[BoB] Lược sử triết học (Nigel Warburton) - Chương 3: Chúng ta chẳng biết gì cả | Pyrrho
Chẳng ai biết bất kể điều gì - ngay cả mệnh đề này cũng không chắc đúng. Bạn chẳng nên tin chắc vào những điều bạn tưởng là đúng. Rất...
Chẳng ai biết bất kể điều gì - ngay cả mệnh đề này cũng không chắc đúng. Bạn chẳng nên tin chắc vào những điều bạn tưởng là đúng. Rất có thể bạn đang lầm tưởng. Ta có thể nghi ngờ tất cả và tất cả đều đáng nghi. Chi bằng tốt nhất ta hãy luôn cởi mở. Đừng bảo thủ, nếu không bạn sẽ phải thất vọng. Đấy chính là lời giảng cơ bản của phái Hoài nghi luận (Scepticism), học thuyết từng phổ biến trong hàng trăm năm từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến thời La Mã cổ đại về sau. Không giống với Plato và Aristotle, các nhà triết học hoài nghi cực đoan nhất luôn né tránh khẳng định bất kể luận điểm nào về bất kể chủ đề gì. Nhắc đến họ, có lẽ không ai nổi tiếng và cực đoan hơn triết gia Hy Lạp cổ đại Pyrrho (khoảng 365 - khoảng 270 TCN). Ông đã sống một cuộc đời không giống với bất kỳ ai. Bạn có thể tưởng rằng bạn biết tất cả mọi thứ. Ví như bạn biết rằng bạn đang đọc những dòng này. Nhưng những nhà triết học hoài nghi chắc sẽ không đồng tình với điều đó. Thử nghĩ xem tại sao bạn có thể tin rằng bạn đang thực sự đọc những dòng này chứ không chỉ đang tưởng tượng là mình đọc. Liệu bạn có chắc là mình đúng hay không? Bạn có vẻ là đang đọc - có lẽ ta nên nói vậy. Tuy nhiên cũng có thể đây là chỉ là ảo giác hay giấc mơ của bạn mà thôi. Socrates từng khẳng định rằng điều duy nhất ông biết là ông chẳng biết gì cả. Đó cũng chính là tâm thế hoài nghi. Ấy vậy mà Pyrrho còn đi xa hơn thế rất nhiều. Và có lẽ rằng, ông đã đi hơi quá xa.
Sau đây là cách ông tiếp cận cuộc đời mình. Ta không thể hoàn toàn tin tưởng các giác quan. Đôi khi chúng khiến ta mất phương hướng. Ví dụ như rất khó để trả lời chính xác ta nhìn thấy cái gì trong bóng tối. Nhìn tưởng là con cáo, hoá ra có thể chỉ là con mèo. Hoặc giả bạn tưởng lầm ai đó đang gọi tên bạn nhưng hoá ra đấy chỉ là tiếng gió lay cây mà thôi. Chính vì các giác quan vẫn thường đánh lừa con người, Pyrrho quyết định không bao giờ tin vào chúng. Tất nhiên, không phải ông quyết loại bỏ hoàn toàn khả năng các giác quan có thể đêm lại cho mình những thông tin chính xác, mà điểm cốt lõi ở đây là ông muốn giữ cho mình một thái độ cởi mở trước mọi vấn đề.
Pyrrho tóm gọn triết lý của mình trong ba câu hỏi mà bất kỳ ai đang đi tìm hạnh phúc nên đặt ra: Mọi việc thực ra là gì? Chúng ta nên có thái độ ra sao với chúng? Điều gì sẽ xảy ra khi ai đó có thái độ nào với chúng ta?
---
Bài viết nằm trong chuyên mục tóm lược sách (BoB), những trích đoạn mà mình thấy hay, ý nghĩa và quan trọng. Nội dung được nhặt từ tác phẩm chính, không phải toàn bộ nội dung sách. Bạn đọc vui lòng tìm đọc để có thể hiểu được toàn bộ ngữ cảnh của các phân đoạn được trích dẫn, cũng như ủng hộ tác giả viết/dịch sách và nhà xuất bản. Cảm ơn nhé!
Tên sách: Lược sử Triết học - Cao Việt dịch (A little history of philosophy - Nigel Warburton) | Nhã Nam - Nhà xuất bản Thế Giới
Chương trước:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất