Linus Torvalds, người tiếp theo đóng góp cho sức mạnh của công nghệ. Nguồn: TED
Linus Torvalds, người tiếp theo đóng góp cho sức mạnh của công nghệ. Nguồn: TED

CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU SỰ VĨ ĐẠI CỦA GNU/LINUX

II. LINUX

Linux, cái tên nghe có vẻ mới lạ cũng vừa quen thuộc với một số người, đã trở thành thứ ăn nằm với mình trong suốt cả cuộc đời thanh xuân cống hiến cho công nghệ tự do. Đối với mình, Linux chính là định mệnh khiến cho mình dần hứng thú hơn với tất cả mọi thứ trong công nghệ.
Bạn không biết đâu, người ta cuồng và yêu Linux đến mức, họ bỏ qua một sự thật dư thừa là GNU cũng là một phần trong thứ Linux phổ thông đại chúng, và bắt đầu người ta cũng gọi GNU/Linux là Linux luôn.
Vậy, tại sao Linux lại tuyệt vời đến như vậy? Tại sao chỉ có Linus được nằm trong danh sách 100 người vĩ đại nhất thế kỉ (theo Times), mà không phải Richard? Và câu chuyện đằng sau sự vĩ đại của Linux thật sự là như thế nào?

HỒI 1: CÁI GÌ ĐÃ XẢY RA?

Để nói về Linux, ta phải nhắc sơ lược về Linus, người đã tạo ra Linux.
Linus, hay Linus Torvalds, là một kỹ sư người Phần Lan. Ông sinh vào ngày 28/12/1969 tại Helsinki. Năm 1988, ông theo học tại trường đại học Helsinki và năm 1996 ông đã tốt nghiệp với bằng thạc sĩ chuyên ngành là công nghệ thông tin, đương nhiên rồi.
Nếu như vậy thì có lẽ ông sẽ chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng bạn phải nhớ là, ông đang sống trong thời kỳ được gọi là "UNIX war": khi mà cuộc chiến giữa BSD và System V vẫn chưa có hồi kết, khi mà UNIX bỗng như bắt đầu lock in lại trở thành một phần mềm độc quyền của AT&T, lúc này GNU đứng ra để làm phao cứu sinh giải thoát UNIX ra khỏi bàn tay tư bản bằng cách tạo ra một "UNIX thứ hai", và tất cả mọi người đều mong chờ chỉ một thứ thôi.
Bạn thấy đó, GNU lúc này đã cung cấp cho mọi người tất cả mọi thứ để sử dụng rồi. Từ shell, text editors đến các giao thức khác nhau, ngoài ra còn có cả coreutils, binutils, make, v..v..
Chỉ thiếu một thứ: kernel.
Để có thể hình dung được những gì mình đang nói, hãy thử ôn lại một chút kiến thức như sau.
Tất cả chúng ta đang cần là một hệ điều hành có đầy đủ các tính năng và phần mềm bổ trợ để sử dụng một cách hoàn chỉnh như UNIX.
Hãy thử xem xét sơ đồ một hệ điều hành GNU/Linux thông thường sau:
Sơ đồ một hệ điều hành GNU/Linux thông thường
Sơ đồ một hệ điều hành GNU/Linux thông thường
Rõ ràng, để cần một cái gì đó có thể sử dụng được trên máy tính, chúng ta cần một hệ điều hành. Mà hệ điều hành thì bao gồm hai thành phần cơ bản: kernel và phần mềm.
Kernel đóng vai trò cực kì quan trọng, nó được dùng để quản lý các phần mềm, phân bổ RAM cho các phần mềm, giao tiếp giữa phần mềm và phần cứng, v...v... Chính vì vậy, gói phần mềm GNU của Richard dù cực kì phong phú như vẫn chưa đủ, chúng ta cần có một kernel nữa.
Hãy thử xem xét vào thời điểm đó: GNU Hurd vẫn chưa thể sử dụng được, các phiên bản BSD vẫn chưa được ra mắt. Tóm lại là vào thời điểm đó, vẫn chưa có một kernel nào phù hợp để kết hợp với GNU để tạo thành một kernel hoàn chỉnh cả.
Và như chúng ta dự đoán, tất cả mọi người vào thời điểm đó vẫn mong mỏi cho một kernel có thể đáp ứng tất cả mọi yêu cầu trên và có thể sử dụng cùng với GNU tạo thành một hệ điều hành UNIX miễn phí cho tất cả mọi người.
Và Linux đã ra đời vào thời điểm đó.

HỒI 2: LỊCH SỬ CƠ BẢN

Linus Torvalds hồi còn học ở đại học Helsinki lúc ấy vẫn còn là một cậu thanh niên trai trẻ vẫn chân ướt chân ráo vào mảng công nghệ thông tin (không hẳn, cậu đã có kinh nghiệm trước đó vào năm 11 tuổi trên con máy VIC-20). Cậu đã đăng ký học một khóa học về UNIX, và trong khóa học này, người ta giới thiệu về một hệ điều hành UNIX-like mang tên MINIX của Andrew Tanenbaum. MINIX là một hệ điều hành cực kì gọn nhẹ và dựa trên UNIX được sử dụng khá phổ biến trong các trường đại học khi đó.
Linus Torvalds hồi trẻ :)))
Linus Torvalds hồi trẻ :)))
MINIX là một hệ điều hành cực kì tuyệt vời, tuy nhiên vì hồi ấy giấy phép không cho phép nó trở thành một hệ điều hành miễn phí vậy nên nó chỉ giới hạn trong nội bộ ngành giáo dục mà thôi.
Linus Torvalds, với khát vọng tuổi trẻ tài cao đã quyết định tạo một kernel UNIX-like cho riêng mình, dựa trên ý tưởng và nền tảng từ MINIX.
Vậy là vào ngày 25 tháng 8 năm 1991, trên hội nhóm của Helsinki, một cậu trai trẻ đã vô tư viết thế này:
I'm doing a (free) operating system (just a hobby, won't be big and professional like GNU)
Linus Torvalds
Đây có lẽ là một trong những quote mình yêu thích nhất của Linus Torvalds, vì đây chính là câu nói thể hiện cái "chất" kỹ sư của Linus nhất (cũng là một kiểu sống mà mình đang theo đuổi). Nếu bạn chưa rõ mình đang nói gì thì, bạn sẽ hiểu sớm thôi.
Trước đó, vào ngày 5 tháng 8 năm 1991, Linus đã tậu được một con máy Intel 80386-based, là bản clone của IBM PC. Con máy này cũng là con máy mà Linus bắt đầu chuẩn bị cho công cuộc xâm chiếm thế giới.
Đương nhiên, Linux kernel chính là kernel dựa trên MINIX. Version 1.0 sau đó đã được ra mắt vào ngày 14/3/1994. Cái tên Linux ban đầu không phải là tên mà Linus định đặt cho kernel của riêng mình. Ông định đặt là "Freax", kiểu là sự kết hợp của "Freak UNIX". Tuy nhiên, thằng bạn của ông Ari Lemmke lại là chủ host "Freax" khi đó, ông thấy cái tên đó chả ngầu tí nào, vậy nên chính ông đã đổi tên nó thành "Linux". Và Linux đã trở thành cái tên của kernel đó, kể từ đó :)))
Còn về license (giấy phép, từ nay mình sẽ dùng khái niệm license cho từ giấy phép tại vì mình quen với khái niệm đó hơn), Linus vào mùa thu cũng cùng năm 1991 đã được một sinh viên khác tên Lars Wirzenius dẫn đến trường đại học University of Technology để nghe, vâng, bài phát biểu của Richard Stallman. Với tiếng gọi vĩ đại của hai chữ "libre", Linus cuối cùng đã chuyển license của Linux thành GPLv2 (GNU General Public License version 2), cũng là một license đến từ Richard Stallman, sau này bài viết về Free Software Movement mình sẽ nói sau.
Linux cũng có logo của riêng nó. Đó chính là con chim cánh cụt thần thánh tên là "TUX". Câu chuyện đằng sau nó cũng khá thú vị. Linus Torvalds, sau chuyến đi thăm ở Vườn thú & Thủy cung Quốc gia ở Canberra, Australia, ông đã bị một con chim cánh cụt nhỏ gặm và sau đó ông đã vui tự nhận mình là mắc phải "penguinitis", hay "viêm chim cánh cụt": kiểu giống như bị nghiện chim cánh cụt á :))) Thế là, Larry Ewings đã vẽ ra một con chim cánh cụt và sau đó nó đã trở thành logo chính thức của kernel Linux luôn! Còn tại sao tên là "TUX" thì "TUX" chính là viết tắt của "Torvalds UniX".
Ai cũng biết đây là logo tượng trưng của Linux, nhưng thật sự hiếm ai biết chú cánh cụt dễ thương này tên là TUX :)))
Ai cũng biết đây là logo tượng trưng của Linux, nhưng thật sự hiếm ai biết chú cánh cụt dễ thương này tên là TUX :)))
Và cuối cùng, cách phát âm của Linux - để mình khẳng định lại, và một lần nữa, Linux phải được phát âm là /'ˈlɪnʊks/, không phải /'ˈlainʊks/. Chi tiết bạn hãy nghe audio sau: How to pronounce "Linux".
Hoặc, bằng chứng thứ hai:

HỒI 3: GNUxLinux = GNU/LINUX

Một vài thứ cổ cổ mà mình thấy được trên wiki :))
Một vài thứ cổ cổ mà mình thấy được trên wiki :))
Sau khi license của Linux trở thành GPL, Richard Stallman lúc này giống như bớ được vàng vậy. Và, như kết quả, GNU + LINUX, một màn collab cực gắt giữa hai ông tài đã ra đời cho một hệ điều hành tuyệt vời nhất thế giới (không hẳn, như mình không còn definition nào hợp nữa) đó chính là GNU/LINUX.

HỒI 4: CÁI KẾT CHO THẾ GIỚI

Tại sao chúng ta phải biết đến Linux? Và tại sao, nếu như dev IT nào tự nhận là dân công nghệ đích thực thì ít nhất họ cũng phải biết đến Linux, dù có dùng hay không?
GNU/Linux, vẻ đẹp của nó nằm ở chỗ: hệ điều hành này cho phép các developer có thể sử dụng để tạo ra nhiều phiên bản custom khác nhau dựa trên nguồn source đã có sẵn. Hoàn toàn miễn phí, không mất một đồng nào, tức, đã trao cho các developer cái thứ mà gọi là "sự tự do trong công nghệ". Dựa trên các điều khoản của GPL và tư tưởng Free Software Movement cũng là một phần thúc đẩy cho nhiều nhà phát triển, indie devs và nhiều người khác khai thác và tạo nhiều phiên bản Linux khác nhau tùy theo mục đích sử dụng của riêng mình, có lẽ là cho doanh nghiệp, cho hacking, cho daily basis, cho light developing, hoặc thậm chí, cho vui :))) Từ đây, một hệ thống các phiên bản dựa trên Linux đã ra đời, hay nó với cái tên quen thuộc hơn, Linux distros.
Linux distros là một chủ đề cực kì phức tạp, và thật sự có rất nhiều ý kiến trái chiều về một distro này so với một distro nọ, thậm chí là chiến tranh giữa các cộng đồng với nhau. Tuy nhiên, nó đã tạo nên một vẻ đẹp cực kì tuyệt vời trong cộng đồng Linux.
Một bản trích trong Linux Distributions Timeline. Chỉ riêng nhánh Debian thôi mà đã nhiều như vậy rồi đấy! Có lẽ bạn nghĩ mình sẽ ưu ái Debian và Debian-based distros hơn, nhưng không, mình cũng đã từ có một thời điểm thù địch với nhánh Linux này.
Một bản trích trong Linux Distributions Timeline. Chỉ riêng nhánh Debian thôi mà đã nhiều như vậy rồi đấy! Có lẽ bạn nghĩ mình sẽ ưu ái Debian và Debian-based distros hơn, nhưng không, mình cũng đã từ có một thời điểm thù địch với nhánh Linux này.
Nếu bạn hỏi một người sử dụng Linux rằng họ đã, đang và sẽ sử dụng cái gì, có lẽ câu trả lời sẽ không bao giờ là "Mình đang dùng GNU/Linux". Câu trả lời có thể sẽ trông như vầy "Mình đang sử dụng Ubuntu", "Mình đang xài Mint", "Không bao giờ, PopOS tốt hơn", "Chán, bạn thử Arch bao giờ chưa?", "Không, EndeavourOS tốt hơn nhiều", "Toàn thằng gà, tụi bây chưa bao giờ sử dụng Gentoo chắc rồi, xài Bedrock đi tụi nhóc", "Tao rảnh đến mức tao tự boot LFS (Linux From Scratch) cho riêng mình luôn mày" (LFS không hẳn là một Linux Distro, nó đúng hơn là tập hợp các cách thức để tự craft một hệ điều hành sử dụng GNU và Linux), "Không thích lắm, tại sao bạn lại không thử sử dụng OpenSuse xem", vân vân và mây mây.
Tất cả đều là Linux distros hết, không một cái nào nguyên chất GNU/Linux cả!
Vì tính đa dạng như vậy nên Linux chia ra làm hai phe chính: Commercial (hay Proprietary) Linux và Community Linux. Trong đó, cộng đồng Community Linux diss cực mạnh Proprietary Linux :))) Vì nghe đến cái tên là bạn biết thừa, vi phạm trắng trợn Free Software Movement của Đức Chúa Richard.
Linux đã, đang và sẽ luôn luôn được áp dụng trong cộng đồng tech. Bạn có biết không, cái router mạng mà bạn đang dùng cũng đang chạy Linux, hầu hết các server của Google, Microsoft, hay là của AWS chẳng hạn, và tất cả các trang mạng trên thế giới này cũng dùng Linux; 4/5 siêu máy tính khủng khiếp nhất thế giới cũng đang bơm máu nhờ Linux; Linux còn hiện diện trong các smartphone, smart TV, hay trong cái máy nướng bánh mì, tủ lạnh thông minh, xe ô tô, .... Nói chung là, tất cả các loại máy tính trên thế giới này loại trừ các máy tính chạy Windows và macOS, hầu hết đều đang chạy Linux. Và vâng, Linux cũng đang chạy trên chính chiếc smartphone hằng ngày của tất cả mọi người xài Android, vì Android thực tế có thể được coi là một "Linux distro" nữa.
Ảnh hưởng của Free Software Movement và tư tưởng GNU của Richard cũng ảnh hưởng rất sâu trong cộng đồng tech. Đến cả Linus cũng đã từng nói:
Software is like sex: it's better when it's free.
Linus Torvalds
Về GPL, license này cũng là một lựa chọn lý tưởng cho tất cả các software khác nhau. Rất nhiều software trên thế giới, đặc biệt là FOSS, đang sử dụng GPL, và GPL được xem là license phổ biến thứ hai thế giới, sau MIT License (từng một thời đứng nhất nhưng sau đó MIT License tự nhiên soán ngôi, cá nhân mình thì mình thấy GPL cũng cực kì tốt mà).
Tóm lại, GNU/Linux đã ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng tech cực kì khủng khiếp. Những ý tưởng của Linux, của GNU vốn bắt nguồn từ thủy tổ UNIX đã trở thành một standard tiêu chuẩn và là nền tảng của rất nhiều hệ điều hành con cháu sau này. Đối với những người nghiên cứu low-level engineering như mình và những anh em khác trong giới back-end, data, servers, cybersecurity, DevOps, v..v.. học về Linux cũng là một kỹ năng quan trọng không thể thiếu trong khi hành nghề, vì các servers bây giờ đều xài Linux, Linux cũng là một nguồn tài liệu quan trọng để tìm hiểu sâu về cách thức mà một máy tính hoạt động, v...v..

HỒI 5: ỦNG HỘ HAY KHÔNG?

Từ bây giờ, mình xin phép được dùng khái niệm "Hệ điều hành Linux". Mình biết đây là một khái niệm không hề đúng, tuy nhiên mình sẽ nói Linux là để chỉ các hệ điều hành sử dụng kernel Linux nói chung, hay các Linux distros và một số biến thể khác.
Trước hết thì mình xin nói sơ lược về những điểm mạnh và điểm yếu của Linux:
Điểm mạnh:
1. Linux hoàn toàn miễn phí và tự do: Hệ điều hành này về bản chất là hoàn toàn miễn phí, từ các tool làm việc, command utilities, v..v.. đều (phần lớn) được đóng góp bởi GNU. Hơn thế nữa, Linux có khả năng custom (tùy biến) cực mạnh, vậy nên gần như bạn có thể thay đổi bất kì thứ gì trong Linux, kể cả bootloader luôn :)))
View nhẹ giao diện Ubuntu bản Lunar Lobster. Rất nhiều người thường lấy giao diện Ubuntu làm tiêu chuẩn cho Linux, và thường khi nhắc đến Linux họ thường nghĩ đến một Linux giống Ubuntu kiểu như thế này. Thực tế, vì tính custom của Linux cực kì gắt và đa dạng nên đây chỉ là một trong những giao diện mà người ta sử dụng trong Linux thôi. Ví dụ như ở trên thì đây là giao diện của DE (Desktop Environment) tiêu chuẩn của Ubuntu và nhiều hệ điều hành Linux khác - GNOME.
View nhẹ giao diện Ubuntu bản Lunar Lobster. Rất nhiều người thường lấy giao diện Ubuntu làm tiêu chuẩn cho Linux, và thường khi nhắc đến Linux họ thường nghĩ đến một Linux giống Ubuntu kiểu như thế này. Thực tế, vì tính custom của Linux cực kì gắt và đa dạng nên đây chỉ là một trong những giao diện mà người ta sử dụng trong Linux thôi. Ví dụ như ở trên thì đây là giao diện của DE (Desktop Environment) tiêu chuẩn của Ubuntu và nhiều hệ điều hành Linux khác - GNOME.
Linux cũng có thể trong như thế này. Đây là DE Cinnamon của Linux Mint.
Linux cũng có thể trong như thế này. Đây là DE Cinnamon của Linux Mint.
Hoặc là như thế này. Đây là hệ điều hành Archcraft đang sử dụng Openbox.
Hoặc là như thế này. Đây là hệ điều hành Archcraft đang sử dụng Openbox.
Và cũng có thể như thế này. Đây chính là hệ điều hành Arch tự custom (rice) của mình, sử dụng WM (Window Manager) bspwm.
Và cũng có thể như thế này. Đây chính là hệ điều hành Arch tự custom (rice) của mình, sử dụng WM (Window Manager) bspwm.
2. Linux cực kì nhẹ: hệ điều hành Linux ăn rất ít dung lượng bộ nhớ. Một ví dụ điển hình là Lubuntu và Arch, hai hệ điều hành này chỉ yêu cầu người dùng sử dụng tối thiểu 512 MB (có mấy Linux distro khác còn yêu cầu ít hơn), và khoảng 5 ~ 8 GB bộ nhớ trong. Nhẹ kinh khủng! Nhưng không có nghĩa là Linux nghèo nàn. Thực tế, vì Linux nhẹ nhàng và có khả năng sử dụng toàn bộ sức mạnh của một con máy tính, các máy tính chạy Linux luôn luôn cho ra hiệu suất cao hơn rất nhiều so với các máy chạy các hệ điều hành khác. Đặc biệt là nếu như bạn thử cài Linux vào một con máy Thinkpad 20 năm tuổi thì nó vẫn cứ là chạy mượt mà như mới!
3. Linux cực kì stable: với việc UNIX gánh còng lưng, các phần mềm và tool trong Linux đều đạt được tiêu chuẩn và không có quá nhiều bugs (phần lớn), vậy nên việc Linux cực kì stable là một chuyện đương nhiên. Đó là lý do tại sao các server lớn trên thế giới chạy Linux nữa.
4. Linux cực kì bảo mật: Một số người nói vui rằng "Tại do Linux hiếm sử dụng nên nó bảo mật". Mình không tin là như vậy, vì dù Linux có bảo mật đến đâu vì nó cũng vẫn bị hack cả thôi :))) Tuy vậy, mức độ bảo mật của Linux là cực kì tuyệt đối, vì Linux rất hiếm người sử dụng là thứ nhất, và thứ hai nữa là bởi vì tính stable của nó và đồng thời là sự phát triển chung của các cộng đồng nên đã tạo ra một hệ điều hành tuyệt đối bảo mật là như vậy.
Nhược điểm:
1. Cực lag: Không đùa, dù stable nhưng Linux vẫn là một hệ điều hành server-side, nên khi vào thị trường desktop thì rõ ràng sẽ có sự khác biệt đáng kể về hiệu năng của Linux so với các hệ điều hành khác.
Đây là video của một youtuber tên là Livakivi. Đối với mình thì đây chính là review về Linux chân thực nhất trên Youtube, vừa chỉ được cả nhược điểm và ưu điểm của Linux nói chung luôn, chứ không chỉ riêng vài cái distros trong video.
2. Support drivers, software, chất lượng kernel còn khá kém: Linux thiếu đi rất nhiều những drivers, phần mềm quan trọng và phổ biến, hoặc cũng có nhưng chất lượng thì không vào đâu với đâu. Nổi tiếng nhất chắc có lẽ là câu chuyện NVIDIA và Linus :))) Đây cũng là một phần do việc anti-proprietary trong cộng đồng Linux đã tồn tại rất lâu nên họ (developers và các công ty) từ chối phát triển các drivers và phần mềm cho Linux, và còn một vài lý do về giấy phép và mã nguồn nữa. Còn về phần kernel thì mình không ý kiến quá nhiều, chỉ xin trích lại một câu nói từ Linus Torvalds:
We're getting bloated and huge. Yes, it's a problem ... Uh, I'd love to say we have a plan ... I mean, sometimes it's a bit sad that we are definitely not the streamlined, small, hyper-efficient kernel that I envisioned 15 years ago ... The kernel is huge and bloated, and our icache footprint is scary. I mean, there is no question about that. And whenever we add a new feature, it only gets worse.
Linus Torvalds, mình xin kiếu không dịch sang tiếng Việt
Vậy nên dạo gần đây Linus cũng có update kernel Linux của mình sử dụng ngôn ngữ Rust. Cá nhân mình thì mình thấy đây là một nước đi rất hay của Linus, và mình cũng luôn luôn hy vọng là Linux sẽ luôn phát triển trong tương lai. Mình vẫn đang và sẽ sử dụng Linux vì mình hiện tại vẫn cực kì thoải mái trong việc sử dụng Linux.
Và các lý do khác như không user-friendly, khó tiếp cận, khó sử dụng, không quá phổ biến, v...v.. mình xin không đề cập. Vì đó là những nhược điểm không hề đáng nói đến.
Đã từng viral một thời, Linus Torvalds đã diss và chỉ trích NVIDIA. Ông còn nói NVIDIA là công ty tồi tệ nhất mà ông đã từng họp tác. Hiện tượng này trong cộng đồng Linux cũng chẳng có gì xa lạ cả, thậm chí, nó đã trở thành một nền văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng Linux.
Đã từng viral một thời, Linus Torvalds đã diss và chỉ trích NVIDIA. Ông còn nói NVIDIA là công ty tồi tệ nhất mà ông đã từng họp tác. Hiện tượng này trong cộng đồng Linux cũng chẳng có gì xa lạ cả, thậm chí, nó đã trở thành một nền văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng Linux.
Nếu như bạn đọc tới đây và bạn nghĩ là "Ôi giồi ôi, hệ điều hành gì kì vậy? Cộng đồng gì kì vậy? Có thật sự đáng sử dụng Linux đến thế không?"
Câu trả lời là "Có".
Cái trap mà mình mới vừa giăng ra cho các bạn nếm thử chính là những đắn đo của mình khi mới bắt đầu sử dụng Linux. Thực tế, mọi chuyện không hoàn toàn tồi tệ đến mức đó đâu. Nếu thật sự đã tồi tệ như vậy thì sẽ không bao giờ có một cộng đồng khổng lồ đứng đằng sau chống gậy cho Linux đâu.
Sống trong Linux không thật sự quá thiếu thốn. Mình vẫn sử dụng các proprietary drivers như thường cả thôi, và các application như Adobe chẳng hạn, hay một số phần mềm exclusive cho Windows thì mình dùng Wine + Proton là xong. Trải nghiệm không tệ đâu, vẫn rất tốt đấy. Một số phần mềm mình dùng các FOSS alternatives thì nói chung là ở mức từ ổn trở lên. Cái khó đó chính là bạn có chịu học cách dùng Linux hay không, bạn có chịu đọc doc về phần mềm mà bạn sẽ sử dụng hay không, khi gặp setup bug thì bạn có chịu sửa chữa hay không,... Mình nghĩ chắc là mình sẽ viết một bài kiểu như "Mindset cho một người xài Linux" để các bạn có thể hình dung cụ thể hơn.
Còn trải nghiệm, gọi là tệ thì cũng không đúng. Trải nghiệm ổn, không lag quá nhiều, thậm chí là rất nhanh và đôi khi tốt hơn cả Windows. Đối với một dev như mình thì Linux là hoàn toàn phù hợp để sử dụng, và mình nghĩ là Linux sẽ phù hợp nhất là cho các dev, vì tính khó sử dụng của nó thường dựa trên command line rất nhiều, mà command line lại là chuyên môn của chúng ta!
Chuyển về chủ đề chính: nói là ủng hộ hay không là tùy mỗi người. Mình biết, có rất nhiều người thà là xài BSD hơn là sử dụng Linux, vì những nhược điểm trên. Có một số người nói Linux không tuân thủ hết tất cả những ý tưởng của Free Software Movement, bằng chứng là vẫn có rất nhiều proprietary drivers trong kernel của chính Linux. Một số người nói Linux quá "bloat", quá chậm, quá khó sử dụng, không thích hợp để sử dụng trong các công việc "chuyên nghiệp", v.v..
Nói chung, có quá nhiều lý do để "Thay vì sử dụng Linux ta nên chuyển sang macOS". Tuy vậy, đối với mình, sử dụng Linux đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận sống một cuộc đời của một SuperUser - bạn không phụ thuộc vào các công ty, bạn có 100% quyền tự do trong việc quản lý chính cái máy của mình, bạn chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc sử dụng cái máy của mình, v..v.. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất của một người sử dụng Linux so với một người bình thường xài macOS. Người xài macOS không phải lo nghĩ gì về việc phải maintain gì cho chính hệ điều hành của mình cả, nhưng thật ra, họ mới chính là người không hề có một quyền tự do kiểm soát chính máy của mình. (Lại là chủ đề về Free Software Movement). Vậy nên không dùng Linux vì "khó dùng", "lười maintain", ... chính là những lý do mà mình ghét nhất khi ai đó nói họ không dùng Linux.
Vậy nên đối với mình, bạn nên ủng hộ thay vì diss Linux. Có quá nhiều thứ tuyệt vời từ hệ điều hành này mà bạn chưa khám phá hết đâu. Mình cũng vậy, đến cả mình cũng chẳng bao giờ tự tin rằng mình đã hiểu hết về Linux, về GNU và những thứ khác, dù rằng mình đã sống với hệ điều hành này trong một quãng thời gian cực kì dài đến mức mình coi Linux như bạn thân của mình.

HỒI 6: VỀ LINUS TORVALDS - NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI NHẤT CỦA THẾ GIỚI.

Không có một người nào vĩ đại bằng Linus, sau tất cả những nhân vật vĩ đại thay đổi tất cả mọi thứ trong công nghệ hiện đại thì Linus Torvalds chính là người mà mình ngưỡng mộ nhất, chắc chắn.
Tại sao mình lại respect Linus Torvalds đến như vậy? Có lẽ bạn nên xem hai video sau của TED về Linus Torvalds ở dưới đây:
Nguồn: TED
Nguồn: TED
Tóm lại, mình ngưỡng mộ Linus vì 2 lý do chính:
1. Thực tế như một engineer: Linus Torvalds có lẽ là một người theo phong cách rất engineer: thực tế và rõ ràng. Người khác bay bổng, còn ông thì cực kì thực tế, rằng "ở dưới chân bạn có một cái ổ gà kìa!". Theo mình thì đây là kiểu cách mà mình cho là cực kì độc lạ của ông. Ông là một engineer, nên ông không mơ mộng hão huyền và tham vọng như những người nghiện tiền, thực tế và luôn luôn chủ tâm giải quyết những vấn đề trước mắt, chứ không phải bay đi nơi chốn nào.
2. Làm việc vì đam mê: không kế hoạch, tự do làm những gì mình muốn và chia sẻ tất cả, không vì bất kì toan tính nào của riêng mình. Chính vì vậy, ông được rất nhiều người cực kì kính trọng và ca ngợi. Ông cũng không hề tốt đẹp gì đâu, ông cũng như một người thường, cũng rất thô lỗ và đôi khi cũng cực kì hung hăng. Nhưng đấy mới chính là thứ đã khiến cho Linux trở thành project tuyệt vời nhất thế giới. Vì tính cố chấp, bảo thủ, thô lỗ, hung hăng đã nảy sinh ra rất nhiều sự tranh luận, không ai chấp nhận ai, vậy nên những ý tưởng sáng tạo mới được ra đời liên tục, khiến cho project càng ngày càng trở nên thành công và thành công hơn.
Chân dung Linus Torvalds
Chân dung Linus Torvalds
Linus thực sự là một con người cực kì vĩ đại. Những tư tưởng của ông đã ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng free software với ý tưởng "làm phần mềm hoàn toàn miễn phí, không tốn một đồng xu nào cả". Phong cách sống của ông có thể nói là độc nhất vô nhị, trở thành một trong những phong cách sống "vì đam mê" thành công nhất mọi thời đại, cũng là một cách sống mà chính mình cũng đang theo đuổi: thực tế và đam mê.
Phong cách sống của ông ảnh hưởng ông đến mức, ông đã viết ra một cuốn sách tất cả chỉ với nhan đề "Just for fun"
Phong cách sống của ông ảnh hưởng ông đến mức, ông đã viết ra một cuốn sách tất cả chỉ với nhan đề "Just for fun"
Đó là về phần respect riêng của mình thôi, còn đời tư của ông mình xin tóm tắt như sau:
Linus Torvalds ban đầu làm việc tại một công ty ở California vào năm 1996 sau sự kiện lập nên Linux. Tuy nhiên, vì quá chán với việc phải làm việc với tư bản nên ông quyết định sẽ chuyển sang làm việc với Open Source Development Labs. Tuy vậy, Open Source Development Labs lại collab với Free Standards Group, trở thành: LINUX FOUNDATION
Với sự trợ giúp của Linux Foundation, cuối cùng thì Linus Torvalds đã làm việc full-time dưới danh nghĩa cống hiến hết mình cho kernel Linux thần thánh của ông. Ông cũng đâu ngờ, project chơi của mình vào thời đại học lại chính thành project quan trọng nhất trong suốt quãng đời còn lại của ông.
Torvalds hiện nay đang sử dụng Fedora Linux (không biết ông có đổi không nhưng mình nghĩ chắc ông chưa đổi) với Xfce, vì ông không thích sử dụng GNOME cho lắm.
Mình sẽ không nói quá sâu về việc Torvalds đã có gia đình, vì chủ đề đó không quá liên quan đến chuyện công nghệ mà mình đang nói.
Và để kết thúc cho hồi này, mình sẽ trả lời câu hỏi nhan đề ban đầu của bài viết: tại sao chỉ có Linus Torvalds lại được vinh danh trở thành 1 trong 100 nhân vật vĩ đại nhất thế kỉ 20?
Câu trả lời rất đơn giản: Linux mới chính là nền tảng của thế giới, không phải GNU.
GNU chỉ là một lớp bọc ngoài của kernel Linux thôi, và lớp bọc đó thì bạn hoàn toàn có thể thay thế được. Ví dụ như Android, một Linux distro của Google, thực tế Android không hề có bất kì một component nào từ GNU cả. Nhưng cái kernel Linux mới chính là cái thứ quan trọng nhất, nó thật sự đã được sử dụng cực kì rộng rãi vì tính ưu việt của nó, không phải là vì GNU mà là vì chính cái kernel đó. Có lẽ vì vậy mà mọi người tôn vinh Linux lên cao hơn so với GNU, và cũng vì lý do đó Linus Torvalds lại trở thành người được tôn vinh, thay vì Richard Stallman.

LỜI BẠT PHẦN 2

Qua bài viết này mình đã đi chuyên sâu tiếp về GNU/Linux và sự tuyệt diệu, cũng như những hạn chế của nó. Mình cũng đã nói sơ lược một chút về Linus, và nếu như bạn không để ý, mình cũng đã cố ý "thổi" vào vài hơi thở của một cách nhìn hoàn toàn khác so với tất cả mọi người về cộng đồng Linux và chính "hệ điều hành" Linux.
Vì sao vậy? Cái nhìn mới này thực tế chính là một cách nhìn ảnh hưởng rất lớn từ một trong những hệ tư tưởng khủng khiếp nhất trong cộng đồng 3%, đó chính là Free Software Movement. Free Software Movement, hệ tư tưởng của Richard, chính là kim chỉ nam cho các devs, engineers, advocators, supporters của cộng đồng "libre software" và cũng là lý do tại sao một người trong cộng đồng Linux lại hoàn toàn khác biệt so với một người bình thường, và tại sao họ cũng đôi khi được coi là "toxic".
Vì sao cộng đồng Linux lại trở thành một "major rabbit hole" như vậy? Tại sao rất nhiều người thích sử dụng Ubuntu, trong khi nếu bạn hỏi một người dùng Linux nếu họ thích Ubuntu không, họ sẽ trả lời "Không bao giờ tôi dùng Ubuntu, không bao giờ"?
Mình đã suy nghĩ khá nhiều, rằng có nên viết về chủ đề này không. Nhưng sau tất cả, mục tiêu của series lần này chính là kể hết cho các bạn nghe về những điều chưa bao giờ kể, những điều mà chỉ có vài người trên thế giới biết và hiểu được, và tất cả sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Chắc chắn một số người sẽ cảm thấy cộng đồng này "thật lập dị", tuy vậy đây mới chính là thứ làm nên vẻ đẹp tuyệt vời của cộng đồng Linux, cộng đồng đóng góp không hề nhỏ cho sự phát triển của nhân loại.
Vậy thì, phần 3 sẽ nói về Free Software Movement, các bạn có bao giờ nghe đến chưa?