Toy Story 4 và câu chuyện của những con người đi lạc (phần 3): Bo Peep, hình tượng người chăn cừu và đi lạc có hướng
Hẳn bạn biết câu chuyện về David và Goliath. Chuyện kể xa xưa trong Kinh Thánh, kể về chàng chăn cừu nhỏ bé đánh bại gã khổng lồ, tên...
Hẳn bạn biết câu chuyện về David và Goliath. Chuyện kể xa xưa trong Kinh Thánh, kể về chàng chăn cừu nhỏ bé đánh bại gã khổng lồ, tên chiến binh mạnh nhất của một đất nước bên địch, chỉ bằng một hòn đá nhắm ngay trúng mắt. David dũng mãnh và quyết đoán giữa vị vua và đội quân đang hoảng loạn của đất nước cậu, sau đó trở thành vua trị vì của đất nước Israel
Đây là câu chuyện mở màn mà tôi đọc trong quyển “David và Goliath” của Malcolm Gladwell, lúc ấy tôi vừa biết tin mình rớt đại học. Quyển sách nói về cách những người vốn tưởng có rất nhiều bất lợi và có thể bị đánh gục bất cứ lúc nào, có thể đánh bại lại những kẻ khổng lồ - những người có thể có nhiều lợi thế. Việc trở thành “underdog” có khi lại là món quà. Tôi luôn coi điều này là kim chỉ nam trong cuộc sống, qua 22 cái nồi bánh chưng kiểu người ta hay nói, thì khi gặp những biến cố, thất bại, cô lập và cảm thấy mình không ra gì, tôi nhủ rằng “Ông Trời đang rải khó khăn để giúp mình tận hưởng hạnh phúc, cố lên”.
Nói thì có vẻ hơi self-help chắc nhiều anh em dội bom, nhưng tôi tin rằng đúng. Vì trong quyển sách đã có phân tích về bất lợi mà nhiều người không hề nghĩ về Goliath: khổng lồ là biểu hiện bất thường của bệnh lý u tuyến yên, và khối u tuyến yên trong Goliath đủ lớn để chèn ép dây thần kinh thị giác khiến hắn nhìn mờ. Nực cười khi đất nước của hắn lại trông cậy vào kẻ mù lòa, cả đội quân hùng mạnh thế mà chỉ nhờ đúng một người. Điều đó chẳng khác nào một quân đội chiến đấu mà không biết đường đi nước bước, hay nói khác hơn, lạc lối. Người chăn cừu ở đây xuất hiện như người dẫn đường, thức tỉnh giữa rừng người đang đi lạc.
Tôi sẽ kể các bạn thêm vài câu chuyện,
Năm lớp 7, tôi được hưởng hai quyển sách cũ của bác tôi - “Hoàng tử bé” (bản dịch của Bùi Giáng) và “Nhà giả kim”(quyển photo, giờ rách cả bìa). Năm ấy đọc quyển đầu tiên hiểu mang máng, nhớ khúc Hoàng tử bé khám phá về từng hành tinh khác nhau, lúc ấy cho rằng mỗi nơi tượng trưng cho kiểu người mà mình gặp trong đời. “Nhà giả kim” thì đọc nửa cuốn rồi nghỉ. Lúc ấy hai quyển này còn chưa nổi đến mức người người mua như hiện nay, đến mức quote nhiều vô kể. Kiểu thông điệp khiến số đông thích trong “Nhà giả kim” là về việc theo đuổi tiếng gọi con tim, với câu khi bạn nỗ lực thì cả vũ trụ sẽ hợp sức hỗ trợ bạn gì gì ấy. “Hoàng tử bé” có những ý nghĩa hay về tình bạn, tình yêu cũng như thế giới trẻ thơ. Tôi sẽ không bàn nhiều về ý tưởng ấy, để bạn đọc thích thì trao đổi hay kiếm bài hay về đọc, còn đây là điểm mà tôi đặt câu hỏi trong đây:
Tại sao họ là những người chăn cừu?
Hãy nhớ, trong “Nhà giả kim”, Santiago là một người chăn cừu. Trong “Hoàng tử bé”, vị hoàng tử từ tinh cầu B612 cũng đề nghị người phi công vẽ cho chú một con cừu.
Chúng ta hay để ý những thứ trên đường đi và chặng kết thúc, mà quên đi cách bắt đầu như thế nào. Santiago ban đầu theo ý định gia đình đi học để trở thành vị linh mục, nhưng việc ở rịt một nơi khiến chàng thấy việc nhìn nhận thế giới xung quanh trở nên vô nghĩa. Chỉ trở thành người chăn cừu mới có thể giúp chàng thỏa ước mơ đi đây đi đó của mình. Santiago nhận thấy việc hiểu ngôn ngữ của loài cừu khiến chàng có cách nhìn khác về cuộc sống của loài vật, và bản thân loài cừu là cách dẫn dắt chàng đến con đường tìm kiếm thứ ngôn ngữ Tâm Linh Vũ Trụ, đến sa mạc- chốn cô đơn nhưng đẹp và có sức mạnh, gặp tình yêu của đời mình - cô gái sa mạc luôn chờ người đàn ông từ sa mạc trở về.
Người phi công đã mải chạy theo những thứ tầm thường của người lớn mà bỏ quên giấc mơ thành họa sĩ của mình. Chàng Hoàng Tử bé con đã yêu cầu người phi công vẽ cho mình một con cừu, và chiếc thùng chứa dư cỏ để con cừu đó ăn. Rồi từ con cừu ấy, cậu cùng người phi công đến những chuyến phiêu lưu để hiểu về những nỗi khổ của người lớn. Những tiểu tinh cầu nơi tượng trưng cho những thói xấu của người lớn: uy quyền, khoe khoang, ăn nhậu, áp phe, người thắp đèn luôn cứng nhắc với cuộc sống của mình, người viết những quyển địa lý dày đặc nhưng chẳng bao giờ thám hiểm. Ngao du trên con cừu của mình, Hoàng Tử Bé nhận ra thế giới của người lớn sao mà kỳ cục thế, khó hiểu thế, để rồi trở về với Trái Đất - tinh cầu thứ bảy, rơi vào sa mạc, không có người. Cậu bắt đầu biết sợ hãi, cậu nhận ra Trái Đất lớn và muôn màu muôn vẻ hội tụ những tinh cầu trước đó lại. Cậu thấy sa mạc không có người, nơi đó thật cô đơn, thiếu sức sống, nhưng giàu vẻ đẹp. Trên chuyến tàu tốc hành, cậu gặp người tuyển khách. Con người chạy bắt chuyến tàu gần như không bao giờ vừa lòng với nơi ở thực tại, trên xe ngủ li bì mặc dòng tàu đi. Cậu nhận ra thật may mắn khi mình là một đứa trẻ, luôn thao thức ngắm nhìn con đường. Đứa trẻ dù nghịch ngợm, cuối cùng chúng vẫn là những kẻ luôn biết hướng đi của mình, mà vẫn không phải mải mê với những con số. Những thứ đẹp nhất lại là những thứ vô hình, đó là sa mạc, vì có thứ chiếu sáng lặng lẽ. Tất cả mọi thứ chỉ là lớp vỏ, còn đẹp nhất lại không nhìn thấy được. Người lớn luôn cố làm để tìm kiếm mọi thứ, nhưng cuối cùng vẫn mất hướng. Có lẽ cậu nhờ người phi công vẽ con cừu để có sự can đảm cho hành trình của mình.
Những câu chuyện ở trên cho thấy: những con người ở trên, họ chọn bản thân đồng hành với những chú cừu vì họ thích đi lạc. Khi quy chuẩn xem rằng ổn định là điều tốt và con người sống không thể thiếu ai và luôn phải hòa nhập mới là lẽ phải, những người chăn cừu chọn sự cô đơn, hiểu thứ ngôn ngữ của loài vật khác mình, dùng cừu để đánh đổi cho những điều lớn lao hơn. Vốn quen với nếp dẫn dắt bầy cừu, họ dần quen với việc lang thang, rồi thành người dẫn đường. Chấp nhận đến những chốn không người như sa mạc và hướng về những vì sao rọi chiếu để thấy được ngôi sao của bản thân. Họ lạc lõng giữa những đám đông, nhưng không lạc lõng với bản thân mình.
Nàng Bo Peep trong Toy Story cũng thế. Nàng nổi bật hơn những người chăn cừu khác, vì nàng là nữ. Và đừng nhìn vẻ bề ngoài của nàng mà nghĩ nàng yếu đuối. Vì chẳng thể nào Bo biến mất trong Toy Story 3 rồi trở lại trong phần 4 một cách huy hoàng đến thế.
“Kids lose their toys everyday.” (Bo Peep)
Trong Toy Story 3, khi Andy bước vào đại học và phải quyết định nên mang món đồ chơi nào vào đại học, nhóm đồ chơi của Woody và Buzz đã hiểu đến thứ gọi là “thời gian có hạn”. Khởi đầu bằng toán lính xanh rời khỏi căn phòng với niềm tự hào rằng mình đã cố gắng hết mình, Woody vẫn trung thành và bám víu với việc rằng Andy sẽ không bỏ mình đi. Trước khi Andy thực sự bỏ nhóm đồ chơi vào bao đen để trên gác, chúng đã có một cuộc trò chuyện tư tưởng với Woody: rằng món đồ chơi nào đến lúc cũng phải ra đi, như chim cánh cụt Wheezy dù lấy lại giọng nói của mình rồi cũng biến mất, và cả Bo Peep. Khi nghe đến điều đó, Woody thoáng buồn.
Phần 1 và 2 thì thấy rõ cách Bo Peep dành tình cảm cho Woody ra sao rồi, nên đến khúc này kiểu nó rất ngượng. Bản chất Woody vốn không bao giờ bỏ rơi bạn bè, luôn tìm cách để đưa họ về những phẩm chất tốt đẹp ban đầu và giúp món đồ chơi có được chốn an toàn với chủ. Cách Wheezy và Bo Peep ra đi khá có vấn đề, tuy nhiên Wheezy ra đi còn có thể chấp nhận đôi chút, nhưng Bo Peep là người yêu của cậu này, đáng lẽ phải đi chung chứ? Trước khi chiếu phim ra lâu, việc Bo Peep trở lại cũng có đồn đoán đây là nhân vật phản diện. Bởi vì không dễ dàng gì cặp đôi này chia tay khi hai người này quá ngọt với nhau. Liệu rằng Woody có phản bội Bo Peep? Hay làm gì đó?
Tạo hình của Bo Peep rất khác lạ. Bạn có thể xem phần 1 và 2 lại. Vì Bo Peep không còn đội chiếc nón bánh bèo nữa, cũng không mặc váy bay bổng nốt. Không còn hường huệ nữa, mà chuyển sang hình tượng phiêu lưu, áo xanh, quần xanh, chiếc nơ hồng lớn và chiếc gậy chăn cừu được làm bật lên. Mắt to hơn, mặt cương nghị trái với hình tượng mắt nhỏ (chắc kiểu to hơn để nhìn thế giới rõ hơn). Giống như phẫu thuật thẩm mỹ hoàn toàn, sai quá sai luôn ấy, thay đổi gì đâu mà nhìn không ra.
Toy Story 4 đã trả lời cho tôi điều ấy. Tôi đã lỡ khúc đầu ở rạp nên mới phải xem lại trên web, khéo không lại đổ lỗi cho Woody vì phũ cho đã xong kiểu tình cũ không rủ cũng đến. Cách đây 7 năm, trong một đêm mưa trút nước, không hiểu vì lý do gì một trong những món đồ chơi của Andy lại rớt khỏi cửa sổ và bị dòng nước cuốn trôi. Nhóm đồ chơi ra sức cứu chiếc xe. Woody vẫn tiếp tục vai trò đầu tàu cả nhóm lao ra cứu, nhưng với sự hỗ trợ đắc lực của Bo Peep. Trong thời gian ấy, mọi người đang trong phòng Molly, em gái Andy. Mẹ hỏi cô bé về việc cho đi những món đồ chơi và cô quyết định cho hết, không cần chúng nữa. Người mẹ vô ý đóng sầm cửa sổ khiến chàng cao bồi bị nhốt bên ngoài. Bo Peep không đành lòng phải ra chiếc xe và người yêu. Tuy nhiên khi cứu được cả hai thì cô quyết định vào hộp quyên góp. Woody dù đã mong Bo Peep không đi vì cậu nghĩ sứ mệnh của món đồ chơi phải luôn bên cạnh người chủ của mình. Nhưng Bo Peep đủ hiểu mình không phải đồ chơi của Andy, không mang lại giá trị tinh thần nhiều như Woody, và thấy nhiều món đồ chơi bị lãng quên lâu dài ở sân vườn hay chiếc hộp, nên cô chấp nhận ra đi.
“It’s time for the next kid. Kids lose their toys every day”.
Dù đến lúc từ biệt, Bo Peep vẫn thể hiện sự chăm sóc với Woody. Khúc đầu này khiến tôi bất ngờ và buồn, vì cách cô quan tâm đến cậu - từng hành động nhỏ, từng câu nói lo lắng. Bo Peep hết lòng vì người mình yêu, luôn để Woody vào vị trí đặc biệt nhất trong trái tim nhưng không vì vậy mà luôn đứng sau lưng Woody. Trong Toy Story phần 1, dù rất nhiều món đồ chơi ghét Woody vì hành động của cậu với Buzz, nhưng Bo Peep tin Woody không có ý muốn hại Buzz. Trong TS 1 và 2, cô luôn lo lắng mỗi khi Woody bị bắt cóc bởi Syd hay gã Al bụng phệ. Nhưng những điều đó rất khó để ý, cô có gì đó khiến tôi nghĩ kiểu yếu đuối, thụ động chờ tin người yêu.
Trước đây, Bo Peep từng có cô chủ là Molly, em gái của Andy. Bo và bầy cừu mang lại sự an toàn trong mỗi giấc ngủ của cô bé. Khi Woody nhắc lại, Bo có nét thoáng buồn về khoảng thời gian dịu dàng êm đềm của mình. Nhưng cô hiểu Molly thích sự thay đổi, cô bé không cần mình.
Bo Peep không giống kiểu xông xáo và luôn lao vào cuộc như Jessie, cô thể hiện điều gì đó êm ả, nhẹ nhàng - điều khiến cô khác biệt hẳn với những món đồ chơi mang tính nữ của Andy. Nhưng lần này, cách ra đi của Bo Peep khiến mình cảm phục: người biết dịu dàng đúng nơi và mạnh mẽ đúng lúc. Sự nhạy cảm và tinh tế của Bo Peep là điều thúc đẩy khiến cô mạnh mẽ bứt mình để trở thành người phiêu lưu.
Trước khi gặp lại Bo Peep, Woody rõ ràng là người đi lạc, dù cậu được sở hữu bởi Bonnie. Woody bị bỏ xó trong tủ thời gian dài và bám bụi, dù cảm thấy mất phương hướng nhưng cậu vẫn cố gắng tỏ vẻ ổn. Việc Forky - món đồ chơi tự chế của Bonnie đi lung tung, dẫn đến việc Woody phải tìm cách đưa anh bạn này về chỗ cũ trước khi quá muộn. Nhưng không dè thành đi lạc, cậu dừng lại trước cửa hàng đồ cổ vì chiếc đèn bàn gợi nhớ đến Bo Peep.
Woody và Forky phải chạy bán sống bán chết để thoát khỏi truy bắt của Gabby và bè lũ búp bê kinh dị Benson. Nhờ pullstring (chiếc vòng kéo âm thanh), Woody nhanh chóng được Harmony nhận ra và đưa đến công viên chơi, để lại Forky bị giam giữ. Và ở đó, trò chơi ghép đôi của trẻ con đưa cậu đến ba chú cừu và rồi, Bo Peep. Cuộc hội ngộ của hai người bọn họ bắt đầu bằng câu hỏi: “Ai là chủ của cậu?” và rồi họ nhận ra mình đều là những món đồ chơi đi lạc (lost toy). Woody thì bị Bonnie phớt lờ, còn Bo Peep không còn được sở hữu bởi ai cả. Woody cảm thấy điều này tồi tệ, nhưng Bo Peep lại thấy tuyệt. Hai người gặp lại với hai góc nhìn khác nhau. Và khi thấy lại người yêu mình, Woody mới có dịp mở mang tầm mắt, về thế nào là đi lạc và đi có đường.
Rằng Bo Peep đã thay đổi khác hẳn, cô nàng cảm thấy hạnh phúc vì mình đã đi lạc. Cô tự trang trải cuộc sống của mình với ba chú cừu và những món đồ chơi thất lạc khác. Cô đã lang thang trong vòng bảy năm, và đó là những ngày tháng tuyệt vời nhất của cô. Trước đó, cô và đồng bọn cũng như Woody, bỏ lại trong chiếc tủ và bám bụi, nhưng ở cửa hàng đồ cổ. Woody nhìn thấy Bo Peep, chiếc quần đã bám màu bụi đất và một bên tay được dán bằng miếng băng keo.
Chi tiết cô bình thản trước cánh tay bị đứt rời khá hay. Cánh tay đó chứng tỏ cho sự bình thản và cứng rắc trước thử thách cuộc sống của Bo Peep. Cô vốn là món đồ chơi được làm bằng sứ, và thường khi được sở hữu, người ta phải bảo bọc rất kỹ càng. Nhưng Bo chấp nhận thoát khỏi vòng an toàn đó. Khi phần tay gãy lại bị đứt rời, Bo chỉ cười và cho đó lại là sự cố, lấy miếng băng keo dán lại trước sự sợ hãi của Woody.
Với Bo, khi đã ra thế giới bên ngoài rộng lớn, cô nhận ra căn phòng của đứa trẻ không là tất cả. Cảnh Bo dẫn Woody bước đi mái của vòng đu quay để thấy thế giới bên ngoài nhiều màu sắc rất rực rỡ. Trước khi có Bo, cảnh trong phim có màu sắc khá tối và lạnh. Nhưng khi Woody gặp Bo, mọi thứ có màu sắc hơn hẳn. Hẳn Pixar muốn cho người xem thấy khi người ta đi lạc, thế giới trở nên đẹp thế nào. Bo đi lạc đủ lâu để đánh thức Woody rằng: một thế giới không có trẻ em chưa hẳn là xấu, dù Woody cố chống đỡ rằng món đồ chơi khác không nên có tư tưởng đó.
Cô giúp những món đồ chơi khác hiểu về giá trị hiện tại của họ. Woody đã sống quá lâu với quá khứ đẹp đẽ, dù có trân trọng đến mấy thì đến lúc cũng phải để điều đó ra đi. Duke Caboom - tay đua xịn sò nhất Canada luôn buồn khi nhớ về cậu chủ cũ vứt bỏ vì mình thực hiện của vượt chướng không như kỳ vọng, đã có cú đáp để đời. Và cuối cùng, tư tưởng của Bo Peep dần thấm sâu vào Woody. Cậu nhận ra việc chỉ ngồi mãi trên kệ và chờ cô cậu bé nào đó đến với mình làm hạn chế khả năng và cơ hội của chính mình và giúp Gabby tìm kiếm người bạn thật sự sau khi bị Harmony ghét bỏ.
“Open your eyes, Woody. There’s plenty of kids around.”
Thế nhưng, chúng ta không thể quên về mối tình của họ. Woody dạy cho cô lại bài học về sự trung thành. Bo Peep ban đầu ngăn Woody cứu Forky, nhưng chính sau này cô lại hỗ trợ Woody. Trong một chuyến phiêu lưu, phải có một người bay nhảy và có người trung thành, để níu giữ họ, cho họ biết luôn có sự an toàn chờ đợi họ. Cuối cùng Woody nhường lại chiếc huy hiệu Sheriff cho Jessie, và bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình. Woody cuối cùng trở thành người tự do, nhưng cậu không lạc như trước nữa.
Vài cảm nhận của bản thân
Tôi nghĩ nhắc về bài học mà Bo Peep dùng để thức tỉnh Woody và những món đồ chơi khác, rằng luôn có cơ hội luôn chờ mình ở phía trước, nó giống với những thông điệp ở Toy Story phần trước. Điều mà tôi thấy ở đây, là nhiều khi bản thân phải học cách một mình và đi lạc một thời gian dài, trước khi trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, trở thành điểm tựa của người khác và tận hưởng niềm vui đến từ nửa kia dành cho mình, là điều có ích.
Từ xưa người ta thường nhấn mạnh quan điểm “Đoàn kết là sức mạnh” hay đại loại những câu nói về sức mạnh khi sống trong một tập thể. Dĩ nhiên, Homo sapiens chúng ta tồn tại được là nhờ lối sống bầy đàn. Không có ai chơi cùng bị tẩy chay đồng nghĩa với cái chết không thể báo trước. Ngày nay người ta ít tương tác với nhau do có sẵn smartphone và thay đổi cuộc sống, nên nảy sinh thứ gọi là “Đại dịch cô đơn”. Thế nhưng, một mình khác với cô đơn.
Một mình, là khi mình tự đối thoại với bản thân, là lúc mình tự phản chiếu mình. Cho bản thân một khoảng lặng để khám phá mình cần gì. Xã hội nhiều khi quá đề cao đến việc theo nhóm và định hướng, nhưng quên mất rằng con người bản chất học hỏi mọi thứ như đứa trẻ, phải khám phá và vấp ngã. Nhiều khi quá quen với sự ổn định ắt dẫn đến nhàm chán và ngạt thở, rồi không hạnh phúc, lại gây gổ với nhau. Hai người gắn bó bên nhau không phải cứ bám sát bên nhau. Muốn hạnh phúc thì phải tự do. Một mối quan hệ lâu bền xuất phát từ việc không cam kết và ràng buộc với nhau, và sẵn sàng cho lối đi riêng nếu đường đi khác nhau. Xa nhau để tự khám phá thế giới rộng lớn, rồi quay về với nhau mới là mối quan hệ thật sự. Giống như cách Bo Peep và Woody vậy. Nếu Bo Peep cứ giữ mãi trung thành với Andy, chắc hẳn cô và Woody đã chia tay và không nhìn mặt nhau nữa. Họ không thể tiếp tục có những chuyến phiêu lưu tiếp theo nữa.
Tôi nghĩ rằng, sống với ai đó, chơi với ai đó là mang lại hạnh phúc cho nhau, mỗi ngày tìm kiếm thêm những điểm đáng yêu ở họ và khơi dậy hết khả năng của đối phương. Không vui thì nghỉ. Tất nhiên trong mối quan hệ nào cũng có lúc lên lúc xuống, nhưng mỗi người cần nhận thức mình là ai trong đó. Bản tính thích tự do của tôi vốn không thích việc gắn bó với một tập thể hay ai đó quá sớm khi mình chưa có cơ hội để khám phá một mình những thứ mình thích. Mọi thứ luôn cần thời gian. Nếu ai hỏi khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời, không phải lúc đi học, cũng như công việc suôn sẻ, mà khoảng thời gian rớt đại học và không ai để ý đến mình. Chọn cho mình con đường của người chăn cừu có lẽ là cách tôi muốn hiểu mình rõ hơn, giống như cách bố trao tôi quyển “David và Goliath”, có lẽ bố hiểu tôi cần phiêu lưu để biết mình cần gì. Và chính vì đi lạc, nên những người chịu ở cạnh mình bất kể mọi lúc, tôi rất trân trọng.
*Đọc thêm nếu muốn:
Mải nhắc về David, Hoàng Tử Bé và Nhà Giả Kim mà thiếu sót về nguồn gốc của Bo Peep cũng có phần sai sót lớn. Nhân vật Bo Peep xuất hiện trong lời hát đồng thoại của nước Anh ngắn gọn thế này:
“Little Bo-Peep has lost her sheep,
nd doesn't know where to find them;
leave them alone, And they'll come home,
wagging (bringing) their tails behind them”
Còn đây là bản bổ sung:
Little Bo-Peep fell fast asleep,
and dreamt she heard them bleating;
but when she awoke, she found it a joke,
for they were still a-fleeting.
Then up she took her little crook,
determined for to find them;
she found them indeed, but it made her heart bleed,
for they'd left their tails behind them.
It happened one day, as Bo-Peep did stray
into a meadow hard by,
there she espied their tails side by side,
all hung on a tree to dry.
She heaved a sigh and wiped her eye,
and over the hillocks went rambling,
and tried what she could, as a shepherdess should,
to tack each again to its lambkin.
Bản chất Bo Peep là người chăn cừu, trong Toy Story nàng cũng luôn đi suốt với ba chú cừu của mình. Trong những mẩu chuyện đồng thoại, Bo Peep luôn được khắc họa với tình huống người chủ mất cừu. Đau đáu với dấu đuôi để lại, một là chờ đợi đến khi đàn cừu trở về hay chọn cách thong dong trên đoạn đồi để đưa cừu về với lãnh địa của những con cừu non. Chúng ta có một nàng Bo-Peep trong lời bài hát của đứa trẻ mẫu giáo, là một người chăn cừu chờ sự an bài của số phận, còn trong dị bản kia lại là người tiên quyết muốn thoát khỏi tình trạng đi lạc của mình. Tôi nghĩ Toy Story 4 khắc họa Bo Peep theo dị bản trên, tức nàng hiểu rằng loài cừu, chúng chỉ ăn, uống và mải đi trên những con đường mới mà chúng không biết mình đang đi, nàng khóc thương cho chúng và luôn cố tìm mọi dấu vết để đưa chúng trở về. Có lẽ là vậy, vì dù Bo Peep là người phiêu lưu, nhưng bên trong cô vẫn còn sự trung thành mà người chăn cừu phải có - với lũ cừu của mình. Trong Toy Story, mất đi ba chú cừu mới là điều cô lo lắng nhất, bởi vì chúng thật sự quan trọng. Có lẽ cũng đúng với những người đi lạc, họ có thể chấp nhận mất mát những thứ không thuộc về mình ra đi, nhưng sẽ luôn tìm cách giữ và trân trọng những thứ thuộc về mình.
Ann
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất