Có một hội chứng, người ta gọi là hội chứng sợ bóng tối (Nyctophobia). Đây là một hội chứng gây ra nỗi sợ hãi khi không ở bên ngoài ánh sáng. Sợ bóng tối thường không phải nỗi sợ hãi do bóng tối, mà do trí tưởng tượng của người mắc phải. Hội chứng này tạo ra các triệu chứng khác với bản năng bình thường, chẳng hạn như khó thở, toát mồ hôi, buồn nôn, khô miệng, cảm thấy mệt mỏi, run rẩy, tim đập nhanh, không nói được hoặc không suy nghĩ rõ ràng hoặc cảm giác tách rời khỏi thực tế và cái chết.

Nhưng có những chứng bệnh, cũng bị bóng đen nuốt chửng và bao phủ, nhưng hoàn toàn không có quá nhiều biểu hiện bên ngoài, không ai hiểu họ, không ai xem họ bị bệnh. Họ càng cô đơn và lạc long trong thế giới của riêng mình. Trầm cảm.

Trong “All the Bright Places” của Jennifer Niven có viết: “Thực sự là tôi đã bị ốm, nhưng không phải theo kiểu cảm cúm dễ giải thích. Kinh nghiệm cho thấy mọi người thường dễ cảm thông hơn nhiều nếu họ có thể nhìn thấy ta đau..”. Nhân vật trong cuốn sách - Theodore Finch đã từng ước rằng mình bị sởi hoặc đậu mùa, hay một căn bệnh nào đó dễ thấy để họ có thể hiểu cho cậu thực sự bị ốm, họ cũng đau ở thể xác, chứ không phải bệnh trầm cảm. Vì nỗi đau của họ chẳng thể biểu hiện ra bên ngoài cơ thể, nên nhiều người không hiểu rằng thực ra họ cũng đang đau đớn. Xã hội này vốn coi trọng những thứ hữu hình, tiền bạc, danh vọng, họ chăm bẵm cho những điều đó nhiều hơn là sức khỏe tinh thần. Và rồi chẳng ai biết rằng, có những vết thương không thể điều trị bằng thuốc, mà nó cứ ở mãi trong lòng, âm ỉ, và đến một ngày ta mới thấu được đến hậu quả. 




Hồi còn học cấp hai, tôi từng thấy những vết rạch trên tay bạn mình. Lần đó, bạn bảo với tôi rằng, có rất nhiều lần, bạn muốn lao thẳng vào chiếc xe tải ở ngoài đường, bạn nung nấu nó, bạn âm ỉ với cái mong muốn dần hiện rõ đó. Bạn thậm chí còn dạy tôi cách làm đau mình khi buồn. Tôi hoảng hốt và hoài nghi về một lý do tại sao. Nghĩ về cái chết là một điều quá đau đớn, nhưng bạn lại coi nó như sự giải thoát khỏi trần tục đến vậy. Bóng đen của trầm cảm bao trùm lấy bạn.

Tôi có một người cậu, tuy là cậu nhưng thực ra bằng tuổi tôi. Một ngày cậu gọi điện cho tôi và bảo cậu không thể học đại học được nữa, cậu mất ngủ và không thể tập trung được vào việc gì. Cậu cáu bẳn với mọi thứ, và đời vẫn chẳng đáng sống nữa. Cậu âm thầm lên kế hoạch cho sự đào tẩu khỏi cuộc đời. Tại sao đang ở trong độ tuổi trẻ đến vậy, khi lòng còn nhiệt huyết và tâm hồn còn tươi xanh như chiếc lá mơn mởn, mà cậu của tôi lại âu sầu đến mức muốn kết liễu cái xanh tươi ấy? Tôi chẳng có câu trả lời. Cuộc đời chỉ đơn thuần là không còn đáng sống nữa mà thôi. Bóng đen đã bao trùm rồi.

Căn bệnh rối loạn cảm xúc này không để lại vết thương trên da thịt để người khác có thể dễ dàng nhìn thấy, nó gây cho ta cảm giác buồn và mất hứng kéo dài, ảnh hưởng đến cách ta cảm nhận và suy nghĩ. Có người mỏi mệt, kiệt sức thường xuyên, mất ngủ. Có người dễ tức giận và khó có thể kết nối với mọi thứ xung quanh. Nhưng điểm chung là họ đều phải vật lộn với nó trong một thời gian kéo dài mà khó có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trở lại. Họ nỗ lực để tìm ra cách sống sót, nhưng vì bị bệnh, họ tự làm đau mình và làm đau cả những người mà họ yêu thương. Tệ hơn nữa, họ sẽ chấm dứt mạng sống của mình, để giải thoát bản thân khỏi cái cảm giác tồi tệ kia.

Trầm cảm có thể xảy ra với bất cứ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào. Nó không phải cảm giác tiêu cực hay stress thông thường mà mỗi chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Nó kèo dài, cô độc, và thấy cuộc sống của mình chẳng còn gì ý nghĩa. Có nhiều hơn một lần tôi đã mất đi sự kết nối với cuộc sống. Hàng ngày mở mắt dậy, tôi đều không tìm thấy động lực để mình đứng dậy và làm việc gì. Tôi luôn cáo lui ở nhà, cả ngày, không làm gì cả. Tôi cũng không muốn ra ngoài để giao tiếp với ai. Nhưng rồi sự hiện diện của những cảm xúc tiêu cực đó không ở lại quá lâu. Tôi không trầm cảm mà chỉ đang lạc lõng một chút mà thôi. Vì dù buồn bã, nhưng ngay sau đó, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi một người mình thương đến ôm mình, tôi vẫn vui vẻ hát một điệu nhạc vui nhộn nào đó. Tôi vẫn bật cười khi xem video những chú mèo trong bài nhạc Mr.Sandman. Tôi vẫn mơ đến những chuyến đi và khám phá hết thế giới này.

Có người bảo vì cuộc sống ngày càng hiện đại nên con người càng dễ mắc bệnh tâm lý. Thực ra là sai. Con người bị cái bóng của trầm cảm bao phủ đã từ rất lâu. Trong sách “Trầm cảm – Sát thủ thầm lặng”, tác giả đã chỉ ra rằng, từ thời cổ đại, con người đã gọi nó là chứng u sầu. Người mắc bệnh này bị kết tội là có một cuộc sống đầy tội lỗi và phải ăn năn. Song cho đến thời Phục Hưng, trạng thái này lại chính là chất xúc tác và nguồn cảm hứng cho những tác phẩm vị đại, trở thành một thời đại của văn hóa nghệ thuật. Cho đến năm 1985, nhà tâm thần người Đức Emil Kraepelin là người đầu tiên phân biệt chứng hưng-trầm cảm với chứng tâm thần phân liệt. Kể từ đây, “trầm cảm” là cụm từ phổ biến để chỉ căn bệnh này ở thời hiện đại. Tuy vậy, tần suất được nhắc đến và thái độ của mọi người đối với căn bệnh này trong thế kỷ 21 chứng tỏ một điều con người đang dần quan tâm hơn đến những chứng bệnh tâm lý. Cũng không phủ nhận khi cuộc sống càng phát triển, khi của cải dần trở nên dư thừa và con người sung túc đủ đầy, thì họ càng ngộp thở trong những tiêu chuẩn và mải miết chạy theo những cung đường hiện đại, con người ít hạnh phúc hơn, Và người ta rơi vào trạng thái trầm cảm.

Một người bạn đại học của tôi từng đăng một status như thế này, đại loại là bạn đã bao giờ trong đời, cảm thấy mất hết ý nghĩa của cuộc sống, và muốn buông xuôi chưa. Tôi chợt nhận ra là có rất nhiều comment về một quãng thời gian tồi tệ nào đó của họ, và tôi cũng bâng khuâng khi nhận ra đó là đều là những người ở cạnh bên mình. Người trẻ, dù cho họ được sống trong một xã hội đầy đủ vật chất hơn hẳn, nhưng ai cũng có những góc khuất ở bên mình, những bóng đen đến đáng sợ. Trên thế giới hiện tại có khoảng 350 triệu người đang sống chung với bệnh trầm cảm. Và chẳng nói đâu xa, ước tính ngay trong Việt Nam có 3 triệu thanh, thiếu niên có vấn đề về sức, thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Họ đang âm thầm chống chọi với bệnh tật mà ngay cả chính bản thân và gia đình không có những kiến thức cần thiết về căn bệnh mình đang gặp phải, rồi đến khi sự việc đau lòng xảy ra, ai cùng bàng hoàng dò tìm lý do tại sao.

Cậu của tôi, người mà tôi kể trước đó. Sau khi bảo lưu việc học đại học, cậu sống một năm ở nhà. Gia đình chỉ manh nha hiểu cậu bị trầm cảm mà không sao hiểu được lý do và cách chữa trị. Khi tôi về nhà gặp họ hàng, ông bà tôi bảo nó ngơ ngơ như người mất hồn, chắc bị bệnh thần kinh. Rồi chiều quá sinh hư, sống sướng thế rồi còn bày đặt đau khổ về mặt tâm lý. Đa phần những người khác biệt thế hệ thường không có cái nhìn cởi mở về căn bệnh này, họ không biết thực sự đó là bệnh hoặc quy chụp thành bệnh thần kinh. Sự thiếu hụt, sai lệch về tram cảm, sự xa lánh và định kiến của những người xung quanh càng đẩy người bị bệnh lùi sâu vào cái bóng đen mà họ đã chập chờn ở ngưỡng cửa.




Nhưng chỉ có một điểm sáng trong tất cả các câu chuyện tôi đã kể, rằng những người bạn đại học của tôi, bạn cấp ba của tôi hay cả người cậu của tôi, đều đã vượt qua được căn bệnh trầm cảm và đã tìm thấy những niềm vui mới trong cuộc đời. Bằng cách này hay cách khác, uống thuốc, trị liệu tâm lý, hay từ sự giúp đỡ của người xung quanh, họ đã vượt qua hoàn toàn. Cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực bủa vây, và trước mắt chúng ta là biết bao những chông gai ở đời. Khả năng chịu đựng và giải tỏa áp lực là một kỹ năng cần có để nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe tâm thần của bản thân. Và chúng ta, thay vì hỏi những câu hỏi “Tại sao” , thì hãy kéo lấy bóng đen ra khỏi cơ thể họ, bằng sự im lặng và nhẫn nại tuyệt đối. Đôi khi đó chính là tia sáng hy vọng, xua đuổi bóng đen dần tan.




Người trầm cảm giống như một cỗ máy, người thì vận hành trơn tru, người thì trì trệ hỏng hóc, người thì không biết hỏng ở đâu mà sửa, người thì chẳng biết sửa ở đây nếu như bị hỏng. Nhưng chỉ cần ta tìm đúng cách, chúng ta đều có thể chiến thắng một cuộc thi tưởng chừng như không cân sức, chẳng phải nhà vật lý học Stephen Hawking đã từng nói đấy sao “Còn sống là còn hy vọng”