Bố mẹ và con cái: những khoảng cách không thể lấp đầy
Những câu chuyện không mới cũng không cũ về khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái
Cách đây ít lâu, có một câu chuyện dở khóc dở cười liên quan tới Bi Béo, con trai nghệ sĩ Xuân Bắc. Mẹ của cậu phát hiện ra con mình tham gia mấy nhóm trò chuyện trên mạng xã hội có chia sẻ một số ảnh 16+. Bà mẹ đập điện thoại của cậu rồi đăng ảnh chụp tin nhắn trong nhóm trò chuyện đó lên Facebook cá nhân, với giọng điệu ngỡ ngàng cứ như cậu con trai vừa phạm tội gì đó nghiêm trọng lắm.
Sự việc nhận được phản ứng khá mạnh từ cộng đồng, với hầu hết ý kiến đều nghiêng về phía bảo vệ Bi Béo. Điều này cũng khá là dễ hiểu, bởi trước hết cậu bé còn là trẻ con, cậu bé không vi phạm gì cả (ngay cả khi xét theo khía cạnh đạo đức thì cũng rất khó nói) và nếu như mẹ của cậu có không hài lòng gì thì hoàn toàn có thể nói chuyện riêng với cậu và gia đình, chứ không phải là bêu rếu con mình trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Thay vì nhận ra cái sai và tự kiểm điểm bản thân, bà mẹ lại đăng một cái clip khác cho thấy Bi Béo vừa khóc vừa xin lỗi mẹ. Thêm vào đó là một số hình ảnh khác của cậu kèm với lời bình rằng Bi Béo vẫn tỏ ra rất hạnh phúc (theo lời của bà mẹ). Sự “chữa cháy” của bà mẹ đã đạt ngưỡng lố bịch đến mức tôi không nghĩ rằng bất kì ai có đầu óc bình thường sẽ coi những lời đó của bà mẹ là sự thật.
Một sự việc hài hước, nhưng đáng buồn thay là những sự việc kiểu này khá điển hình ở Việt Nam nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung. Các bậc phụ huynh luôn cố gắng kiểm soát con cái của họ hết mức có thể, từ bữa ăn giấc ngủ cho đến bạn bè hay sở thích. Không những vậy, họ còn tự vẽ luôn con đường tới tương lai của con cái và đặt lên vai bọn trẻ biết bao kì vọng. Và nếu như bọn trẻ có làm trái ý họ thì họ sẽ coi bọn trẻ là “đồ bất hiếu”, là “không yêu thương bố mẹ”.
Cái kiểu “yêu thương con trẻ” cực đoan này là tàn dư từ thời phong kiến. Những tưởng sự lạc hậu, cổ hủ sẽ biến mất cùng với sự phát triển của xã hội và sự du nhập của những giá trị văn minh – nhưng không, nhiều thứ vẫn tồn tại và được khoác lên mình những vỏ bọc mới nếu cần. Ví dụ, nếu như trước kia bố mẹ mong đợi con cái đỗ đạc thành những ông nghè, thì nay bố mẹ mong đợi con cái trở thành bác sĩ, kĩ sư; khi con cái có người yêu thì lại đi xem tuổi tác, nhỡ tuổi tác kị nhau thì ra sức ngăn cấm, v.v… Tôi thấy rằng, đối với phụ huynh thì có vẻ như con cái là tài sản của họ, là một phần căn tính của họ, vậy nên họ mới ra sức nhào nặn con cái để hợp ý họ như vậy. Họ không coi con cái họ là một cá thể hoàn chỉnh, độc lập trong xã hội; họ xem con cái của họ mãi mãi là những đứa trẻ cần sự bao bọc, chăm sóc – ngay cả khi sự bao bọc, chăm sóc đó phản tác dụng.
Trong câu chuyện của Bi Béo còn một khía cạnh khác, đó là “quyền riêng tư”. Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, thế nhưng khái niệm này có vẻ xa lạ với xã hội người Việt, thậm chí không hề được coi trọng. Ví dụ, tôi quan sát được có nhiều cặp đôi khi yêu nhau thì bắt người kia phải chia sẻ thông tin tài khoản Facebook/email hay mật khẩu điện thoại. Đó là một sự xâm phạm quyền riêng tư nghiêm trọng. Nhưng đối với họ, có lẽ họ coi rằng đó là biểu hiện của sự “quan tâm” và “yêu thương”, và cũng như thể hiện “tính sở hữu” của họ đối với người còn lại. Điều tương tự cũng xảy ra trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, khi mà dường như bố mẹ có “tính sở hữu” đối với con cái, và họ coi chuyện xâm phạm quyền riêng tư là một việc hiển nhiên để “bảo vệ” đứa trẻ khỏi những mối nguy hiểm ngoài kia. Một kiểu tư duy “kết quả bào chữa cho cách thức” (the end justifies the means) khá nguy hiểm.
Trong lịch sử, có một mối quan hệ giữa người với người khác cũng tồn tại “tính sở hữu”, đó là chế độ chiếm hữu nô lệ. Những chủ nô coi nô lệ như tài sản của họ, vậy nên họ coi việc sở hữu và sử dụng sức lao động của nô lệ là việc hiển nhiên. Họ tước đi quyền tự chủ và cuộc sống của nô lệ. Việc sở hữu nô lệ phản ánh một phần địa vị xã hội của họ lúc bấy giờ. Và con người đã phải mất tới 200 năm để xóa bỏ chế độ này.
Tại Việt Nam, nơi mà chế độ chiếm hữu nô lệ dường như không để lại dấu ấn gì trong dòng lịch sử, chúng ta không chịu nhiều ảnh hưởng từ nó, nhưng cũng đồng thời chúng ta cũng khó thẩm thấu được những bài học quý báu về những quyền cơ bản của con người. Tại Việt Nam, nhiều người tự cho bản thân “sự sở hữu” đối với những thứ chẳng hề thuộc về họ, ví dụ như con cái của họ, bạn đời của họ, hay thậm chí là thành tích của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Sự sở hữu ở đây không phản ánh mối quan hệ sở hữu trực tiếp, nhưng đối tượng bị sở hữu trở thành một phần căn tính của họ. Đó là lý do vì sao họ tự hào khi người yêu của họ xinh đẹp, họ tự hào khi con cái của họ đạt điểm 9 điểm 10, họ tự hào khi đội tuyển Việt Nam thắng trận – những thứ mà dường như họ chẳng có mấy đóng góp vào. Tôi chẳng có vấn đề gì nếu như nhiều người thấy vui vì những thứ như thế, nhưng việc đặt kì vọng của bản thân vào những thứ không thuộc về mình là một điều ngớ ngẩn.
Ngày 1/4, một cậu học sinh đã tự tử ngay trước mặt bố mẹ cậu. Trước khi tự tử, cậu có để lại bức thư tuyệt mệnh để cho người bố đọc được. Đáng tiếc là người bố đã không thể ngăn cản được chuyện đó xảy ra.
Tôi bắt gặp được một đoạn video quay lại chuyện đó trên Facebook. Và tôi đã không cầm được nước mắt. Cái chết của cậu vẫn ám ảnh tôi cho tới thời điểm tôi viết những dòng chữ này.
Thật khó để có thể biết đủ nhiều và hiểu được lý do đằng sau, song có thể nói rằng bố mẹ và cậu học sinh đã có những khoảng cách không thể lấp đầy – những mâu thuẫn và sự thiếu thấu hiểu từ cả hai phía. Tất cả những điều đó có lẽ đã khiến cậu học sinh tự kết thúc cuộc đời của mình.
Và mặc dù chúng ta không thể biết rõ ngọn ngành, song tôi không thấy có bất kì lý do chính đáng nào mà một cậu học sinh cấp 3 phải thức đến 3h sáng để học bài trong sự hiện diện của phụ huynh. Ở thời điểm đó, đáng lẽ ra cậu học sinh đã đi ngủ được một lúc rồi, và nếu như bố mẹ quan tâm tới con cái đúng cách thì họ phải hiểu được giấc ngủ đúng giờ quan trọng với sức khỏe tới nhường nào.
Tôi hiểu rằng chuyện này không hề nằm trong ý muốn của bất kì ai, song chúng ta cũng cần hiểu rằng phụ huynh luôn là người chịu trách nhiệm trước tiên. Đối với đa số chúng ta, thật khó để có thể tưởng tượng được mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái phải tệ đến mức nào để có thể đẩy cậu bé đi tới quyết định đó. Khi những người thân yêu nhất không còn là điểm dựa tinh thần cho những đứa trẻ thì còn ai có thể đây? Kết cục này là bằng chứng cay đắng nhất cho sự thất bại của phụ huynh trong việc nuôi dưỡng con cái.
Bản thân tôi thấy đồng cảm với cậu bé đó vì tôi cũng chịu nhiều áp lực từ phụ huynh. Nhưng tôi đã may mắn hơn vì có lẽ bố mẹ tôi không hà khắc đến thế, có lẽ tôi có những người bạn tốt là chỗ dựa, có lẽ tôi đủ mạnh mẽ để nổi loạn và trở nên độc lập hơn từ khi còn trẻ. Dù vậy, tôi hiểu nhiều người không được may mắn như thế, và những người như cậu học sinh này là một trong số đó. Đó thật sự là một điều bất hạnh lớn của xã hội.
Điều đáng sợ hơn là có những người từng là con cái chịu ảnh hưởng của mối quan hệ độc hại này nhưng không nhận ra điều đó, trái lại họ còn cảm thấy biết ơn và lặp lại những điều này đối với con cái của chính họ. Không khó để bắt gặp những bình luận thể hiện sự coi thường đối với cái chết của cậu học sinh, rằng cậu ta quá yếu đuối, rằng bố mẹ muốn tốt nên mới thế, rằng cậu ta bất hiếu v.v... đủ các loại ngụy biện để bao che cho một kết cục không thể tồi tệ hơn. Đáng sợ hơn nữa là có những người ở vị trí “trồng người” – những giáo viên – cũng đưa ra quan điểm tương tự và nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ những “người lớn” khác. Thật là một thảm họa cho những mầm non tương lai của Việt Nam. Bao nhiêu đứa trẻ nữa phải chết thì mới khiến họ nghĩ khác đi?
Đáng lẽ ra câu chuyện của Bi Béo ở trên phải là hồi chuông cảnh tỉnh cho những gì đang diễn ra với mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, nhưng có vẻ như không mấy ai thực sự quan tâm. Và chừng nào bố mẹ vẫn còn coi con cái là một phần tài sản của họ, căn tính của họ thì chừng ấy những bi kịch này sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.
Để trẻ em chịu hậu quả cho sai lầm của người lớn là một tội ác không thể tha thứ.
Vài ngày trước, bố mẹ tôi có ra chơi với tôi. Như đã nhắc đến ở trên, mối quan hệ giữa tôi và bố mẹ không thuận buồm xuôi gió cho lắm nên thường xảy ra mâu thuẫn. Lần này, tôi đã bật một video của Hội đồng cừu nói về thượng đẳng thế hệ để cho bố mẹ xem. Video chạy được 5 phút thì bố mẹ tôi chêm tầm 10 câu bình luận không hề liên quan tới chủ đề được nói tới, kiểu như “sao thằng này trẻ thế”, “sao thằng này mặt non thế”, “sao nó lại vừa lái xe vừa nói”, v.v...
Sau khi xem xong video, bố tôi không có phản ứng gì, còn mẹ tôi thì tỏ ra là đã hiểu hết mọi thứ trong video đó rồi (nhưng tôi không tin). Video kết thúc, tôi nhân tiện đá sang việc bố mẹ tôi suốt ngày so sánh tôi với “con nhà người ta” nào đó (chắc chỉ tồn tại trong truyền thuyết). Việc so sánh này đã kéo dài chắc là từ lúc tôi đi học cho tới thời điểm hiện tại – nghĩa là đâu đó tầm 25 năm rồi. Và bố mẹ tôi phản hồi (đại loại) như sau:
Bố: “bố mẹ nói thế để kích con phấn đấu hơn”
Mẹ: “không, mẹ có so sánh con với người khác đâu”
Còn lý do cho việc tôi bật video của Hội đồng cừu cho bố mẹ xem là vì trước đó tôi phàn nàn rằng bố tôi suốt ngày xem mấy cái vô bổ trên VTV và nên xem mấy thứ khác bổ ích hơn. Mẹ tôi vặn lại rằng nó vô bổ chỗ nào thì tôi dễ dàng liệt kê ra một đống thứ VTV đưa tin sai lệch. Các bạn nghĩ rằng rồi bố mẹ tôi sẽ bị thuyết phục bằng những chứng cứ chắc chắn và sẽ khuyến khích tôi tiếp tục phát huy ư? Không – ngược lại, bố mẹ tôi không những không công nhận những điều đó mà ngay lập tức nói rằng tôi nên tập trung cho bản thân (bằng việc kiếm thật nhiều tiền và cưới vợ) và bỏ qua những thứ đó (vì bố mẹ tôi cho rằng nó không quan trọng).
Và đó là những gì càng khiến tôi nghĩ rằng chia sẻ với bố mẹ là một điều vô nghĩa hết sức.
Tôi không trách việc họ không có mối quan tâm giống như tôi. Tôi không trách việc họ coi những gì họ làm được đã là tốt nhất. Nhưng cũng giống như tôi không có quyền chọn bố mẹ cho mình, tôi khá bực khi họ nghĩ rằng họ có quyền chọn con cái. Tại sao họ không bao giờ nghĩ rằng nếu tôi không được như “con nhà người ta” thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính họ nhỉ?
Tôi thậm chí còn chẳng mong đợi rằng họ phải hiểu tôi hay phải trở thành hình mẫu phụ huynh hoàn hảo trong mắt tôi. Tôi chỉ cần họ sống đúng như những gì họ dạy tôi, nhưng e là đến việc này cũng quá khó. Đơn thuần như câu chuyện bên trên kia, bố tôi thì có tư duy “kết quả bào chữa cho cách thức” một cách mù quáng, còn mẹ tôi thì chối thẳng luôn. Tôi không biết phải đối thoại với bố mẹ kiểu gì khi logic là thứ không tồn tại trong từ điển của họ?
Đương nhiên là tôi biết ơn bố mẹ tôi. Đương nhiên là tôi biết tôi đang phàn nàn về họ. Nhưng tôi có được “quyền” phàn nàn không? Chắc chắn là có. Và nếu như có ai đó bảo tôi là “bất hiếu” này nọ lọ chai thì tôi cũng kệ, bởi vì ít ra tôi vẫn còn sống và ở đây, và tôi trân trọng điều đó – cùng với những người đã luôn là điểm tựa cho tôi trong cuộc sống này.
Và nếu có bạn nào muốn tìm tôi để chia sẻ thì bạn có thể tìm thấy tôi ở đây, tôi sẽ lắng nghe chia sẻ của bạn. Có thể chúng ta sẽ không thay đổi được bố mẹ, có thể chúng ta sẽ không sửa chữa được quá khứ, nhưng ít nhất chúng ta có thể thay đổi bản thân và thay đổi tương lai.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất