CHỬI “NGU” CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
Ai trong đời ít nhất cũng đều từng bị chửi ngu một lần. Nhưng như vậy có đồng nghĩa với việc chửi người khác ngu là không vi phạm pháp luật không? Bài viết này sẽ giúp độc giả trả lời câu hỏi ‘Chửi ngu có vi phạm pháp luật không?’
Ai trong đời ít nhất cũng đều từng bị chửi ngu một lần. Việc chửi một ai đó ngu không phải là vấn đề gì quá to lớn. Người bị chửi có thể tức giận, có thể buồn hoặc cũng có thể vui vẻ đón nhận. Quan trọng là không có ai kiện một người ra tòa vì bị chửi ngu. Nhưng như vậy có đồng nghĩa với việc chửi người khác ngu là không vi phạm pháp luật không? Bài viết này sẽ giúp độc giả trả lời câu hỏi ‘Chửi ngu có vi phạm pháp luật không?’
1. Pháp luật Việt Nam
1.1 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Đầu tiên pháp luật Việt Nam có bảo vệ công dân khỏi việc bị chửi, bị xúc phạm không? Câu trả lời là có, pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền cơ bản của con người và một trong số đó là quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín - quyền này cũng liên quan nhất đến hành vi ‘chửi người khác ngu’. Bởi vì xét tất cả các quyền cơ bản, hành vi ‘chửi người khác ngu’ chỉ có thể có khả năng xâm phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Cụ thể tại Điều 20, 21 Hiến pháp 2013 (văn bản có giá trị pháp lý cao nhất) quy định mọi người đều được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm và có quyền tự bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Hay tại khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định người bị thông tin làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình có quyền yêu cầu bác bỏ thông tin gây ảnh hưởng và yêu cầu người đưa ra thông tin đó xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Hay tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP phạt tiền đối với người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Hoặc tại Điều 155, 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng quy định về tội làm nhục và tội vu khống người khác với mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác. Vậy rõ ràng, dưới hệ thống pháp luật của Việt Nam, một người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền kiện người khác dựa theo Bộ luật Dân sự và một người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác có thể bị xử lý hành chính hoặc nếu hành vi đủ cấu thành tội phạm theo tội làm nhục hoặc vu khống thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự.
1.2 Chửi người khác như thế nào mới là trái luật?
Vậy xúc phạm người khác như thế nào mới bị xem là trái luật? Đối với hành vi xúc phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người nào thực hiện hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.[1] Đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự khi người đó xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.[2] Hoặc có hành vi bịa đặt; loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Vậy khi nào một câu nói sẽ được xem là ‘khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ’; khi nào được xem là xúc phạm ‘nghiêm trọng’ nhân phẩm danh dự người khác? Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của tòa án. Pháp luật Việt Nam không quy định rõ ràng về các mức độ của hành vi xúc phạm nên nếu chỉ dựa vào ngữ nghĩa thì mỗi người lại có một cách suy nghĩ khác nhau. Nếu vậy thì có phải là bạn - một công dân sẽ không có khả năng nhận biết được liệu câu chửi của mình có trái pháp luật không và bản thân có thể bị xử lý theo pháp luật không ư? Câu trả lời là không, dựa theo một số nguyên tắc mà phần sau đây giới thiệu bạn sẽ biết việc bạn chửi thằng bạn ngu có trái luật không.
2. Nguyên tắc xác định
Hành vi chửi người khác ngu là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác. Tuy nhiên không phải câu chửi ngu nào cũng là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và cũng không phải câu chửi ngu nào cũng sẽ bị xử lý hành chính, bị kiện hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một, dựa vào ‘loại’ câu chửi. Cụ thể, một câu ngôn luận có thể xếp vào một trong hai loại là: Expressive act (tạm dịch câu văn có tính biểu cảm) và Communicative act (tạm dịch câu văn có tính truyền tải). Expressive act có mục đích chính tập trung vào việc biểu đạt những suy nghĩ, cảm xúc cá nhân, truyền tải thông điệp hoặc ý tưởng cá nhân mà không nhất thiết phải ở trong một cuộc đối thoại hoặc tương tác với người khác. Communicative act có mục đích là truyền tải thông tin hoặc thông điệp cho người khác trong một cuộc hội thoại. Mục tiêu cơ bản của Communicative act là chia sẻ hiểu biết, trao đổi ý tưởng hoặc ảnh hưởng đến niềm tin và hành vi của người khác. Vậy nếu bạn chửi người khác ngu nhưng không phải mục đích là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín mà chỉ để bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ cá nhân thì câu chửi ngu đó không trái luật. Tuy nhiên nếu câu chửi của bạn nhằm mục đích thật sự là để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác thì câu chửi ngu đó vi phạm pháp luật.
Hai, dựa vào động cơ xuất phát của câu chửi. Điều gì thúc đẩy bạn chửi người khác ngu? Vì bạn muốn hạ thấp người khác? Hay bạn không có động cơ gì hết, chỉ đơn giản là không kiểm soát được cảm xúc? Hai trường hợp liệt kê trên đây có tính chất hoàn toàn khác nhau và tôi nghĩ là bạn cũng tự phân biệt được động cơ nào sẽ góp phần giúp câu chửi của bạn phạm pháp.
Và ba, dựa vào tính chất, mức độ, tần suất của câu chửi. Nếu một người chỉ muốn biểu đạt cảm xúc, thông thường câu mắng sẽ ngắn gọn và không có quá nhiều từ mang tính ‘xúc phạm’ hay ‘tiêu cực’. Tuy nhiên nếu bạn cố ý chửi một đối tượng ngu trong một thời gian dài, kết hợp nhiều từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực đi kèm thì nó sẽ giúp tòa án quyết định nhanh hơn.
Vậy trên đây chính là 3 yếu tố bạn có thể xem xét nếu lo lắng rằng mình có thể bị kiện vì lỡ mồm chửi người ta ngu. Những yếu tố trên có tính quan trọng từ cao nhất đến thấp nhất theo trình tự xuất hiện của nó trong bài. Tất nhiên 3 yếu tố trên đây chỉ mang tính tham khảo và chúng được hình thành dựa trên cách suy nghĩ logic thông thường. Nếu thẩm phán xét xử bạn có những suy nghĩ khác biệt thì tôi không chắc liệu mọi chuyện sẽ đi đúng hướng như nó phải đi hay không. Cuối cùng, bài viết trên hoàn toàn dựa trên quan điểm của tác giả và chỉ mang tính tham khảo, tác giả rất mong nhận được những câu hỏi hoặc sự phản biện từ bạn đọc.
Dương Tuấn Kiệt - Một sinh viên Luật hay có câu hỏi
TRÍCH DẪN TÀI LIỆU
[1] Nghị định số 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình Điều 7(3)(a)
[2] Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) Điều 155, 156
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất