Hương vị là thứ gì đó đôi lúc độc tài hơn cả những tay độc tài nhất. Nó lẩn khuất trong ký ức và thỉnh thoảng xuất hiện lôi xềnh xệch ta về vùng không gian cũ, giam cầm ta ở đó trong niềm hân hoan khó có bút mực nào tả nổi. Cũng khó mà trách được, não chúng ta vì mục đích sinh tồn tối thượng nên luôn ưu tiên ghi nhớ mùi vị và màu sắc sau đó mới tới hình dạng rồi cuối cùng mới là nội dung. Đến khi có nhu cầu truy vấn sự kiện, não gọi ra mùi vị gợi nhớ không lẫn vào đâu được. Như có lần đang mua cà phê sinh viên ở 7/11 bỗng nhiên ngửi thấy mùi dầu gội sunsilk thoang thoảng, mình sững người nhớ nhỏ bạn cấp 3 ngồi trước mình trong lớp. Cái con bé ấy nó hay nhằm những ngày nắng tháng 8 tháng 9 xõa mái tóc vừa gội đẫm sunsilk ra, thỉnh thoảng vẫy vẫy vuốt vuốt mấy cái, vẫy thế nào giờ nó thu luôn ví mình, giỏi phết. Đối với đồ ăn còn khủng khiếp hơn, mùi vị của ẩm thực nó cài thẳng vào đầu những ý niệm, mà con người là giống loài mà có thể sẵn sàng chiến tranh chỉ vì một ý niệm. Hãy mở thử một diễn đàn ẩm thực nào đó mà xem, đến giờ người ta vẫn chia phe cãi nhau món Phở thế nào mới là chuẩn, bắc hay nam ? Người ta thật ra không cãi nhau vì Phở, họ cãi nhau vì những giá trị mà món Phở gợi ra cho họ, họ yêu thích và bảo vệ tới cùng những giá trị đó, nó là tình yêu nhỏ không thể thiếu trong một tình yêu lớn hơn của họ, dù họ có nhận ra hay không.
Trưa nay nằm nhìn bóng nắng dưới tán cây sưa vàng, não cũng gọi ra cho mình một mùi vị dễ chịu. Mùi dìu dịu bùi bùi của quả bồ quân chín tím, vị ngọt nhưng chát rít kẽ răng khó mà quên được. Nhà cũ của mình có căn phòng nhỏ trổ cửa sổ nhìn ra con hẻm đi vào nhà. Bên kia hàng xóm đối diện trồng một cây bồ quân to, bóng nó phủ mát con hẻm và tràn qua che mát cả phòng mình. Cây bồ quân lá nhỏ hơn lá cây sưa vàng, dưới cơn gió lùa mùa hè nó vần vũ tích cực thổi gió mát vào phòng. Nắng chiếu xuyên qua cây in bóng lên sân nhà như một miếng da báo lật qua lật lại rất vui mắt. Nhà hàng xóm đó là một gia đình vui vẻ, khá là thương mình, ông chủ có một đầu băng cối Akai oách xà lách chuyên trị bolero, cứ 4 5 giờ chiều là "anh rót cho khéo nhé chớ nhầm vào nhà tôi...". Anh con trai nhà này cũng hiền lành vui tính, xóm có quanh quẩn mấy đứa chơi với nhau nên cũng đoàn kết. Anh hay rủ mấy đứa trong xóm đi đá banh, tắm biển, hái quả trứng cá trồng trong nhà anh cho mình ăn. Bẵng đi một thời gian thì mình thấy anh hay ở bên kia nhà mở karaoke hát "trái tim bên lề", thời đó thì karaoke midi thôi chứ làm gì có youtube như bây giờ, mà giọng anh đi thang máy cũng không leo cao được như Bằng Kiều nên nghe khá là tra tấn. Mình ban đầu chả hiểu vì sao anh đổi tông nhanh vậy vì trước đấy anh toàn hát "tình đơn phương", hát đến "tình đơn phương 4" là hết, quay xe làm fan Bằng Kiều. Bí ẩn này mãi sau này khi nhặt được tờ giấy anh cài trước cổng nhà mình thì mới được giải đáp, cũng thương rau đắng mọc sau hè lắm.
Những lúc đầu mùa khi bồ quân ra trái xanh, nó ra nhiều thành từng chùm như quả sung, vị chát và mủ nhiều hơn cả dái mít. Mình chẳng thể nào ăn được bồ quân xanh nhưng trên cây thì luôn túc trực một cặp sóc nhai quả rau ráu, chúng vừa ăn vừa nhả bã như trêu ngươi thằng nhóc bị nhốt trong nhà. Lúc đó ba mẹ là công chức đi làm cả ngày, hè của thằng nhóc như mình là khóa cửa ở nhà. Lịch làm việc khá đơn giản, dậy sớm đi biển với ba, ăn sáng, viết bài, ăn bợp tai, ăn trưa, ngủ, đọc sách, chờ mẹ đi làm về méc lại chuyện bị ăn bợp tai. Ngoài những việc trên ra thì cũng tương đối rảnh rang, những lúc như vậy thằng nhóc chỉ biết mỗi việc vùi đầu vào đống sách ở nhà. Nhiều lúc ngồi nhà thèm chạy đi chơi quá mà cứ nhìn thấy bọn sóc đáng ghét là như có một sự thôi thúc lớn trong lòng, hay là trèo rào ra đi chơi với bọn trong xóm một chút thôi, hay là cứ chạy đi chơi xa đi, biết đâu có cái rạp xiếc rong nào đó đang chờ mình phiêu lưu mạo hiểm như trong cuốn "không gia đình". Suy nghĩ mãi, riết rồi đến một ngày dưới sự giúp đỡ của chị gái, mình gói cái khăn tắm với bộ đồ bỏ nhà đi phiêu lưu mạo hiểm thật. Thằng bé quyết tâm đi cho bõ ghét, đi tới đầu hẻm sực nhớ trưa nay ăn trứng chiên thế là quay đầu. Chắc phải gần chục lần khát khao phiêu lưu của một nhà khoa học mạo hiểm bị một (hay một vài) con gà ngăn cản, nghe mà bi hùng quá.
Quả bồ quân rồi đến lúc cũng chín, nó căng da tròn to như quả cà phê màu tím rịm. Hái bồ quân rồi muốn ăn phải xoa bóp như ăn vú sữa, bên trong ruột hạt sắp xếp giống như quả sơ ri, và đặc biệt hạt nó vàng ươm. Xoa nhẹ trái cho đến khi mềm rồi bóp cho ruột trào ra, thuở chưa có đồ ngọt nhiều chỉ bấy nhiêu ruột đó thôi đã đem lại cả bầu trời niềm vui cho bọn con nít xóm. Chúng nó tụ tập lại, rình nhau hái trộm, mà toàn phải nhằm vào buổi trưa người lớn đi cả. Không phải ông chủ khó khăn gì chuyện hái quả, mà là cái thói đi ăn trộm vặt lúc nào cũng vui hơn. Thời đó niềm vui trẻ con nó cũng đơn giản, cả xóm vui chơi gì cũng trong con hẻm trước mặt nhà mình, dưới tán bồ quân. Tán hình, đá banh nỉ, đào hang dế, trốn tìm, chơi chán cứ hái bồ quân chín cành mà ăn, ăn xong đứa nào đứa nấy rít kẻ răng tím rịm. Một thằng trong hội bắt được con kỳ nhông lưng đỏ, một thằng kiếm đâu điếu thuốc cháy dở, cả bọn nhét vào miệng con vật khốn khổ rồi châm lửa. Anh kỳ nhông hút thuốc say đỏ cả người chạy lảo đảo như thằng nát rượu, cả bọn phá lên cười như điên.
Rồi cứ thế lớn lên, đứa đi học xa, đứa vào Sài Gòn, đứa lấy chồng sớm, đứa thành công an, đứa vào tù. Đất cát nóng lên, người ta chẻ vườn phân lô lời quá, không thấy băng cối Akai mở bài chuyện giàn thiên lý nữa. Cây bồ quân cũng bị đốn hạ, con hẻm nhỏ bê tông hóa xa lạ, không còn ụ đất mà bọn dế than ủn lên khi đào hang, tiếng dế gáy ve kêu biến đâu mất, cặp sóc ăn quả xanh ngày nào không còn tìm đâu cho ra. Người cũ giờ quen ngồi cà phê tay bấm điện thoại, tay chỉ miếng đất này tiền tỷ, miếng đất kia "em để chị giá nghĩa tình". Ai còn nhớ bóng cây bồ quân mát rượi, ai còn muốn ăn trái bồ quân quê mùa ngọt bùi chát kẽ răng. Hôm rồi gặp lại người bạn cách nửa vòng trái đất lâu thật là lâu mới về thăm, ríu ra ríu rít đủ thứ chuyện trên đời. Riết rồi tới chuyện ăn, nó kể 3 ngày nay nó trốn cơm nhà ra ăn bún mắm, ăn liên tục, ăn không thấy chán. "Ăn cái chỗ Trần Kế Xương đó mày nhớ không ? Xong ghé về chỗ xx đó ăn xoa xoa hạt lựu, ê tao ghé Phan Thanh nữa nhưng cái tiệm đó đóng cửa đi Mỹ rồi. Mà sao ăn bún mắm nêm ở Mỹ không bao giờ tao thấy ngon bằng ở đây ? Đồ ăn mình ngon quá"..... "Đồ ở Mỹ không có dở, vấn đề là ở Việt Nam mày ăn bằng cả cái miệng của ký ức". Trả lời bạn xong nghĩ nó còn may mắn chán, người ta vẫn bán bún mắm đều đều cho nó ăn, người Đà Nẵng còn thì món đấy còn. Có điều, chẳng thấy người Đà Nẵng bán trái bồ quân nữa. Người ta có quên nó không nhỉ ?
img_0