neo cách đảo Gạc Ma chừng 100 mét. Sau khi tàu thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ tên lửa 502 của Hải quân Trung Quốc từ đá Tư Nghĩa chạy về phía Gạc Ma. Tình hình cực kì căng thảng, có lúc đôi bên chỉ cách nhau 500 m. 17 giờ ngày 13 tháng 3, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang, thông báo đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu bộ đội Việt Nam nhanh chóng rời khỏi. Về phía quân ta, tàu HQ-604 cũng kiên quyết đáp trả lại và đưa ra yêu cầu tương tự. Sau khoảng 30 phút thì tàu Trung Quốc đổi hướng, bỏ đi về phía tây cách đó khoảng 5-6 hải lý. Còn về phía tàu HQ-604, tuy bị uy hiếp nhưng quân ta vẫn kiên trì neo giữ cạnh đá Gạc Ma. Sau đó, chiến hạm của Trung Quốc cùng một hộ vệ hạm và hai hải vận hạm thay nhau cơ động, chạy cảnh giới quanh đá Gạc Ma.
18 giờ ngày 13 tháng 3, tàu HQ-505 thả neo ở mép đá Cô Lin để thực hiện đổ bộ. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho toàn tàu ăn cơm chiều và gọi các sĩ quan họp riêng rồi nhận định: "Sáng mai có thể đụng độ. Mọi người chuẩn bị tinh thần chiến đấu". Đồng thời, ông cũng cho tăng cường đi ca, quan sát mục tiêu trên biển. Đêm hôm ấy, hầu như cả tàu tập trung ở phòng thông tin để chờ nghe các bức điện từ trong bờ gửi ra. Các tổ đi ca tăng cường người, tập trung quan sát phía Gạc Ma bởi lúc chiều nhập nhoạng, nhìn qua ống nhòm đã thấy tàu HQ-604 thả xuồng đưa công binh vào bãi đá và ban đêm, đuốc trên bãi sáng lập lòe.
Trước tình hình căng thẳng do hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21 giờ ngày 13 tháng 3, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam chỉ thị cho Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội ta quyết giữ vững các đá Gạc Ma, Cô Lin. Tiếp đó Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho lực lượng công binh khẩn trương dùng xuồng chuyển vật liệu xây dựng lên đá ngay trong đêm ngày 13 tháng 3. Thực hiện mệnh lệnh, tàu HQ-604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đá Gạc Ma, tiếp đó lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai bốn tổ bảo vệ đá.
Lúc này, phía Trung Quốc điều thêm hai hộ vệ hạm trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đá Gạc Ma. Ban chỉ huy tàu HQ-604 họp nhận định Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.
Chỉ huy trận Gạc Ma của Trung Quốc lúc đó là Tham mưu trưởng căn cứ Du Lâm, Trần Vĩ Văn, trong hồi ký của mình cho biết: "Lúc đó cấp trên truyền đạt nguyên tắc chiến đấu được tổng kết thành "5 không 1 đuổi". 5 không là: không chủ động gây sự, không nổ súng trước, không tỏ ra yếu đuối, không chấp nhận thua thiệt, không để mất thể diện; 1 đuổi là: nếu quân địch chiếm các đảo đá của ta, phải lập tức đuổi địch. Sau khi xảy ra sự kiện này, chúng ta cũng có chủ ý tránh đề cập, tuyên truyền trong nước không nhiều. Nhưng trận chiến này lại trở thành nỗi đau khó có thể hóa giải trong lòng người Việt Nam về quan hệ với Trung Quốc".
3, Trận hải chiến Gạc Ma lịch sử
Sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, chiến sự chính thức diễn ra tại khu vực các đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Về tương quan lực lượng, quân đội Trung Quốc khi đó có 2 tàu vận tải, 3 khu trục chuyên dụng (loại hộ vệ tên lửa) trang bị pháo 100mm, pháo phản lực phóng loạt chống ngầm, súng phòng không 37mm, súng máy hạng nặng 14.5mm và tên lửa chống hạm - đều là những vũ khí tấn công tầm xa, đạt mức tối đa có thể tới 20km. Trong khi đó phía Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải không vũ trang hoặc vũ trang kém, chỉ có súng cá nhân như AK-47, súng máy 12.7mm và B40 trang bị cho thủy thủ, tầm bắn chỉ được vài trăm mét là tối đa.
Có thể thấy rõ, quân đội Việt Nam trong trận chiến lần này tỏ ra thua thiệt hơn hẳn trong khi phía Trung Quốc thì lại có đầy đủ hỏa lực đại bác cỡ lớn. Chỉ cần nhìn vào thống kê, chúng ta có thể dự đoán ngay được khi xảy ra hải chiến, tàu Trung Quốc có thể đứng từ xa nã đạn vào tàu Việt Nam mà không bị đối phương bắn tới. Phía Việt Nam thì không thể tấn công tàu Trung Quốc (do không có pháo) mà chỉ có thể dùng vũ khí cá nhân để bắn xuồng đổ bộ để ngăn Trung Quốc đổ quân lên chiếm đảo. Và thực tế thì trận đánh đã diễn ra đúng như vậy.
3.1, Đảo Gạc Ma
Khoảng 2 giờ sáng ngày 14 tháng 3, một bộ phận công binh trên tàu HQ-604 được lệnh xuống đảo, tìm và lựa chọn địa điểm xây dựng công trình. Họ cũng chôn một cái cột để làm cột cờ, nhằm khẳng định dấu mốc chủ quyền. Đến 5 giờ thì 5 người gồm Thượng úy Nguyễn Mậu Phong (tức Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma), trung úy Trần Văn Phương (tức Chỉ huy phó đảo), Lê Hữu Thảo, Hoàng Văn Trúc và Đậu Xuân Tư mang 2 khẩu AK xuống đảo làm nhiệm vụ giữ cờ và bảo vệ cho công binh xây dựng. Trên tàu, Trung tá Trần Đức Thông gọi các đơn vị thức dậy để ăn sáng và chuyển vũ khí dưới hầm tàu lên lau chùi để chuẩn bị chiến đấu nếu như phía quân đội Trung Quốc nổ súng trước.
Khoảng 6 giờ sáng 14 tháng 3 năm 1988, khi tổ cắm cờ và giữ cờ gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa của Trung Quốc chạy đến. Một tàu đậu ở xa, còn ba tàu áp sát chừng 200–300m. Tàu Trung Quốc chĩa súng vào tàu HQ-604 và bộ đội Việt Nam đe dọa và yêu cầu tất cả rút khỏi đảo. Nhưng công binh Việt Nam vẫn làm việc bình thường, chèo thuyền và chở vật liệu ra đảo xây dựng còn tổ bảo vệ thì làm nhiệm vụ cảnh giới. Lúc 6 giờ 30 phút, tàu Trung Quốc thả xuồng máy chở lính có trang bị vũ trang đổ bộ xuống đảo, gồm 1 chỉ huy mang súng lục, 48 lính mang AK-47 và 1 lính mang điện đàm. Lính Trung Quốc bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, những chỗ vòng vây gần nhất, hai bên cách nhau chỉ chừng một mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam thu lại cố thủ, đứng tạo thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc Việt Nam.
Ngay lúc đó, chỉ huy cụm đảo Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu HQ-604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, hỗ trợ đồng đội trên đảo, không cho đối phương tiến lên. Tổ cắm cờ và giữ cờ Việt Nam gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh, do đang làm nhiệm vụ xây dựng nên chỉ có 2 khẩu AK-47; gần 40 chiến sĩ trên tàu HQ-604 xuống bãi hỗ trợ đồng đội cũng chỉ mang theo một số dụng cụ như xà beng, cuốc xẻng nhưng vẫn cố gắng bảo vệ cờ trước lính Trung Quốc. Hai bên giằng co với nhau bằng tay không trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đó sĩ quan Trung Quốc đã rút súng lục và nổ súng bắn chỉ thiên, nhưng không có tác dụng. Đến lúc này, phía quân đội Trung Quốc quyết định họ sẽ phải hành động mạnh tay hơn. Lính Trung Quốc nổ súng bắn về phía quân ta, khiến Trung úy Trần Văn Phương tử vong tại chỗ. Sau đó, quân Trung Quốc tiếp tục dùng lưỡi lê để đâm và nổ súng bắn bị thương thêm Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Theo truyền thông phía Việt Nam đưa tin thì trước khi chết Trần Văn Phương đã hô to:
"Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".
Các tường trình phía Trung Quốc nói rằng một lính Việt Nam đã nổ súng và làm bị thương một lính Trung Quốc, sau đó họ rút lui khi các tàu Việt Nam khai hỏa bằng súng máy. Cụ thể, trong trận xô xát giữa hai bên, Dương Chí Lượng, phó chỉ huy của tàu 502 (phía Trung Quốc), đã bị đạn bắn trúng cánh tay trái vào lúc 8:47 theo giờ Trung Quốc. Sau đó những người lính của hai bên đã liên tục nổ súng vào nhau. Khẩu súng máy trên tàu HQ-604 của Việt Nam cũng bắn về phía rạn san hô, lúc 8 giờ 48 phút, Hải quân Trung Quốc trên tàu 502 cũng bắn lại. Tài liệu CIA đề ngày 08/08/1988 miêu tả cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam như sau:
"Hai bên nổ súng qua lại, phía Việt Nam bắn vào binh lính Trung Quốc, làm bị thương một người. Sau đó, một chiếc tàu vận tải của Việt Nam - được trang bị súng máy - nã đạn vào một trong những tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc ngoài khơi".
Do phía quân đội Việt Nam không chịu rút khỏi đảo đá, tốp lính Trung Quốc trên đảo sau đó buộc phải rút lui về tàu. Hai chiến hạm 502 và 531 (phía Trung Quốc) lập tức khai hỏa, hỏa lực gồm đủ loại từ trọng liên 12,7mm cho tới pháo 100mm và cả dàn ống phóng tên lửa bắn vào tàu HQ-604 và binh lính Việt Nam trên đảo. Sau loạt đạn dữ dội, gần như toàn bộ lính Việt Nam trên đảo đều đã hi sinh. Sau đó các tàu Trung Quốc tiếp tục quay sang bắn cả tàu HQ-505 bên đảo Cô Lin và HQ-605 bên đảo Len Đao.
Sau đợt pháo kích, Hải quân Trung Quốc lại cho xuồng đổ bộ xông về phía tàu HQ-604. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân còn lại trên tàu sử dụng các loại súng AK-47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt khiến nhiều lính Trung Quốc thương vong, buộc đối phương phải bỏ xuồng nhảy xuống biển bơi tháo chạy về tàu.
Trận chiến tiếp tục trong thế giằng co. Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Phía Trung Quốc thì vẫn tiếp tục nã pháo đều đặn cho đến khi tàu HQ-604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, thuyền trưởng, Đại úy Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ trên tàu đã hi sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đá Gạc Ma.
Khi trời sáng rõ, quân Trung Quốc quyết định rút khỏi đá Gạc Ma. Lúc này Trung sĩ Lê Hữu Thảo và một số người còn sống bơi ngược lại đảo tìm xác đồng đội và cấp cứu chiến sĩ bị thương. Chiếc xuồng vận tải bị đạn bắn thủng nên Trung sĩ Thảo phải xé áo nhét lại để mọi người chèo xuồng chở thi thể Thiếu úy Phương và các thương binh về hướng tàu HQ-505. Đầu giờ chiều, xuồng của HQ-505 đến hỗ trợ đưa mọi người về đảo Cô Lin. Trưa ngày 14 tháng 3, máy bay của Việt Nam bay trên bầu trời Gạc Ma nhưng tàu Trung Quốc đã đi khỏi khu vực.
3.2, Đảo Côn Lin
Khoảng 5 giờ sáng 14 tháng 3, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ báo thức toàn tàu và cử 3 tổ chiến sĩ bơi vào đá Cô Lin cắm cờ Việt Nam ở 3 góc. Việc cắm cờ kéo dài hơn 1 tiếng do phải dùng xà beng phá đá san hô làm lỗ cắm. Khi cắm cờ xong thì trời tảng sáng. Từ trên đảo, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy 2 tàu khu trục của Trung Quốc từ phía đá Tư Nghĩa chạy xuống, sát qua Cô Lin và tàu HQ-605 đang neo ở đá Len Đao.
Khoảng gần 8 giờ sáng, 2 tàu khu trục Trung Quốc liên tục nã pháo vào HQ-505. Quả đạn pháo đầu tiên bắn vào buồng thông tin trên đài lái, sau đó là hầm máy khiến hệ thống liên lạc bị cắt, khí khởi động tịt ngóm, máy bị hỏng phải thả trôi. Gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh, tàu trôi xa khỏi đảo hơn một hải lý (cỡ khoảng 1.852 m). Pháo 100 mm trên tàu Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn khiến HQ-505 bốc cháy, thân tàu thủng, nước tràn vào các khoang, dầu chảy ra lênh láng mặt biển. Mọi người trên boong tàu vừa dập lửa vừa bắn trả, nhưng vũ khí mạnh nhất của tàu lúc ấy chỉ là B40, không với tới được tàu Trung Quốc. Lúc này HQ-505 đã nghiêng và có nguy cơ chìm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lập tức hội ý với Ban chỉ huy tàu và quyết định phải sửa chữa bằng được máy móc để đưa tàu lên đảo. Dù bị thương nhưng máy trưởng Nguyễn Đại Thắng khi ấy vẫn xông xáo chỉ đạo sửa máy. Lúc 8 giờ 18 phút, tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân tàu lên đá và dừng hẳn. Con tàu dài gần 100m, rộng 28m vừa yên vị trên bãi thì cũng là lúc tàu chiến Trung Quốc tiếp tục nã đạn. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ yêu cầu mọi người hủy tài liệu mật và nhanh chóng sơ tán khỏi tàu nhằm hạn chế tối đa thương vong. Đồng thời, ông cũng lệnh chuyển tất cả vũ khí có thể chuyển lên đảo để chuẩn bị chiến đấu. Đến 9 giờ, các tàu Trung Quốc tấn công đợt 2 vào HQ-505 khiến hầm dầu cháy lớn không dập tắt được. Cấp ủy tàu xác định có thể sẽ hy sinh tất cả nhưng quyết tâm bám trụ đến cùng. Đến 9 giờ 30 phút, tàu Trung Quốc mới ngừng xả hỏa lực.
Khi này, nhìn qua ống nhòm sang Gạc Ma thấy một xuồng chuyển tải đang nổi và nhiều bộ đội quân ta níu các vật nổi cứu nhau, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho hạ xuồng cao su bên mạn phải tàu, cử một tiểu đội chạy sang Gạc Ma cấp cứu thương binh. 15 giờ chiều xuồng đưa 45 thương binh về cập tàu (trong đó có thi hài Thiếu úy Trần Văn Phương, thương binh nặng Đậu Văn Tư...). Đúng lúc đó cũng có 2 tàu khu trục Trung Quốc lởn vởn ngoài xa, phía mạn phải tàu. Lúc 16 giờ, tàu HQ-671 của Việt Nam treo cờ chữ thập lùi vào bãi nhận thương binh liệt sĩ đưa về đảo Sinh Tồn, để lại chín cán bộ chiến sĩ bám trụ ở Cô Lin do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy.
Nhờ việc ủi bãi nên tàu HQ-505 không bị chìm, chiến sĩ của tàu HQ-505 đã hoàn thành nhiệm vụ giữ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Sau trận đánh, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vì thành tích trong chiến đấu ở đảo Cô Lin đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 1 năm 1989.
Về số phận của con tàu HQ-505, Hải quân Việt Nam đã cố gắng cứu tàu để đưa về quân cảng Cam Ranh sửa chữa, nhưng tiếc là không thành. Tàu sau đó được thả cho chìm ở ngay gần đá Cô Lin.
3.3, Đảo Len Đao
Tàu vận tải HQ-605 hành quân đến đá Len Đao khoảng 5 giờ sáng ngày 14 tháng 3. Ngay khi vừa thả neo định vị tàu, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lập tức ra lệnh cho một tổ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ cắm cờ chủ quyền trên đảo chìm này. Tổ gồm Trung úy Phan Hữu Doan, thuyền phó làm Tổ trưởng và các chiến sĩ Trần Quang Ngọc, Vũ Văn Nga, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Thưởng. Xuồng được thả xuống, tổ cắm cờ theo xuồng để lên đá Len Đao. Tại đây cả tổ đã nhổ và vứt cờ Trung Quốc cắm trên đảo trước đó rồi thay thế bằng cờ Việt Nam, cắm 2 lá cờ Tổ quốc trên 2 đầu bãi để khẳng định chủ quyền. Sau khi cắm xong, thuyền phó Phan Hữu Doan lên tàu, Chính trị viên tàu Khổng Ngọc Quang lên đá chỉ huy tổ giữ cờ.
Khoảng 20 phút sau khi tổ chiến đấu của HQ-605 cắm cờ chủ quyền trên bãi, tàu hộ vệ tên lửa 502 của Trung Quốc áp sát với khoảng cách 500 - 700m, chĩa pháo sang uy hiếp. Chiến hạm Trung Quốc phát loa dồn dập, đe dọa buộc tàu Việt Nam phải rời khỏi vùng biển. Tàu HQ-605 cũng phát loa đáp lại: "Đây là chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rút lui ngay". Mới chỉ qua lại vài câu như vậy, tức tàu Trung Quốc đã nhanh chóng chĩa thẳng tất cả giàn hỏa lực vào tàu Việt Nam. Trước sự đe dọa cực kỳ nguy hiểm và bất tương xứng này, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn vẫn bình tĩnh, yêu cầu các chiến sĩ giữ vững vị trí. Sau khi đe dọa không thành công, chiến hạm Trung Quốc lùi dần ra xa khỏi tầm súng bộ binh của tàu HQ-605 và chuẩn bị tác chiến. Ngay lúc đó, các tàu chiến Trung Quốc sau khi bắn chìm tàu HQ-604 ở đá Gạc Ma đã kéo sang cùng tấn công tàu HQ-605.
Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn nhìn qua ống nhòm thấy tàu HQ-604 bốc cháy rồi chìm dần. Đến 7 giờ 50 phút, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn ra lệnh chuẩn bị lao lên bãi Len Đao vì biết sẽ khó tránh chiến sự tiếp theo. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm quyết định đó, máy tàu lại trục trặc vì đây là con tàu rất cũ kỹ. Các sĩ quan và chiến sĩ phòng máy Uông Xuân Thọ, Trần Văn Sáu, Hoàng Văn Nam lao xuống cố gắng sửa chữa. HQ-605 là tàu nhỏ, trọng tải 400 tấn, cao 13m và dài 49,5m, được thiết kế để chuyên chở hàng hóa. Lúc ấy, quân số trên tàu rất khiêm tốn với chỉ có 18 người, được trang bị tương đối thô sơ bằng súng AK-47 và B40.
Thấy HQ-605 nổ máy, tàu hộ vệ tên lửa 556 của Trung Quốc lập tức điên cuồng bắn phá tàu Việt Nam. Loạt đạn đầu tiên nhằm vào đài lái (tức phòng chỉ huy) khiến Trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh ngay tại chỗ; thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn bị bỏng ở mặt và mảnh đạn găm sâu ở chân. Bị thương nặng nhất là thuyền phó Phan Hữu Doan, do ở gần vị trí pháo nổ nên bị bhỏng toàn thân và cả mảnh đạn găm sâu vào mặt. Tuy thương thế nặng, nhưng họ vẫn cố gắng giữ vững vị trí chiến đấu. Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn ra lệnh chặt neo, ủi tàu lên bãi Len Đao nhưng đạn pháo Trung Quốc đã nhằm trúng khoang máy khiến máy trưởng Uông Xuân Thọ, chiến sĩ cơ điện Trần Văn Sáu bị thương nặng, gãy chân. Đạn pháo phía quân Trung Quốc vẫn bắn liên tiếp theo kiểu cố sát. Tàu HQ-605 bị liệt máy, không thể điều khiển và bốc cháy dữ dội. Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn khi này hiểu rằng nếu trụ lại cùng con tàu thì tất cả sẽ hi sinh và chủ quyền đảo Len Đao cũng khó giữ được. Do đó, ông buộc phải ra lệnh mọi người rời tàu, bơi vào bãi Len Đao tác chiến.
Khi xuống biển, kiểm tra quân số mới thấy thiếu Bùi Duy Hiển, quân ta định cử người quay trở lại leo lên tìm nhưng do thân tàu đang cháy dữ dội, lại thêm đạn pháo Trung Quốc bắn tới tấp nên không thể thực hiện. Suốt 4 tiếng đồng hồ trên biển sau đó, chiếc xuồng của tổ bảo vệ cờ trên đá Len Đao mới vớt được hết mọi người. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam dìu nhau lênh đênh trên bè, quyết tâm trụ lại với Len Đao, thề nếu hi sinh thì lấy xương máu mình làm bằng chứng chủ quyền cho Tổ quốc. Thuyền phó Phan Hữu Doan trụ được trên biển với đồng đội được vài giờ thì hi sinh vì vết thương quá nặng.
Đến 8 giờ 20 phút ngày 14 tháng 3, Hải quân Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam. Tàu HQ-605 bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15 tháng 3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn. Phía Trung Quốc sau đó đổ bộ chiếm giữ đảo.
4, Kết quả cuộc chiến
4.1, Những con số thống kê
Trong trận chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988, phía Trung Quốc thống kê họ đã bắn tổng cộng 285 viên đạn pháo 100mm và 266 viên đạn pháo 37mm, chưa kể các cỡ đạn nhỏ hơn. Phía Việt Nam chỉ có tàu vận tải nên không có pháo để bắn trả, chỉ có thể bắn trả bằng các loại vũ khí cá nhân như AK-47 và RPG-7.
Thiệt hại của Việt Nam bao gồm 2 tàu bị bắn chìm, 1 tàu bị bắn hỏng được cho ủi bãi. 3 người hi sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 61 người vẫn mất tích và được xem là đã hi sinh. Theo các báo của Việt Nam thì khi tàu của Việt Nam bị đánh đắm, tàu chiến Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu. Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất về chiến tranh của luật pháp quốc tế.
Trong trận Hải chiến Trường Sa, Học viện Hải quân Việt Nam có hai học viên là Kiều Hồng Lập và Nguyễn Bá Cường hi sinh trong lúc tham gia thực tập và chiến đấu trên tàu HQ-604, hiện nay vẫn còn lưu giữ hình ảnh tại nhà truyền thống của Học viện.
Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505, tàu Việt Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này. Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma từ ngày 16 tháng 3 năm 1988 và vẫn giữ cho đến nay. Ngày 7 tháng 5 năm 1988, tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc lời thề:
"Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
4.2, Quân đội Việt Nam tái chiếm Len Đao
Sau trận đánh, quân đội Việt Nam đã lên kế hoạch giành lại các đảo như một phần của chiến dịch CQ-88. Trong kế hoạch này, chủ trương của Việt Nam ta là chỉ sử dụng các lực lượng vận tải và công binh để thực hiện đóng quân bảo vệ chủ quyền, không gây xung đột quá mức để Trung Quốc tạo cớ đánh chiếm toàn bộ quần đảo bởi khi đó lực lượng của Việt Nam trên quần đảo vẫn còn rất mỏng, khó có thể chống đỡ nếu Trung Quốc huy động toàn bộ Hạm đội Nam Hải đến tham chiến.
Ngày 15 tháng 3 năm 1988, chỉ một ngày sau trận đánh, Việt Nam cho quân đóng giữ Đá Núi Thị, một vị trí rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết. Ngày 16 tháng 3, Việt Nam tiếp tục cho quân đóng giữ đảo Đá Nam. Đồng thời, ngay trong và sau trận chiến ở đảo Gạc Ma (các ngày 14, 15, và 16), máy bay An-26 của Không quân Việt Nam đã bay ra Cô Lin, Len Đao trinh sát trận địa nhưng bị Trung Quốc điều máy bay ngăn chặn.
Ngày 30 tháng 3, Việt Nam quyết định tăng cường bay huấn luyện trên biển xa cho phi đội Su-22M nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển. Ngày 24 tháng 4, 3 chiếc Su-22M được điều từ Thọ Xuân , Thanh Hóa vào Phan Rang. Cuối tháng 6, có thêm 10 chiếc Su-22M nữa vào Phan Rang. Từ Phan Rang bay ra Trường Sa là gần 600 km. Thời điểm đó, phương tiện dẫn đường của Việt Nam chỉ có bán kính 300 km nên sau đó phi công phải tự bay 300 km nữa mà không có dẫn đường. Giữa biển cả, việc xác định vị trí là cực kỳ khó khăn, không có địa tiêu nào để phi công dựa vào phán đoán tọa độ, thời tiết lại hay thay đổi đột ngột. Các đơn vị Su-22M phải khắc phục rất nhiều khó khăn và cả nguy hiểm để huấn luyện cấp tốc việc bay ra đảo Trường Sa.
Một tháng sau trận hải chiến đảo Gạc Ma, con tàu không số của Lữ đoàn 125 chở theo 35 lính công binh và 7 lính hải quân của đơn vị C7 - D3 (tức Lữ đoàn công binh E83) do Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy quay lại quần đảo Trường Sa. Vũ khí chỉ có súng DKZ, B40, AK, lựu đạn mỏ vịt, mìn chống tăng... Điều đặc biệt nhất là mỗi chiến sĩ đều được phát sẵn một bao tử thi để chuẩn bị sẵn cho mình nếu hi sinh. Từ 2 giờ sáng, Hải quân Việt Nam bí mật cho xuồng nhỏ vào thăm dò, rồi tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên lính Việt Nam chỉ có thể cắm cờ lên đảo Len Đao. Tại Gạc Ma, phía Trung Quốc đã xây nhà cấp tốc và giăng lưới điện xung quanh đảo nên các chiến sĩ không tiếp cận được.
Buổi sáng, phát hiện Việt Nam cắm cờ ở Len Đao, Trung Quốc cho 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ bao vây đảo. Trận chiến rất dễ xảy ra giống như 1 tháng trước, nhưng lúc này 7 máy bay chiến đấu Su-22M của Việt Nam bay từ đất liền ra quần đảo. Thấy máy bay chiến đấu của Việt Nam, ngay lập tức phía tàu Trung Quốc tản ra. Bộ đội Việt Nam tiếp tục xây dựng công sự và bảo vệ vững chắc đảo Len Đao cho đến ngày hôm nay.
Tổng cộng trong chiến dịch trả đũa này, phía Việt Nam thành công đóng giữ thêm 11 đảo chìm. Tới tháng 11 năm 1988, Hải quân Việt Nam bắt đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực DK1 ở thềm lục địa phía Nam.
KẾT
Thực tế, không phải chỉ sau khi sự kiện Gạc Ma diễn ra mà ngay từ trước đó, Việt Nam đã có những hành động mạnh mẽ lên án ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ngay sau khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, Nhà nước Việt Nam đã ra tuyên bố, gửi công hàm phản đối và gặp trực tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam phản đối hành động dùng vũ lực xâm chiếm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa; yêu cầu thực hiện các vấn đề về cứu nạn. Ngay trong ngày 14 tháng 3 năm 1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố trong đó nêu rõ:
“Sáng ngày 14/3/1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa đã ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn. Tàu của ta buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc... Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự lo ngại của dư luận trên thế giới, trước hết là của các nước Đông Nam Á, hành động trắng trợn nói trên bộc lộ rõ dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh của Việt Nam, phá hoại hòa bình ổn định và xu thế đối thoại ở Đông Nam Á, thực hiện mưu đồ bành trướng ở Biển Đông… Nhân dân và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc”.
Sau sự kiện Gạc Ma và những diễn biến trên khu vực quần đảo Trường Sa trước đó, một phong trào ủng hộ Trường Sa, đấu tranh với những hành động ngang ngược, bất chấp đạo lý của Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam đã diễn ra rộng khắp trên cả nước. Toàn dân tộc đều hướng về Trường Sa, biểu thị quyết tâm và những hành động cụ thể nhằm sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Với chủ nghĩa bành trướng bá quyền, phía Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị đàm phán hòa bình từ phía Việt Nam nhằm giải quyết các tranh chấp. “Nhưng điều đó không thể làm nao núng quyết tâm sắt đá của nhân dân ta bảo vệ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo. Nhưng sự biến thiên của lịch sử loài người đã chứng minh chính nghĩa cuối cùng bao giờ cũng thắng”.
Xuyên suốt chuỗi các sự kiện trên quần đảo Trường Sa năm 1988 với đỉnh điểm là sự kiện Gạc Ma, Việt Nam đã tỏ rõ thái độ, lập trường nhất quán để giải quyết các bất đồng, tranh chấp với Trung Quốc. Việt Nam đã lên án mạnh mẽ mưu đồ và hành động dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền quốc gia từ phía Trung Quốc, vạch trần những luận điệu dối trá cũng như thái độ bất hợp tác của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam đã tỏ rõ cho dư luận thấy chủ quyền hợp pháp, không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc. Mặc dù rất căm phẫn trước những hành động bất chấp đạo lý từ phía Trung Quốc, nhưng vì đại cục, vì nền hòa bình, ổn định của khu vực, Việt Nam đã thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, thông qua con đường đàm phán và thương lượng. Quan điểm và hành động nhất quán của Việt Nam đã thể hiện tính hợp pháp, chính nghĩa của một dân tộc yêu hòa bình nhưng luôn sẵn sàng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đã được bao thế hệ cha ông xác lập và gìn giữ.
#Backturn
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất