Tiếp nối bài viết Giới trẻ thường nghĩ gì về nhau trong tình yêu, và cũng một phần bởi trend đánh ghen đang hot gần đây, với cách thu thập và sử dụng dữ liệu tương tự, hôm nay mình xin viết về chủ đề vợ chồng trong hôn nhân, để tìm hiểu xem ở một mức độ chín chắn, trưởng thành hơn so với giới trẻ, và với tính chất ràng buộc của gia đình, thì người ta sẽ thường nghĩ gì về nhau. Liệu rằng tình cảm vợ chồng có thực sự "màu hồng" như người ta vẫn thường khoe trên các mạng xã hội như Facebook hay không?
Nguồn: Pete Velasquez 

Hôn nhân trên Facebook khác gì Google?

Nếu vừa mới tốt nghiệp đại học tầm 1-2 năm, nhiều khi bạn sẽ cảm giác chạnh lòng, cô đơn khi trên Facebook tràn ngập ảnh cưới của bạn bè đầy hạnh phúc hoặc những status khen chồng tình cảm của các bạn nữ mới bước vào cuộc sống hôn nhân. Thế nhưng, theo tác giả Seth Stephens - Davidowitz của cuốn sách "Mọi người đều nói dối", cách mà những người vợ miêu tả chồng của họ trên mạng xã hội (xử lí dữ liệu từ Twitter) và trên Google (thông qua tìm kiếm Google Search ở Mỹ) hoàn toàn khác hẳn nhau.
Nguồn: Seth Stephens - Davidowitz
Như chúng ta có thể thấy, Facebook đích thị là nơi để khoe và chứng tỏ với cả thế giới là mình đang hạnh phúc, nhất là trong hôn nhân. Còn Google mới là nơi tâm sự nỗi lòng. Bởi không nhận thức được điều đấy nên rất nhiều bạn trẻ bây giờ thường so sánh "Tìm kiếm Google" của bản thân với "Bài đăng Facebook" của người khác, dẫn đến cái nhìn tiêu cực về chính bản thân, cuộc đời mình. 
Chúng ta hãy cùng đào sâu vào dữ liệu Google Search ở Việt Nam, bằng phương pháp mà mình đã đưa ra ở bài viết trước.

Đọc thêm:

Những thắc mắc hàng đầu

Phần này mình sẽ sử dụng cấu trúc dạng "Tại sao/Vì sao chồng/ vợ...". Cột bên trái thể hiện phàn nàn của chồng, cột bên phải của vợ.
Top phàn nàn
Như chúng ta có thể thấy, những người vợ dường như phàn nàn về chồng nhiều hơn (thực ra điều này là đúng, xác nhận bằng Google Trend thì vợ search về những lo lắng trong hôn nhân nhiều hơn chồng khoảng gấp rưỡi) và đa dạng về lí do hơn.
Trong tình yêu ở bài viết trước thì mối lo lắng chủ yếu của các cặp đôi đang yêu là "người yêu không muốn quan hệ" hoặc "có nên cho bạn trai sờ hay không", còn khi đã lập gia đình và sờ mó chán chê rồi thì nỗi niềm chính lại là người kia "không muốn gần gũi", "không muốn quan hệ" "chán mình". Điều này có thể dấy lên một vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện đại mà đã được xác nhận ở các quốc gia phát triển khác như là Nhật Bản, Hàn Quốc đó là "sexless marriage" - mối quan hệ vợ chồng ít hoặc thậm chí không có sex.
Phàn nàn về cách giao tiếp của nhau thì người vợ thường buồn chán khi chồng "không muốn nói chuyện", "hay chửi" hoặc "cáu gắt", còn người chồng thì hay ca thán khi vợ "cằn nhằn". Những bạn nào đã lập gia đình mà hay giao tiếp với nửa kia của mình thế này thì hãy sửa đi nhé :))  

Đọc thêm:

Và sự khác nhau về phàn nàn của hai phái, đầu tiên là ngoại tình, thì người chồng thường "ngoại tình khi vợ mang bầu" còn người vợ thì chỉ "ngoại tình" một cách chung chung. Khác biệt thứ 2 là "hay ghen", một điều rất thú vị là khi mình sử dụng AutoComplete của Google Search và thử các cấu trúc hỏi phổ biến thì xuất hiện rất ít phàn nàn "hay ghen" về người vợ, trong top 10 ở trên cũng chỉ có phàn nàn chồng "hay ghen", điều này chứng tỏ các ông chồng có xu hướng "hay ghen" hơn vợ, hoặc là do phụ nữ thường lo lắng và thích "tâm sự" với Google hơn là cánh đàn ông. Khác biệt cuối cùng là phàn nàn chồng "thích ngủ riêng", điều này có thể bình thường với các ông chồng nhưng lại gây tổn thương ghê gớm cho người vợ của mình.

Chuyên gia tư vấn "Google"

Mình sẽ sử dụng dạng câu hỏi "Làm gì khi chồng/ vợ ..." thuộc loại phổ biến với topic gia đình và chúng ta thường sử dụng nó để hỏi ý kiến hoặc xin tư vấn từ người khác khi đang lo lắng hay thắc mắc về một vấn đề gì đó.
Làm gì khi ...?
Qua bức ảnh trên, chúng ta càng dần thấy được những mặt tối của hôn nhân gia đình, khi mà những thói hư tật xấu của nhiều ông chồng được liệt kê đầy đủ ở cột bên phải như là "ghen tuông mù quáng", "suốt ngày ôm điện thoại", "đi nhậu về khuya", "thường xuyên nói dối", "không tin tưởng vợ". Và phàn nàn phổ biến nhất trong tình cảm yêu đương hay hôn nhân vợ chồng luôn là người kia "giận" hoặc "im lặng", 2 điều này như thứ thuốc độc có thể hủy hoại bất kì mối quan hệ nào.
Những thắc mắc còn lại thì khá phổ biến và quen thuộc như là "lãnh cảm" (vợ không muốn sex), "ngoại tình" (cái này thì quá phổ biến rồi không muốn bàn thêm) "nhắn tin với người yêu cũ". Điều thú vị ở đây là sự phổ biến của thắc mắc "vợ có con với người khác", những chuyện tưởng chừng chỉ có trên báo hóa ra lại là một thắc mắc phổ biến, hoặc có thể là do các ông chồng thấy mặt của con không giống mình nên hay nghi ngờ sự chung thủy của vợ :)).
Nguồn: Lân Jee

Đọc thêm:

Giải mã giấc mơ

Ở phần này của bài viết, mình muốn phân tích thêm một chút về tâm lý của hai giới thông qua giấc mơ. Bởi vì theo Sigmund Freud - cha đẻ của ngành Phân tâm học, thì giấc mơ là một cửa sổ nhìn vào tiềm thức của con người, nơi thể hiện ham muốn vô thức và suy nghĩ. Nói cách khác, giấc mơ là một cách để mọi người thỏa mãn những thôi thúc và ham muốn không thể chấp nhận được trong xã hội. Vậy thì chỉ việc nhìn vào vợ chồng thường mơ gì về nhau, chúng ta có thể đào sâu thêm về suy nghĩ ở level tiềm thức ở cả hai phái.
Top giấc mơ phổ biến nhất của vợ về chồng và ngược lại
Như chúng ta có thể thấy, điểm chung của giấc mơ ở vợ và chồng là "mơ người kia chết". Điều này thể hiện khi đã sống cuộc sống hôn nhân gia đình, chúng ta thường rất sợ đánh mất người mình thương yêu. Thêm nữa là các giấc mơ về "cặp bồ", "ngoại tình" "lấy vợ hai", nó cho thấy rằng cả vợ lẫn chồng đều rất sợ việc bị người kia phản bội, không chung thủy với mình.
Khác biệt đối với cánh đàn ông nằm ở những giấc mơ về việc sinh đẻ của vợ, trong quá trình research cho bài viết này, mình thấy cực kì nhiều những tìm kiếm của các ông chồng về việc phải làm thế nào khi vợ có thai và sinh con, điều này thể hiện sự biến động cảm xúc lớn, vui sướng xen lẫn lo lắng, hoảng sợ của các đấng mày râu khi sắp được làm cha. Hoặc cũng có thể là do khao khát có con đến tột cùng của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ngoài ra thì nhiều ông chồng còn mơ về việc vợ sinh con trai, chứng tỏ mong muốn có con trai để nối dõi tông đường vẫn rất phổ biến trong xã hội Việt Nam.
Đối với phụ nữ thì họ còn mơ về "bị chồng đánh" - thể hiện vấn đề bạo lực gia đình vẫn còn phức tạp trong xã hội, "chồng bị rắn cắn" hay "chồng bị công an bắt" cùng với top 1 giấc mơ là "chồng bị chết" cho thấy nỗi sợ mất chồng khá là phổ biến, điều này cũng dễ hiểu bởi vì người đàn ông thường là người gánh vác trách nhiệm tài chính trong một gia đình, lỡ may họ có mệnh hệ gì thì sẽ rất khó khăn cho người phụ nữ để có thể chăm sóc cho chính mình và những đứa con. Mơ được chồng "cho tiền" cho thấy người vợ trong xã hội nói chung vẫn đang còn phải phụ thuộc nhiều vào chồng về mặt tài chính.

Kết bài

Trên đây là những phân tích của mình về những mặt tối và mong ước thầm kín phổ biến nhất của cả vợ và chồng trong cuộc sống hôn nhân gia đình. Đối với những bạn nào đang buồn chán vì chưa lập được gia đình thì cũng cứ lạc quan tích cực lên bởi vì cuộc sống hôn nhân nó rõ ràng là không vui như Facebook mô tả :)). Còn đối với những bạn nào đã lập gia đình thì có thể sử dụng những insight ở trên để có thể trở thành người vợ/ người chồng tốt hơn. Đối với mình thì mình vẫn ủng hộ việc lập gia đình, sinh con cái, bởi vì nhu cầu kết nối và bản năng duy trì nòi giống luôn tồn tại trong ADN của mỗi chúng ta. Mặc dù cuộc sống hôn nhân cực kì khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực, chung thủy, sẻ chia cảm thông từ hai phía, nhưng thành quả nhận được về dài hạn sẽ là cực kì xứng đáng.

Tái bút

Phần này không liên quan đến bài viết, chỉ là mình có quá nhiều bạn bè stress và than phiền về việc rụng tóc trong thời gian gần đây. Điều này xảy ra do thời điểm hiện tại là mùa rụng tóc nhưng không nhiều người nhận thức được việc này, và mình cũng chỉ nhận ra được nó nhờ Google Trend - một công cụ phân tích dữ liệu rất mạnh mà lại miễn phí có thể sử dụng cho nhiều mục đích.
Xu hướng rụng tóc ở Việt Nam trong 5 năm gần nhất
Như chúng ta có thể thấy, đồ thị về xu hướng rụng tóc có tính chu kì, cụ thể là đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 9 - chính là thời điểm hiện tại, đây là một hiện tượng tự nhiên chứ không liên quan đến sức khỏe, mà chỉ được thể hiện một cách rõ ràng từ khi có công cụ Google Trend. Qua đây chúng ta có thể thấy sức mạnh của Big Data, trong việc tiết lộ nhiều hiện tượng tự nhiên xã hội thông qua toán học.
Phần tái bút này nhằm để những bạn gặp tình trạng rụng tóc thời gian gần đây cảm thấy yên tâm hơn về sức khỏe, tránh tình trạng stress và lo nghĩ lung tung - điều này mới thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Bài viết cùng tác giả:

Contact:

Sắp tới mình sẽ viết thêm nhiều bài viết về khoa học dữ liệu, phân tích insight từ các bộ dữ liệu hay, và cả những chủ đề thú vị khác nữa. Nếu không muốn bỏ lỡ thì hãy follow mình nhé :))