CẢM XÚC LÚC NÀY TRONG BẠN LÀ...
"Bât kỳ ai cũng có thể trở nên giận dữ, nó rất dễ xảy đến và chế ngự ta. Nhưng hãy biểu hiện cơn giận giữ với người phù hợp, ở mức độ vừa phải, vào thời điểm thích hợp, cho một mục đích đúng đắn, và theo một cách tốt nhất. Điều này không hề dễ dàng".
Ngoài khía cạnh tư duy, cảm xúc là yếu tố phân biệt giữa con người và các loài vật khác. Cảm xúc (emotion) như một dòng suối chảy không ngừng có lúc dữ dội, mạnh mẽ nhưng cũng có lúc nhẹ nhàng và dịu êm. Một người có thể tận hưởng niềm vui hân hoan khi xem một trận bóng đá, cảm thấy hạnh phúc khi mang lại niềm vui và giá trị cho người khác, cảm thấy rung động và vui sướng khi chạm vào người mình yêu thương, và tận hưởng niềm vui khi hẹn hò với đám bạn... Tuy nhiên, đã là con người, ai cũng có những hỷ nộ ái ố, bên cạnh những cảm xúc tích cực (positive emotion), mỗi người không tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực (negative emotion) như cảm thấy buồn chán và tuyệt vọng khi cô đơn, giận dữ khi lòng tự trọng bị xâm phạm, nỗi sợ hãi khi rơi vào một tình huống khó khăn, hay sầu thương và đau khổ khi mất đi một người thân... Những cung bậc cảm xúc đó góp phần tô màu cho trải nghiệm cuộc sống của mỗi cá nhân và mang đến cho ta những trải nghiệm ý nghĩa. Tuy nhiên, để tận hưởng những trải nghiệm đó đòi hỏi ta phải biết quản trị cảm xúc. Đó là là khả năng nhận dạng được các hoàn cành có thể kích hoạt (trigger) phản ứng cảm xúc không kiểm soát được, gọi tên cảm xúc và hiểu cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định và phán đoán của ta khi nào và bằng cách nào. Do đó, người có khả năng quản trị cảm xúc tốt thường là người thành công trong việc hiểu mình, vun đắp và nuôi dưỡng các mối quan hệ xung quan. Vậy đâu là phương pháp hiệu quả để có thể rèn luyện và cải thiện việc quản trị cảm xúc? Dưới đây là một mô hình quản trị cảm xúc mà mình tìm hiểu có tên là RULER. Mô hình RULER nhằm rèn luyện trí thông minh cảm xúc (EI) gồm:
Nhận diện cảm xúc của bản thân & người khác và kiểm soát cảm xúc hiệu quả: Đó là khi cảm xúc dâng trào trong ta hay chúng bị kích hoạt (trigger) bởi yếu tố ngoại cảnh, lúc này ta nên dừng lại để hít thở sâu, có thể nhắm mắt, nhận diện và gọi tên cảm xúc đó ra. Đặc biệt đối với cảm xúc tức giận, khi bạn bị kích hoạt bởi các nguồn cơn cảm xúc, sự tức giận thường hình thành và dâng trào trong 6 giây. Trong khoảng thời gian này, bạn thường hành động vô thức, không thể kiểm soát lời nói và hành vi của mình. Thay vào đó, bạn hãy dừng lại trong 6 giây, quan sát và nhận diện cảm xúc đang cuộn trào trong bạn.
Hiều được những nguyên nhân và kết quả mà cảm xúc gây ra: Hiểu được những nguồn cơn cảm xúc, căn nguyên nào hình thành nên những cảm xúc sẽ giúp ta xác định được những nhu cầu bên trong ta cần được thỏa mãn. Một trong những hiểu lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi nghĩ về cảm xúc, đó là tin rằng cảm xúc trực tiếp tạo ra hành động. Tuy nhiên, cảm xúc lại chuẩn bị cho cơ thể hành động; nhưng liệu mọi người có thực sự tham gia vào hành động hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như bối cảnh nơi cảm xúc xảy ra, mục tiêu của cảm xúc, hậu quả nhận thức được từ hành động của một người, kinh nghiệm trước đó (định kiến). Hiểu được gốc rễ cảm xúc giúp ta lường trước những hậu quả được gây ra bởi hành động vô thức khi cảm xúc lấn át và chế ngự.
Dán nhãn cảm xúc bằng việc sử dụng các từ ngữ mô tả cảm xúc: Điều này đòi hỏi bạn phải trang bị một rổ từ vựng về cảm xúc để gọi tên chính xác, chỉ đích danh những cảm xúc đang ngự trị trong bạn.
Biểu hiện cảm xúc theo cách phù hợp: Điều này la không dễ để thực hiện, đặc biệt khi chúng ta cho phép cơn giận giữ, nổi đóa xâm chiếm và kiểm soát ta, dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle đã nói: "Bât kỳ ai cũng có thể trở nên giận dữ, nó rất dễ xảy đến và chế ngự ta. Nhưng hãy biểu hiện cơn giận giữ với người phù hợp, ở mức độ vừa phải, vào thời điểm thích hợp, cho một mục đích đúng đắn, và theo một cách tốt nhất. Điều này không hề dễ dàng". Mỗi người là một thực thể độc lập và riêng biệt, họ có toàn quyền thể hiện cảm xúc, tuy nhiên cần có chừng mực, phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Cuối cùng, cảm xúc không phải là hai màu trắng hoặc đen, tốt hoặc xấu, tích cực hoặc tiêu cực; ngược lại cảm xúc chỉ mang lại những sự dễ chịu hoặc khó chịu. Cảm xúc khi đến với chúng ta, hãy xem nó như một dấu hiệu, một thông điệp, một cơ hội được gửi đến ta, và ta hãy đón nhận nó để hiểu rõ hơn về chính mình và những người xung quanh. Và cách tốt nhất để thật sự lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của chính mình là ngồi lại với bản thân để phản tư, hay tập thiền và duy trì thói quen viết nhật ký. Còn bạn, cảm xúc trong bạn hiện tại là gì? Nguồn cơn nào gây ra cảm xúc đó? Và bạn đối diện với cảm xúc bằng cách nào? Hãy chia sẻ nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất