Búp bê người
Hell is empty and all the demons are here. - William Shakespeare -
Ai cũng biết búp bê là gì rồi. Búp bê là món đồ chơi, là 1 nét đẹp mà con người ta muốn nâng niu, trân trọng, thường được gắn liền với vẻ đẹp thuần sáng của bé gái, thiếu nữ. Nhưng, búp bê vỡ được, và búp bê có thể được lột ra, mặc vào, chải tóc, xoay chuyển tứ chi hay khuôn mặt tuỳ theo ý thích của chủ nhân. Và, có hàng trăm triệu, có lẽ là hàng tỷ búp bê ra đời nếu 1 con búp bê có vỡ hỏng.
Chúng ta là búp bê.
Và không đơn thuần như vậy, chúng ta là một cấu trúc búp bê hàng loạt có tính di truyền.
Đầu tiên thì: Vì sao chúng ta là búp bê?
Ta được sinh ra từ cha mẹ mình, từ 2 con búp bê đã được uốn nắn theo cách mà 2 con búp bê trước - ông bà của ta đã được uốn nắn. Cha mẹ ta dạy ta biết thế nào là phải, rằng là con cái, con cần phải làm thế này thế kia, con phải có trách nhiệm với gia đình và xã hội, con phải ghi ơn cha mẹ, tổ tiên và đất nước. Những lời dạy đó ghăm sâu vào não bộ chúng ta, vô hình trung thành 1 cái khuôn đúc mà chúng ta được nhào nặn ra từ đó.
1 con búp bê sẽ không thể là 1 con búp bê nếu không được lắp ráp đúng cách, lắp đầu vào đúng chỗ, lắp các chi vào đúng vị trí - tương tự như chúng ta sẽ thể tồn tại nếu chẳng có ai ở bên chăm sóc, thay đồ tắm rửa và cho ăn mỗi ngày - ta cần 1 người, 1 ai đó bên cạnh trở thành nguồn cung sự sống cho chúng ta. Còn không thì chúng ta hỏng, chúng ta chết. Hỏng ở đây tức là không còn khả năng sử dụng.
Chúng ta chết rồi thì làm sao có thể lớn lên, có thể trở thành tài nguyên cho xã hội sử dụng được?
Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khoẻ là vốn quý nhất của con ngườiChủ tịch Hồ Chí Minh
Con người là vốn - là vật dụng, tài sản cho xã hội sử dụng nhằm nâng cao và phát triển xã hội tiến lên hơn nữa. Môi trường càng tốt, xã hội càng thịnh vượng thì những tài sản như chúng ta càng được chăm chút tốt hơn - hoặc rất có thể, là bị bóc lột tệ bạc đi. Xã hội là vậy đó - quy mô của xã hội là thứ giết chết bản ngã và nhân quyền mà chính nó đang "bảo vệ" - nếu 1 con người không còn giá trị sử dụng nữa, thì chỉ cần 1 cái lắc đầu cũng đủ bóp nghẹt mọi đường sống của họ.
Bình đẳng, vốn dĩ chưa bao giờ tồn tại khi con người ta còn sống. Nên nhiều người mới tin rằng con người ta chỉ bình đẳng tuyệt đối khi đã không còn trên đời - họ đã hỏng rồi thì giá trị tụt về 0.
Còn nếu có ai nghĩ ra được cách nào thực dụng hơn, thì có thể là nạn buôn bán xác người chết hoặc nội tạng. Nhưng kết cục thì sao? Dùng xong rồi thì bọn chúng cũng vứt đi cái vỏ rỗng. Những nạn nhân xấu số đón nhận 1 kết cục còn kinh khủng hơn cái chết thông thường.
Chúng ta lớn lên, trở thành người lớn, lăn lộn ngoài kia kiếm việc và lao lực làm công thuê mướn cho người khác, cật lực kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ về già vì ta được dạy phải biết báo đáp công ơn, nuôi dưỡng gia đình nhỏ của mình vì bản thân cần phải là 1 người lớn có trách nhiệm. Vì luật pháp quy định rằng mỗi công dân cần phải có trách nhiệm với gia đình của chính mình trong Luật Hôn nhân và gia đình. Rốt cuộc thì, thứ sinh ra từ tình yêu thuần tuý chính là tình yêu của sự trách nhiệm và báo đáp, đúng không?
Nếu xét những gì tôi vừa đề cập, thì không khác nào nói con người chỉ là tài sản được tạo nên từ cha mẹ và được sử dụng bởi xã hội cả.
Nó cũng không sai đâu. Con người là tài sản của cha mẹ mà. Cha mẹ yêu thương, đùm bọc, che chở đúng nghĩa thì đứa trẻ sẽ lớn lên với 1 tinh thần và cơ thể khoẻ mạnh, thực hiện tốt chức năng và trở thành người có ích. Đúng vậy. Là người có ích.
Còn nếu không thì sao? Thì đứa trẻ đó nếu không chết cũng sẽ sống trong đau đớn từ thể xác đến tâm hồn, mang trong mình gánh nặng khó ai thấu hiểu và 1 lúc nào đó, sẽ sụp đổ vì chính sức nặng đấy.
Cứ phản bác rằng: "Con người là sinh vật có thể thay đổi mà, và kiểu gì cũng sẽ có người tốt đứng ra giúp đỡ họ thoát khỏi bóng tối của quá khứ."
Quá khứ đã luôn là 1 phần bất biến trong cuộc đời người, và tuổi thơ cũng chính là 1 tác động cực kì to lớn lên tâm thức và thể xác của bất kì người nào - cho dù họ có cố gắng đến mấy, không ai có thể hoàn toàn chạy trốn khỏi cái bóng ma thơ ấu. Như Alfred Adler, 1 trong 3 cổ thụ trong giới tâm lý học thế kỉ trước đã nói:
Có những đứa trẻ dùng tuổi thơ ôm ấp cuộc đời; có những đứa trẻ dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ.Alfred Adler
Chỉ 1 câu nói nhưng chúng ta đã quá thấm thía về tầm ảnh hưởng của quá khứ lên đời sống tinh thần của 1 con người. Và, đáng buồn thay, tuổi thơ của hầu hết chúng ta chính là những mảnh kính được lắp ráp dưới bàn tay của cha mẹ.
Và, mỗi ngày, có đến hàng triệu, chục triệu đứa trẻ được sinh ra trên đời - sự phì nhiêu đến mức dư thừa này của quá trình sinh sản dẫn đến việc xã hội trở nên tàn nhẫn, mạng sống con người chỉ như những con số. 1 con búp bê hỏng, thì vẫn sẽ có hàng triệu con búp bê khác thay thế - cuộc sống chưa bao giờ rẻ rúng đến vậy.
Chính điều trên đã cho chúng ta thấy được - xã hội này cấu tạo nên từ 1 hệ thống hàng trăm triệu, hàng tỉ con búp bê - đây chính là tính hàng loạt.
Còn về tính di truyền thì sao? Đúng vậy, tôi không thể phủ nhận mỗi con người 1 bộ não, 1 hướng tư duy khác biệt nhau, dẫn đến vô vàn sự khác biệt đa dạng. Cũng giống như tôi, người viết bài này, sẽ khẳng định rất nhiều quan điểm mà khiến bạn cảm thấy không thể đồng tình và chấp nhận nổi. Nhưng những gì bạn nghĩ, tôi nghĩ, người khác nghĩ, chính là 1 nồi thập cẩm với đủ loại thông tin, quan sát, kiểu tư duy khác nhau từ vô vàn người ta gặp và những người đi trước ta (bố mẹ, ông bà). Và cho dù hiện tượng "break generational curse" (phá vỡ lời nguyền thế hệ) tồn tại và ngày càng trở nên phổ biến, thì điều đó cũng chỉ là 1 tác phẩm được sinh ra từ môi trường bên ngoài mà thôi - bạn tiếp xúc với những điều tốt đẹp hơn, thấy rằng cách dạy dỗ của cha mẹ mình như vậy không tốt, và quyết định không muốn con mình đi theo vết xe đổ nên đã dạy dỗ con hoàn toàn khác. Lí do bạn thoát khỏi cái vòng tuần hoàn luẩn quẩn đó là vì, bạn được tiếp xúc với 1 môi trường tuyệt vời hơn. Nếu bạn cảm thấy những gì tôi nói vẫn còn quá khó tin bạn hoàn toàn có thể lấy nguồn tư liệu từ các bộ phim như "Beau is afraid" (Ari Aster, 2023) hay "Dogtooth" (Yorgos Lathimos, 2009) để hiểu rõ hơn những gì tôi muốn nói.
Bài đến đây cũng đã dài, nhưng xin hãy nhớ 1 điều: con người chỉ là búp bê mà thôi.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất