Bóc phốt Ubisoft- máy vắt sữa hiện đại
“Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng Ubisoft Ubisoft là đây Gió mãi mơn man trên môi hồng Ngồi ngay ngắn đập đầu xuống chờ chém ...
“Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàngUbisoft Ubisoft là đâyGió mãi mơn man trên môi hồngNgồi ngay ngắn đập đầu xuống chờ chémBướm bay tung tăng quên về nhàNgẩng mặt xuống nhìn Ubi thiết tha.”
Chắc hẳn việc người đọc khi click vào cái bài này thì cũng không cần phải giải thích với mấy ông liệu hôm nay ai sẽ được vinh quang lôi lên bàn mổ. Thôi thì không dài dòng nữa, rót miếng bánh múc miếng nước bỏ vào miệng rồi cùng tôi mở sòng á lộn mở ra những góc khuất của Ubisoft- Máy vắt sữa nhé.
Ubisoft- Em là ai
Bạn có biết rằng, một trong những thảm họa hạt nhân lớn nhất trái đất, vụ nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl khiến cả thế giới kinh hãi xảy ra vào năm 1986 không? 1986 cũng là năm mà quả bom Ubisoft ra đời bởi năm người nhà Guillemot với CEO hiện tại chính là Yves Guillemot. Ubisoft với sự dẫn dắt của năm anh em siêu nhân đã đạt được vô số những thành công và đưa cái tên Ubi thành một trong những công ty phát hành game nổi tiếng, với số lượng studio lên đến 26 trải dài khắp 18 đất nước, gần 14 nghìn nhân viên và thậm chí có cả studio của Ubisoft mới mở tại Đà Nẵng lấy tên Ubisoft Vietnam hứa hẹn sẽ mở ra một thị trường mới trong làng game Việt, qua đó cũng chứng minh được độ lớn mạnh của công ty này như thế nào.
Sự thành công của Ubi
Bạn biết, tôi biết, tất cả chúng ta đều biết, nhắc tới Ubisoft thì không thể không kể đến dòng game giả lập sát thủ chất như nước cất nơi bạn được hòa mình vào một thế giới với vô vàn những màn rượt đuổi, những pha parkour đi vào lòng người, đó chính là A...A...Prince of Persia. À hừm nghiêm túc này, đó là Assassin’s Creed.Ubisoft đã tạo ra cái tên đã và đang định hình cái tên của hãng khi mà cứ mỗi một phiên bản mới phát hành, người ta vẫn chửi nhưng vẫn chơi, doanh thu của AC vẫn tăng đều đều như giá của card đồ họa thời buổi sốt bitcoin vậy. Bước chân vào thế giới mở rộng lớn, người chơi bị choáng ngợp bởi một nền đồ họa sống động, một bản đồ trải dài với những kiến trúc độc đáo như thể được trải nghiệm một chuyến tham quan ngược dòng lịch sử trở về thời hy lạp cổ đại, đi qua cuộc cách mạng Pháp năm 1789 hay sự khắc nghiệt của các binh lính Sparta sẵn sàng chiếm lấy cảm tình của bất kì game thủ nào. Cơ chế gameplay của 3 phiên bản reboot rất đa dạng, người chơi không còn phải khúm núm buộc bản thân phải đi theo lối stealth mà có thể mở rộng ra với hệ thống combat được đầu tư kĩ lưỡng và phù hợp với bất kì người chơi hệ máu chiến nào.
Và chúng ta không thể không nói đến pha hồi sinh kịp thời của Rainbow Six Siege. Một tựa game tưởng chừng như bom xịt nhưng được Ubisoft mua cho cái giáp thiên thần nên đã dần trở thành một cái nền cho môn thể thao esport toàn thế giới. Với những chiến thuật đầy tinh vi cùng những pha đọ súng đến nghẹt thở, Rainbow Six dần dần được cộng đồng game thủ đón nhận như một tựa game bắn súng nhiều người chơi. Có thể nói, Ubisoft chính là một trong những người tham gia sớm nhất, và sử dụng thành công nhất công thức game thế giới mở rộng lớn + gameplay đã tay => Game bom tấn, tuy nhiên thì “gậy ông đập lưng ông”, cũng chính vì công thức này mà đã tạo ra nguyên cái bài bóc phốt hôm nay, còn phốt gì thì mấy ông tập trung nghe tôi kể đây này.
Ông tổ ngành vắt sữa
Vùng an toàn của Ubi
“Nhìn tây nhìn đông nhìn đường điĐố ai vắt sữa lại Ubi”
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, các dòng game của Ubisoft đều được hãng vắt đến triệt để, chúng ta hãy nhìn vào 5 bản game Far Cry, 12 bản game chính và 17 bản spin off của Assassin’s Creed, 12 bản game Just Dance, 15 bản Tom Clancy's Ghost Recon, 14 bản Rainbow six, 45 bản game Rayman trên nhiều nền tảng khác nhau và tương lai con số của các series này sẽ tiếp tục tăng. Bạn muốn biết lí do tại sao Ubisoft lại thích bào mòn những series đã có sẵn không? Đơn giản bởi vì những tựa game này đã có danh tiếng nhất định, ngoài ra công ty lại chỉ cần chỉnh sửa cải tiến những phần game trước một chút là có thể cho ra lò những sản phẩm mới đều đặn định kỳ hàng năm. Do phong cách làm game công nghiệp như vậy, game của Ubisoft thường sẽ có doanh thu rất ổn định do chiều được lòng các fan nhưng đó lại là một dạng toxic trong nền công nghiệp game khi mà các tựa game sẽ na ná nhau, không có bản sắc riêng và tất nhiên điều gì đến cũng sẽ đến, các phần hậu bản cứ mất dần sức hút, nó không làm bạn phải há hốc mồm như lần đầu trèo lên đỉnh tháp rồi thực hiện cú leap of faith nữa. Các bạn thử nhìn xem, các game sắp phát hành của Ubisoft là gì? Hoàng tử Ba tư phiên bản làm lại này, rồi Far Cry phiên bản thứ 6 nè, Assassin’s Creed VR này, vân vân và mây mây. Có thể thấy, Ubi vẫn sẽ không ra khỏi vùng an toàn của mình trong tương lai gần.
Bản tính lười nhác
Nhân vật Sam Fisher trong dòng game splinter cell, nay phải đội mồ tỉnh dậy làm việc không công cho Ubi trong tựa game Rainbow Six Siege đồng thời cũng là một ví dụ cho việc Ubisoft hiện sở hữu rất nhiều cái tên nổi tiếng nhưng lười nhác không phát hành phiên bản mới mà thay vào đó là trộn lẫn các tựa game lại với nhau nhằm tạo ra một cái máy in tiền cho hãng, à hừm nghe nó giông giống với Tom Clancy Elite Sờ Quát thế nhở. Ubisoft sau khi học lỏm Tam đại thần phốt, ngoài việc tạo ra hàng chục cái DLC với cái giá từ vài chục đến vài trăm nghìn thì Ubi còn hút máu người chơi một cách nghệ thuật hơn nhiều, đó chính là trận địa edition. Ngẫm nghĩ lại thì Ubisoft có quen thân gì với anh Apple không nhỉ mà mỗi khi một tựa game mới được phát hành lại có hàng chục những phiên bản khác nhau với những cái tên trời ơi đất hỡi như Starter Edition, Elite Edition, Ultimate Edition, Thomas Edition.
Game as service
Cũng giống như tam đại thần phốt, Ubisoft không dễ dàng bỏ qua việc hút máu game thủ. Không những hút máu bằng việc ra game đều như vắt chanh, Ubi còn là một trong những nhà phát hành đi đầu trong trào lưu “game as service”. Game as service là gì? Nôm na là một game sẽ được cung cấp giống như một dịch vụ, ngoài khoản phí lúc đầu để mua game, thì người chơi sẽ tiếp tục phải nạp tiền để mua các bản cập nhật như season pass hay các bản mở rộng mới. Những sản phẩm của Ubisoft bắt đầu có thêm các thành phần multiplayer thêm vào ngoài những phần chơi đơn, đơn cử như Watchdogs hoặc nhiều season pass như R6S. Hậu quả của việc này ? Những tựa game có doanh số cao như R6S thì được Ubi chăm chút còn những tựa game đem lại doanh thu “dưới mức kỳ vọng” thì nhanh chóng bị Ubisoft vứt bỏ vào góc, thay vì sửa chữa hay hoàn thiện chúng. Để đảm bảo doanh thu “hút máu” của mình, Ubisoft thậm chí ban những người chơi sử dụng mẹo để tăng điểm kinh nghiệm của mình trong tựa game Assassin’s Creed Odyssey, một tựa game HOÀN TOÀN OFFLINE, dù việc làm này không hề ảnh hưởng đến các người chơi khác, ngoài cái túi tiền của Ubi.
Khinh miệt PC
Đến mức phải dùng từ khinh miệt thì các bạn phải hiểu rằng công ty đã có những phát ngôn tự hủy đến mức độ nào. Các phiên bản port lên hệ máy pc của Ubisoft đều cẩu thả, hời hợt nếu không muốn nói là quá vô trách nhiệm, ngay cả ở thời điểm hiện tại ba bản AC mới đây đều yêu cầu cấu hình vượt qua mức mà chúng có thể đáp ứng được. Hóa ra, lí do đằng sau việc các phiên bản port khó ở chính là do Ubisoft đã cài phần mềm chống crack DRM vào, theo một cracker có tên Voski, game của Ubisoft không những chỉ sử dụng một mà đến hai phần mềm chống crack, game sẽ ngốn phần cứng hơn đến 30-40% khiến cho các máy phải hoạt động hết công suất dẫn đến tình trạng nóng máy đến phỏng tay. Để không phải nhận phần lỗi về phía mình, vào năm 2012 CEO của Ubisoft đổ thừa việc các bản port có chất lượng tệ hại là do 93%-95% lượng người chơi trên PC đều là crack? Nhận định trên không những qui chụp cả một nền công nghiệp game PC mà còn thể hiện tính lười nhác và trốn tránh trách nhiệm. Ở thời điểm hiện tại, lượng doanh thu của PC trong Ubisoft từ năm 2012 đến 2020 đã tăng từ 9% đến 26% chứng minh được rằng PC đang trở thành xu thế mới trong làng game hiện tại và đồng thời cũng cho thấy sự thiếu tầm nhìn của cả một hệ thống công ty.
Thiếu sự đầu tư cho server
Nếu là một game thủ thường xuyên chơi những tựa game online của Ubi, chắc hẳn bạn đã phải từng phải bước qua xác của cái sever tệ hại với tình trạng disconnect như cơm bữa, giật lag bay nóc nhà cùng với hàng tá những bug vô hình chung đã làm giảm đáng kể trải nghiệm của game thủ với những đứa con rơi của hãng... Oh boy, Uplay chính là một cái DRM trá hình. Vào những năm 2000, Ubisoft đã áp dụng những luật DRM hà khắc nhất có thể, trong đó có việc bắt buộc người chơi phải kết nối trực tuyến 24/24, hãy lưu ý rằng mốc thời gian lúc này chỉ mới là bước tiến đầu của Internet vì thế không phải ai cũng là đại gia trung hoa mà có mạng kết nối liên tục được, điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần em cá mập ngứa răng thôi thì peek cà boo bạn đã được được ngồi nhìn đống game AAA mà chẳng thể động tay vào. Tệ hơn nữa, những tựa game của hãng thậm chí còn bị crack ngay ngày đầu tiên phát hành, giờ thì bạn trả lời tôi xem, giữa việc chơi game free, không cần kết nối mạng vẫn chơi được và đỡ phải cài DRM làm tốn tài nguyên máy với việc là phải bỏ tiền mua game mà vẫn phải trải qua những thứ hằm bà lằng do ubi tạo ra thì game thủ thông minh người ta sẽ chọn bên nào? Tôi không cổ xúy cho game lậu, nhưng hành động học lỏm đàn anh EA rồi bắt ép người chơi như thế thì dừa lắm Ubi ạ.
Ubi xịt
Các bạn hỏi tại sao lại có cái tên này á? Tại vì game nào của hãng mà marketing dữ dội thì đều thành bom xịt chứ sao, xịt đến tắt ngòi, xịt đến mịt mù đường đi, xịt đến tứ chi phát triển. Mặc dù tựa game nào của công ty cũng bị nerf đồ họa thậm chí còn nerf luôn cả lượng content nhưng nổi tiếng nhất trong số đó phải gọi ngay Watchdog và AC unity, hai tựa game đã ôm Ubisoft nhảy xuống hố phốt không lối thoát mà đến tận 200 năm sau người ta vẫn còn nhắc đến như hai màn marketing tự hủy cực mạnh.
Watchdog
Đầu tiên phải bóc cái Watchdog trước, dưới màn trình diễn không hề giả trân tại E3 năm 2012, Ubisoft đã tạo cho người chơi niềm hi vọng mãnh liệt đến mức nhiều người yêu chết mê chết mệt tựa game này chỉ sau cái demo ấy, kết quả thì thế nào. Vào tháng 5 năm 2014, người hâm mộ được một phen ngớ người ra khi mà chất lượng và nền đồ họa của Watchdog hoàn toàn khác xa với những gì mà đoạn demo đã thể hiện, từ hiệu ứng sương mù giăng lối, hiệu ứng đổ bóng đến cả cách mà nhân vật di chuyển đều rất thô cứng và gượng gạo. Bỏ qua sự lừa đảo về marketing, Watchdog lại đập đầu vào cốt truyện nhạt nhòa mà không có một chút sự phát triển về nhân vật, lại càng không thấy một tí gì về sự đầu tư cho gameplay và cả cơ chế lái xe củ chuối. Nói tóm lại, đời không như mơ, Watchdog hiện lên trên nền quảng cáo tuyệt đẹp như tô mì tôm chua cay tại việt nam nhưng quên gắn mác “sản phẩm chỉ mang tính chất minh họa” khiến cho sau này mỗi khi người ta chi tiền cho bất cứ sản phẩm nào của hãng cũng phải đắn đo liệu những lời hứa năm ấy Ubi có thực hiện được?
Assassin’s Creed Unity
Khá hên cho AC Unity là tựa game này không bị downgrade kinh hoàng như Watchdog nhưng đời đâu ai biết được chữ ngờ, ngày ra mắt Unity với bàn dân thiên hạ là ngày mà cộng đồng game thủ phải tự hỏi bản thân rằng liệu Ubisoft đi làm game hay làm bug ấy nhỉ? Ôi giàng ơi bug glitch giật lag muôn nơi nhiều đến mức biến tựa game này hoàn toàn không thể chơi được, từ đông đến tây, từ Việt Nam đến Mỹ, game thủ đều gặp những tình trạng dở khóc dở cười như đi xuyên tường, bắt cua trên không trung, tường đẻ ra người, và làm sao có thể quên bug kinh điển này chứ:
Ubisoft nhận ra lỗi lầm của họ ngay lập tức và liên tục tung ra những bản cập nhật nặng từ vài trăm mb đến mấy gb, tuy nhiên trớ trêu thay thì vừa cập nhật xong lỗi này thì lỗi khác lại hiện lên khiến cho việc sửa chữa của Ubi như một bộ phim tom and jerry khi mà vòng lặp lỗi - vá lỗi - lỗi mới cứ liên tục liên tục, độ gần một năm rưỡi sau thì đa số các lỗi chí mạng trong game đã được Ubisoft sửa lại nhưng danh tiếng của tựa game này và độ uy tín của Ubi cũng đã đi về quê ăn tết. Với sự thảm họa vào cái ngày mà tựa game này phát hành thì tai tiếng đã gắn liền với cái tên Assassin's Creed Unity mà mỗi khi ai nhắc về nó, người ta lại buồn thầm cho một tựa game hay phải chết yểu dưới sự quản lí yếu kém của Ubisoft.
Bonus cho các bạn thêm việc treo đầu dê bán thịt chó của Ubisoft bằng video so sánh tựa game Rainbow Six Siege tại E3 và bản real này nhé: https://youtu.be/eatDyi1c-5Q
Số lượng đè chết chất lượng
Người ta thường nói đùa với nhau rằng, chỉ cần bạn chơi một game của Ubi thôi thì coi như bạn đã chơi hết tất cả những tựa game khác của hãng. Điều này không cần google cũng đúng, nếu bạn là một fan ruột của Ubi, bạn sẽ không thể phủ nhận rằng hãng đang quá lạm dụng yếu tố đã giúp công ty thành công, đó là “Thế giới mở và gameplay đã tay” mà quên mất đi rằng bên cạnh đó còn những yếu tố khác như cốt truyện, cách truyền tải nội dung, nội tâm nhân vật,... Thậm chí người chơi còn phát hiện ra, bản đồ của tựa game Far Cry Primal ….chính là bản đồ của Far Cry 4 được Ubi xào xáo lại để kịp ra mắt theo đúng tiến độ. Ubisoft đóng hòm ý tưởng của họ, gói gọn trong những thứ đã cũ nát, điển hình nhất chính là tựa game Skull & Bones của hãng sắp được ra mắt trong năm nay chắc chắn không phải dựa vào sự thành công của Assassin’s Creed 4 ngày xưa đâu nhỉ?
Đống nhiệm vụ nhạt nhẽo
Ngoài công thức làm game sữa bột ra, Ubisoft còn có công thức làm nhiệm vụ điển hình nhất mà bạn thường được thấy: tới chỗ A lấy nhiệm vụ, đâm mướn chém thuê, tới chỗ B ngồi xem cutscene rồi lại đâm thuê chém mướn, một vòng lặp vô tận những nhiệm vụ lặp đi lặp lại cho đến khi kết thúc, chính vì sự nhàm chán này đã khiến cho các yếu tố khác đều bị lu mờ đi. Số lượng nhiệm vụ nhiều là thế, nhưng để kiếm được nhiệm vụ nào chất lượng thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói về số lượng thì nổi trội là những nhiệm vụ chém giết, người chơi không được cung cấp đủ thông tin về kẻ mà họ phải giết qua đó không tạo được sự đồng cảm với nhân vật, cũng chả hiểu kẻ đó có xứng đáng bị giết hay không. Xây một cái map rộng lớn to đùng làm gì khi mà không có cái hồn nào bên trong nó?
Nhiều, nhiều NPC hơn nữa
Sự thiếu chiều sâu của nhiệm vụ sẽ tạo ra thứ gì, đó chính là lượng npc thừa thãi chứ còn gì nữa, chơi game của Ubisoft mà nhớ được tên nhân vật chính là hay lắm rồi đấy. Theo tờ báo gv 247, trong một phân cảnh của Assassin’s Creed Unity có thể chứa đến hơn 10 nghìn NPC AI và số lượng này sẽ tiếp tục gia tăng qua các phiên bản kế tiếp. Bí kíp võ công của hãng là cứ đổ vào càng nhiều AI thì game sẽ chân thật hơn và bánh cuốn hơn, lối phát triển này không những kéo chất lượng của game xuống mà còn vô tình khiến game thủ không còn hào hứng trước câu chuyện mà Ubisoft cài cắm vào. Bên cạnh đó phải kể đến việc cái cách biểu lộ cảm xúc của các AI chán cực kì, mặt thì vô hồn, cử động miệng thì thô ráp, nó tạo cho tôi cảm giác đang tiếp xúc với một con robot hơn là với một con người bằng xương bằng thịt, cũng chính vì cái thói số lượng nhiều hơn chất lượng đó đã tạo nên cảm giác lờn khi mà các nhân vật phụ cứ na ná na ná nhau, không để lại nhiều ấn tượng khiến cho một thế giới đã nhàm chán nay còn nhàm chán hơn.
Một môi trường làm việc độc hại
Khi mà một công ty mở ra mà những nhân viên cấp cao và những người đồng sáng lập ra công ty đều là bạn bè hay con ông cháu cha của CEO thì điều này đặt ra rất nhiều nghi vấn, từ việc cách đối đãi với nhân viên có hợp tình hợp lí chưa đến cách mà cấp trên hành xử và chúng ta đã có câu trả lời. Vào tháng 6 năm 2020, có rất nhiều các cáo buộc về tình trạng tấn công tình dục nơi công sở ngay tại công ty của Ubisoft và sự việc này không chỉ dừng lại ở những nhân viên cấp dưới. Serge Hascoet- giám đốc sáng tạo tại Ubisoft, đã có đến 3 người phụ nữ được cảnh báo về việc không nên đi vào các buổi tiệc của Serge khi mà các buổi tiệc của gã thường được tổ chức ở những câu lạc bộ thoát y và một nhân viên giấu tên đã trả lời rằng nếu các nữ nhân viên mà từ chối lời mời đấy thì sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Nhưng Serge chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, Maxime Beland- một trong những người đồng sáng lập ra công ty còn bóp cổ một nữ nhân viên trong lúc hắn ta say xỉn, Tommy Francos đã có nhiêu lần ép buộc nhân viên nữ phải quan hệ tình dục với hắn ta đồng thời cũng nhiều lần đe dọa sẽ bỏ thuốc vào đồ uống của họ. Vậy thì tại sao Serge Hascoet cùng đồng bọn có thể thoát khỏi những cáo buộc ấy? hóa ra là do Serge không chỉ giữ một chức lớn trong công ty mà còn có mối quan hệ bạn bè thân thiết với CEO, ngoài ra thì những người trên đều nắm giữ những chức vụ to lớn trong công ty mà một cựu nhân viên gọi họ là “Quả trứng vàng”, không thể tố cáo với cấp trên, lựa chọn của các nhân viên nữ ở đây hoặc là chấp nhận chịu đựng việc bị quấy rối, hoặc là cuốn gói tìm công ty khác để làm việc. Chính vì điều này đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng game khi mà cách đối xử của Ubisoft với nhân viên của họ quá tệ bạc, rồi điều gì đến cũng phải đến, những người có dính líu đến vụ bê bối này đều bị sa thải trong đó có Serge cùng đồng bọn của gã ta. CEO phải bước ra chính thức xin lỗi nạn nhân và truyền thông vì tính lỏng lẻo ngay chính công ty của mình, đồng thời cũng hứa sẽ cải cách lại công ty nhằm tạo ra một môi trường làm việc thân thiện hơn cho các nhân viên. Tuy nhiên, kì thị giới tính hóa ra không chỉ hiện hữu ngoài đời thật mà chính các nhân vật trong game cũng bị phân biệt. Tựa game AC Odyssey hóa ra đã từng lấy Kassandra làm nhân vật duy nhất nhưng Ubisoft đã không tin tưởng vào một game lấy nhân vật chính là nữ thì có thể thành công được, qua đó phải thêm Alexios đồng thời phải chia nhân viên làm bên Alexios và chỉnh lại cốt truyện, woa hóa ra một trong những lí do khiến Odyssey dở tệ là đây đấy ư. Với sự thành công của những tựa game như Tomb Raider, Horizon, Bayonetta mà Ubisoft vẫn giữ suy nghĩ rằng game phải có nhân vật nam chính thì quả thật là một lỗ hổng lớn trong công ty.
Nếu bạn hỏi tôi về một trong những pha tự vả hay nhất làng game, tôi xin trả lời luôn là vào ngày 2 tháng 6, Ubisoft đã tweet dòng trạng thái tỏ vẻ tiếc thương trước sự ra đi của George Flord và quyên góp 100k biden cho phong trào Black Lives Matter thì 2 tháng sau Ubi sử dụng biểu tượng không lẫn vào đâu được của Black Lives Matter- một cánh tay màu đen đang vươn lên để gán cho một nhóm khủng bố. Tới lúc này thì fan cũng chỉ biết tự thắc mắc bản thân rằng liệu Ubisoft có mắc bệnh đa nhân cách hay không mà lại có bước đi chấm hỏi ba chấm như vậy. Và tất nhiên dưới cơn mưa bom bão đạn của dư luận, Ubisoft lập tức gỡ bỏ hình ảnh đầy tranh cãi và “Ubi xin lỗi, được chưa?”. Thiệt là khổ quá đi mà.
Đôi lời dòng cuối
Trình độ vắt sữa thượng thừa, làm game rập khuôn, đi theo những gì đã có sẵn và thiếu đầu tư về chất lượng đã tạo cho người hâm mộ một mối lo cho các tựa game sắp tới của hãng. Và đó cũng là những thông tin và màn bóc phốt thánh vắt sữa Ubisoft từ Tien Lee, nếu thấy hay ngại ngần gì mà không để lại một like đón chờ trong tương lai mình ăn tươi nuốt sống hãng game không biết đếm đến số 3 nhé.
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất