share-de-mang-nhung-noi-dung-vui-va-co-gia-tri-den-nguoi-khac-anh-internet-tin8-4


Càng tiếp cận nhiều với mạng xã hội và mạng toàn cầu, người ta càng có nhiều cơ hội nhận biết hàng trăm ngàn luồng thông tin đa dạng hơn. Nhưng cũng vì thế mà nhiều trường hợp lũng loạn thông tin đã gây ra các kết quả, phản ứng tiêu cực.
THỰC HƯ THÔNG TIN CHIA SẺ
Vào khoảng giữa năm 2017, mạng facebook Việt Nam rầm rộ đăng thông tin về một thầy giáo bị tố cáo là ấu dâm học sinh tiểu học. Ngay lập tức, thông tin này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt cùng những lời chửi rủa khủng khiếp. Vị thầy giáo trong thông tin tố cáo nói trên đã phải lao đao vì những luồng chia sẻ và chịu sự khinh thị của người xung quanh. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, báo chí đã vào cuộc và đưa ra kết quả: những thông tin trên hoàn toàn bịa đặt. Có nhiều bằng chứng cụ thể cho thấy vị nhà giáo trên đã nghỉ hưu và có bằng chứng ngoại phạm trong ngày phát hiện nạn nhân bị dâm ô. Và dĩ nhiên, “cộng đồng mạng” không bao giờ có được lời xin lỗi chính thức về việc làm khốn khổ một quãng đời của vị thầy giáo này.
Cũng vào trung tuần tháng 7 năm nay, mạng xã hội tiếp tục chia sẻ hình ảnh về hai nữ sinh với đầy đủ thông tin liên lạc kèm theo tiêu đề: “Hai nữ sinh bị bắt vì hiếp dâm một thanh niên đến chết”. Và dĩ nhiên sau khi điều tra làm rõ, công an và các cơ quan chức năng khẳng định thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt. Cuối cùng, những người chịu thiệt hại về tinh thần nhiều nhất là hai cô gái bị lấy hình bất hợp pháp và bị bêu riếu trên mạng. Còn những người vài ngày trước vẫn chửi rủa, miệt thị? Họ lặng lẽ ngậm miệng và chẳng hề có lấy một lời xin lỗi.
Còn nhiều vụ việc khác từng dấy lên thành “trend” trong thế giới ảo như Mì gõ bỏ trùng để làm ngọt nước, người Trung Quốc làm rau giả hay Hủ tiếu gõ nấu chuột cống cho khách ăn…tràn lan trên mạng và được chia sẻ ào ạt vô tội vạ. Hậu quả từ những hành động này là sự ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, đời sống, các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần và thể xác của đối tượng được nhắc đến. Và dĩ nhiên, đây cũng là hồi chuông báo động liên tục về tình trạng chia sẻ thông tin vô tội vạ của đa số người dân Việt Nam ở hiện tại.
NHỮNG Ý ĐỒ PHÍA SAU NÚT “SHARE”
Có rất nhiều bài viết trước đó về việc tiêu thụ thông tin độc hại không chọn lọc sẽ gây ra những hậu quả xấu. Nhưng trước sự hỗn loạn của mạng xã hội – nơi mà người người nhà nhà dễ dàng chia sẻ và tiếp cận các loại thông tin thượng vàng hạ cám, thì những bài viết trên như muối bỏ bể. Có rất nhiều ý đồ xấu và tốt ở phía sau câu kêu gọi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, mà nếu không suy xét kĩ thì rất có thể bạn sẽ tiếp tay cho những bọn tội phạm mất tính người.
Trong một vụ việc nổi cộm trên mạng xã hội facebook, nhất là trong nhóm hội những người yêu thích việc từ thiện cho thấy kết quả của vụ lừa đảo ghê tởm: Một tài khoản thường xuyên đăng tin báo về những mảnh đời bất hạnh và đứng ra nhận tiền bạc, đồ đạc cứu trợ – từ thiện thực chất đã sử dụng tất cả số tiền đó cho mục đích cá nhân của mình. Nhiều vụ từ thiện trong đó đều bắt nguồn từ những hình ảnh vô thưởng vô phạt, thậm chí có những hình ảnh được lấy từ…người đã chết vài năm trước đó. Hàng trăm người nhẹ dạ cả tin đã và vẫn tiếp tục chuyển khoản tiền bạc về tài khoản của kẻ lừa đảo, và với niềm tin mình đã giúp ích cho nhiều mảnh đời bất hạnh, họ vô tư tươi cười hồ hởi mà không biết rằng những đồng tiền đó chỉ giúp cho kẻ lừa đảo ăn xài phung phí.
Rất nhiều trong số những tin đồn thất thiệt được chia sẻ dưới dạng tâm sự là phương thức của những kẻ bán hàng vô tâm. Các câu chuyện về cướp giật, bán hàng mất vệ sinh…đều được dàn dựng một cách bừa phứa và vô lương tâm. Từng có một đoạn clip gây sốt trên mạng xã hội về việc một cô bán trà đá trước trung tâm làm đẹp ở Hà Nội dùng nước rửa chân pha trà cho khách. Và sau này sự việc bị phanh phui ra rằng chính những người ở trung tâm làm đẹp đó đã giả dạng và dàn dựng đoạn clip trên, nhằm mục đích thu hút người xem và gia tăng khách hàng quan tâm tới trung tâm này.
Và cũng như rất, rất nhiều trường hợp khác, các thông tin trên được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Người chia sẻ thậm chí không quan tâm đến việc các hình ảnh, clip đính kèm liệu có thật là tội phạm hay chỉ là một người vô tội.
13

Đằng sau lời kêu gọi chia sẻ thông tin luôn có hai mục đích cụ thể: tốt và xấu. Thật đáng buồn rằng các mục đích xấu hiện nay lại chiếm đa phần hơn và thậm chí còn có thể gây hại tới tư duy và đời sống của những người trong cuộc lẫn những người chia sẻ.
Tin tức bao gồm hai loại chính: có ít và độc hại. Các tin tức không có bằng chứng và lý lẽ cụ thể thường là loại tin tức gây lệch lạc, ít có giá trị, gây độc hại cho cơ thể lẫn tư duy của bạn và ức chế suy nghĩ của người tiếp cận.
Những tin tức độc hại này có thể khiến bạn suy nghĩ lệch lạch, không rèn luyện được tư duy phản biện và đặc biệt là khiến tư tưởng của bạn trở nên nông cạn hơn. Các bài viết vô thưởng vô phạt và không có nguồn gốc cụ thể tùy theo mục đích mà có thể khiến bạn ăn uống theo những chế độ độc hại, hoặc lừa đảo kinh tế và thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng.
Điều đáng mừng là, những bài viết chứa thông tin độc hại đều có thể dễ dàng nhận ra nếu bạn chú ý đến kĩ hơn. Vì thế, trước khi nhấn nút ‘chia sẻ’ cho bất cứ bài viết nào, hãy suy nghĩ thật kĩ và đọc lại một cách tỉ mỉ toàn bộ thông tin có trong đó.
CHIA SẺ THÔNG TIN CÓ CHỌN LỌC
Trong thời đại nhiễu loạn thông tin như hiện tại, mỗi người đều cần phải tự bảo vệ mình bằng cách rèn luyện tư duy phản biện và học cách chọn lọc thông tin chia sẻ. Hãy luôn nhớ rằng sau mỗi lần bấm “chia sẻ” của bạn, là một con người thực sự và nhiều con người thực sự sẽ bị ảnh hưởng đến bởi thông tin đó.
  • Rèn luyện tư duy bằng việc đọc sách và tham khảo thông tin tích cực: Đọc sách là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để rèn luyện tư duy. Với nhiều tác động tích cực đến với tinh thần và trí não, sách sẽ giúp bạn tạo một màn bảo vệ hiệu quả trước các thông tin độc hại. Việc tìm hiểu tới những thông tin tốt như kiến thức khoa học và học thuật, các vấn đề thời sự…cũng hỗ trợ bạn trong việc tiếp cận kiến thức mới và sàn lọc các kiến thức không rõ nguồn gốc.
  • Đọc thông tin đa chiều trước khi chia sẻ: Một vấn đề luôn có nhiều mặt và mỗi khía cạnh lại khai thác nhiều thông tin khác nhau. Hãy học cách đọc các thông tin đa chiều về cùng một vấn đề để có thể nhìn thấy nó theo cách tổng quan nhất. Bạn vẫn còn nhớ câu chuyện Thầy bói xem voi chứ? Việc đọc thông tin đa chiều giúp bạn nhìn thấy tổng thể con voi và tránh việc chỉ vào một bộ phận rồi khẳng định đó là một con voi hoàn chỉnh.
  • Tìm hiểu các kiến thức đa dạng: Càng có nhiều kiến thức, bạn càng tỉnh táo hơn trước những thông tin độc hại. Có được kiến thức đa dạng từ khoa học kĩ thuật tới văn hóa nghệ thuật và xã hội có thể giúp bạn mở rộng thể giới quan. Từ đó, bạn có thể nhanh chóng so sánh và đối chiếu các thông tin nhận được để xác định chúng có phải là thông tin độc hại hay không.
  • Học cách tranh luận: Một phương pháp không thể nào hoàn hảo hơn cho việc rèn luyện tư duy phản biện. Việc tranh luận trên tiền đề tôn trọng và tập trung sẽ giúp bạn thấu hiểu bản thân hơn, và đồng thời cũng hỗ trợ bạn trong việc rèn luyện tư duy, phân tích vấn đề tốt hơn. Tranh luận cũng là một môn nghệ thuật, bạn nên tìm hiểu những điều cơ bản về nó trước khi tham gia hùng biện như: tôn trọng đối phương, tiếp nhận ý kiến trái chiều, tránh ngụy biện…
  • Luôn kiểm tra lại nguồn thông tin trước khi chia sẻ: Sẽ chẳng mất mát gì nếu bạn không chia sẻ thông tin đó hoặc cố tình chia sẻ chậm hơn một vài ngày so với bạn bè. Các thông tin cần được xử lý và chọn lọc nhiều lần trước khi bạn quyết định chia sẻ chúng. Kiểm tra lại nguồn thông tin bằng cách đặt câu hỏi cho người viết bài gốc là một cách hữu hiệu để bạn có thể xác định được đó có phải là tin tức độc hại hay không.
  • Chỉ chia sẻ những thông tin tích cực: Hmm, thế giới đã quá khổ đau rồi nên việc gì bạn phải chia sẻ thêm các thông tin tiêu cực khác, bạn có nghĩ thế không? Theo khoa học, có hai luồng thông tin tác động đến tâm lý con người nhiều nhất là các thông tin thể hiện sự tức giận và thông tin kêu gọi lòng đồng cảm. Nếu trong bài viết có quá nhiều thông tin khơi gợi sự tức giận nơi bạn, hãy bỏ qua chúng. Nếu thông tin đó khiến bạn cảm thấy yêu đời hơn, hãy chia sẻ cho những người khác nữa. Một tin tức vui vẻ sẽ luôn làm ánh nắng ấm áp hơn nhiều.
Với nút “chia sẻ” quá dễ dàng, người ta thường bỏ qua các vấn đề về tư duy và lương tâm mà chỉ thực hiện hành động trước rồi quên béng đi mất. Học cách lưu tâm hơn đến những tác động mà bạn có thể gây ảnh hưởng tới cuộc đời một người khác, là cách để bạn kiểm soát hành động chia sẻ vô tội vạ của mình. Thế giới đã đủ vội vã rồi, chúng ta đâu cần phải chạy theo nó làm gì phải không?