Những hạt mưa rơi xuống nặng và nhiều như nước đổ. Căn nhà nổi bên bờ sông của chú Sáu chưa bao giờ hết ẩm ướt khi trời vào mùa mưa. Những lỗ dột trên mái tôn đêm nay khiến chú không nhìn thấy ngôi sao nào mà lại trừa chỗ cho nước mưa chảy xuống lúc một nhiều hơn, chú chẳng lấy gì để hứng nước cả, vì nếu có ướt thì mai lại khô ấy mà, cứ mặc nó đi. Nếu trời không mưa, đêm nào chú cũng ra ngồi dựa lưng bên cây cột nhà, một chân thả xuống mặt nước cùng với điếu thuốc trên tay. Chú bảo: “ Sông Bé - ở đây chú có một món nợ, một món nợ rất to nên trả hoài không hết”. Đã bảy năm nay chú sống một mình trên chiếc ghe nhỏ, dạo gần do thời tiết mưa gió thất thường nên xóm giềng bắt chú đi đốn mấy cái cây về mà đóng cái nhà bên bến nước, đêm hôm trái gió trở trời còn ấm cúng hơn trên cái ghe nhỏ chông chênh.
  • Mình ơi, cứu em, cứu con … mình ơi…
Lại là cơn mơ đêm qua, cứ gần đến ngày giỗ dì Linh chú lại mơ giấc mơ ấy. Dì đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng của người con gái Bến Tre. Mọi người vẫn hay ghẹo chú Sáu “Mày xấu thế mà sao lại gạ được con Linh đi theo, tao cũng ngã mũ”. Dì Linh chỉ cười rồi bẽn lẽn nhìn chú Sáu. Cuộc đời dì cũng gặp bao điều khổ cực nhưng dì kể rằng ngày dì còn mười tám đôi mươi dì sống sung sướng bên gia đình, bên nhung lụa vì nhà dì là lái buôn, xe cộ, ghe thuyền ngày nào cũng lui tới tấp nập. Rồi tình cờ dì gặp chú Sáu lúc chú theo thuyền lớn của đám thanh niên tỉnh ngoài vào thôn tìm mối lấy hải sản. Cứ thế dì với chú thương nhau, mẹ dì cấm và cho người đánh chú Sáu. Trải qua bao thăng trầm chịu đớn đau cả tâm hồn lẫn thể xác, mẹ dì ép dì cưới con trai ông quận trên, tất nhiên dì không muốn phải sống trong nổi hối hận khi phải sống với người mình không thương trong suốt quãng đời còn lại nên dì cùng chú Sáu dắt díu nhau chạy về Sông Bé để nên vợ nên chồng. Không xúng xính cưới hỏi, không bà con chúc phúc, không bông tai hột xoàng nhưng đổi lại chú Sáu vẫn thương dì như những ngày đầu mới yêu. Tình yêu ấy vẫn khiến người khác ngưỡng mộ chú Sáu. Với nhiều người khác, ban đầu họ dồn hết tâm sức để châm chút, nâng niu người phụ nữ của họ, đến khi thuyền cập bến họ lại thôi cố gắng, thôi hung đúc để mặn nồng ngày xưa trở thành một thứ gì đó quá xa xỉ.
Ngày dì đến với chú không ai biết, không ai quan tâm về một thân phận. Nhưng ngày dì đi dì có cái tên là “Vợ thằng Sáu”. Tiếng mái chèo khua nước với đầy sự sợ hãi của chú Sáu khi nghe bà con bảo dì Linh bị ai đó đập máu me khắp người có thể làm ám ảnh mãi trong kí ức của bao người. Chú hét lên như xé toang một mảng trời chiều, trong chiếc ghe chẳng còn thấy người vợ cùng hạt mầm hạnh phúc của họ nữa mà chỉ còn một vũng máu tươi và dấu chấm hỏi suốt bảy năm liền. Nỗi ám ảnh cùng sự trách khứ bản thân trong chú chưa bao giờ có ý định nguôi ngoai. Dần dần ai cũng hiểu “món nợ to” của chú thực ra chỉ đơn giản là chú muốn đợi một kì tích xuất hiện, rằng dì Linh sẽ về cùng với đứa con nhỏ. Cái chết đau đớn của dì Linh làm chấn động cả một miền non nước, người thì bảo bọn bắt cóc, rồi cả bọn buôn thịt người,… Thời gian qua đi, người dân nước lã cũng dần quên đi sự sống của một ai đó thế nhưng với chú Sáu dì Linh vẫn luôn tồn tại, khắp mọi nơi và trong suy nghĩ của chú.  
Khi sống gần với sông nước người ta cũng trở nên hiền từ và chất phác như cây cỏ, tính chú Sáu vốn bộc trực, người trong thôn hay bảo chú là “cái thằng thích lo chuyện bao đồng”. Ngày trước ở trong chợ Cái Khế gần Cầu Kênh nghe đâu dì Út Hương bị bọn cho vay nóng đến siết nợ, chúng hất tung mớ rau củ lăn long lóc khắp lối đi. Sự tình là vì thằng con cả nhà dì bị phong, khổ cái thân không chồng nên dì cả gang đến vay ông Lam ít tiền đặng kịp đưa thằng con lên viện. Những người ở chợ bảo dì dại quá sao lại đi vay của ổng để rồi lãi mẹ đẻ lãi con, có bán thân cũng không thể trả hết. Hôm sau chúng lại đến, chú Sáu đứng cạnh nghe hết câu chuyện mà máu cứ cuộn trào, bọn chúng tát dì Út Hương tơi tả, rồi chú Sáu nhảy vào can, can không lại nên quay sang đánh chúng nào ngờ bị chúng vây đánh xong dẫn chú về gặp ông Lam. Ở cái xứ nước non thời này gắng mà sống cho yên thân cũng là một nghị lực bởi lẽ sự giàu sang và quyền thế dễ dàng đè bẹp những thân phận nghèo túng hẩm hiu.
Thằng Mai, tay lính của ông Lam có tiếng ra tù vào tội như cơm bữa, người trong làng còn sợ hắn hơn cả sợ ông Lam, một kẻ máu lạnh và nát rượu. Hắn kéo chú Sáu vào giữa sân trước của dãy nhà lớn, ông Lam bước ra với thân hình cao to, tóc hoa râm trạc 60 tuổi.
  • Thằng nào đây?
  • Dạ thưa ông, sáng nay con đi đòi mớ tiền của con Hương trong chợ, con nhỏ đó đòi hoài không trả. Thằng điên này xía vào đánh mấy thằng em con bị thương nên con kéo về đây để ông tùy ý xử.
  • Các người giàu nứt đố đổ vách, nếu giúp người được thì giúp để mà tích đức cho con cháu sau này.
Chú Sáu vừa dứt lời thằng Mai đá lia lịa vào bụng chú.
  • Mày dám dạy đời ai hả thằng kia?
Phía sau có cô hầu bước lên với dáng vẻ rụt rè.
  • Thưa ông chủ, bà chủ hỏi ông đã muốn dùng cơm chưa để bà chủ đem cơm lên nhà trên ạ.
  • Nói bà chủ lên đây gặp ta.
  • Dạ vâng.
Một người phụ nữ với dáng người thanh mảnh, bận bộ đồ bà ba vải lụa vàng với mái tóc dài được buột lơi. Chú Sáu bỗng sửng người với vẻ đẹp của người vợ lẻ.
  • Linh...
Hình hài đó giống như in người vợ quá cố của chú Sáu. Chú Sáu được đưa vào cái chòi ở nhà sau. Vốn dĩ việc trốn khỏi căn nhà này không phải là điều quá khó nhưng vì người phụ nữ đó chú Sáu ở lại và làm tay sai cho ông Lam. Chú được nhận chăm đàn trâu bên hông nhà và phụ dưới bếp. Trời dạo này hay mưa, tiếng nước rơi trên mái tôn sao làm lòng càng não nề.
  • Ê, Sơn, cô vợ sau của ông chủ là ở đâu tới vậy?
  • Cô Hoe á? Dân đâu ở tỉnh ngoài, nhìn đẹp ha, con chẳng rõ nữa thấy tuần trước ông đưa về bảo tụi con gọi là bà chủ, vợ thứ ba rồi đấy. Cái nhà này không có gì ngoài tiền và quyền, là phụ nữ chọn một nơi giàu có mà an phận cả đời có phải là phước đức ba đời không.
  • Rồi hai mụ lớn đâu không thấy?
  • Bà cả chỉ ở trong phòng, cơm ăn ba bữa tụng kinh gõ mõ cả ngày, chắc tụng bớt nghiệp cho ông Lam. Bà hai là bà Sương, bà này đáo để, thích hoạnh họe người mới nhất là với cô Hoe. Cô Hoe về đây chỉ khổ với bà này thôi vì cô vừa hiền, vừa đẹp lại còn giúp đỡ tụi con nhiều.
  • Ừ.
  • Mà chú tính ở đây hoài sao, tìm đường mà trốn đi, chú có nghề, có sức khỏe thì chôn thân ở cái nơi này làm gì. Tụi con do thiếu nợ nên làm mà trả đặng chúng lại phiền tới ba má con chứ không con đã cao chạy xa bay từ đời nào rồi.
  • Mày làm gì mà nợ? bài bạc à?
  • Con nào có bài bạc, năm trước con có chí làm ăn nên vay tiền ổng nuôi bầy trâu lớn, mới được vài tháng dịch đến trâu bò của làng chết hết nên cứ thế mà ôm nợ, ba má con già rồi làm gì ra tiền mà đền nên con gắng làm mà trả nợ thôi.
  • Ừ.
Cuộc đời vốn là những vòng luẩn quẩn, người dành hết cuộc đời chỉ để đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi duy nhất, người thì chấp nhận an phận như một lẻ biết điều.
Hôm sau nhà có thư mời từ gia đình bà Năm Bạo – đám mừng thọ bà cả, ông Lam mệt trong người nên bảo cô Hoe đi thay, sai chú Sáu đánh xe ngựa đưa cô đi. Chú nghĩ có khi đây là cơ hội để chú biết cho rõ ngọn ngành mọi chuyện, nếu đúng như cô Hoe là Linh thì chú có thể một mạch cao chạy xa bay với cổ.
  • Thằng Sáu đâu? – ông Lam giọng khàn khàn quát
  • Vâng, tôi đây.
  • Mày đánh xe đưa bà chủ đi cho cẩn thận, đến nơi nghỉ ngơi tầm 2 giờ sau mày đưa bà chủ về được rồi, không cần ngồi lâu.
  • Vâng.
Cô Hoe rất mộc mạc chỉ cần bộ đồ bà ba trắng được may bằng vải lụa thôi cũng khiến bao người ngước nhìn.
  • Đi thôi chú.
  • Vâng… cô.
Tầm này trời còn sớm, đám ở tỉnh ngoài đi cũng gần 2 giờ, cái tiết trời này khiến chú sáu nhớ lại ngày trẻ chú hay chở dì Linh trên chiếc xe đạp cụt, băng băng trên đường mòn còn dì chỉ biết ôm thiệt chặt người đàn ông này.
  • Chú đi nhanh một tí cả đến nơi trễ tiệc thành ra không hay.
  • Cô đừng lo, tui canh đúng giờ. Mà cô chủ…
  • Sao?
  • Cô có chị em ruột không cô?
  • Không.
  • Sao cô không lấy chồng dưới quê cho nó gần cha gần mẹ, lên đây xa xôi ha cô.
  • Tôi với chú chắc cũng gần tuổi nhau, chắc chú cũng hiểu rõ điều bản thân muốn và điều được làm nhiều khi không dính liếu gì đến nhau.
  • Vâng… mà cô. Nhà cô không có ai tên Linh sao?
  • Không có. Thôi chú tập trung lái đi.
Trên đời này lại có người giống người đến như vậy sao? Trời bỗng nhiên đổ cơn mưa xối xả, người chú Sáu ướt như chuột lột.
  • Chú nhìn bên đường có cái nhà nào thì ghé vào trú mưa, mưa to thế này chiều về lại cảm nước.
Vừa dứt lời chú Sáu thấy gần bờ ruộng có căn nhà bỏ hoang, mái hiên có thể trú được. Dưới cơn mưa, những hạt nước làm chiếc áo mỏng thấm sát vào da, chú vén bức màn của tấm cửa làm nước mưa lỏn tỏn văng vào bên trong chỗ cô Hoe đang ngồi.
  • Em có phải là Linh không? Em đúng là Linh mà, sao không nhận ra anh chứ?
  • Chú nói gì vậy?
  • Anh là chồng em đây, Sáu đây. Không thể có chuyện người giống người trùng hợp đến như thế. Cả cuộc đời này anh chỉ sống để mong em trở lại, em không nhớ chuyện gì trước đây sao?
  • Tôi là tôi, tôi chẳng việc gì phải nhớ việc trước đây. Tôi không biết người phụ nữ chú kêu Linh đó là ai, nhưng chắc chắn cô ấy không phải tôi. Tôi là Hoe.
  • Em nhìn này, có phải là em không? – Chú lấy từ trong túi ra một tấm hình cũ chụp chú và dì Linh. Nhìn chăm chú vào tấm hình, nhưng cô Hoe vẫn quả quyết đó không phải là cô.
  • Chú Sáu, phải nói sao cho chú biết tôi là trẻ mồ côi, từ nhỏ đến lớn tôi sống với cha mẹ nuôi, tôi lừa chú để được gì chứ.
  • Mồ côi sao?
Nói rồi, chú đứng bật dậy mặc kệ cơn mưa mỗi lúc một to hơn, chú cho chiếc xe rẽ qua lối khác, tìm đến một căn nhà nấp sau hàng tre ngà. Trời bây giờ đã tạnh hẳn nhưng những tia nắng cũng không sao có đủ dũng khí để len qua đám mây kia. Một căn nhà nhỏ được lợp bằng cỏ tranh, tường đất, kế nhà có cái chum dựa vào bụi chuối. Con chó què từ sau nhà chạy ra sủa om lên. Ngôi nhà bao trùm không khí trông thật ảm đạm. Cô Hoe bước ra với vẻ ngoài sợ sệt.
  • Chú đưa tôi đi đâu đây? Ông Lam mà biết chuyện chú coi như hết đời.
Chú Sáu có vẻ như không quan tâm những lời cô Hoe nói, gọi lớn.
  • Bà Phước có nhà không? Bà Phước ơi?
  • Ai đấy, đợi một lát.
Từ trong nhà, một bà già bước ra, miệng vẫn mãi chửi rủa mấy con chuột phá banh bao thóc giống của bà.
  • Ớ, thằng Sáu, mày đi đâu đây?
  • Bà vẫn khỏe chứ ạ?
Nhìn sang bà bỗng giật mình vì trông người phụ nữ giống dì Linh quá.
  • Cô Linh… cô Linh… cô đây… Có chuyện gì đây Sáu?
  • Bà bình tĩnh, thật ra con lặn lội đến đây mong được hỏi bà việc này. Đây là cô Hoe…bà chủ của con.
  • Bà chủ?
  • Vâng, chuyện thì dài dòng nhưng con chỉ muốn hỏi bà rằng có điều gì mà từ trước đến nay con chưa biết về Linh. Bà là người kề cận chăm sóc Linh từ tấm bé.
  • Tôi giống cô Linh đó lắm sao? – Cô Hoe tay vân vê tà áo, đôi mắt lộ sự lo lắng liệu rằng có một thân phận nào khác về cô.
  • Cô là con nuôi của ba mẹ cô phải không? – Bà Phước buôn những lời một cách thản nhiên.
  • Bà là ai? Sao lại biết về tôi? – Mắt cô Hoe dần đỏ lên.
  • Thật lòng xin lỗi cô… xin lỗi cô.
  • Bà nói gì vậy?
Chú Sáu dùng hai tay đỡ bà, vì chân bà đứng không vững nữa.
  • Quả thực sự dối trá thì không thể nào được chôn giấu mãi. Tôi ngày xưa là người kề cận bà chủ, tức là mẹ của cô, chăm sóc bà cho đến ngày bà chuyển dạ. Bao nhiêu năm chờ đợi một đứa con nối dõi tông đường, bà chủ lại sinh ra hai đứa con gái, chính là cô và cô Linh. Nhưng trước khi sinh bà chủ đã sai tôi đổi một đứa bé trai nếu không ông chủ sẽ đuổi mẹ con bà ra khỏi nhà. Sự tình đã thế, tôi chỉ biết cắn răng mà làm, mặc dù tin nhân quả nhưng phận đầy tớ thì sao dám cãi lời.
  • Chị em? Tôi có gia đình…và họ bỏ tôi.
Cô Hoe ngồi thụp xuống đất, nước mắt của những ngày tháng cô đơn thôi không cần kiềm nén nữa mà tuôn như nước đổ.
Giờ đây, sự tình đã đành, mọi thứ trở về con số không, chú Sáu cảm tưởng như bản thân lại mất vợ một lần nữa, nỗi đau cũng không khác mấy, nhưng những nổi niềm về sự nhen nhóm một hy vọng nào đó dường như đã tắt ngỏm đi, rồi biến mất. Và giờ đây khi chú Sáu đang như chết dần và nghĩ về việc sẽ trở về chiếc ghe rồi tìm một miền đất mới, bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng chú đã không hay biết rằng trên chiếc ghe nhỏ chông chênh ở quê nhà có một người phụ nữ đang đứng ôm con chờ chồng.
Hai hôm sau chú trở về, nhìn từ xa là hình ảnh dì Linh và cu Lượm, chú chẳng tin vào mắt mình rằng đó chính là dì Linh. Bà con lối xóm kéo nhau đến, hỏi về tung tích rằng dì đã đi đâu, và sự việc năm xưa là như thế nào? Dì kể đó là do mẹ dì, bà luôn muốn dì rời xa chú Sáu nên sai người đến dựng hiện trường như một vụ cướp giết để chú thôi hy vọng vui sống cùng dì. Nhưng thời gian, thời gian là thứ khiến con người thay đổi con người. Cu Lượm càng lớn nó càng giống chú Sáu, có thể vậy đã khiến bà đổi thay.
Sự bỏ rơi, sự chối bỏ chưa ba giờ là điều dễ dàng được chấp nhận và thứ tha thế nhưng cô Hoe lại khác, cô bảo với dì Linh rằng “chị hai, em không chắc bản thân mình đủ cao thượng để tha thứ cho má, nhưng với chị, em rất vui vì biết trên đời này em không một mình. Đôi khi những lỗi lầm xảy ra chỉ bởi tại một số thời điểm nó phải như thế.”
Giờ đây mọi thứ vẹn tròn tuy không hoàn hảo nhưng vừa đủ.Thế đấy, nhiều người không tin vào tình yêu, nhưng với chú Sáu và dì Linh thì tình yêu là có thật, là sự chờ đợi, tin yêu và hy vọng.