Một bí mật khủng khiếp chưa được hé lộ (Bài dự thi sự kiện)
Có một bí mật quan trọng mà bạn chưa hề biết trong cuộc truy tìm hạnh phúc.
Vô thức xã hội đánh giá con người trên nấc thang giá trị là cái có, đó là lý do ta thường phóng mình theo hoài vọng chiếm hữu, chúng dồn dập như những lớp sóng xô vào bờ. Chúng ta nắm bắt được những thứ mình ước muốn liền sau đó lại bị vụt mất, và chúng chỉ để lại cho ta nỗi tiếc nuối và đau khổ. Thay vì tìm kiếm hạnh phúc đích thực, ta lại lãng quên điều cốt yếu đó bởi những ma trận cảm xúc thỏa mãn mỏng manh. Với phái khắc kỷ, hạnh phúc phải là cái gì đó bền bỉ, vững vàng, trường tồn, chứ không phải như những khoái lạc chỉ bùng lên trong chốc lát rồi lụi tàn như đám tro lạnh. Vậy muốn có hạnh phúc, ta phải đạt được trạng thái Ataraxia, nghĩa là một sự bình lặng, không để “khu vườn nội tâm” bị xáo trộn và trở nên hổn độn bởi ngoại cảnh bên ngoài tác động. Muốn thế, Zenon khuyên ta “Hãy sống theo tự nhiên”.
Zenon và Chrysippus đã miêu tả ẩn dụ về con chó bị cột vào chiếc xe kéo, nếu nó đi theo lực kéo của chiếc xe thì hành động tự phát đó trùng hợp với điều tất yếu. Tự do của nó là chạy đằng sau chiếc xe hơn là bị cái dây lôi đi và thít vào cổ. Con người chúng ta cũng vậy, dù muốn hay không ta cũng đều phải tuân theo cái đã được định trước. Chẳng hạn, như cháy nhà, tai nạn, thất nghiệp…tốt hơn hết là ta nên chịu đựng những điều mà ta không trông đợi, trong tâm thế đã hiểu và đã chuẩn bị để đối mặt với nó. Như thế ta sẽ có một tâm hồn điềm nhiên và bình an. Còn nếu chúng ta cứ ngoan cố phản kháng những sự thật đau lòng đó thì ta chỉ cảm thấy thêm bế tắc và tổn thương. Vậy nên, ta cần phải phớt lờ hay đúng hơn, nên chấp nhận những điều vượt quá giới hạn của mình. Chẳng hạn, đại dịch Covid 19 đã cướp đi sinh mạng đứa con trai yêu quý của một bà mẹ. Seneca nói rằng, đó chỉ là công việc thường tình của nữ thần Định Mệnh (Fortune). Bà mẹ cần biết rằng, ngoài kia có cả một danh sách dài những đứa con trai yêu dấu của các bà mẹ khác cũng chung số phận như bà. Khi rơi vào trạng thái cùng cực, người ta thường tự chất vấn nguyên nhân đến từ đâu và nếu thấy mình vô tội, họ sẽ than thân trách phận vô cùng bi đát. Ở đây cái chết của cậu thanh niên không liên quan gì đến bà mẹ, vì không phải do bà xấu xa nên cậu phải chết hoặc mẹ cậu là người tốt lành nhưng do sự bất công của thế giới nên cậu phải chết, mà sự chết là định mênh chung của con người. Như vậy, trong trường hợp này chúng ta nhận ra có hai khả năng thay thế nhau để ứng phó, hoặc bà sẽ đón nhận cảm xúc đau khổ sâu sắc và thuận theo nó rồi nguôi dần, hoặc bà sẽ sống với cảm xúc đau khổ dai dẵng vì không chấp nhận nó, và nó sẽ bào mòn cuộc sống của bà. Người khôn ngoan là người biết xác định cái gì vượt quá giới hạn kiểm soát của mình và thuận theo nó ngay lập tức, còn hơn tự làm mình kiệt sức vì chống cự. Nghe điều này có vẻ mang tính chịu đựng thụ động. Nhưng không, con người có lý trí để có thể nới lỏng chiếc dây đau khổ khi chạy theo chiếc xe định mệnh. Con người là loài vật sống tuyệt vời, vì lý trí của ta biết được khi nào thì mong ước của mình mâu thuẫn hoàn toàn với thực tế và sau đó chấp nhận điều tất yếu một cách tự nguyện, thay vì tức giận và cay đắng. Chúng ta có thể bất lực trong việc thay đổi sự kiện, nhưng lại có tự do để lựa chọn thái độ phù hợp với chúng. Đúng như Épictète nói: “phải làm cho ý muốn của mình hợp với các biến cố, sao cho những gì xảy đến cũng đều đúng ý muốn của chúng ta.” Việc chúng ta cần làm mỗi khi mâu thuẫn ước muốn với thực tại cách sâu sắc là nên liếc ý thức sang chiều hướng tích cực hơn. Nếu phái Khắc kỷ thâm tín rằng, con người có thể đạt được hạnh phúc qua việc tự ý thức, thì ngược lại, con người cũng đau khổ do ý thức biết đến sự dữ. Ít nhất việc ý thức như thế cũng đã làm cho sự kiện đau khổ đó bớt khủng khiếp hơn và ta có thể dần nắm bắt lại hiện tại, còn không đau khổ sẽ nhấn chìm ta trong cõi xa xăm và bỏ rơi cuộc sống thực đang trôi dần vô ích. Hơn nữa, Chrysippus nói rằng định mệnh là “một dây xích của các nguyên nhân.” Nghĩa là, mọi hiện tượng đều được giải thích theo một định luật bất biến của định mệnh, và đàng sau những điều ta không trông đợi đều có lý do tiềm tàng của nó. Chúng ta đừng bận rộn với những đau khổ với ngàn vạn câu hỏi “vì sao”: vì sao lại xảy ra đại dịch, vì sao tai họa giáng xuống trên tôi, vì sao thần chết lại cướp mất người tôi yêu thương nhất. Biết đâu được, khi điều xấu xảy đến cho ta có mục đích tốt đẹp khác lớn hơn theo sau nằm trong “một dây xích của các nguyên nhân”. Một sự thật nho nhỏ là, khi ta đào một chiếc hố, hố càng sâu bao nhiêu thì đống đất dư càng chất cao bấy nhiêu. Vậy, ta có quyền tin rằng, đau khổ càng sâu sắc bao nhiêu, thì hạnh phúc sau đó sẽ bồi đắp bấy nhiêu. Thay vào sự chán nản, hãy bình tâm và điều hướng thái độ để phù hợp với lý tính của mình trong sự chấp nhận định mệnh. Cũng giống như chúng ta thất vọng mỗi khi trời mưa, nhưng nếu làm quen được với những cơn mưa, thì cảm giác buồn bực sẽ khó bùng lên khi có cơn mưa đến.
Ngoài những thích ứng với số phận, chúng ta còn phải biết điều hướng từ trong chính mình, nghĩa là biết phân định những gì đang sở hữu và đang thiếu thốn, đồng thời có khả năng biết những gì mình có thể đạt được, đó chính là chìa khóa mở cửa hạnh phúc. Sự khôn ngoan này, các triết gia khắc kỷ chỉ cho ta biết, đó là chế ngự đam mê, những đam mê quá độ dẫn ta đến vực thẳm của sự thái quá. Chúng được khởi đi từ những cảm xúc vui, buồn, sợ hãi, và ước muốn. Đừng bao giờ đánh giá người khác khi ta đang vui hoặc đang buồn, và chính chúng ta cũng đừng mang tâm trạng này bởi sự phán xét của người khác. Để những cảm xúc không bị chi phối, cần thiết chúng ta đừng để những khát vọng sai lạc lôi cuốn tâm hồn và làm gì phải hổ thẹn với lương tâm. Chúng ta cảm thấy lo sợ người khác soi mói, sợ mất danh dự, sợ bị đánh giá, đó là lúc ta phạm điều sai khuấy và dĩ nhiên đã đánh mất đi sự thanh thản trong tâm hồn. Đôi lúc mất đi sự an nhiên chỉ đơn giản là mong ước điều ta không thể đạt được và lo sợ điều tất nhiên sẽ đến cho mình.
Tựu trung, phải biết tự làm chủ chính mình trong việc phán đoán và quyết định, đó là bước chân đến gần hạnh phúc. Làm được như thế, những gì xảy đến cho ta đều không khiến ta phải suy xét nó tốt hay xấu để gây ra sự buồn phiền. Hạnh phúc không phải là điều ta mong mỏi truy tìm ở đâu xa, nhưng là điều ta phải nắm giữ, vì nó luôn ở trong tầm tay của ta. Nó rất gần gũi, không nhuốm màu của bất cứ sự suy xét nào, mà chỉ đơn giản tự chính ta nắm bắt và cảm nhận. Vậy nên điều kiện để sống hạnh phúc là không bị ràng buộc, dính líu đến những gì vượt quá khả năng của mình. Thế giới ta sống có đầy rẫy mâu thuẫn và mọi thứ không chỉ được sắp xếp để duy trì sự tồn tại của hạnh phúc. Vậy sống trong sự an bài của định mệnh và Cứ sống thành thật bằng việc loại bỏ những lừa dối từ môi trường sinh hoạt của xã hội, quan tâm đến đời sống nội tâm bằng cách kiểm điểm đời sống mình luôn và nổ lực sống tự chủ sẽ giúp ta vượt qua mọi trở ngại, đau khổ và có được hạnh phúc. Đó là bí mật truy tìm hạnh phúc của Phái Khắc Kỷ.
Hilario Thành
Tài liệu tham khảo
1. Alain de Botton, Sự an ủi triết học, (dịch) Ngô Thu Hương,
Nxb Thế Giới.
2. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử triết học Tây Phương tập
I, Học Viện Đa Minh 1995.

Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất