Ghi chú: Bài đã viết từ 2018, và cũng đã đăng facebook, nơi mà mọi thứ thường bị cuốn trôi khó lòng tìm lại. Nên nó tái xuất hiện trên đây.
Kết thúc của Shoujo Kageki Revue Starlight (2018) thật ra cũng chẳng táo bạo nổi loạn gì vào cái thời của nó. May nhờ mối liên hệ với Takarazuka nên Revue Starlight mới thích hợp để lồng vào một bài viết giới thiệu lịch sử yuri. Bài viết bên dưới còn chịu ảnh hưởng nhiều từ các anime youtuber, thay vì nghiên cứu thật sự sâu sát, nhưng đấy là nguồn rộng lòng cho tôi hình thành những hiểu biết ban đầu về thể loại này.
Từ “yuri” trong bài dùng để chỉ chung cho truyện xoay quanh quan hệ đồng tính nữ, tương đương “girls’ love”. Cộng đồng quốc tế, như MAL hay những trang chia sẻ A-M, thường phân biệt giữa shoujo-ai và yuri, lâu ngày thành quen. Ở Nhật, tuy vậy, shoujo-ai là từ vốn dùng để chỉ các thành phần pedo/ái nhi/mê bé gái, và không có lan quyên gì với cách dùng từ này ở ngoại địa. Sở dĩ shoujo-ai có được cái nghĩa như ta quen gặp là do fan quốc tế muốn tìm một khái niệm tương ứng với shonen-ai và thực hiện phép phân loại nhị phân trai – gái, quan hệ xác thịt – tình yêu trong sáng, sao cho shoujo-ai và yuri phải phản chiếu những gì ta đã biết về shounen-ai và yaoi. Cách phân loại gượng ép này có thể còn dẫn nhiều người đến suy luận rằng yuri là thiên đường riêng của fanboy, do fanboy, vì fanboy, cũng tương tự như yaoi là vùng đất được các fujoshi thống trị, dù suy luận này sai lệch: yuri là một thể loại khác, với một lịch sử phát triển khác. Yuri manga có nhiều tác giả nữ, độc giả nữ, và thậm chí đã nhắm vào nữ giới ngay từ những ngày đầu hình thành.
Shiroi Heya no Futari (1971) với nét vẽ shoujo, bối cảnh trường nữ sinh danh giá + kết thúc nhân vật tử nạn.
Shiroi Heya no Futari (1971) với nét vẽ shoujo, bối cảnh trường nữ sinh danh giá + kết thúc nhân vật tử nạn.
Tiền thân của Yuri là Class S, một thể loại ra đời do những điều kiện đặc biệt của nước Nhật tiền chiến: (1) học hỏi từ phương Tây, nữ giới Nhật Bản bắt đầu được hưởng giáo dục trong những trường nữ sinh danh giá + (2) Takarazuka Revue, đoàn kịch toàn nữ ra đời và phổ biến, với những nữ diễn viên đóng vai nam cực kỳ phong độ được bao người gái trẻ thầm thương trộm nhớ + (3) tạp chí văn chương / tác phẩm cho thiếu nữ được phát hành. Shoujo no Tomo (“Bạn của thiếu nữ”), chẳng hạn, là tạp chí định hình cho Class S, gồm những câu chuyện về tình cảm nồng nhiệt giữa các nữ sinh với nhau.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ của tư tưởng thời đó, tất cả những chuyện yêu đương nữ-nữ đều không kéo dài quá thời đi học. Class S cổ xúy cho quan niệm rằng đồng tính luyến ái chỉ là một “giai đoạn” sẽ qua của tuổi trẻ, các em nữ sinh cứ tự nhiên trải nghiệm để học khôn trước khi về với vòng tay một anh nào đó và làm mẹ hiền dâu thảo. Về sau, khi trường học mở cửa cho cả nam lẫn nữ học chung và nữ sinh giờ đây có thể hẹn hò trực tiếp với nam sinh, những “bài học” của Class S không còn cần thiết nữa, rồi thể loại này cũng bị cấm và chết dần. Mãi đến những năm 1970, cùng với sự lớn mạnh của manga nói chung, manga yuri mới xuất hiện và hẳn nhiên chịu rất nhiều ảnh hưởng từ Class S trước đó, kể cả cách kết thúc – xu hướng chung trong các phim truyện yuri là luôn có một lý do nào đó để cặp nhân vật bị chia cắt: chuyển nhà, tai nạn, chết yểu,… tùy vào sự sáng tạo của tác giả. Tuy đã bị chôn vùi trong dòng lịch sử, Class S phần nào giải thích cho ta hiểu thái độ nửa cởi mở nửa bảo thủ trong xã hội mà thể loại yuri phải luồn lách qua để tồn tại.
Nhưng chúng ta đang lạc về phương trời nào và chủ đề Revue Starlight đã bị quăng đi đâu?
Một điều rất quan trọng ta cần biết khi đào sâu tìm hiểu Revue Starlight: Anime này là một tiếng nói phê phán mạnh mẽ hướng đến Takarazuka – một trong những nền móng của yuri. Từ yếu tố sân khấu kịch, bối cảnh trường học toàn nữ, thiết kế trang phục trên lớp và vũ đài, hệ thống tranh đua xếp hạng Top Star… Revue Starlight luôn cố tái hiện lại môi trường Takarazuka cùng những điều bất cập của nó. Cũng như Class S, thoạt nghe, Takarazuka tạo ấn tượng rằng đây là một sân khấu nữ quyền, đề cao năng lực và khuyến khích tình cảm sâu đậm giữa những người phụ nữ. Kỳ thực tư tưởng của Takarazuka cũng cộng hưởng với thời đại và văn chương Class S, càng nhấn mạnh hơn chủ trương vừa dung dưỡng vừa đe dọa đối với tình yêu đồng tính.
Đoàn kịch toàn nữ Takarazuka. Nguồn hình: nippon.com
Đoàn kịch toàn nữ Takarazuka. Nguồn hình: nippon.com
Takarazuka đào tạo ra những nữ diễn viên đóng vai nam, còn gọi là otokoyaku, với sức thu hút ngất ngây chẳng thua gì người tình trong mộng của bao cô gái, nhưng đoàn kịch này không muốn liên quan đến yuri, không muốn bình luận về yuri, khẳng định các otokoyaku đều là những người con gái nữ tính bình thường khi bước xuống sân khấu, thậm chí “nghề nghiệp đích thực” của họ trong tương lai chính là làm vợ cho các đức ông chồng. Nhà sản xuất của Takarazuka càng đặc biệt muốn né chủ đề yuri ra, nhất là từ sau sự kiện năm 1929 khi chuyện tình đồng tính của một otokoyaku trong đoàn xuất hiện trên báo giới và vài năm sau 1935 trong giới kịch nghệ xảy ra vụ tự tử đôi giữa nữ diễn viên của đoàn kịch Shochiku cùng một fan nữ như hai tình nhân. Dẫu vậy, theo nguồn tin rò rỉ, việc một số nữ diễn viên có hứng thú với phái nữ và hẹn hò nhau trong nội bộ Takarazuka vốn không có gì lạ, chỉ là bị giấu kín không công bố ra ngoài, hay nói cách khác: ngầm diễn ra. Ở ngoài mặt, Takarazuka vẫn giữ vẻ đoan chính, ngây thơ, tích cực quảng bá cho hình tượng Top Star trong sạch không tì vết để đốn ngã tim fan nữ, mà không cho nữ giới động đến.
Ngoài các dấu hiệu ám chỉ Takarazuka, Revue Starlight bắt đầu câu chuyện bằng một khung cảnh có-vẻ-Class-S cũng với trường nữ sinh danh giá và tình bạn giữa các cô gái hơi bị nồng nàn. Cú gợi nhắc nổi bật nhất của Revue Starlight dành cho cặp song ca Takarazuka + Class S chính là nằm ở kết thúc của vở kịch Starlight trong phim: Hai người bạn gái Claire và Flora muốn đến bên nhau nhưng rốt cuộc mãi mãi bị chia lìa. Đó là bi kịch phủ bóng lên toàn bộ tác phẩm.
Đúng ra, kết thúc không hậu cho tình yêu đồng tính là chuyện phổ biến trong phim truyện trên thế giới đến nỗi khán giả phương Tây có hẳn một trope gọi là bury your gays – “vùi chôn mấy bạn gay”. Ví dụ, cùng với sự hy sinh anh dũng của Ymir trong Attack on Titan, đấy cũng là lúc manga/anime này xuống tay “bury your gays”. Ví dụ khác, trong Hisone to Masotan, đến gần cuối ta biết có một nhân vật là yuri sau bao năm tình cảm vẫn thủy chung, hiềm nỗi liền đó ta phát hiện tiếp người mà nhân vật này yêu đã chết mất xác từ đời nào, thế thì lại coi như “bury your gays”. Trong movie Tamako Love Story, cô gái bách hợp Midori tuy không bị hiểm họa nào ập lên đầu, nhưng vẫn đành chịu thua trong cuộc đua đến với trái tim nàng nữ chính Tamako. Tình yêu yuri lên được màn ảnh đã là điều khó khăn rồi, nhưng bước phấn đấu kế tiếp mà Revue Starlight muốn thực hiện là phải đem đến happy ending cho cả hai người trong cuộc.
Kết thúc có hậu cuối Revue Starlight – Claire và Flora / Hikari và Karen nắm tay nhau hạnh phúc – là một món quà dành tặng thể loại yuri nói chung, song chi tiết chứng tỏ Revue Starlight đang muốn nói lên một điều gì đó và làm tăng sức nặng của thông điệp lại là ở chỗ đây là một kết thúc được viết lại. Để so sánh, manga Kase-san với nội dung đậm tính mật mía đường phèn cũng đóng góp kết thúc có hậu cho thể loại yuri, nhưng nó không có sự bình luận và đá xoáy thể loại như cấu trúc của Revue Starlight. Trước khi đến được kết thúc cuối cùng cho vở Starlight, khán giả phải biết được phiên bản kịch Starlight nguyên mẫu đã làm khổ các nhân vật như thế nào.
Đầu tiên hết, "Starlight" là một vở bi kịch mà Hikari và Karen đã cùng xem và yêu thích từ khi còn nhỏ, đến nỗi bộ đôi này hứa hẹn khi lớn lên sẽ diễn lại y như hai nhân vật Claire và Flora trên sân khấu. Kịch Starlight giống như một khung sườn cho những kịch bản “bury your gays” lặp đi lặp lại của thể loại yuri, hay của lịch sử Takarazuka – đối tượng chính mà anime Revue Starlight nhắm đến. Khi được nhấn nhá đủ mạnh, nó thậm chí trở thành tư tưởng, “định mệnh” mà Hikari một lòng tin tưởng.
Trong hai nhân vật trung tâm, Hikari được khắc họa như một kẻ bị ám ảnh bởi định mệnh, luôn bám sát truyền thống, bất chấp những kịch bản được viết sẵn ấy có vô lý đến đâu. Như một ứng viên Top Star gương mẫu, Hikari cắm đầu tham gia những trận tranh giành thứ hạng của sân khấu ngầm, dù gần như mù tịt về quy luật và bản chất của chúng. Hikari hồi bé còn giữ mình “trong sạch” bằng cách chủ động tách ra khỏi Karen, khỏi lo hẹn hò, và cũng như sự mập mờ của hệ thống Takarazuka, Hikari chấp nhận tình cảm một chiều từ những lá thư của Karen, nhưng về phía mình, cô không một lần chính thức đáp lại. Thậm chí ngay cả khi đã đứng lên được đỉnh cao và sở hữu quyền lực để thay đổi, Hikari vẫn không thể hình dung ra một viễn cảnh nào khác ngoài bi kịch. “Bài học” bi kịch từ thuở ấu thơ đã bám rễ vào tâm trí cô.
Sân khấu ngầm tước đoạt hết hy vọng hạnh phúc của Hikari, 130g bí ẩn trong đợt thua lần đầu, tất cả ý nghĩa, năng lượng, niềm hân hoan của thắng lợi lần hai. Dù thành hay bại, hễ còn nán lại hệ thống Top Star và còn cố lặp lại tư tưởng Starlight, Hikari chỉ có nước chịu cảnh mất mát. Khi cái khổ đã bày ra, đây là lúc Karen quyết định rằng mình không thể chấp nhận kết thúc này, phải có sự thay đổi, phải viết lại kết thúc khác. Karen sau đó dùng tình cảm của mình để thức tỉnh và cứu lấy Hikari. Cả hai sẽ không với lấy phép màu và danh vọng treo cao nào nữa, họ sẽ tìm thấy nhau.
Sự phản kháng của anime Revue Starlight nằm ngay trong cấu trúc trình bày truyền thống rồi bác bỏ và đưa ra quan điểm khác. Qua đó, Revue Starlight khuyến khích ta thực hiện một sự đánh giá lại những bi kịch mà trước đây mình từng vô tình yêu thích. Rất có thể, giống như Hikari, ta từng tìm đến các phim, truyện, sân khấu kịch… bằng những cảm nhận đơn thuần nhất và tin theo mọi thứ được bày ra trước mắt. Rất có thể những tác phẩm đi trước đã làm nên một hình mẫu, tượng đài, một lăng kính mà ta dùng để soi cho mọi thứ về sau. Rất có thể một kịch bản nào đó đã ăn sâu vào hình dung của ta về thế giới. Rất có thể tình cảm hoài cổ càng làm ta nhìn về những ý tưởng lỗi thời qua đôi mắt âu yếm, bảo bọc.
Nhưng thời gian trôi qua, bằng những kinh nghiệm sống mới, ta có thể quay nhìn ngược dòng lịch sử, tìm lại những tác phẩm cũ và điều chỉnh lại cách đọc, hiểu của mình về chúng. Ranh giới giữa sân khấu và đời thực trong Revue Starlight bị xóa nhòa đến nỗi khi Karen tuyên bố rằng “sân khấu luôn luôn đổi mới từng ngày”, anime này dường như cũng muốn nói “cuộc đời từng ngày cũng luôn thay đổi”. Có thể bi kịch là thứ gắn liền với Class S, Takarazuka, hay thể loại yuri những ngày đầu, nhưng thời thế đã khác, sẽ đến lúc những bi kịch ấy cần được đánh giá lại và thay đổi. Sẽ đến lúc người ta cần thoát ra khỏi ảnh hưởng của các tác phẩm, tư tưởng cũ. Theo Revue Starlight, sẽ đến lúc kết thúc có hậu cần được viết lại nhiều hơn nữa cho yuri.
Tham khảo chính:
Wikipedia. Class S: https://en.wikipedia.org/wiki/Class_S_(genre) Zeria. Industrialization, Girls’ Schools, and the Birth of the Yuri Genre: https://www.youtube.com/watch?v=lHOFQxfIpwc Andrea Ritsu. Between the Revues // It’s all about the lesbians: https://www.youtube.com/watch?v=0fE9s4Cl40c