CÁCH NHỚ LÂU NHỮNG KIẾN THỨC ĐÃ HỌC
Tuần trước mới học môn Sử nhưng tuần sau khi trả bài thì bạn đã quên sạch trơn rồi? Đôi khi bạn cảm thấy thạt bất lực trước cái bộ não 'cá vàng' của mình? Nếu bạn cảm thấy thế thì đây là bài viết dành cho bạn đấy!
Đôi khi bạn cũng cảm thấy thật bất lực với cái trí nhớ không được tốt lắm của mình? Mỗi khi đàn em lớp dưới hỏi bài Toán hay Hóa thì bạn đang thấy lâng lâng định thể hiện bản thân một tí mà nhìn vào cái đề mới phát hiện ra trong đầu mình chẳng nhớ chữ nào cả?
Dẫu cho chúng ta học rất nhiều từ những môn bắt buộc trong trường đến cả 3,4 môn học thêm bên ngoài nhưng chỉ sau tầm 1 tháng là bao nhiêu kiến thức đã trôi dạt về phương nào luôn rồi. Nếu bạn cũng đã bắt gặp tình cảnh éo le như vậy thì bài viết này chính là dành cho bạn đấy.
Và một tin mừng là nếu chúng ta biết cách luyện tập não bộ thì ta có khả năng đưa vào bộ nhớ dài hạn của mình bất kì thông tin gì mà chúng ta muốn. Vậy nên chúng ta cùng nhau tìm hiểu 2 phương pháp chính để giúp nhớ như in những kiến thức đã học thôi nào.
1) Hiểu sâu
Một thực trạng ngày nay là đôi khi vốn hiểu biết của chúng ta về những bài học còn khá là hời hợt và rời rạc. Bởi vì sự thật là đôi khi thầy cô giảng bài hăng hái trên bục giảng còn chúng ta ở bên dưới thì có khi còn chẳng hiểu thầy cô đang nói cái gì.
Và chúng ta cảm thấy rằng cũng không cần phải hiểu rõ cho lắm - Miễn sao làm được bài tập, học thuộc lí thuyết và điểm cao là quá tốt rồi. Nhưng đó mới là lí do chính mà kiến thức ‘đá’ chúng ta lẹ như vậy. Bởi vì não bộ chúng ta rất khó để có thể nạp những dữ liệu mà bản thân thâm chí còn chẳng hiểu. Nên trước tiên để nhớ được một đống kiến thức đồ sộ thì chúng ta phải hiểu chúng trước đã.
Giống như thông thường khi mình tụng tờ đề cương lí thuyết Vật Lí xong là cỡ 1 tuần sau là đầu mình không còn chữ nào trong đó. Vì đơn giản là mình khi học chỉ nhớ mặt chữ chứ về ỹ nghĩa bên trong thì mình không hiểu rõ lắm.
Và bí kíp để có thể hiểu sâu sắc một vấn đề nào đó chỉ nằm gói gọi trong hai chữ SUY NGẪM. Chúng ta không phải ai cũng thông minh đến nỗi mới học những lí thuyết hay những khái niệm mới lạ là hiểu được ngay. Và việc đó không chứng tỏ bạn dở, bạn không hợp với môn đó hay không có năng khiếu.
Học tập cũng giống như một mối tình vậy - Để có kết quả tốt đẹp thì chúng ta phải hiểu đối phương, mà để hiểu thì lại cần thời gian để để tìm tòi, học hỏi và chiêm nghiệm. Nên mỗi khi mà thầy cô giảng bài bạn không hiểu thì thay vì bỏ luôn môn đó thì bạn hãy về nhà thử im lặng ngồi chiêm nghiệm về những công thức hay những khái niệm mới lạ này.
Quá trình suy ngẫm này chỉ bao gồm hai bước rất đơn giản thôi: Bước đầu tiên là chú ý những phần kiến thức mà bạn vẫn còn chưa hiểu rõ lắm. Ở bước này thì bạn hãy đánh dấu những phần kiến thức mà mình vẫn hiểu rõ lắm hay vẫn chưa thấm được. Bạn có thể hỏi thầy cô, bạn bè về những phần mà bạn cần vướng mắc này.
Bước thứ hai là xem lại vở ghi bài, bài sửa của thầy cô để suy ngẫm về công thức đó hay dạng bài tập đó. Nếu vẫn ngẫm không ra thì đừng quên tìm kiếm câu trả lời ở Google.
Và việc suy ngẫm này có lợi ở chỗ bạn có thể ngẫm nghĩ ở khắp mọi nơi: Khi đang tắm, đứng chờ xe bus hay lúc đánh răng. Vậy nên hãy cứ dùng trí tưởng tượng của bản thân làm công cụ tuyệt vời để bạn có thể chuyển hóa kiến thức mà thầy cô giảng dạy thành kiến thức của riêng mình ở mọi lúc, mọi nơi.
Nếu bạn làm theo hai bước trên thì mình chắc chắn rằng mỗi lần suy ngẫm như thế thì dù ít nhiều gì thi bạn cũng học được những điều mới lạ đấy. Như mình thì môn Vật Lí và Hóa Học là hai môn mình phải động não nhiều nhất và có nhiều khái niệm mà mình phải ngẫm mấy ngày mới hiểu được một ít.
Mà mỗi lần hiểu được một khái niệm mới thì mình cảm giác hân hoan lắm nên mình đặc biệt thích thú việc suy ngẫm để tạo chiều sâu của kiến thức. Sau khi đã hiểu bài thì hãy cùng đến với phương pháp kế tiếp để nhớ bài thôi nào.
2) Gợi nhớ chủ động (Active recall)
Phương pháp này khác với những phương pháp ở chỗ não bộ của chúng ta sẽ phải hoạt động nhiều hơn. Bình thường khi ôn bài chúng ta sẽ thường lấy vở ghi chép ra để đọc lại rồi học bài nhưng các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng phương pháp này sẽ kém hiệu quả hơn so với việc chúng ta chủ động bắt não bộ mình phải nhớ kiến thức đã học trước khi lật tập ra xem lại. Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu 4 phương pháp để bạn có thể nhớ bài chủ động.
1. Sử dụng bảng câu hỏi
Phương pháp này rất dễ thực hiện: Cứ sau mỗi bài học thì bạn hãy chọn ra cho mình 3 đến 5 câu hỏi liên quan đến những kiến thức quan trọng nhất trong bài. Và mỗi khi ôn tập thì bạn chỉ cần lấy 5 câu hỏi này ra và trả lời để xem coi mình hiểu và nhớ bài được đến đâu. Những câu hỏi mà bạn thường không nhớ hay không biết câu trả lời thì có thể đánh dấu sao để bản thân có thể chú ý đến phần đó nhiều hơn.
Và nếu bạn không nhớ được nhiều lắm thì đừng lo lắng vì chuyện đó hoàn toàn bình thường thôi. Đôi khi nhìn vào bảng câu hỏi của mình mà mình chẳng nhớ lấy một từ gì - đặc biệt là với bảng câu hỏi Lịch Sử nhưng sau vài lần ôn thì đầu mình cũng có thêm được vài cột mốc quan trọng trong lịch sử của nước nhà.
Làm sao để biết nên ghi câu hỏi gì?
Mình khuyên các bạn nên ghi hai dạng câu hỏi: Câu hỏi quan trọng và câu hỏi thú vị. Để biết được đâu là câu hỏi quan trọng thì bạn hãy chú ý những chỗ mà giáo viên thường nhấn mạnh. Đó là những kiến thức mà bạn nên đưa vào bảng câu hỏi đấy.
Với dạng câu hỏi thú vị thì ban sẽ đưa vào đó những kiến thức mà mà bạn thấy hứng thú và tò mò - những kiến thức này có thể nằm ngoài sách giáo khoa hoặc bài giảng của giáo viên. Ví dụ như thông thường học Văn phần phân tích thơ thì mình thích tìm hiểu kỹ về thời đại mà tác giả sống nên trong bảng câu hỏi môn Văn của mình sẽ thường có câu “Khái quát về hoàn cảnh sống của tác giả”.
Những câu hỏi này không phải vô ích đâu bạn thân mến. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cứ học những thứ cần thiết là được rồi nhưng kiến thức thì vi diệu lắm - Tích trữ nhiều đảm bảo không lỗ đâu nên cứ thoải mái thêm vào đó những điều bạn thấy thích đi vì đến một ngày nào đó bạn sẽ thấy chúng phát huy tác dụng thôi.
Với mình thì những kiến thức về thời đại sống của tác giả sẽ phát huy tác dụng khi mình làm bài phân tích thơ. Bởi vì nếu học sinh nào cũng học và chỉ học những gì giáo viên giảng thì những bài viết sẽ na ná nhau và khá nhàm chán. Và chính những kiến thức mới lạ mà người khác không biết đó có thể tạo điểm nhấn cho bài viết của mình.
2) Dùng mindmap
Cách này thì mình cá là chẳng còn xa lạ với các bạn đâu nhưng vấn đề lớn nhất mọi người gặp phải khi sử dụng phương pháp này là cảm thấy tốn thời gian và mình không có năng khiếu vẽ. Và bài viết này mình sẽ chỉ các bạn cách làm mindmap đủ đẹp nhưng cũng không cần quá nhiều thời gian và năng khiếu.
Trước hết thì để vẽ mindmap thì cần nội dung trước đã. Và sơ đồ tư duy sẽ hiệu quả nhất khi chúng ta dùng cho nhiều nội dung có quan hệ mật thiết với nhau. Nên bạn không cần phải sau mỗi bài học là bạn đều phải vẽ một cái sơ đồ tư duy. Mà bạn hãy đợi sau 5-6 bài học hoặc là một chương thì hãy tổng kết lại thành một cái sơ đồ tư duy.
Có một lưu ý ở đây là với phương pháp này thì bạn đặc biệt phải chọn lọc kiến thức kỹ càng để chúng có thể chứa vừa trong chỉ một cái sơ đồ tư duy.
Và đến bước tiếp theo thì là vẽ ra một cái sơ đồ. Bạn hãy chuẩn bị một vài cây bút xanh, một cây bút đen với một cây highlight cùng một tờ giấy A4 hoặc tờ giấy tập. Khoanh một vòng tròn ở giữa để ghi tiêu đề (bạn ghi bằng bút highlight sẽ nổi và đẹp hơn) rồi chỉa ra một vài nhánh chính liên quan đến những đơn vị kiến thức chủ chốt của chương. Kế tiếp thì chỉ cần phát triển thêm những nhánh phụ nữa là xong rồi.
Nhưng một thử thách lớn nhất ở đây là khi vẽ sơ đồ tư duy thì bạn hãy đóng tập lại và vận dụng ký ức của mình để hoàn thành được một bảng vẽ. Chỗ nào bạn không nhớ nổi thì cứ chừa một khoảng trống. Lúc sau mở tập ra thì dùng bút mực đen ghi vào để làm nổi bật lên những chỗ đó. Bởi vì nếu nhìn vào tập mà chép ra thì não bộ của chúng ta cũng sẽ không nhớ được lâu bất kể cái mindmap của chúng ta có đẹp cỡ nào.
Có một nguyên lí rằng “Những cái gì mà não bộ phải vận động, phải tư duy thì nó sẽ nhớ rất lâu” - Nên lúc học thì đừng ngại thách thức não bộ, nó sẽ nhớ lâu hơn chúng ta tưởng đấy. Chỉ làm theo hai bước đơn giản trên là bạn đã có một sơ đồ tư duy hoàn chỉnh rồi đấy. Bước cuối cùng là lấy ra ôn tập lại thôi.
3. Dùng flashcard
Flashcard chính là những tấm thẻ hình chữ nhật nhỏ nhỏ mà nhiều người hay dùng để ghi chép từ vựng tiếng Anh đấy. Với phương pháp này thì bạn sẽ ghi chú lại những phần kiến thức mà bạn thấy khó nhớ lên từ tấm thẻ nhỏ và trang trí một ít cho bạn cảm thấy hứng thú khi ôn lại.
Tùy theo mỗi môn mà chúng ta sẽ thiết kế flashcard khác nhau. Môn Tiếng Anh thì có thể ghi ra những từ vựng mà bạn học mãi không thuộc được. Môn Toán thì có thể ghi những công thức phức tạp và khó nhớ như 7 hằng đẳng thức đáng nhớ hay những công thức lượng giác cơ bản. Mình lấy ví dụ như môn Toán thì mình sẽ thường ghi trên flashcard những câu bài tập mà mình phải dùng hết neuron thần kinh để nghĩ mới ra được cách giải.
Còn ở một mặt khác thì mình sẽ điền gợi ý cách giải nên mỗi khi ôn bài là mình có thể giải lại, giải không ra thì nhin gợi ý rồi suy ngẫm. Mình luôn mang theo những tấm thẻ này theo người mỗi khi đi học nên lúc nào ngồi rảnh rảnh là mình có thể trực tiếp ôn bài luôn mà không cần sách vở gì nhiều.
Về chỗ mua những tấm flashcard thì bạn có thể search trên Shopee vì giá của chúng cũng chỉ dưới 30 ngàn đồng cho khoảng 100 tấm thôi. Hoặc là bản có thể tự tay tạo ra những tấm thẻ cho riêng mình luôn và mình thường hay làm vậy cho nó gọn. Tất cả những gì bạn cần chỉ là 1 cây kéo và một tờ giấy A4 rồi cắt những hình chữ nhật có cách thước 8cmx12cm là đã ra được những tấm flashcard rồi.
Và sau hết những phương pháp trên thì mình sẽ giải đáp câu hỏi cuối cùng là “Vậy khi nào thì ôn bài hiệu quả nhất và phải ôn bao nhiêu lần thì mới đủ đây?”. Cách để ôn bài hiệu quả nhất là áp dụng theo phương pháp “Lặp lại ngắt quãng” (Spaced repitition). Từ khóa ở đây là hai chữ “Ngắt quãng” - Nghĩa là khoảng cách giữa mỗi lần ôn tập sẽ dần dần cách xa nhau ra.
Bạn hãy nhìn lên sơ đồ trên để hiểu rõ hơn nguyên nhân: Vì mỗi khi ôn lại là não bộ chúng ta sẽ được nạp đầy dữ liệu. Theo thời gian thì những dữ liệu này sẽ đi bớt dần dẫn đến việc đường lãng quên đi xuống và mỗi lần ôn tập lại là một lần chúng ta đẩy trí nhớ mình lên một bậc. Vậy nên dù ôn liên tục trong nhiều ngày thì não bộ chúng ta cũng đạt được một mức đỉnh điểm nhất định thôi nên việc ôn tập ngắt quãng sẽ tiết kiệm thời gian và công sức hơn hẳn
Còn việc ôn bao nhiêu lần thì đủ để nhớ là tùy thuộc vào mỗi người nhưng thông thường thì không càn quá 10 lần là não bộ chúng ta đã có thể khắc ghi rồi. Thường thì mình ôn đến lần thứ năm là đủ nhớ kiến thức rồi (thậm chí là ngấy luôn rồi).
Để biết rõ số lần thì sau mỗi lần ôn bạn hãy note lại xem coi mình nhớ được bao nhiêu phần trăm kiến thức của bài giảng đó. Chừng nào bạn cảm thấy đủ tự tin để có thể trình bày những kiến thức mình đã học như một người giáo viên thì khi đó là bạn đã nắm rất vững kiến thức rồi đó.
Ví dụ như là hôm nay mình mới vừa học xong bài văn “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến thì ngay sau tiết đó mình ghi lại 3-5 câu hỏi về những kiến thức chính của bài như hoàn cánh sáng tác rồi phân tích giá trị nghệ thuật của bài. Đến tối hôm đó mình sẽ lấy tờ câu hỏi này ra và trả lời lại những câu này.
Những lần ôn tiếp theo của mình lần lượt là là 1 ngày sau, 3 ngày sau, 1 tuần sau, 3 tuần sau. Như vậy là khoảng thời gian giữa mỗi lần ôn tập của mình sẽ ngày càng nới rộng ra và đó chính là cốt lõi của phương pháp “Spaced Repitition”.
Sau mỗi lần như thế thì mình sẽ tự đánh giá xem mình nhớ được bao nhiêu kiến thức. Mình thường dùng Google Sheet để ghi chú và lưu trữ lại quá trình ôn tập của mình. Bạn có thể kẻ một bảng đánh giá và ghi chú lên đó bằng những màu mực khác nhau tượng trưng cho phần trăm kiến thức mà bạn nhớ.
4. Giảng lại cho người khác
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hóa ra khi giảng bài cho người khác là lúc chúng ta nhớ bài nhất (ít nhất là nhớ lâu hơn làm bài kiểm tra). Vậy nên mỗi khi bạn của bạn hỏi bài thì đừng ngại ngần mà giảng cho họ. Như vậy không chỉ giúp bạn làm được việc tốt là giúp đỡ bạn bè mà lại vừa có thể nhớ bài tốt hơn - Một công đôi lợi luôn rồi.
Còn trường hợp không có ai để giảng bài thì đó là lúc chúng ta vận dụng trí tưởng tượng của mình để tự giảng bài cho chính mình. Mỗi khi tự giảng cho mình, mình thường hay tưởng tượng bản thân không biết gì về những kiến thức đó cả nên buộc lòng mình phải tìm cách nói để dễ hiểu và thú vị nhất có thể.
Và mình cho rằng sỡ dĩ phương pháp này hiệu quả là do chúng ta ai cũng muốn được nhìn nhận và đánh giá tốt đẹp (hoặc nói cách khác là mong muốn được thể hiện). Đó là lí do mà khi bạn giảng bài cho người khác thì bạn có thể làm tốt hơn cả tưởng tượng của bản thân luôn đấy.
Vậy là trong bài viết này bạn đã được tìm hiểu về một số cách thức đơn giản để có thể nhớ những kiến thức đã học rồi đó. Và một lời nhắn cuối cùng của mình đó là đừng đợi khi gần kiểm tra rồi mới hấp tấp lấy bài ra ôn.
Những phương pháp này bạn hãy áp dụng ngay sau mỗi bài học của bạn. Như vậy thì học đến đâu là có thể hiểu và nhớ đến đó còn lúc gần thi hay kiểm tra thì chúng ta chỉ làm mỗi việc ‘ôn bài’ như đúng nghĩa đen của nó thôi. Vậy là nhẹ được biết bao nhiêu việc rồi.
Và thông điệp cuối cùng của mình là đừng quên hưởng thụ quá trình học tập tự bản thân nó nhé.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất