LÀM VIỆC ĐỂ SỐNG hay SỐNG ĐỂ LÀM VIỆC?
Bài học về sự nghiệp rút ra được sau một lần suýt "đăng xuất khỏi Trái Đất".
Với những người trẻ, công việc chính một phần quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta dành hầu hết thời gian trong ngày để quay cuồng giữa những trách nhiệm, chạy từ việc này đến chỗ kia đến khi bị burn-out. Giữa sự hăng say, làm việc không mệt mỏi, bất kể ngày đêm để phát triển sự nghiệp, liệu rằng chúng ta có nhận ra mình đang đánh mất điều gì. Cách đây 3 năm, tôi từng phải nhận một cú tát đau điếng của cuộc đời, giúp bản thân thoát khỏi vòng xoáy bất tận và được nhắc nhớ về những điều thực sự quan trọng trong đời. Nếu bạn vẫn cảm thấy mình đang bị nhấn chìm, bóp nghẹt và bế tắc bởi chính những khát vọng, ước mơ, mục tiêu của mình, hãy dành chút thời gian để đọc bài viết nhé. Tin rằng, trải nghiệm của một đứa nghiện công việc đến mức cận kề cửa tử sẽ cho bạn những góc nhìn thực tế để làm việc thông minh, sống và làm việc có kế hoạch, để cân bằng công việc và cuộc sống. Và sau tất cả, điều đón chờ bạn và tôi sau hành trình sự nghiệp dài đằng đẵng là niềm vui, sự thỏa mãn chứ không phải là tiếc nuối hoặc câu “giá như…”

Ngày hè năm 2020, lần đầu tiên, tôi mấp mé cửa tử. Hôm đó, tôi nhập viện chỉ để tiểu phẫu ở chân. Nhưng cả tôi và y tá đều giật mình khi nhìn thấy màn hình đo huyết áp nhảy lên con số 240. Với tôi, đó chỉ đơn thuần là một con số cho đến khi nhìn thấy vẻ mặt nghiêm trọng của cô y tá và được giải thích rằng, người khác đã đột quỵ từ lâu với chỉ số huyết áp này. Nghe đến đây, tôi tái mét, nhớ về những cơn nhức hai bên thái dương vẫn âm ỉ vào mỗi buổi chiều đến mức phải trốn vào một góc để nghỉ ngơi. Tôi cũng tự hỏi, sao mình còn sống đến tận lúc này.
Sau khi làm thủ tục để chuyển vào Phòng Cấp Cứu, rồi di chuyển vào Phòng Theo Dõi Đặc Biệt, tôi bắt đầu làm quen với không gian bệnh viện và được tách mình khỏi guồng quay công việc, của tất bật từ lúc mở mắt đến khi tối mịt. Mới hôm qua thôi, tôi còn sống như một con thoi xoay vần giữa hàng núi công việc không bao giờ xong. Nói ví von thì tôi sống chỉ để làm việc, thức dậy lúc 8 giờ kém, gấp rút ăn sáng rồi phóng vội đến chỗ làm. Khi đã yên vị trên chiếc ghế công ty, tôi dán mắt vào màn hình suốt 10, 12 tiếng đồng hồ. Chẳng quan tâm sức khỏe hay trạng thái tinh thần của bản thân mà chỉ biết nhảy từ việc này sang việc kia. Giữa cơn lũ việc cứ muốn nhấn chìm mình, tôi chẳng màng học cách bơi mà cứ vơ vội bất cứ thứ gì nổi trôi, để được gọi là làm việc. Kết thúc ngày làm việc lúc 7, 8 giờ tối, tôi lê tấm thân héo mòn về nhà. Việc đầu tiên khi về nhà là nằm, nằm để thở rồ, ăn vội miếng cơm trước khi lao đầu xử lý công việc đến tận 2, 3 giờ sáng. Cứ vậy, chiếc đồng hồ cát sức khỏe cứ vơi cạn dần. Thật may, khi chỉ còn cách “cánh cửa đăng xuất” 3 bước chân, tôi được nhắc nhở để bắt đầu tìm cách quay lại, học cách sống.
Nằm trên giường bệnh khi ấy, tôi biết ơn người yêu hay là vợ tôi hiện tại đã chăm sóc cho tôi, đứa dại dột là đánh đổi sức khỏe một cách mù quáng. Trong giờ phút chậm lại ấy, tôi bắt đầu sắp xếp lại những ưu tiên quan trọng nhất trong cuộc sống. Và câu nói “có sức khỏe là có tất cả” bỗng nhiên lại đúng với tôi bao giờ hết. Khi bạn có sức khỏe, bạn mơ ước về rất nhiều thứ. Nhưng sức khỏe không còn tốt, thứ bạn mong cầu chỉ là sức khỏe thôi. Nhận ra sự thật rằng làm để sống chứ không phải sống để làm, tôi học cách để hiểu cơ thể mình trước đã. Xuất phát điểm của tôi là hệ gen yếu khi Mẹ cũng có tiền sử bị huyết áp cao và bệnh tim. Và đến nay, khi mang căn bệnh này trong người, tôi không thể ép bản thân thức khuya, cày cuốc, sinh hoạt thiếu khoa học như trước đây nữa. Cơ thể tôi đã không còn là một động cơ vĩnh cửu mà là một cỗ máy cần có thời gian hoạt động, nghỉ ngơi hợp lý để không vỡ những mạch điện quan trọng. Thực tế là không chỉ tôi mà bạn cũng vậy, chúng ta không sống mãi với cách sinh hoạt độc hại được, thậm chí có khả năng chết sớm.
Và với công suất hoạt động của cỗ máy “bản thân”, tôi thiết lập các khung giờ hoạt động cụ thể cũng như tối ưu hóa hiệu quả sử dụng của các khung giờ. Cụ thể là tôi có thể làm việc, sinh hoạt hết sức nhưng hạn chế tối đa việc ngủ sau 12 giờ đêm vì sẽ gây tổn hại đến khả năng hồi phục các bộ phận bên trong cơ thể và gây ra sự mệt mỏi vào hôm sau. Hay tôi luôn cố gắng nghỉ trưa từ 20 - 30 phút để giữ bản thân tỉnh táo cùng với hiệu suất làm việc cao nhất vào buổi chiều. Còn khi làm việc, tôi sử dụng phương pháp “quả cà chua”, tập trung 30 phút rồi nghỉ ngơi 5 phút để thực sự hiệu quả trong mỗi khung giờ làm việc và không ép bộ não quá căng thẳng. Đến tối, tôi sử dụng ứng dụng Tide để hít thở theo nhịp 15 phút, giúp thả lỏng và thư giãn toàn cơ thể. Khi đã nhận thức được sự hữu hạn của cơ thể, tôi nỗ lực gìn giữ tấm thân quý giá mình được trao trong kiếp sống này. Và tôi học được “cách chơi tốt nhất với những quân bài được chia” thay vì trách cứ số phận về khiếm khuyết của mình. Quá trình học hỏi này giúp tôi được tự do trong vùng giới hạn, sống thuận tự nhiên để đi đường dài và vẫn thực sự hiệu quả.
Sau khi đã thiết lập bản thân vào một quỹ đạo phù hợp, tôi phải học tiếp cách để giúp quỹ đạo đó tiến lên trên con đường mình đã lựa chọn. Bởi lẽ, tôi nghĩ chúng ta không ai muốn cuộc đời chỉ quẩn quanh tại một điểm cố định trong khi bản thân đang dồi dào sức trẻ. Không một ai, muốn chết đi vào tuổi 25 nhưng đến năm 75 tuổi mới đi chôn. Để đạt được điều đó, tôi cần học các TẬP TRUNG VÀO ĐIỀU QUAN TRỌNG. Tôi nghĩ, không phải ai trong chúng ta cũng muốn mất cân bằng, đốt cháy sức khỏe, đánh đổi tương lai để chỉ biết làm việc. Nhưng chúng ta bị xã hội quy chụp góc nhìn muốn có sự nghiệp phải đánh đổi, mưu cầu chức vị phải hy sinh, khát khao tiền bạc cần trả giá. Để rồi, những cụm từ burn-out, kiệt quệ, mất định hướng lại ám ảnh không ít người trẻ dẫu biết bao cố gắng đã bỏ ra. Chúng ta được chỉ cách làm việc nhưng thiếu đi CÁCH LÀM VIỆC SAO CHO HIỆU QUẢ và quan trọng hơn là trả lời câu hỏi, LÀM VIỆC ĐỂ LÀM GÌ. Với nỗ lực sinh tồn của mình, tôi tự tìm thấy một vài lời giải cho những trăn trở này:
Trước nhất, cuộc đời chúng ta không chỉ có công việc. Mà còn là gia đình, bạn bè, theo đuổi sở thích, phát triển tâm thức. Chúng ta cần công việc để sinh tồn và hòa nhập vào cuộc sống. Nhưng để sống và tạo ra giá trị, chúng ta cần sự cân bằng nhiều phương diện trong cuộc sống. Chứ mải đuổi theo hai chữ danh vọng mà đánh đổi tất cả, có lẽ bất hạnh sẽ vô tình được gieo rắc. Nhận ra bài học này, tôi tìm ra mô hình BÁNH XE CUỘC ĐỜI để vẽ nên những khía cạnh cuộc đời. Mỗi năm, tôi dành ra vài ngày để tô vẽ nên chiếc bánh xe định hướng bản thân tiến xa hơn trong 365 ngày kế tiếp. Trong năm, tôi dành thời gian quan sát, đánh giá để nhìn nhận bản thân đang tiến lên, thụt lùi hay rẽ nhầm hướng vào một con đường khác mà không hay biết.
Sau khi đã vẽ được hướng đi cho bản thân, tôi cần học cách buông tâm lý so sánh chính mình với người khác. Tôi nghĩ, một phần lý do khiến chúng ta mệt không dám nghỉ, nản không dám buông là vì sợ thua kém, bị so sánh với người khác, bị đánh giá không tốt. Cơ mà, mỗi chúng ta nào có giống nhau về điểm mạnh, sức bền, khả năng tập trung,... Mình là cá mà cứ lấy quy chuẩn của khỉ để đánh giá khả năng leo cây thì chẳng phải, cả đời sẽ thua kém hay sao. Sau khi biết phải buông bỏ tâm lý tham lam sự công nhận, sân hận khi bị đánh giá, tôi dần nhận ra chúng ta làm việc để lan tỏa giá trị, cống hiến cho tập thể. Trong cuộc chơi công bằng, giá trị tạo ra quan trọng hơn thời gian bạn đổ dồn vào công việc, làm việc thông minh sẽ tốt hơn làm việc quần quật. Và công việc không bao giờ hết, chỉ đơn là học cách làm việc thông minh đừng làm việc chăm chỉ, ưu tiên việc quan trọng theo các phương pháp 80/20 hoặc Ma Trận Quản Trị Thời Gian để bản thân luôn thong dong trên con đường đã chọn.
Và trên chiếc xe lăn đều, tôi cũng phải dành thời gian phát triển THÂN - TÂM - TRÍ để tăng hiệu quả, để chiếc xe tiến nhanh hơn, xa hơn dẫu cho thời gian làm việc không thay đổi. Cơ thể là động cơ, động cơ tốt và được bảo dưỡng, chăm sóc đều đặn sẽ hoạt động trơn tru, giúp công việc hiệu quả, bản thân phát triển, cuộc sống an vui. Còn nếu bạn ôm mộng dời non lấp bể trong một thân thể rệu rã, hệ thống yếu ớt thì riêng việc thở cũng đủ nặng nhọc, cuộc đời cứ bế tắc và mọi thứ như đâm vào ngõ cụt. Khi bạn đã quyết tâm hành động, những hành động nhỏ có thể thay đổi quỹ đạo cả một đời người, cũng như một giọt nước nhỏ có thể mài mòn cả một tảng đá lớn. Giữ gìn thân bằng cách ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, sinh hoạt đều đặn, tập thể dục thể thao,.... Thấu suốt tâm bằng cách hít thở, quay vào bên trong để hiểu con người mình, tiếp thu các nguồn thông tin thiện lành như podcast hay, bài giảng của thầy Minh Niệm, lắng nghe âm nhạc thư giãn. Nâng cao trí bằng cách đọc, học, va chạm để phát triển kỹ năng cốt lõi trong mỗi công việc (Ví dụ viết thì phải tìm vốn từ ngữ, học thầy hay, tiếp thu từ bạn tốt,...). Cứ như vậy, chiếc xe cứ tiến nhanh dần, nhanh dần để bạn tiến bước trên con đường của riêng mình, để nhận ra sứ mệnh bên trong và sống đến tận cùng vai trò được cuộc đời giao phó.Nhìn lại câu chuyện của riêng bản thân, tôi nhận ra cần phải xác định ra mối quan hệ của bản thân với công việc để có cách tiếp cận phù hợp. Chúng ta làm ra việc chứ việc không làm ra mình. Chúng ta cần nắm bánh lái kiểm soát cuộc đời mình thay vì “trao thân gửi phận cho” vòng xoáy deadline, báo cáo, phán xét từ cấp trên. Nhìn rộng hơn, công việc là một phần cuộc sống, là cơ hội bản thân đã lựa chọn để cống hiến, trao đổi giá trị để sinh tồn và lan tỏa giá trị cho người, cho đời. Chọn lựa một công việc là một chiến lược đầu tư dài hơi. Và trên hành trình đó, mỗi chúng ta cần hiểu mình, nhận thức cuộc chơi, chiến lược phù hợp và không ngừng trau dồi để chạm đến điều bản thân khao khát. Cầu chúc, bạn và tôi đều thăng hoa với công việc, sự nghiệp đã chọn để sống thật ý nghĩa nhé!

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Vọng Hi
làm gì làm sức khoẻ vẫn là cái quan trọng nhất, mình làm dev nhưng rất ngại OT , chẳng thà tui về nhà làm freelance ban đêm nhưng được cái sẽ tự do k bị gò bó như ở cty , nhưng dù có làm freelance thì mình cũng không bao giờ làm quá 11 giờ, tuần cố gắng chạy bộ 3 buổi, đi bơi 1-2 buổi, dạo gần đây mình còn tập thêm guitar để xả stress. Nói chung bản thân may mắn khi vẫn cân bằng được và vẫn khoẻ được. Bạn có thể làm việc đến mức ko để tâm tơi bất cứ thứ gì nhưng hãy để tâm tới sức khoẻ, vì khi nó mất đi rồi thì cái giá để lấy lại thật sự rất đắt hoặc thậm chí là không lấy được.
- Báo cáo
John Huynh
Bài viết hay, một góc nhìn thú vị. Mình cũng đồng quan điểm với tác giả. Trước đây, mình cũng đã từng chạy theo công việc, so sánh này kia, từng nghĩ 28 hay 30 phải thành công, phải đạt cái này cái kia,... Sau này, mình mới nhận ra đó là chỉ là quy chuẩn xã hội đặt ra, mình không nên bám theo nó vì sẽ rất áp lực. Nhiều lúc mình thấy đó chỉ là điều xã hội muốn chứ cũng chưa phải điều mình thật sự cần. Mỗi người đều có một hoàn cảnh, khả năng, điều kiện,... vậy nên độ tuổi thành công của mỗi người cũng nhanh chậm khác nhau. Chỉ cần không ngừng cố gắng mỗi ngày một chút, kiên trì đến lì lợm và đi theo điều bản thân thật sự muốn mà không phải của ai khác thì sớm muộn cũng đạt được.
- Báo cáo

Ly Hung
Nhìn nhận là một chuyện, làm nó lại là một chuyện khác, mình cũng đang ôm 1 giấc mộng gì đó và đang đẩy 1 số phần của bánh xe ra khỏi cs!! Bài viết giúp ta nhận ra đc 1 điều gì đó và an ủi! Cũng ok.
- Báo cáo