Nhà tôi cách nhà cũ của bà cố tầm 7 km tính theo đường chim bay. Quãng đường này nếu so với con đường tôi đi làm hằng ngày thì chẳng thấm vào đâu, nhưng không hiểu tại sao trong tâm trí của thằng nhóc hồi còn học tiểu học lúc ấy thì nó xa lắm. Nó xa hơn con đường hằng ngày đến trường, xa hơn con đường đến nhà ngoại. Xa hơn cũng đồng nghĩa với việc phải ngồi lâu hơn, ê mông nhiều hơn, và tôi thì không thích điều đó lắm. Có mấy lần tôi hỏi mẹ là nhà bà cố ở đâu, mẹ bảo ở Diên Thọ, tôi không hình dung được Diên Thọ là xa chừng nào, mẹ chỉ kêu là xa lắm, và tôi lưu vào đầu thông tin ấy.
Thật ra tôi không thể nhớ rõ thời điểm chính xác mà những chuyến đi ấy diễn ra, nhưng tôi khá chắc là mình vẫn đang học những năm đầu của tiểu học. Thời ấy, đường sá còn hẹp, cây cối bên đường xanh um, cứ mỗi mùng 1 âm lịch hàng tháng là ba sẽ chở mẹ và tôi đến thăm bà cố, phụ bà nấu đồ cúng, ăn với bà một bữa cơm rồi chiều thì về. Đó dường như là thói quen đều đặn của gia đình tôi mỗi tháng, suốt một khoảng thời gian. Về sau khi bà cố bán căn nhà ấy đi thì thói quen ấy không còn nữa. Nhưng đó là chuyện về sau, hãy để tôi lục lọi trong tâm trí mình và kể cho các bạn nghe một vài câu chuyện mà tôi còn nhớ. Chúng đối với tôi như những món kỷ vật, được cất sâu trong ngăn tủ, lâu lâu tôi dọn dẹp phòng ốc sẽ đem ra lau chùi rồi lại cất vào cẩn thận.
Ký ức tựa như những mảnh ghép, bị vỡ ra, nằm lộn xộn, ngổn ngang trong tâm trí. Một mặt, những mảnh ký ức như những thước phim tương tự như những cái mà ta lưu trong thẻ nhớ, nghĩa là chúng tái hiện lại chính xác những điều đã xảy ra trong quá khứ. Mặt khác, ký ức đôi khi tỏ ra không đúng đắn cho lắm, nó có thể được sửa lại dựa theo niềm tin của chính bản thân ta, hoặc, lắm khi, tâm trí tự bịa ra một "ký ức mới". Tôi cố gắng giữ cho tâm trí mình nhẹ nhàng khi lục lọi lại những mảnh ghép rơi vỡ lung tung ấy, như sợ chúng sẽ vỡ ra như bọt bong bóng, hoặc sợ rằng nếu lỡ may không cẩn thận, chính tôi sẽ phá vỡ tính nguyên vẹn ban sơ của những mảnh ghép mong manh ấy.
Những mảnh ghép
Những mảnh ghép
Để đến được nhà của bà cố nhà chúng tôi phải đi qua một số con đường liên xã, tức là một tuyến đường chính nối nhiều xã và thị trấn lại với nhau. Con đường ấy giờ đây người ta xây mới, rộng thênh thang, bên đường nhà dân san sát với nhiều màu khác nhau. Nhưng vào thời điểm mười mấy năm về trước nó vẫn chỉ là một con đường nhựa nhỏ, có những đoạn cây mọc nhiều và ít nhà dân. Sở dĩ tôi có thể mô tả và so sánh như thế là vì nhiều năm gần đây Tết nào tôi cũng chở mẹ hoặc ngoại đi ngược lại con đường ấy để dọn dẹp những ngôi mộ của người thân đã khuất.
Từ đường lớn, phải rẽ vào một con hẻm nhỏ đầy sỏi đá mới vào được căn nhà cũ của bà cố. Nó được bao quanh bởi rất nhiều cây cối rậm rạp, từ những cây ngắn ngày trồng để ăn và bán buôn lặt vặt đến những cây ăn quả lâu năm. Trước nhà có một cái giếng khá to nhưng không có bờ thành, lúc nào cũng đầy ắp nước, mẹ tôi bảo dùng để tưới cây. Cứ mỗi lần đi ngang cái giếng ấy là tôi muốn né xa ra, tôi luôn có một nỗi sợ vô hình đối với mấy cái giếng từ lúc nhỏ. Từ khi ý thức được cái chết một ngày nào đó sẽ tìm đến với mình và những người thân trong gia đình hồi năm lớp 1, tôi dần trở nên dè chừng và tưởng tượng ra hàng tá kiểu nguy hiểm có thể dẫn đến cái chết, và chết đuối dường như là một kiểu không mấy dễ chịu lắm. Ấy vậy mà trước nhà bà có hẳn một cái to tướng, tôi cứ sợ có ngày bà không cẩn thận ... té vào. Dù điều đó chưa bao giờ xảy ra, cái giếng không có bờ thành đó vẫn từng ám ảnh tôi một thời khi nghĩ đến.
Căn nhà của bà cố có tổng cộng 3 gian chính xây bằng gạch giống như kiểu nhà truyền thống mà ta dễ dàng bắt gặp của ông bà ngày xưa, ba gian ấy sẽ dùng để đặt bàn thờ nếu như đó là nhà thờ họ hoặc đình làng. Tuy nhiên cũng có nhiều biến thể của loại nhà này, có nhà chỉ giữ lại gian ở giữa để thờ còn hai gian hai bên dùng cho các mục đích cá nhân khác - nhà bà cố tôi là một ví dụ, hai gian hai bên một cái dùng làm phòng ngủ còn gian còn lại thì để một cái phản. Nhà nội tôi thì thờ một gian, làm phòng khách một gian, để giường ngủ một gian. Nhà ngoại tôi thì hai gian để bàn thờ, gian còn lại cũng để cái phản. Nói chung là, nhiều biến thể lắm.
Ngoài ba gian nhà chính ra thì nhà bà cố còn một gian nhỏ kế bên dùng làm bếp. Đây là nơi đặc biệt nhất, vì chúng không được xây nên từ gạch và vữa mà được đắp lên bằng bùn với lõi là những thanh tre nứa đan vào nhau. Nghe đâu gian bếp thấp lè tè ấy là mấy chú bộ đội tự tay đắp lên cho bà lúc còn kháng chiến. Tôi nhớ, nhà cố không có bếp ga, mỗi lần đến nấu đồ để cúng mùng 1 là mẹ tôi phải dùng củi khô để chụm, có một cái ống nước bằng nhựa nhỏ chảy sẹm một đầu dùng để thổi cho than hừng. Bên trong gian bếp nhỏ ấy còn có một chiếc giường được đan lát bằng nan tre, nằm lên là nó võng xuống, tạo nên một thứ tiếng kẽo kẹt đặc quánh và cũng là đặc trưng của những nan tre khi cạ vào nhau. Từ trên giường tre, tôi có thể sờ lên những vết nứt của bức tường bằng bùn đã khô nứt nẻ kia. Chúng lạnh và gồ ghề, không hề bằng phẳng giống bức tường gạch hay tường đã trét vôi ở nhà.
Phần lớn thời gian của tôi mỗi lần về nhà cố là loay hoay quanh căn bếp ấy, nhìn ba mẹ phụ nấu đồ cúng, rồi ăn với bà bữa cơm. Những mảnh ký ức vụn vặt càng lớn lại càng vơi đi. Hình như ở nhà cố có một khái chum nhỏ đựng nước, có cái gáo dừa. Hình như cái cửa của căn bếp nhỏ có một cái lỗ thật to để xỏ cái khóa dây cũ kỹ qua. Hình như có một lần tôi nằm trên cái phản và ngủ quên. Hình như... hình như... hình như...
Sau này bà cố bán căn nhà và mảnh đất đó đi để về ở với ngoại của tôi. Như một thói quen, tới tận bây giờ, nghĩa là cũng gần 10 năm từ khi cố mất. Tôi vẫn giữ một thói quen là cứ Tết sẽ chạy xe về con đường xưa cũ năm đó. Có khi đi một mình, có khi đèo theo nhỏ em gái. Tôi ước gì mình nhìn thấy được lại một chút gì đó để làm sáng lên những mảnh ký ức của tôi. Nhưng không thể. Hàng cây ấy không còn, con đường sỏi không còn, căn nhà ba gian với căn bếp đắp bằng bùn cũng chẳng còn. Mọi thứ giờ đây đều thật quá đỗi khang trang và mới mẻ. Chúng như phát sáng, ánh sáng của chúng làm tắt lịm đi những mảnh ký ức vụn vặt mà tôi còn đang cố giữ.
Đôi khi tôi nghĩ để một hình ảnh gì đó tồn tại trong tâm trí ta lâu dài thì cần phải có sự tương tác qua lại giữa mô hình trong nhận thức với cái thực tế bên ngoài kia. Ta dùng các giác quan như cảm biến trong máy ảnh, ghi lại những lát cắt của cuộc sống trôi qua ta rồi lưu lại. Nhưng dần dần theo thời gian, những hình ảnh này dẫn sẽ bị phai mờ và thay thế bởi nhiều thông tin cũng như các mối bận tâm khác. Phải thấy được, nghe được, sờ được, cảm nhận được trở lại cái xưa cũ kia thì những ký ức phủ bụi mới được thắp lên, khiến ta nhớ lâu lơn, và phần ký ức đó tiếp tục đi cùng với ta, góp phần tạo nên nhân diện ta. Nhưng với tôi, những mảnh ký ức về căn nhà ngày xưa ấy sẽ chẳng bao giờ có thể thắp lên được nữa, một phần nào đó trong nhân diện này đã tối đi và sẽ mãi mãi tối đi như thế. Có lẽ việc căn nhà ấy mất đi đối với tôi cũng giống như những người lớn lên với những cây đa, mái đình, cái giếng làng,... nhưng chúng rồi cũng biến mất và thay đổi theo thời gian. Có buồn, có tiếc nuối, nhưng không xoay chuyển được bánh xe thời gian.