VIII. Lý giải cụ thể về thần thông trên cơ sở các phương pháp luận.

Sơ đồ lý giải cơ chế thi triển thần thông. Hãy luôn nhìn lại sơ đồ mỗi khi đọc xong một đề mục nhỏ của chương VIII
Sơ đồ lý giải cơ chế thi triển thần thông. Hãy luôn nhìn lại sơ đồ mỗi khi đọc xong một đề mục nhỏ của chương VIII
Phần 2 mang tính chuyên sâu, các bạn nên phần 1 trước, giải thích và lập luận cơ bản về thần thông.
Đây là đề mục mà ở phần II bài viết thứ nhất giải thích sơ bộ về thần thông đã nhắc tới, đề mục VIII này tác giả sẽ giải thích rõ nguyên lý của thần thông, trên cơ sở sử dụng các phương pháp luận của Phật giáo kết hợp với các suy luận logic khác. Đề mục này cũng là đề mục chứa nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực hành giáo pháp nhất của tác giả, rất mong bạn cố gắng để tư duy và có cho mình những trải nghiệm gần với chân lý nhất.
Có 3 vấn đề cần giải quyết để lý giải cho thần thông. 
1. Tâm ( tâm trí, tâm thức, ý thức ) của con người thực tế có bản chất như thế nào
2. Thế giới hữu hình (hữu hình lớn nhất mà ta có thể ý thức qua các môn học là vũ trụ) và thế giới vô hình bản chất là gì
3. Tìm được sự liên hệ giữa tâm của con người và thế giới (hữu và vô hình) là gì và làm sao có thể tác động lẫn nhau được, khi đó sẽ trả lời được câu hỏi tại sao có thần thông. 
Bằng việc sử dụng thật tướng luận và duyên khởi luận làm cơ sở, tôi sẽ giải thích khái quát vấn đề như sau:
1. Vũ trụ và tâm của chúng ta có cùng một bản chất đó là chân như, bất biến, vĩnh hằng. Và thực tại vũ trụ thông qua dòng chảy của nghiệp lực và duyên khởi tạo ra hiện tượng giới.
2. Hiện tượng giới lại có sông núi, ao hồ, vạn vật và cả “con người” (“con người” ở đây chưa hoàn hảo vì mới chỉ có đến ý thức - 6 trên tổng số 8 thức mà thôi). Tất cả mọi thứ bên trong hiện tượng giới đều chịu quy luật vô thường (thành, trụ, hoại, diệt) và bị giới hạn bởi không thời gian. Cho nên nhận thức của con người cũng là sản phẩm của hiện tượng giới, điều này lý giải vì sao khoa học (sản phẩm của ý thức con người) chỉ có thể lý giải được các hiện tượng trong phạm vi hiện tượng giới.
3. “Sự liên hệ” giữa con người với vũ trụ có được là nhờ các bậc thiền định cấp cao, sinh ra “liên hệ” với A lại da thức, từ đó sinh ra liên hệ với bản chất của tâm và vũ trụ. (liên hệ trong ngoặc kép vì A lại da thức đã là một phần của chúng ta, chỉ là chưa được nhìn thấy chứ không phải là của một cái gì khác mà cần phải liên hệ)
4. Sau khi có được “sự liên hệ” với bản chất của vũ trụ rồi thì dùng chính công cụ tạo nên hiện tượng giới là nghiệp lực để tác động lại nó một cách chủ quan và siêu hình, từ đó có thể có được các thần thông.
Ở đây sẽ nảy sinh các câu hỏi của bạn đọc như sau:
1. Tại sao khoa học lại không thể giải thích được các hiện tượng này mà cần dùng phương pháp luận khác, giới hạn của khoa học ở đâu ?
2. Hiện tượng giới là gì? Thực tại của vũ trụ và tâm là chân như, vậy nó là gì ?
3. Công cụ kiến tạo nên hiện tượng giới là nghiệp lực, duyên khởi. Vậy nghiệp lực và duyên khởi là gì và nó đóng góp vào sự tạo thành thế giới xung quanh như thế nào ?
4. Lý giải về sự hình thành của vũ trụ ?
5. Tâm của con người gồm 8 thức là gì, A lại da thức là gì và sự chuyển thế diễn ra thế nào ?
6. Giải thích về niệm và định. Làm cách nào hành giả có thể dùng ý thức tác động được lên hiện tượng giới và tạo ra thần thông và nguyên lý tu tập ?
7. Thần thông có thật không và khái quát cuối cùng về nó

Trả lời:

Câu hỏi 1: Tại sao khoa học không thể sử dụng để giải thích thần thông ?
Cần nói về sự giới hạn của khoa học kĩ thuật, giới hạn đó nằm ở không gian, thời gian mà lằn ranh của nó là tốc độ ánh sáng. 
Chúng ta sẽ xem xét kĩ hơn cách khoa học nhìn nhận về vũ trụ và con người để thấy được sự giới hạn của nó
Hãy bắt đầu nói về vũ trụ, thực tại lớn nhất và là giới hạn thế giới quan hữu hình của con người. Những lý thuyết vật lý đều được xây dựng dựa trên sự bất biến của không gian và thời gian. Cho đến khi thuyết tương đối ra đời và chúng ta đã thấy được thời gian có thể bị dãn nở và không gian có thể bị thu nhỏ (vật chất chuyển động càng tiệm cận tốc độ ánh sáng sẽ càng bị nhỏ lại và nó nhỏ đến khi “nhỏ mà chẳng có bề trong”, thì nó biến thành phi vật chất, hư thể). Tốc độ ánh sáng chính là giới hạn của vật chất và là ranh giới giữa vật chất và phi vật chất. Đồng thời thuyết tương đối cũng nói về sự liên hệ giữa vật chất và năng lượng (phi vật chất) và tính tương đối của không thời gian, mở ra cho chúng ta một nhận thức khác về thế giới, có nghĩa chúng ta luôn bị khóa chặt trong không thời gian và thuyết tương đối cho thấy phần nào những thứ ngoài giới hạn đó.
Chúng ta thấy các nghiên cứu về vũ trụ chỉ dừng lại ở mức vật chất và những gì hữu hình. 
Chính vì thế nên khoa học bất lực trước việc lý giải về bản chất của con người và vũ trụ. Tất cả chỉ đang dừng ở giả thuyết, rằng vũ trụ bắt nguồn từ vụ nổ Big Bang, và nghiên cứu về con người thì cũng mông lung như thế, đến việc trả lời một câu hỏi ta là ai, ta đến với thế giới này để làm gì, tâm thức của con người là gì, sẽ đi về đâu sau khi chết cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các triết gia. Đến Darwin khi nói về thuyết tiến hóa của mình, ở chương cuối cũng đề cập đến việc học thuyết chưa hoàn thiện và đến ngày sẽ cần thêm sự nhận thức mới để sáng tỏ. Einstein cũng nói rằng, điểm cuối cùng của khoa học là điểm bắt đầu của tôn giáo (giới hạn của những nghiên cứu hữu hình dừng lại ở tốc độ ánh sáng và phía sau nó là những thứ vô hình). Ông cũng nói :”Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học” 
Vậy tại sao khoa học lại không thể đi xa hơn được nữa. Bởi vì khoa học ở trong một cái giếng, nó là thực thể, những gì ngoài miệng giếng là hư thể, ở đây không phải phê phán khoa học, mà là giới hạn của nó là ở đó, như khi ở trong giếng thì ngó nghiêng thế nào cái vòm trời ấy cũng chỉ có như vậy. Không thể dùng một học thuyết vốn bị giới hạn bởi không thời gian để nghiên cứu một thứ nằm ngoài không thời gian được. Ta cần dùng một học thuyết rộng hơn, đứng bên ngoài cái giếng để thấy được sự thật. 
Ở đây, bởi vì thực tại vũ trụ tạo ra hiện tượng giới, có ý thức con người trong đó, con người lại dùng ý thức này để tạo ra khoa học, nên dùng khoa học để lý giải cho thực tại vũ trụ là không thể. Vì không thể dùng thành phần để lý giải cái tổng quan được, nó không mang đầy đủ đặc tính của cái tổng quan.
Câu hỏi 2: Thực tại vũ trụ và tâm là chân như có nghĩa là gì ? (dùng cơ sở Chân như luận để trả lời)
Bản chất của vũ trụ và bản chất của tâm là chân như, chân như tùy duyên thì sinh ra hiện tượng giới. Hiện tượng giới (còn gọi là các pháp) là chính bản thân chúng ta, những gì chúng ta đang thấy ở xung quanh, nhà cửa, sông núi, ao hồ, các hành tinh, mặt trời, vũ trụ. Và cũng bao gồm tất cả những gì chúng ta có thể ý thức được và biết được, bao gồm ngôn ngữ, kiến thức, khoa học, triết học,... Hay có thể nói hiện tượng giới là vũ trụ mà bạn có thể trông thấy và ý thức được. Vũ trụ chỉ là phản ánh của Thực tại vũ trụ mà thôi, không nên nhầm lẫn hai khái niệm này.
Như vậy, bản thân mỗi chúng ta là sản phẩm của thực tại vũ trụ, tức chân như (thực tại vũ trụ ý nói sự tồn tại thực sự của vũ trụ và không chịu sự chi phối của quy luật vô thường). 
Tuy vậy tâm của chúng ta lại có cùng bản chất với vũ trụ thực tại, tức là cũng bất biến bất diệt. Chỉ có phần thân xác và ý thức là chịu quy luật vô thường này, lát nữa đọc về cấu tạo của tâm ở câu trả lời phía dưới bạn sẽ hiểu.
Không thể diễn tả chân như là gì được, bởi vì ý thức đang suy nghĩ của con người đây và cả ngôn ngữ đều là sản phẩm của nó. Ví dụ: Con cái khi còn nhỏ, bị cha mẹ đánh mắng thì thường giận hờn hay buồn tủi vì không tài nào hiểu được ý nghĩ của cha mẹ mình. Dần dần đứa bé lớn lên, biết thông hiểu cho cha mẹ hơn nên không còn cãi lời khi bị đánh mắng nữa. Đến khi lập gia đình và sinh con đẻ cái, lúc đó tự khắc hiểu được ý nghĩ năm xưa của cha mẹ. Đứa bé đó chính là chúng ta, cha mẹ chính là thực tại của vũ trụ, quá trình lớn lên và thấu hiểu đó chính là quá trình tu tập. Thông qua sự tu tập, con người dần dần loại bỏ vô minh và thấy được chân như (chân lý). Cũng làm cho tâm được lộ rõ và trở về với bản chất chân như của nó. 
Tuy vậy, có thể dùng ngôn ngữ để nói về nó như sau: chân như là chân thật, không giả dối, một thực thể không biến đổi, không sanh diệt, không còn mất, vô thỉ vô chung, sáng suốt, có đủ tất cả những diệu dụng đức tánh. Chân như là mặt khác của hiện tượng giới, không chịu quy luật vô thường hay không thời gian hay bất cứ quy luật nào.
Việc dùng ngôn ngữ này như vẽ lại một bức tranh về chân như nhưng nó không phải là chân như. Phật pháp giống như phương hướng để nhìn thấy chân như. Tự bản thân chúng ta phải tu tập, thể nghiệm thì mới tự nhìn thấy và nhận thức được về chân như. Thế nên nói các bậc tu luyện chứng đắc có trí tuệ vô hạn và nhìn thấu được chân lý là vậy. 
Câu hỏi 3: Nghiệp lực và duyên khởi là gì và nó thúc đẩy sự luân hồi, tạo thành thế giới xung quanh ra sao (dùng cơ sở nghiệp cảm duyên khởi luận để trả lời)
Ở phần II, tác giả chỉ nói yếu tố tạo thần thông là nghiệp lực, lược bỏ đi sự giải thích về duyên khởi để cho độc giả dễ đọc hơn do đỡ phải nắm bắt quá nhiều khái niệm. Trên thực tế, sự hình thành của các pháp đều do nghiệp và duyên, thần thông cũng nằm trong số đó.
Thực tại vũ trụ thông qua nghiệp và duyên để tạo nên hiện tượng giới, vậy nghiệp và duyên là gì. Nghiệp là một ý nghĩ, cảm xúc khởi lên trong tâm trí, hoặc một lời nói hay hành động bất kì. Ví dụ như việc bạn lặp đi lặp lại hành động tập thể dục vào một thời điểm cố định. Sau một thời gian, bạn sẽ có ý muốn tập thể dục vào đúng khoảng giờ đấy. Vì cái nghiệp tập thể dục, ý nghĩ tập thể dục đó có sức mạnh thúc đẩy chúng ta làm việc đó cho nên nó được gọi là nghiệp lực. Thời tiết thích hợp, cơ thể bạn không ốm yếu, và các điều kiện khác thỏa mãn việc đi tập thể dục là đủ duyên. Ví dụ như hiện tại, khi có chỉ thị 16 thì việc nghiệp lực vẫn thúc đẩy bạn đi ra ngoài tập thể dục nhưng duyên thì không cho phép, cho nên hành động đó không diễn ra. Hay ví dụ như có khi khi chỉ cần một ý nghĩ tham lam nổi lên trong đầu, nhiều năm về sau có thể dẫn đến hành động trộm cướp khi thời cơ thích hợp tức đủ duyên, đó là nghiệp xấu, tạo nên ảnh hưởng xấu. 
Tất cả các việc chúng ta làm và suy nghĩ đều tạo ra nghiệp; nghiệp lực sẽ thúc đẩy chúng sinh tiếp tục luân hồi cho nên mới có việc chuyển thế bao gồm có chánh báo là thân ta và y báo tức là thế giới xung quanh ta. Thế giới, vũ trụ, các hành tinh sở dĩ có là có một cách tương đối với thân ta mà thôi. Khi nghiệp lực của bạn đưa bạn chuyển thế thành người thì bạn sẽ nhận thức về thế giới như bạn đang thấy bây giờ. Nhưng khi nghiệp nhân và nghiệp quả biến đổi, nhận thức của bạn cũng sẽ thay đổi. Ví dụ như khi tạo nghiệp dữ, khi chuyển thế thì bạn sẽ thấy cảnh giới xung quanh mình đã khác đi rồi, Phật giáo gọi nơi đó là A tỳ địa ngục, có sa mạc và lửa thiêu. Tóm lại, vũ trụ hữu hình biến đổi theo tầm mắt và sự hiểu biết của chúng sinh.
Câu hỏi 4: Sự hình thành của vũ trụ ( dựa vào duyên khởi luận để trả lời)
Qua các lý giải trên cũng đồng thời trả lời được câu hỏi về sự hình thành của vũ trụ. Thực tại của vũ trụ là chân như, tùy duyên sinh ra vạn hữu. Chính vụ trụ cũng có những nhân quả của nó (ví dụ như sự chuyển hóa vật chất và năng lượng, hay sự chuyển hóa giữa các chất với nhau do tác nhân nào đó) kết hợp với nghiệp lực ở cảnh giới người cho nên hình thành vũ trụ vạn hữu như chúng ta đang thấy. Sẽ có người hỏi rằng đâu là điểm đầu tiên của các nhân duyên. Câu hỏi này có là do ý thức của chúng ta đang hoạt động, mà ý thức thì thuộc về hiện tượng giới, dùng một thứ thuộc về hiện tượng giới để giải thích và suy luận về một thứ nằm ngoài hiện tượng giới thì là điều không thể (xem lại giải thích về chân như và ví dụ về đứa bé và cha mẹ ở phía trên). 
Tuy nhiên có thể hình dung sơ lược bằng ngôn ngữ về chân lý duyên khởi như sau, nói rằng nhiều nhân sinh ra quả, nhiều quả lại làm nhân của một quả khác, hoặc có khi một nhân sinh ra nhiều quả,... đó là một vòng lặp liên tục như một vòng tròn vậy, không có đầu cuối, chỉ có vì lý do nghiệp lực của chúng sinh còn mà còn tồn tại, sinh ra vạn pháp. Chọn một nơi là điểm bắt đầu thì nơi đó có thể là kết thúc của một khoảng khác, cho nên mới nói thực tại của vũ trụ là chân như, mang tính hằng khởi và thường hằng, không đầu không cuối, không sinh không diệt (chân như là gì xem câu hỏi số 2)
Câu hỏi 5: Bát thức của con người, A lại da thức và sự chuyển thế
Giải thích về tâm của con người và tìm sự liên hệ giữa ý thức với tâm và với vũ trụ
( sử dụng A lại da thức luận làm cơ sở trả lời câu hỏi)
Tâm của con người bao gồm 8 thức (bát thức)
5 thức đầu là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức (công năng phân biệt của thính giác, khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác), kết hợp với lục thức là ý thức (suy nghĩ, cảm nhận, cảm xúc) để tạo nên ý nghĩ và nhận thức của con người về thế giới xung quanh. Lục thức này là bản thân chúng ta đang có mặt, đang suy nghĩ ở thế giới hữu hình, là bạn đang đọc bài viết này và chịu quy luật vô thường, có sinh có diệt.
Ở phần trên có nói sau khi chết, nghiệp lực sẽ tiếp tục thúc đẩy chúng sinh luân hồi. Vậy nếu lục thức đều chịu quy luật vô thường thì sau khi chết, nghiệp lực thúc đẩy cái gì đi luân hồi, ở đây là bát thức.
Thất thức là Mạt na thức (là ý thức về một cái tôi đang tồn tại, ví dụ như nói tôi đang buồn thì ý thức về buồn là của lục thức còn cảm nhận có một cái tôi đang buồn là của thất thức, chính thất thức này tạo nên tự ngã và sự bám víu của con người với cái ngã của mình) và bát thức là A lại da thức (có chức năng lưu giữ tất cả các nghiệp và phát khởi các nghiệp đó theo các duyên thích hợp để tạo nên hiện tượng giới, nói như vậy nó cũng bao gồm cả ý thức, ghi nhớ luôn cả những điều chúng ta nghĩ, chúng ta nhớ, và cả quên đi nữa) làm con người tiếp tục tái sinh sau khi chết.
Trong bát thức thì lục thức đầu (ngũ thức và ý thức) tuân theo quy luật vô thường (thành, trụ, hoại, diệt), khi chết thì ý thức về kiếp này bị mất, đến khi tái sinh thì chúng ta hoàn toàn không thể nhớ được những gì thuộc kiếp trước là vì vậy, ý thức chúng ta đang nằm trong hiện tượng giới nên vẫn chịu quy luật của nó và giới hạn của không thời gian. Tuy nhiên A lại da thức thì không như vậy, nó là hằng khởi (hiển nhiên có mặt và khởi đầu từ thuở ban sơ) và thường hằng (tồn tại như một lẽ đương nhiên), chính vì thế nó lưu giữ tất cả các pháp (pháp là một cách nói tương đương với thực tại hữu hình, hiện tượng giới) các nghiệp của bạn. Đôi khi đi ngủ, khi ý thức đã ngừng hoạt động thì chúng ta vẫn mơ thấy những sự kiện mình có thể đã hoặc chưa trải qua bao giờ, có thể mơ thấy tương lai, quá khứ. Bởi vì khi đó A lại da thức vẫn hoạt động, có thể nhìn thấy quá khứ tương lai và trải nghiệm cảm thọ y như thật là vì nó thâu nhiếp tất cả các nghiệp của bạn và nó không chịu quy luật không thời gian. Đó cũng là các đặc tính tương tự với thực tại vũ trụ, vì thế nói A lại da thức là sợi dây kết nối chúng ta với thực tại vũ trụ cũng không sai.
A lại da thức có công dụng thu gom các hạt mầm là các nghiệp của bạn, khi đến vùng đất thích hợp thì khiến cho các nghiệp phát khởi, giống như cây mọc lên từ hạt giống vậy. Vũ trụ tương tác với tâm của con người được bởi vì chúng có cùng bản chất là chân như. Bản thân vũ trụ có các duyên của riêng nó, giống như vùng đất mà A lại da thức sử dụng để gieo các nghiệp vậy, hai điều này kết hợp lại tạo nên hiện tượng giới và thân xác, ý nghĩ của chúng ta đây.
Tổng kết: trong tâm của con người có A lại da thức, A lại da thức lại có cùng tính chất với vũ trụ, là chân như, là bất biến, không chịu quy luật không thời gian. Vậy thì ta phải tìm cách sao cho ý thức (cái ta đang dùng để đọc bài và suy nghĩ đây) nhận thức và sử dụng A lại da thức bên trong tâm mình nhằm mục đích đồng nhất (có cùng bản chất) với vũ trụ.
Câu hỏi 6: Từ ý thức đến thần thông và nguyên lý tu tập 
Vũ trụ và tâm của chúng ta có cùng bản chất, là chân như, và liên hệ giữa vũ trụ và con người là liên hệ 2 chiều, phụ thuộc vào nghiệp và nghiệp lực. Chân như thì có khả năng tạo nên thực tại hữu hình bằng nghiệp lực.
Thông qua các bậc thiền sâu hơn, chúng ta có thể tìm thấy A lại da thức đang hiện hữu và tìm về bản chất của tâm là chân như, bản chất này đang bị tham ái và chấp thủ che mờ. Sau khi tìm về bản chất của tâm rồi thì chúng ta sẽ tác động lại thực tại giới bằng một dòng nghiệp lực nào đó để sinh ra sự biến đổi chúng ta muốn. Điều này tương tự như cách thực tại của vũ trụ là chân như kiến tạo nên mọi thứ nhờ vào dòng nghiệp lực của chúng sinh vậy. 
Ở giai đoạn này, hành giả khai mở bản chất thật sự của tâm, chính là giống như vũ trụ, có thực tại là chân như. Và vì chân như thông qua nghiệp lực để tạo nên vũ trụ hiện hữu nên bản thân người hành giả cũng có thể làm như vậy để hiện thực hóa thần thông muốn thực hiện. 
Thực ra mà nói, để thi triển thần thông thì cần một ý niệm mạnh và tập trung siêu việt, để tạo nên một nghiệp lực đủ mạnh. Hầu hết chúng ta thiếu tập trung vì tâm bị phân tán vào tham ái, chấp thủ, và tuệ giác chưa đủ mạnh để ý thức rõ nguyên tố hay cái ta muốn tác động vào là như thế nào nên mới không thể thi triển được
Việc thiền tập nhằm 2 yếu tố, 1 là tăng sự tập trung, 2 là tăng sự ý thức về các nguyên tố hay đề mục để thi triển thần thông
Điều kiện để chứng đắc ngũ thông là cần chứng đắc tứ thiền sắc giới và tứ thiền vô sắc giới, thông thạo 10 đề mục kasina và sử dụng năng lực của niệm, thâm định (nhập định sâu). Giải thích 4 khái niệm này rõ thì rất dài nên tôi sẽ chỉ nói khái quát. (Xin lưu ý là điều kiện chứng đắc lục thông thì thiền tập tứ niệm xứ để đạt tới niết bàn và có lậu tận thông, đạt được giải thoát, còn phạm vi trả lời ở đây chỉ nói về chứng đắc ngũ thông, không bao gồm lậu tận thông thì có các đề mục tu tập như bên dưới)
Trong quá trình thiền tập từ tầng đầu tiên là sơ thiền đến tứ thiền sắc giới. Hành giả cần loại bỏ đi các cảm giác về dục, về tham ái, chấp thủ (tham, sân, si, mạn, nghi, vô minh) - là nguyên nhân gây mất tập trung và hướng sự tập trung của mình vào một đề mục thiền nhất định. 
Ở đây là kasina là một đề mục thiền như thế. Hình dáng ban đầu của nó là một chiếc đĩa được tô màu sao cho mang nguyên tố (hoặc là đất, hoặc là nước, lửa, gió), mang màu sắc (vàng, xanh, đỏ, trắng, đen) và mang tính chất (có, không). Những bậc thiền thấp thì hành giả hướng sự tập trung vào kasina và khắc họa nó trong tâm trí, những bậc cao hơn thì loại bỏ kasina và chỉ giữ lại ấn tượng về đặc tính mà nó mang nhưng vẫn duy trì sự tập trung, ở đây ví dụ về đặc tính là nước, bậc thiền cao hơn nữa (tứ thiền vô sắc giới) thì mở rộng đặc tính trong tâm về nước ra vô biên vô hạn như vũ trụ, tùy ý thu phóng. Đạt đến cảnh giới này thì đã có được sự đồng nhất của ý thức với bản chất tâm và sự tập trung hướng vào một đặc tính của vũ trụ là nước. Sự tập trung của hành giả hướng vào tất cả và vào không gì cả (vì lúc này đã không còn ấn tượng kasina trong ý thức)
Cứ như vậy quá trình thiền tập, hành giả cần phải thông thạo xuất nhập các cảnh giới thiền và chuyển đổi qua lại giữa các đề mục kasina.
Định là một năng lực giúp sự tập trung diễn ra một cách cố định và mạnh mẽ, niệm là một năng lực giúp kiểm soát sự tập trung. Và 2 năng lực này được mở rộng và tăng cường, đồng thời trở nên tinh mịn hơn rất nhiều qua các cảnh giới thiền đã nêu ở trên.
Như đã giải thích ở trên, muốn tác động vào hiện tượng giới, ta cần làm 2 điều, một là đồng nhất ý thức với bản chất của tâm và vũ trụ, hai là dùng nghiệp lực tác động lên hiện tượng giới.
Đạt đến tứ thiền vô sắc giới thì bất kì đề mục kasina nào cũng đã được mở rộng ra đến tầm vũ trụ và khi ấy ý thức cũng đồng nhất với bản chất tâm và vũ trụ, cho phép ta tác động lại hiện tượng giới.
Lưu ý về nghiệp rằng bất cứ ý nghĩ nào cũng là nghiệp, lực của nó là độ mạnh yếu, bằng năng lực thâm định và niệm ở tầng thiền cao, ta hoàn toàn có thể biến ý nghĩ của mình thành một dòng nghiệp lực đủ mạnh để tác động lên thực tại. Ở cảnh giới đó, chẳng hạn như khi nhập vào tứ thiền sắc giới và dùng thâm định để hiện thực hóa ý thức về đất để trở thành nước, khi đó hành giả sau khi thoát khỏi thiền có thể tự do bơi lội được, muốn người khác cũng như mình thì cần thêm ý niệm đến bản thân họ nữa. Tương tự với các đề mục khác như khi đọc tâm trí người khác, thì hướng đề mục kasina ánh sáng vào đối tượng và làm mạnh mẽ ý nghĩ của bản thân về việc thâm nhập vào ý thức của họ. 
Vẫn có thể thi triển thần thông ngay cả khi không thực hành thiền tập, ví dụ như người quá sân hận, có thể gây nên cảm giác áp lực và sợ hãi cho người khác ở gần họ mặc dù hai người không trực tiếp đối mặt nhau. Là vì sự tập trung ở đây được hướng vào đề mục sân hận, cũng có thể tạo nên nghiệp lực đủ mạnh để tác động đến ngoại giới. Nhưng tác động này là không thể kiểm soát, nhất thời và gây tác động xấu về sau nên không ủng hộ tu tập. Phật giáo gọi là tà đạo hay là không thuộc chánh pháp
Câu hỏi 7: Thần thông có thật không và khái quát về nó
Bạn đọc khi xem đến đây cũng đã hiểu được cách thức và nguyên lý của thần thông.
Khái quát và nói ví von như sau
Thực tại vũ trụ thông qua nghiệp duyên để tạo nên vạn pháp, bằng cách thiền tập để đưa ý thức đồng nhất với tâm trong sáng. Tâm trong sáng lại có bản chất giống như thực tại vũ trụ.
Nên nếu nói ở cảnh giới cao nhất, bạn cũng chẳng khác gì vũ trụ với quyền năng tác động lên vạn pháp thông qua nghiệp duyên cũng không ngoa chút nào. Lúc này thần thông đối với hành giả chỉ là một ý niệm mà thôi. Nhưng ý niệm đó có sự tập trung, chuyên chú cao độ lại có sự trải dài rộng vô hạn.
Vậy câu hỏi ở đây không phải là thần thông có thật không mà là đã có ai đạt được cảnh giới đó hay chưa. Câu trả lời là có, đó là Đức phật và các bậc A la hán, Bồ tát, tất cả đều đã được ghi trong kinh điển. Và các phương pháp tu tập này hoàn toàn logic và khoa học, đã có nhiều người chứng đắc như các bậc Đạt Lai Lạt Ma, ở hiện đại thì có thiền sư Ajahn Chah, bà DIpa Ma, thiền sư Munindra, thiền sư Goenka, hay ở việt nam có thiền sư Thích Nhất Hạnh,... đều đã chứng đắc cảnh giới A la hán. Còn việc các ngài tại sao lại không thi triển thần thông cho đại chúng thì mời bạn quay lại các phần trên đọc các mục về ý nghĩa, công dụng của thần thông, tác hại của nó.