Hôm nay tôi vừa đi ăn buffet với công ty, tối nay lại có một bữa buffet nữa đã đặt sẵn bàn, nên tự dưng nảy sinh ham muốn truyền đạt lại kinh nghiệm ăn buffet "chuẩn bài" cho những ai mới làm quen với loại hình ăn uống này. Chuẩn ở đây nghĩa là tối đa hóa được chi phí đã bỏ ra, ăn uống bài bản giống Tây và bạn sẽ không bị ì ạch bụng sau khi xong bữa.

Những ngộ nhận cơ bản

Với mức giá trung bình khoảng 300 - 350k cho một suất buổi tối, buffet thường được ăn vào những dịp đặc biệt như liên hoan Công ty hoặc sinh nhật. Dù có phải trả tiền bữa ăn hay không thì tâm lý chung của mọi người đều là muốn ních đầy ắp dạ dày, không bỏ sót món nào hấp dẫn và lúc ra về phải thỏa mãn, phê pha. Tuy nhiên, rất có thể bạn đã mắc phải những sai lầm dưới đây khi mới làm quen với buffet: 

1. Nhịn đói trước khi ăn

Hôm trước nghe ông anh xui cả phòng nhịn bữa sáng để trưa ăn được nhiều tôi đã suýt phì cười. Nhịn đói là một chiến thuật không khôn ngoan, bởi khi nhịn đói quá lâu, dạ dày của bạn sẽ co lại, thêm vào đó việc dịch vị dạ dày vẫn tiết như bình thường sẽ khiến bụng chúng ta khó chịu. 

Kích thước dạ dày nhỏ đi dẫn tới khối lượng thức ăn được đưa vào sẽ phải giảm bớt. Như vậy, nhịn ăn chỉ khiến bạn có cảm giác đói hơn. Khi đói hơn, bạn sẽ cố gắng ăn thật nhiều, thật nhanh để thỏa cơn đói. Kết quả là số lượng thức ăn đưa vào không bù đắp được hậu quả cái bụng nổi loạn, ậm ạch suốt đêm và cả sáng hôm sau đó. 

2. Xông thử, ăn thẳng ngay những món nhìn hấp dẫn

Nhà hàng buffet thường chia làm nhiều góc với các khu khác nhau: Khu nhiều tinh bột (bún, cháo, cơm), khu đồ nhẹ (súp, salad, món trộn...), khu đồ mặn main course (thịt, cá, tôm, cua, nem...), khu đồ ngọt (chè, hoa quả, kem...) và khu đồ đắt tiền (tôm to, hàu, cua, ghẹ, bề bề...). 

Rất nhiều người sẽ vội cầm đĩa tấn công sớm các món ở khu đồ mặn, mức giá trung bình nhưng lại rất mau ngấy như gà chiên, nem rán, bò xào, sườn chua ngọt. Dạ dày con người có giới hạn, vì vậy đừng bắt đầu với những món mà bình thường bạn vẫn có cơ hội được ăn thoải mái. Não bộ sẽ nhận được tín hiệu thỏa mãn ngay sau khi bạn chén sạch mấy miếng gà rán. Khẩu vị cho các tiết mục chính sau đó vì vậy sẽ bị suy giảm đáng kể. Đó là lí do vì sao sau khi đi ăn chật bụng, bạn vẫn than vãn: "Chả thấy ngon gì cả. Toàn món bình thường!"

3. Chờ đợi bạn bè/đồng nghiệp cùng đi lấy đồ ăn

Đây là thói quen khó bỏ của nhiều người. "Ăn xong chưa? Đi lấy thêm đồ không?" Thực tế, mỗi người có sở thích và thói quen ăn uống riêng. Khi đi chung với nhau, bạn sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lựa chọn của người đi cùng. Tự dưng món ngao xào trong đĩa người khác sao nhìn hấp dẫn thế, trong khi bình thường đây không phải món khoái khẩu của bạn. Tâm lý học gọi đây là hiệu ứng "sự đồng thuận": Khi đang phân vân, mọi người sẽ muốn đi theo số đông và làm theo những người họ có thể đem ra so sánh với bản thân. 

Bị ảnh hưởng bởi quyết định hoặc sự rủ rê của người khác sẽ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội thử các món mới, đôi khi còn hủy hoại khẩu vị của bạn (ví dụ ăn phải món ngao bạn chẳng hề thích tí nào), và khiến dạ dày bạn đầy thêm một tí, trong khi sự thỏa mãn về bữa ăn không hề tăng lên. 

Bí kíp ăn chuẩn bài

Hôm nay đi ăn, trong khi mọi người ai cũng kêu no lặc lè thì tôi lại thấy rất bình thường, thậm chí tôi còn thử nhiều món chất lượng hơn cánh thanh niên trong Công ty mà lúc đi về vẫn nhẹ nhõm, không bị nặng bụng. Để không phải hằm hè khó chịu với nhà hàng mỗi khi kết thúc một bữa buffet, bạn có thể tham khảo một vài chiến thuật ở phần 2, sẽ ra mắt rất sớm, sau khi tôi áp dụng full chiến thuật trong bữa buffet tối nay. Happy New Year sớm nhé cả nhà!