"Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để biết rằng thế giới ngoài kia còn rất nhiều điều tốt đẹp chờ đón bạn"
Đấy là điều mà mình vẫn hay tự nhủ bản thân. "Vùng an toàn" - đây không phải khái niệm mới, nhất là trong thời GenZ hiện nay. Nhân tiện thì mình cũng là 1 GenZ (nhưng là GenZ đời đầu nên gọi là giao thoa giữa GenZ và Millennials cũng được). Có lẽ vì ở giữa khoảng giao thời nên cũng có chút chăm chỉ, nỗ lực của Millennials và chút hoài bão, khẳng định cái tôi của GenZ. Mà chuyện đấy thì liên quan gì đến câu chuyện vùng an toàn và thoát ra khỏi vùng an toàn? Đây hoàn toàn là trải nghiệm của mình, vào một ngày cuối năm, khi tuổi 25 chuẩn bị ập đến và mình có thời gian ngồi ngẫm lại về những tháng ngày thanh xuân đầu tuổi trẻ đã qua.
Vùng an toàn là gì?
Mình cũng cố kiếm một định nghĩa khái quát về khái niệm mơ hồ "vùng an toàn" nhưng trong thời đại Covid hiện nay, nếu search vùng an toàn chúng ta sẽ được trả về một loạt kết quả không đúng mục tiêu lắm nên chắc sẽ dùng những câu chuyện để giải thích vì quả thật mỗi khoảng thời gian vùng an toàn của mình cũng có nhiều thay đổi.
Khi còn thơ bé bắt đầu tập bò, tập đi, vùng an toàn là khoảng chiếu nhỏ nhỏ nơi góc nhà, nơi bố mẹ và ông bà luôn đặt mình ở giữa và trông nom sao cho chỉ mon men ở rìa chiếu và không được ra ngoài vì sợ nghịch bẩn, sợ nhặt đồ linh tinh và có thể cho vào miệng - điều vô cùng nguy hiểm với trẻ con bấy giờ. Lúc đó việc thoát khỏi vùng an toàn của bản thân đơn giản chỉ là dám bò ra khỏi chiếu, quần áo có chút lấm lem nhưng cũng biết đâu là cái được nghịch, đâu là cái cấm không được cho vào mồm, đại loại là vậy. Nhờ những cuộc thám hiểm khỏi chiếc chiếu mà biết đu bám, tập đứng, tập đi, nhờ những lần tung tăng chạy dù đi chưa vững mà cộc đầu vào cạnh bàn, cạnh ghế mà biết tránh xa những góc ấy ra. Đấy chính là những cú nhảy khỏi vùng an toàn đầu đời của chúng ta.
Sau lớn hơn chút, tập đi xe đạp, vùng an toàn lại là khoảng sân trước nhà, chỉ dám đi xe vòng vòng, quen hơn chút thì ra ngõ xóm, ven theo con đường quen thuộc. Vậy thoát khỏi vùng an toàn nỗi gì ở điều thân quen đó? Với mình hồi đó là việc dám lao xuống con dốc gần nhà mà không bóp phanh xe, cũng có lần còn dám thả hai tay (không khuyến khích thử nhé), qua những lần đó, không phải là oai hùng gì, nhưng cũng muốn thử một lần cho biết để từ đó trở đi không bao giờ tò mò hay muốn thử lại, cũng may lần thử đấy không gây hại gì. Nhưng vậy để thấy không phải cứ thoát khỏi vùng an toàn là phải làm những điều vĩ đại và luôn đúng, cũng có thể là điều sai và thứ để lại cho mình là bài học.
Bước vào con đường học hành cao hơn, biết suy nghĩ để tránh những pha nghịch dại như trên thì vùng an toàn của mình chính là lớp học, là những người thân quen, là gia đình nơi mọi người đều biết mình và mình chỉ loanh quanh giao tiếp với vòng tròn xã hội đấy. Có ổn không? Có chứ, rất thoải mái, nhưng mình cũng quyết định sẽ bứt phá lên chút, cho bản thân có nhiều trải nghiệm hơn bằng việc tham gia các tổ đội nhóm, thoát ra khỏi chiếc vòng an toàn để giao tiếp với nhiều người hơn và đây chính là pha thoát khỏi vùng an toàn xứng đáng khi mình nhận lại là sự tự tin ở bản thân khi đứng trước đám đông, rất nhiều kỹ năng mềm khác, mình cũng khám phá được bản thân phù hợp điều gì, điểm mạnh là gì để phát huy, điểm yếu cần khắc phục như thế nào. Thậm chí trong bài chia sẻ về quãng thời gian được là người đứng đầu quản lý chương trình tại nơi làm việc cũ mình cũng chia sẻ về câu chuyện người chẳng bao giờ cầm mic như mình sau 1 lần "bất đắc dĩ" cũng thành MC cây nhà lá vườn và giờ tự tin nói trước đám đông ra sao, người chỉ viết những suy nghĩ miên man không đầu cuối như mình phải lên kế hoạch truyền thông và làm content cho từng bài viết ra sao... Tất cả những điều đấy chắc hẳn sẽ không thể có nếu ngày ấy mình không quyết định thoát ra khỏi giới hạn an toàn của bản thân để trải nghiệm điều mới.
Không chỉ là những điều mắt thấy tai nghe rõ ràng như vậy, đôi khi vùng an toàn còn do chính chúng ta tạo ra, như một lá chắn cho bản thân trước cuộc sống phức tạp này, nhưng cũng có lúc chúng ta lại mong cầu được thoát ra khỏi mọi giới hạn bản thân để khẳng định chính mình, để được công nhận và để bản thân được mạnh mẽ hơn.
Sẽ còn rất nhiều những vùng an toàn của bản thân cần thoát khỏi trong tương lai nhưng mong rằng những chia sẻ nho nhỏ trên cũng giúp bạn hình thành chút định nghĩa cho riêng mình về vùng an toàn.
Cách thoát khỏi vùng an toàn?
Như đã kể bên trên mình nghĩ cũng đủ để mọi người thấy rằng mỗi người sẽ có những vùng an toàn khác nhau ở những thời điểm khác nhau, đương nhiên cách thoát ra khỏi nó cũng sẽ khác nhau. Và có một sự thật là không phải vùng an toàn nào cũng cần thoát khỏi, sự cân bằng giữa các vùng an toàn cố hữu và những vùng an toàn có thể vượt qua của bản thân là cần thiết. Bản thân mình thì luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi trước khi quyết định thoát khỏi vùng an toàn nào đó
Sự việc đang được phân vân cần thay đổi này là gì? Đưa ra cái nhìn đa chiều và dự trù tương lai nếu không thay đổi thì như thế nào, nếu thoát khỏi vùng an toàn để thay đổi nó thì điều gì có thể diễn ra?Có nhất thiết cần thay đổi hay không?Bản thân có thật sự kiểm soát được mọi việc nếu diễn ra sự thay đổi hay không?
Đấy chính là những câu hỏi mình hay tự vấn bản thân trước, khi trả lời đủ cả 3 câu lúc đó mới là thời điểm mình quyết định bước ra khỏi vùng an toàn. Với nhiều người, bước ra khỏi vùng an toàn phải là những gì đó phá cách như việc thử chơi trò cảm giác mạnh hay làm điều gì vô cùng vĩ đại, mình không nghĩ như vậy. Với mỗi cá nhân và mọi vấn đề trong cuộc sống đều có những giới hạn tối thiểu, với nhiều vấn đề, việc duy trì mức trung bình an toàn đã là liều thuốc chữa lành tốt nhất rồi và không nhất thiết việc gì cũng phải bước ra khỏi giới hạn đó. Cũng như việc nói trước đám đông là điều bình thường tất yếu của một người MC truyền hình hay 1 KOL truyền cảm hứng nào đó nhưng sẽ là vùng an toàn cần phá vỡ của những người kiêm lời, nhút nhát. Không có câu trả lời tuyệt đối nào cho câu hỏi về vùng an toàn. Chỉ có một điều bản thân mình vẫn luôn băn khoăn trước khi đưa ra lựa chọn thay đổi, đó chính là việc kiểm soát các tình huống. Chúng ta không thể lường trước được chính xác điều gì sẽ diễn ra nhưng nếu có sự chuẩn bị đầy đủ, chắc chắn cuộc đời sẽ nhẹ nhàng hơn với ta biết bao nhiêu và chúng ta cũng biết cách giải quyết mọi vấn đề hơn, sự chuẩn bị như chiếc đê chặn bão từ biển đổ vào vậy, chúng ta không tránh được bão nhưng sẽ giảm thiểu được sức tàn phá của cơn bão đó.
Bên ngoài vùng an toàn sẽ có những điều tốt đẹp và cũng không kém những ảnh hưởng tiêu cực, việc thoát khỏi vùng an toàn không hề dễ dàng và tốn rất nhiều thời gian để hoàn thiện, cũng có những vùng an toàn mất cả đời để thoát ra và cải thiện chúng tốt hơn, phù hợp hơn với bản thân. Chẳng có mẫu số chung nào cho mọi người, hãy tự tìm kiếm mẫu số của cuộc đời mình, việc cộng trừ nhân chia là của bạn và chỉ có bạn mới biết được chính xác mình cần làm gì mà thôi.