Khi cuộc sống rơi vào sự mất kiểm soát và hỗn loạn, những điều tồi tệ liên tục xảy đến như thiên tai, dịch bệnh,.... thì ta thường nghĩ : “Có phép màu nào cứu rỗi được sự đau khổ nơi tâm can con người, có phép màu nào giúp ta thấu triệt được những điều quá khứ vị lai, giúp chúng ta vượt ra khỏi giới hạn không thời gian?”
Chúng ta muốn biết trước tương lai để tránh né khó khăn, muốn đọc suy nghĩ người đối diện với nhiều lý do, lại muốn biến ra vàng bạc, tiền tài để giàu sang,.... Làm cách nào để có những năng lực này trong thực tế, thực hành triết học, tu tập đạo pháp sao ? Đúng thật là như vậy, nhưng cơ sở là gì và liệu thần thông có cứu rỗi con người khỏi khổ đau như ta mong cầu chăng ?
Thần thông là hoàn toàn có thật và có thể tu tập.
Ở đây, nhiệm vụ của tôi là sẽ giúp các bạn giải đáp các vấn đề: có những phép lạ hay thần thông nào, dùng cơ sở lý luận chứng minh nó có thật và có thể tu tập, thần thông được sử dụng trong thực tế bởi tác giả là tôi đây ra sao, ý nghĩa của thần thông là gì, nó có mang lại hạnh phúc không và phương pháp tu tập thần thông. Còn nhiệm vụ của các bạn trong khi theo chân các trải nghiệm triết học của tôi là phải tự trả lời cho bản thân mình câu hỏi lớn và quan trọng hơn rất nhiều so với thần thông. Đó là ý nghĩa của việc thực hành triết học, đạo pháp là gì ? Ngoài việc áp dụng để tu tâm dưỡng tính nhằm mục đích mang lại hạnh phúc, bình yên cho bản thân từ bên trong, thì phải chăng ý nghĩa tối hậu hơn cả là việc chúng ta ứng dụng thành quả của nó thế nào để giúp đỡ được mọi người giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, để họ cũng hạnh phúc như bản thân ta ?
Hãy để tâm đến câu hỏi đó, còn bây giờ quay lại vấn đề đang được đề cập. Chúng ta sẽ đi qua từng đề mục để có cái nhìn toàn diện về thần thông.
I. Giới thiệu về thần thông.
Thực hành triết học, cụ thể hơn là Phật pháp thì ít nhiều chúng ta đều có nghe nhắc đến thần thông (thần: không thể lường được hoặc mang ý nói thần thánh ; thông: thông suốt, không có gì ngăn trở được). Có 6 loại thần thông (lục thông) như sau:
1. Thiên nhãn thông: Người chứng đắc đến tận cùng có thể nhìn thấy sự vật, sự việc ở bất cứ đâu bất cứ thời gian nào. Nhìn được mọi vật ở địa cầu và các thế giới khác (Tam thiên Đại thiên thế giới) mà không bị cản trở (Từ Địa ngục cho tới Cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ). Nhìn được quá khứ, vị lai, sự việc trong quá khứ và sự chuyển thế trong tương lai của chúng sinh (Vị lai phần trí), nhìn được sinh tử luân hồi, các nghiệp lực đưa chúng sinh đến đâu (Tùy nghiệp thú trí). Đệ tử giỏi thiên nhãn thông nhất của Đức Phật là A-na-luật.
2. Thiên nhĩ thông: Tương tự như thiên nhãn thông nhưng là khả năng nghe.
3. Tha tâm thông:Người chứng đắc tha tâm thông thì mọi suy nghĩ, cảm xúc trong tâm trí của chúng sinh họ đều rõ thấy, rõ biết hết. Tuy nhiên nó có một giới hạn là không để biết được tâm trí của người có cảnh giới thiền tập cao hơn.
4. Túc mạng thông: Người chứng đắc có thể nhìn thấy tiền kiếp của bất kì chúng sinh nào, tất cả các việc thiện và ác mà họ đã làm trong vô số kiếp trước.
5. Thần cảnh thông: Đây là cảnh giới kỳ diệu không thể nghĩ bàn. Người chứng đắc cảnh giới này có thể tùy ý biến hóa không ngăn ngại, tác động lên thực tại hữu hình và vô hình. Tu sĩ vì có thể tự do điều khiển 4 nguyên tố: đất, nước, lửa, gió theo ý mình, nhờ đó có thể bay trên không: chuyển hóa không khí thành vững chãi như đất, chuyển hóa bất cứ thứ gì thành vàng bạc châu báu,.... Có năng lực di chuyển tự do trong tam giới và ngoài tam giới. Ngoài ra nó còn bao gồm năng lực tác động lên những thứ vô hình như tâm trí của người khác.
6. Lậu Tận Thông: Đây là quả vị chứng đắc, vĩnh viễn ra khỏi sinh tử luân hồi. Người tu hành đắc được quả vị này trở thành bậc A La Hán. (5 loại thần thông trước thì đã có nhiều người có thể làm được nhờ việc đạt tới một cảnh giới thiền định được gọi là tứ thiền sắc giới - sẽ giải thích ở phần sau. Hãy ghi nhớ công dụng của lậu tận thông vì nó là thần thông tạo nên sự khác biệt của Phật giáo so với các giáo pháp khác, giúp đưa con người ta ra khỏi vòng luân hồi, sinh diệt.)
II. Giải thích sơ bộ về thần thông.
(Nhấn mạnh là tác giả chỉ giải thích sơ bộ, giải thích chi tiết được ghi ở phần VIII, những ai đã có hiểu biết về Phật học có thể bỏ qua phần II này)
Tâm của chúng ta và vũ trụ có bản chất như nhau, nó được gọi là chân như (chân như là gì sẽ giải thích ở phần VIII).
Vũ trụ thì tạo nên thế giới chúng ta đang thấy, bao gồm cả thân xác của chúng ta bằng nghiệp lực. Và tâm con người có cùng bản chất với vũ trụ nên cũng có thể gây tác động đến vũ trụ thông qua nghiệp lực (hay tâm của ta có thể dùng nghiệp lực để tác động lên thế giới xung quanh).
Vậy nghiệp lực là công cụ để gây nên sự tác động 2 chiều của tâm và vũ trụ.
Từ đây rút ra kết luận là: làm sao để ý thức “hòa làm một” với tâm của chúng ta, sau đó lại học được cách sử dụng nghiệp lực một cách chủ động thì chúng ta có thể tự do tác động lên vũ trụ, lên thế giới (hữu hình như vật chất; vô hình như ý thức con người) và tạo ra thần thông.
Ở đây, nghiệp lực đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thần thông, vậy nó là gì?
Nghiệp là bất cứ thứ gì có khả năng gây ra tác động. Có thể là ý nghĩ, cảm xúc khởi lên trong tâm trí, hoặc một lời nói hay hành động bất kì. Ở phạm vi rộng hơn thì nó có thể là một sự kiện hay tác động nào đó, chẳng hạn như hai ngôi sao va vào nhau cũng có thể coi là nghiệp. Còn nghiệp lực là lực tác động của nghiệp lên thế giới xung quanh.
Ví dụ: tập thể dục là một hành động hay là một nghiệp.
Nếu lặp đi lặp lại việc tập thể dục hay nghiệp đó mới chỉ có 1,2 tháng thì một vài hôm bỏ tập không làm bạn khó chịu. Nhưng nếu việc tập thể dục hay nghiệp đó đã được lặp đi lặp lại trong nhiều năm với sự chuyên chú, tập trung, kỷ luật thì bạn không thể bỏ tập bất cứ hôm nào sau đó. Bởi vì khi bỏ tập trong bạn sẽ rất khó chịu, và gần đến giờ tập thì cảm giác như có gì đó thôi thúc bạn phải hành động. Lực tác động, thôi thúc bạn đó chính là nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp) và nó mạnh lên thông qua sự lặp lại cùng với sự tập trung. Cũng xin nói thêm là 2 hay nhiều dòng nghiệp lực có thể gây tác động lẫn nhau. Ví dụ như bạn khá căng thẳng khi đấu tranh tư tưởng đi tập thể dục hay đi chơi cùng người yêu, khi đó nó cũng sẽ sinh ra một dòng nghiệp lực thứ 3 nhiễu loạn tâm và khiến bạn phiền não, căng thẳng. Đó cũng là nguyên nhân làm con người không hạnh phúc.
Thêm một ví dụ nữa về việc ý nghĩ tác động được tới thế giới để bạn tự kiểm chứng. Bạn hãy thử nâng một vật gì đó tương đối nặng và ghi nhớ cảm giác về nó. Sau đó hãy nhắm mắt, tập trung cao độ và tự đọc thầm trong đầu 10 lần câu :”Vật này rất nặng và tôi không thể nhấc lên được”. Nhớ là hãy làm với sự tập trung cao độ, sự chuyên chú và không để bất kì ý nghĩ nào khác nhiễu loạn ý niệm này. Sau đó hãy thử nhấc vật đó lên lại một lần nữa và tự kiểm chứng về sức mạnh của ý nghĩ khi nó tác động lên thế giới. Chắc chắn bạn sẽ hoảng hốt khi thấy tác động đó lần đầu vì tôi cũng đã từng như vậy.
Bạn hãy nghĩ thế này, lặp lại ý nghĩ đó 10 lần với sự tập trung thì nghiệp lực vừa gây cho bạn tác động như bạn trải nghiệm. Vậy nếu lặp lại nó 100,1000 lần với sự tập trung thì sẽ thế nào, tôi dám chắc bạn không thể nhấc vật đó lên dù chỉ 1cm.
Kết luận: Thần thông là sự nhấn mạnh và khuếch đại nghiệp lực. Để ngay đến cả một ý niệm cũng có sức mạnh tác động lên thế giới tới mức vô biên vô hạn.
…………………………………
Lưu ý :
Vừa rồi là giải thích một cách sơ lược và không dưới dạng phương pháp luận. Bởi vì phải giải thích để đa phần mọi người hiểu được cơ chế của thần thông thì mới có thể đọc hiểu phần tiếp theo là tác giả đã thực hành thần thông trong cuộc sống thế nào.
Đề mục số 8 là phụ lục, VIII.Lý giải cụ thể về thần thông trên cơ sở các phương pháp luận là đề mục được viết sau rất nhiều thực hành của tác giả về tu tập đạo pháp và thần thông và đưa ra kết luận. Gồm rất nhiều đề mục nhỏ cần định nghĩa và nêu mối tương quan rõ ràng, bao gồm: bản chất vũ trụ, tâm (chân như), nghiệp và duyên, liên hệ giữa ý thức và A lại da thức, sự tương quan giữa vũ trụ và ý thức,... nhằm trả lời được rõ ràng hơn 2 câu hỏi: từ ý niệm làm sao lại gây nên những ảnh hưởng vật chất và phi vật chất được, và chi tiết về phương pháp tu tập thần thông.
Những giải đáp này xin không viết ở đây. Nó sẽ gây nhiễu với trải nghiệm đọc của đa số bạn bởi nó dài và không phải ai cũng hiểu được
Nó được viết lại ở đề mục cuối - phụ lục (phần VIII) của bài viết cho những ai chưa tin tưởng và còn những câu hỏi về nguyên lý thần thông sau khi xem xong bài viết, cũng là tránh trường hợp có ý kiến cho rằng tác giả lý luận suông.
III. Trải nghiệm của bản thân trong việc tu tập Phật pháp và thần thông.
Phạm vi và cường độ của thần thông tùy thuộc vào cảnh giới của hành giả. Chứng đắc toàn bộ các năng lực thần thông như phần giới thiệu là của bậc A la hán. Còn tác giả là tôi đây thì mới nắm bắt ở mức sơ bộ thần cảnh thông và tha tâm thông. Ở đây sẽ đưa ra 4 ví dụ thực tiễn cho các bạn hiểu về thần thông trong thực tế. Nhưng để hiểu tôi đã tu tập thế nào thì trước tiên cần nói đến tu thần thông là thế nào đã.
1. Giải thích sơ lược về nguyên lý tu tập thần thông (chi tiết ở chương VIII)
Theo như giải thích ở phần II, tạo ra thần thông, hay để tạo một ý niệm có nghiệp lực mạnh đến nỗi tác động được lên thế giới cơ bản có 2 yếu tố: thứ nhất là tập trung vào ý niệm, thứ hai là lặp lại ý niệm nhiều lần để tăng nghiệp lực.
Tuy nhiên 2 yếu tố này để thực hiện thì khá chậm và mất thời gian nên có một yếu tố mấu chốt thứ 3 mà thiền tập giúp ta có được đó là tạo ra một ý niệm mà bản thân nó đã "mạnh" rồi, chỉ cần gia trì thêm 2 yếu tố trên thì nghiệp lực nó tạo ra là vô hạn (giải thích cụ thể ở chương VIII).
Nghiệp lực ở đây đóng vai trò quan trọng như là công cụ. Tâm của chúng ta mới là nguồn cội của nghiệp lực. Và không thể thi triển thần thông do cội nguồn này còn yếu ốm. Nó bị tham ái, chấp thủ, vô minh,... gây bệnh. Yếu tố mấu chốt của tu tập thần thông, làm cho tâm "mạnh mẽ" hơn, để có thể phát khởi ý niệm "mạnh" hơn. Cho nên thiền tập chính yếu để làm cho tâm khoẻ mạnh hơn - trở về với bản chất của nó (giải thích ở chương VIII).
Vậy tu tập vừa là làm tâm trở nên trong sáng, "khỏe khoắn" hơn, vừa là giúp tăng năng lực tập trung để tạo nghiệp lực mạnh hơn.
2. Ứng dụng thực tế:
Trước khi thiền tập và thực hành Phật pháp, tôi khá dễ bị nổi nóng khi có ai đó xung đột ý kiến hay kích động với mình. Lúc đó cả tôi lẫn người đối diện đều tim đập nhanh, nhịp thở dốc, không đều, các ý niệm thì chạy loạn trong đầu và sự sân si lấn át đi thiện tính của tâm. Điều này tạo ra một dòng nghiệp lực xấu không chỉ ảnh hưởng đến hai chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn hai người cãi nhau, bản thân bạn cũng không kiểm soát được mà nghe những lời cãi vã đó, bản thân cũng cảm thấy bực bội. Đó là ảnh hưởng của nghiệp lực lên bạn.
Ví dụ 1: Sau quá trình thiền tập, nhờ việc có năng lực của niệm và định (giám sát ý nghĩ và tập trung ý nghĩ, định nghĩa cụ thể ở phần VIII), tôi đã có thể luôn tạo cho mình việc ý thức được bản thân đang trong trạng thái nào, vui buồn hay nóng giận,... Có một lần tôi và em tranh luận gay gắt đến mức to tiếng. Khi đã ý thức được tình huống trong hiện tại, tôi làm các bước như sau. 1 là không bị cuốn theo nó. 2 là cố gắng đưa bản thân về trạng thái bình tĩnh, dùng ý niệm trong đầu tạo ra sự bình tĩnh và sự tập trung để nhắc nhớ ý niệm đó nhiều lần. Sau đó khi tôi nhìn thẳng vào em và nói rất nhẹ: “Bình tĩnh.”, nhờ việc dùng một dòng nghiệp lực của sự trấn định mạnh mẽ hơn nhiều lần dòng nghiệp lực gây ra sự nóng nảy và nhiễu loạn, tôi đã giúp cả hai bình tâm hơn để giải quyết vấn đề.
Như vậy, sự trấn định của tâm để tạo nên dòng nghiệp lực tốt bản chất cũng phải dựa vào quá trình tu tập trước đó bằng cách loại bỏ tham ái và chấp thủ. Còn năng lực thần thông lúc này còn yếu nên chỉ có thể tác động lên đối tượng đã có sự gắn kết với mình từ trước (người em), là người quen biết nên sẽ có ít các cảm giác đề phòng với nhau (cảm giác đề phòng này nếu có, chẳng hạn như hai người xa lạ chưa tiếp xúc thân thiết, sẽ tạo ra các trường nghiệp lực làm nhiễu loạn dòng nghiệp lực của bản thân muốn truyền đi)
Nói thêm về sự ảnh hưởng của các dòng nghiệp lực: Nghiệp lực có thể triệt tiêu, lấn át nhau. Trong trường hợp công an đi trấn áp tội phạm, năng lượng từ sự chính nghĩa và thiện lương trong họ lại lấn át đi sự tham lam, sân hận của tội phạm. Cũng có trường hợp dòng nghiệp lực mang tính xấu ở mức cao hơn lấn át cái xấu ở mức thấp hơn. Ví dụ như có 2 người côn đồ lao vào đánh nhau, và khi người đại ca đến thì hét to lên rằng: “Dừng lại !”. Thì khi đó dòng nghiệp lực mang tính sân hận và ngạo mạn của người đại ca đã mạnh hơn và trấn áp dòng nghiệp lực của hai người kia rồi.
Nghiệp lực cũng có thể cộng hưởng, bạn cảm thấy tự tin hơn, ít áp lực hơn khi thi đấu đoàn đội một phần cũng là do sự cộng hưởng nghiệp lực của sự quyết tâm và tin tưởng giữa các thành viên. Bạn đọc có thể tự liên hệ các sự cộng hưởng và triệt tiêu của các dòng nghiệp lực tốt xấu khác trong thực tế.
Ví dụ 2: Bản thân tôi khi nâng được mức thiền của mình lên thì năng lực thần thông cũng tăng theo, có thể tạo nên ảnh hưởng với người xa lạ trong một phạm vi nhất định. Mỗi lần ra bến xe, hay đi đến các điểm du lịch,... sẽ có những người đến mời chào bạn mua gì đó hay làm gì đó. Bằng năng lực của thần cảnh thông ở mức sơ bộ, tôi có thể tạo nên một trường nghiệp lực quanh bản thân mình rằng tôi không có nhu cầu mua bán hay được nói chuyện và làm nó mạnh lên nhiều lần bằng ý nghĩ. Với cách này tôi có thể ảnh hưởng đến những người bán hàng khi họ đến gần trường nghiệp lực tôi đã tạo ra, cho họ cảm giác rằng tôi không muốn mua hàng và họ sẽ không tiếp xúc với tôi. Điều này tránh được việc mất thời gian cho đôi bên. Tất nhiên không phải là mặt mày cau có hay tỏ ra bực bội và khó chịu (dù cách này cũng có hiệu quả tương tự nhưng nó mang tính vật lý nên không được gọi là thần thông)
Ví dụ 3: Khi nâng mức thiền tập cao hơn, tâm trong sáng, thiện lương hơn, đồng thời thần thông lúc này có thể tác động dòng nghiệp lực ở khoảng cách xa và có tính tập trung lên một đối tượng.
Có lần nọ khi đi cafe với bạn, phía xa có một cô gái rất xinh với mái tóc dài, mặc áo phông trắng và quần jean đen trông khá năng động, nhưng lại ngồi quay lưng và hướng mắt vuông góc với chúng tôi. Chúng tôi nói chuyện vui rằng làm sao để gây được sự chú ý và làm quen với cô ấy bây giờ, vì cô ấy đang ngồi với bạn mà ra bắt chuyện sẽ không tiện cho lắm. Lúc đó, bằng việc tạo ra một trường nghiệp lực tốt rằng tôi mến mộ và có thiện cảm với cô ấy, đồng thời tăng sự tập trung của ý nghĩ này lên nhiều lần và hướng vào cô ấy. Tôi đã làm cho cô ấy có cảm giác rằng có một ánh nhìn thiện ý ở hướng khác đang nhìn mình và cô ấy quay qua phía đó thì bắt gặp tôi nên cũng đã thân thiện cười lại. Sau đó thì chúng tôi mời cô ấy một ly nước và qua bàn bên bắt chuyện, rất dễ dàng vì trong tâm thức cô ấy đã bị ảnh hưởng bởi dòng nghiệp lực mang tính thân thiện của tôi nên sẽ không quá đề phòng. Quá trình này diễn ra khá lâu, mất khoảng vài phút vì quán đông người và bật nhạc (yếu tố nhiễu loạn dòng nghiệp lực), cô ấy ở khoảng cách 2,3 bàn nên trường nghiệp lực ban đầu chưa đủ mạnh để hướng đến cô ấy.
Ví dụ 4: Nhờ việc thiền tập tời gian dài đã giúp tâm bây giờ đã bắt đầu có được hạnh phúc và an lạc. Đồng thời cũng nâng mức độ sử dụng thần thông lên cao hơn và có thể truyền đạt một dòng năng lượng mạnh hơn đến người khác, cũng có khả năng thâu nhiếp nghiệp lực của người khác. Xem ứng dụng sau đây.
Bạn của tôi gặp đau khổ trong tình yêu do tình cảm chia rẽ không rõ nguyên nhân, trường hợp này rất khó tháo gỡ vì ngay cả họ đôi khi còn không chấp nhận nguyên nhân tan vỡ nên làm họ bình thản trở lại là rất khó. Tôi đã dùng năng lực của thần cảnh thông và tha tâm thông như sau.
1. Cùng ngồi trò chuyện với họ ở không gian yên tĩnh để giảm tối đa sự nhiễu loạn của yếu tố bên ngoài.
2. Tăng sự bình tĩnh của bản thân và hạn chế các dòng suy nghĩ cá nhân xuống mức tối thiểu để tâm giống như một mặt hồ phẳng lặng không gợn sóng, có thể phản chiếu những thứ xung quanh. Cụ thể ở đây là cần phản chiếu lại tâm tình của bạn tôi để tôi có thể hiểu được (tha tâm thông), vì khi đau khổ người ta sẽ không muốn nhắc quá rõ về sự kiện đó nên tự thân tôi cần thấu hiểu.
3. Tiếp theo là dùng sự thâu nhiếp của A lại da thức (một trong 8 thức của con người, giải thích ở phần VIII) để thâu nhiếp đi những nghiệp lực tiêu cực (ý nghĩ buồn chán) của cô ấy về phía tôi.
4. Sau đó lại dùng niệm và định để truyền đi một dòng nghiệp lực của sự bình yên do tôi tạo ra trong tâm của mình sang cho cô ấy. Vì để truyền đạt dòng nghiệp lực này một cách mạnh mẽ và để lấn át lại sự đau buồn (hiện thời đang rất mạnh) bên trong cô ấy nên không thể như ví dụ 3 là cách không truyền đi được, ở đây tôi buộc phải chạm vào trán của cô ấy bằng ngón tay và sau đó là cả bàn tay của mình.
Kết quả là cô ấy cảm nhận được sự an lạc từ phía tôi truyền tới và đã thoải mái nói vấn đề của mình ra hơn, từ đó chúng tôi có thể tháo gỡ cùng nhau. Cuối buổi, tôi lại lặp lại hành động kia một lần nữa để tặng cho cô ấy một dòng nghiệp lực tích cực sẽ có tác dụng sau khi cô ấy tạm biệt mình.
Có nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống của bản thân tôi như: Khi trẻ con nhà mình khóc lóc, tôi thường tạo một dòng năng lượng yêu thương và an ổn bên trong mình sau đó dẫn nó qua đầu ngón tay và chạm vào trán đứa trẻ, đồng thời nhìn nó và mỉm cười, khoảng 2 đến 3 giây sau thì nó giảm khóc và khoảng 5 giây thì ngừng khóc hẳn. Lúc này sẽ hỏi nguyên nhân quấy khóc và xử lý cho nó. Khi nói chuyện với khách hàng, cố gắng khiến tâm của mình yên lắng nhất như ví dụ phía trên và thâu nhiếp lại tâm tư, cảm xúc của họ, ở đây là những điều khách hàng thật sự muốn, ví dụ như khi gặp phụ huynh đi mua sách cho con thì điều họ quan tâm ở đây không phải là quyển sách mà là sự lo lắng đến việc học của đứa trẻ, hiểu được rồi chúng ta sẽ nói nhiều hơn về con của họ chứ không phải về quyển sách họ mua. Hay khi phỏng vấn tuyển người, sử dụng tha tâm thông có thể cho phép chúng ta biết được họ có thực lòng hay không hoặc họ có nhiệt huyết thật sự với công việc hay không. Hoặc khi hướng dẫn vấn đề tu tập Đạo Phật cho bà nội, tôi cũng phải nỗ lực sử dụng tha tâm thông để xem bà có thật sự hiểu hay không, hay chỉ là đồng tình với những gì tôi giảng.
................................
Như vậy, tôi đã thực tập và làm cho tâm trong sáng hơn, từ đó bắt đầu có được an lạc và hạnh phúc cũng như đạt đến 4 mức độ sử dụng thần thông: 1.Tác động lên đối tượng thân thuộc, 2. tạo một trường nghiệp lực tác động lên đối tượng xa lạ xung quanh, 3. tạo một trường nghiệp lực tập trung vào một đối tượng ở khoảng cách xa, 4.tác động một năng lượng mạnh lên một đối tượng khác đồng thời thâu nhiếp năng lượng của họ vào bản thân mình.
Chúng ta có thể thấy, qua việc nâng cao cảnh giới thiền định, ngoài tác dụng là giúp mang lại an lạc, hạnh phúc cho tâm thì việc có được thần thông ở cấp độ cao hơn giúp ta có thể làm được càng nhiều việc có ích hơn cho người khác.
Ở đây tôi muốn so sánh một chút về thần thông với tâm lý học:
Người học tâm lý học cũng có thể làm được những việc tôi làm nêu trên, nhưng quy trình có hơi khác, họ cần học các dấu hiệu và nguyên lý của diễn biến tâm lý. Sau đó sử dụng lý trí để đoán định và ra quyết định sẽ dùng lời nói, hành động tác động thế nào lên đối tượng tâm lý. Có 3 nhược điểm
1. Quá trình này diễn ra lâu dài sẽ gây mệt mỏi cho ý thức của con người, vì cơ bản nó chỉ sử dụng đến lục thức (là ý thức đang suy nghĩ hiện thời), còn A lại da thức thì chưa dùng tới nên không tận dụng hết khả năng của thân tâm.
2. Độ chính xác không thật sự cao và cần nhiều dữ kiện để đưa ra kết luận nào đó., đồng thời đánh giá tâm lý chỉ mang tính chất chủ quan về đối tượng nghiên cứu
3. Người ứng dụng tâm lý học cần học rất nhiều lý thuyết tâm lý và thực hành nhiều lần trên nhiều đối tượng tâm lý để thành thạo.
Sử dụng thần thông có thể xử lý được 3 nhược điểm trên vì nó cho phép người sử dụng tiếp nhận và giải phóng một cách trực tiếp năng lượng của người khác cũng như năng lượng bản thân muốn truyền đạt, từ tâm đến tâm mà đôi khi không cần thông qua bất cứ công cụ nào như lời nói hay ánh nhìn, cử chỉ. Càng ở bậc thiền tập cao, độ mạnh mẽ và chính xác của năng lực càng được củng cố. Ví dụ như ở sơ thiền chỉ có thể đọc được trạng thái cảm xúc của người khác, thì lên tới tứ thiền sắc giới có thể đọc được suy nghĩ của người khác, còn tới cảnh giới tứ thiền vô sắc giới thì đọc được cả ý nghĩ trong quá khứ, và dự định của người khác,.... (các khái niệm về cấp bậc thiền sẽ giải thích ở phần VIII)
Vậy thật sự thì có nên tu tập nó hay không, nó có thần diệu như vậy và không có nhược điểm hay mặt trái nào hay không ?
Tất nhiên, thần thông cũng có nhược điểm là không phải ai cũng có thể tu học và sự tiến bộ của nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự tiến bộ của trạng thái tâm. Còn nhiều nhược điểm nữa dẫn đến việc nó không hề phổ biến trên thế giới và sẽ được tôi đề cập ở phần V của bài viết.
IV. Tu thần thông hay là tu tâm tính và trí tuệ
Có thể bạn đọc đã nhận ra điều này, rằng trong các ví dụ mà tôi kể trên thì thần thông chỉ là công cụ chứ nó không phải là cái đích của sự tu tập. Vì thần thông chỉ giúp tôi đọc được ý niệm người khác chứ không hề có phương pháp làm họ tốt lên, chỉ có thể tác động lên người khác nhưng tác động tốt hay xấu không phải do thần thông quyết định. Điều ấy phụ thuộc vào nguồn cội của nó chính là tâm của ta, cái tâm có tốt không, có muốn giúp đỡ người khác không. Vậy ở đây, tu chính là tu tâm chứ không phải tu thần thông.
Một cái tâm xấu xí và ốm yếu thì không tài nào tạo được thiện nghiệp. Mà trong tất cả các ví dụ, cái tôi muốn thực sự muốn là đem lại sự bình an, hạnh phúc, gỡ bỏ những nghiệp lực xấu cho người khác. Để làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là tôi đã phải tu tập để gỡ bỏ những tham ái và chấp thủ, mong muốn dục lạc ra khỏi tâm trước. Làm tâm trong sạch và không bị cản trở khi phản chiếu và xem xét thế giới bên ngoài. Nhờ đó có thể thâu nhiếp hiện tượng, sự việc một cách trực tiếp, từ tâm đến tâm chứ không qua thêm một tầng cảm xúc, lý trí và định kiến nữa. Đồng thời để sự phản chiếu diễn ra tốt hơn thì cần loại bỏ các dòng suy nghĩ tán loạn luôn luẩn quẩn trong đầu, để chuyên tâm vào mục đích của mình.
Khi tu tập đến cảnh giới như vậy, tâm đã thiện lương, tĩnh lặng thì việc tâm có khả năng thâu nhiếp thế giới xung quanh (hiện tượng, sự việc ở ngoại giới; suy nghĩ, cảm xúc của người khác,...) và có sự phát tán các năng lượng tốt đẹp (nhờ sự tập trung và nghiệp lực) là một điều hiển nhiên có được, là chức năng của tâm chứ không cần thiết phải cố gắng vận dụng và đặt cho nó cái tên là tha tâm thông hay thần cảnh thông.
Do vậy, thần thông chỉ giống như một viên đá ta nhặt khi tới được điểm mốc, là cái hiển nhiên có khi thân tâm trở nên đồng nhất và trong sạch hơn.
Vậy cái chú trọng ở đây không phải là tu thần thông, mà là tu tâm, tu đạo, tuân thủ giáo pháp của nhà Phật để làm bản thân tiến bộ hơn mỗi ngày. Nhưng cốt yếu của sự tu tập thành bại lại ở chỗ, cái pháp tu đó phải mang ý nghĩa đạt thành tựu để giúp đỡ chúng sinh chứ không phải chỉ tu cho mỗi mình mình đạt được cái này, đạt được cái kia, có sự an lạc hay đạt được thần thông mà bỏ quên triết lý quan trọng nhất để thành công khi làm bất cứ việc gì mà Đức Phật dạy, đó là lợi mình, lợi người, lợi chúng sinh.
Tất nhiên có thể tu thần thông bằng việc hướng sự tập trung vào sự tham lam, sân hận một cách cực đoan, vì bản chất của thần thông chính là hiện thực hóa điều gì đó bằng sự tập trung ở mức độ cao, sự tập trung ấy có thể tốt cũng có thể xấu. Giống như những kẻ trộm cướp bao giờ cũng nắm rất đúng thời điểm bạn lơ là để ra tay, thì cái linh cảm xảy ra trong đầu tên cướp về lúc bạn lơ là, lúc thời cơ chín muồi và cho nó biết đây là lúc hành động, đó là rìa ngoài của tha tâm thông. Hay là những tên đa cấp lừa đảo chứng khoán, forex tràn lan trên mạng, cách chúng tác động vào tâm lý người dân cũng là rìa ngoài của thần cảnh thông rồi. Hai rìa ngoài của thần thông này có được chính là nhờ sự tập trung vào tham niệm đến mức cực đoan, vậy nếu tham niệm còn lớn hơn nữa thì việc có được các thần thông trong ngũ thông cũng là điều dễ hiểu.
Đâu đâu cũng thấy thần thông ở mức ngoài rìa như vậy, kể cả tốt xấu, nhưng ở tầng cao hơn thì rất ít thấy, vì có mấy ai chịu tu tâm dưỡng tính, nuôi dưỡng tình thương với vạn vật cùng mong cầu làm thế giới hạnh phúc hơn. Khi tu tập tâm đến cực độ thuần khiến thì sẽ đắc được cảnh giới A la hán, nghiễm nhiên có thần thông số 6, lậu tận thông và có được sự giải thoát. Thế mới thấy biết ơn Đức Phật đã trầm luân trong khổ ải, trải qua bao nhiêu kiếp để tìm ra con đường giúp chúng sinh có thể thoát khỏi luân hồi. Tất cả các pháp môn khác trên thế giới hiện tại chưa một pháp môn nào có thể làm được điều này, đó là sự khác biệt của Đạo Phật.
V. Nhược điểm của 5 thần thông đầu tiên (nó thật sự vô dụng).
5 thần thông đầu tiên là về các khả năng phi phàm của con người, chỉ có lục thông là lậu tận thông mới đưa đến sự giải thoát.
Nếu có ai nghĩ về việc biết trước tương lai để tránh tai nạn, hay là dùng thần thông trong thực tế để đạt được gì đó, như dùng thần cảnh thông để vô địch tất cả các nội dung Olympic thì đây là chương có lời giải đáp cho mong cầu đó.
Chuyện kể lại rằng trong một lần đi khất thực, lúc qua sông Đức Phật có thấy một vị Bà la môn (một người thuộc giáo phái khác) đang biểu diễn thần thông đi bộ trên nước, mọi người vây lại xem và tỏ ra thán phục, sợ hãi. Lúc này đi đến, Đức Phật mới hỏi người kia: “Ông mất bao lâu để tu thành thần thông này ?” Người kia trả lời rằng mất 20 năm. Đức Phật liền đưa 2 đồng xu ra và nói: “Ta qua sông chỉ mất 2 đồng xu này cho người lái thuyền, vậy 20 năm của ông cũng chỉ có giá trị đúng bằng 2 đồng xu này mà thôi.” Trong con mắt của bậc hành giả chân chính thì thần thông chẳng khác nào trò diễn xiếc tầm thường. Tại vì 3 lý do sau
1. Thần thông (ngũ thông) là một gánh nặng cho sự giải thoát.
Tại sao tôi lại nói thần thông như viên đá ta nhặt mỗi lần đến cột mốc tu tập. Bởi vì chính nó là một gánh nặng cho bạn, càng nhiều thần thông bạn sẽ càng ỷ lại vào sức mạnh của nó và tin rằng, ồ, tôi có thể làm được, tôi sở hữu năng lực,... những điều này làm tăng thêm chấp ngã của bạn, làm cản trở sự giải thoát. Bởi vì con người còn luân hồi do vẫn bám chấp vào một cái tôi đang tồn tại và dòng nghiệp lực sẽ lại đưa cái tôi đến nơi thích hợp với nó. Cảnh giới cao của đạo Phật để đưa đến giải thoát chính là từ bỏ cái tôi này (đạt được lục thông - lậu tận thông). Vậy thì nếu bạn còn ỷ nại và bám chấp vào thần thông, thì làm sao có được giải thoát đây ?
2. Có thần thông mà không có tuệ giác thì chỉ hại mình, hại người và tạo nghiệp nặng hơn.
Thần thông như một con dao sắc có hai lưỡi, có thể dùng là công cụ để hỗ trợ cho việc tạo thiện nghiệp,hoặc cũng có thể chính là tác nhân gây tổn thương mình, tổn thương người. Dùng như thế nào tùy thuộc vào trí tuệ của bạn.
Thiếu đi tuệ giác, chẳng hạn như bạn có được tha tâm thông, đọc suy nghĩ người khác, khi nghe nhiều người nói xấu mình hay khi biết người khác khổ đau mà không có trí tuệ để giúp, cả 2 điều này đều gây nên phiền não, mất đi sự thanh tịnh trước nay tu tập được.
(Bạn nhớ giáo sư X của bộ phim Xmen khi chưa làm chủ được năng lực tha tâm thông đã đau đớn như thế nào khi trong đầu luôn văng vẳng tiếng nói của người khác rồi chứ)
Ngoài ra có năng lực thần thông có thể dẫn đến việc tạo các nghiệp xấu một cách mạnh hơn. Dẫu cho bạn có khả năng phi hành, biến hóa, làm mọi việc không giới hạn thì khi bạn dùng nó vào mục đích xấu, tức lúc đấy tâm của bạn xuất hiện các tham ái và chấp thủ, thì bạn sẽ bị nhiễu loạn tâm và mất đi thần thông ngay lập tức. Vậy nên không thể dùng thần cảnh thông tạo ra vàng mang bán được, hay dùng nó để thi Olympic và đạt được hư danh, hay thần thông để đọc suy nghĩ, tác động và sai khiến người khác, ngay từ lúc tâm bạn khởi lên ý nghĩ tham lam đó, bạn đã mất năng lực sử dụng thần thông. Còn nếu bạn bám chấp vào cái tâm tham, sân hận và cái ngã của mình để sử dụng thần thông thì ác nghiệp bạn đã tạo ra là rất nặng (do tham ái, chấp thủ được thần thông khuếch đại lên nhiều lần), nghiệp báo sẽ khiến bạn nhận những kết quả rất tồi tệ.
Ngược lại, khi bạn đã có trí tuệ, bạn không thiếu cách để giúp người khác hạnh phúc và an lạc mà chẳng cần dùng đến thần thông. Vì giúp người chính dùng là tuệ giác của mình khai thông tuệ giác cho họ, có hay không có thần thông không tạo nên sự khác biệt đáng kể nào.
3. Thần thông bất lực trước sức mạnh của nghiệp lực.
Sức mạnh chi phối sự vận hành của vạn vật là nghiệp lực chứ không phải thần thông, vì thần thông cũng nương nhờ vào nghiệp lực mà thành (dùng ý niệm, tức là tạo nghiệp và sự tập trung ở mức cực hạn tức là nâng cao sức mạnh nghiệp lực để hiện thực ý niệm đó) nên không thể tác động lên dòng chảy của nghiệp trong vũ trụ bao la được.
Thần thông không thể giúp bất cứ ai hạnh phúc hơn hay thoát khỏi khổ đau, mà là người đó phải tự giúp chính mình. Cũng không thể giúp thay đổi được tương lai hay số mệnh cho dù có nhìn thấy trước được. Vì thế nói thần thông giống như trò diễn xiếc, mang tính trang trí và không có tác dụng gì là một câu nói xác đáng.
Hãy nghe lại câu chuyện sau để hiểu hơn ý tôi vừa diễn đạt
Tôn giả Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Đức Phật, người có năng lực thần thông cao nhất đứng hàng đệ tử. Trong kinh sách (Trung Bộ) có ghi lại về năng lực của Mục Kiền Liên rằng ông đã chứng quả A la hán và đắc cả lục thông (như phần giới thiệu ở đầu bài viết), thần thông vô biên vô hạn.
Tuy thần thông là vậy nhưng ông cũng không thể cứu giúp được cho mẹ của mình. Chuyện kể rằng khi chứng quả A la hán và khai mở thiên nhãn thông. Ông đã dùng nó để tìm khắp tam giới, lục đạo xem mẹ mình đang ở đâu. Lúc này thì thấy mẹ đang bị đày ải ở A tỳ địa ngục, ốm yếu gầy còm và vô cùng đói khát vì lúc còn sinh thời đã chà đạp pháp khí và phỉ báng Phật pháp. Ông liền ngay lập tức sử dụng thần cảnh thông, đi xin cho mẹ một bát cơm. Tôn giả đem bát cơm đến dâng lên mẹ là bà Thanh Đề, mừng quá bà dùng tay trái che bát và tay phải bốc cơm đưa vào miệng. Nhưng than ôi! Nghiệp chướng quá sâu dày! Cơm thành than đỏ, bà không thể nào ăn được. Mục Kiền Liên rơi nước mắt lòng buồn vô hạn, vận dụng đủ mọi phương tiện để cứu mẹ nhưng không có kết quả.
Nếu ông thần thông như vậy, tại sao không thể cõng mẹ tới cõi khác hay dùng thần thông để thổi tắt lửa ở bát cơm ? Vì đó là nghiệp báo mà mẹ ông phải chịu, thần thông hoàn toàn bất lực ở đây.
Mục Kiền Liên quay về hỏi Đức Phật thì được ngài hướng dẫn rằng tạo nghiệp ác, đã chịu quả ác rồi thì cần tạo nghiệp thiện để nhận quả thiện. Vào rằm tháng 7 hãy mời những bậc A la hán khác và chư tăng đắc đạo đến để cầu nguyện cho mẹ ông, thọ thức, giữ giới, dùng tâm thanh tịnh giúp mẹ ông siêu thoát. Lại dùng vật phẩm cúng dường và bố thí chư tăng đại đức thập phương để hóa giải bớt nghiệp lực trong quá khứ của mẹ ông.
Từ đó về sau mới có ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ chính là học làm theo Mục Kiền Liên. Con cái mang vật phẩm cúng dường và nhờ ân đức của chư tăng để giải bớt các ác nghiệp hiện kiếp và tiền kiếp của bậc sinh thành.
Ở đây gửi đến các bạn một câu hỏi: Phía trên nói thần thông không thể giúp bất cứ ai hạnh phúc hơn hay thoát khỏi khổ đau, mà là người đó phải tự giúp chính mình. Vậy tại sao mẹ của Mục Kiền Liên có thể thoát khỏi A tỳ địa ngục và đầu nhập sang cõi khác được ?
Hay có lần khác, khi thành Ca Tì La Vệ, quê hương của Đức Phật bị tấn công, đây là nghiệp mà dòng họ Thích (dòng họ của Đức Phật) phải trả do ác nghiệp trước đó gây ra, nên không thể tránh khỏi bị diệt. Ngay cả Đức Phật khi biết dòng họ sắp bị diệt cũng không thể làm gì khác. Biết vậy nhưng bởi không cam lòng nên Mục Kiền Liên vẫn dùng thần cảnh thông bay đến, lại dùng nó để mang 500 người nhà Đức Phật vào một cái bát rồi di chuyển đến một thế giới khác để lánh nạn. Nhưng khi tới nơi mở bát ra thì người đã hóa thành vũng máu. Do ác nghiệp nên không thể tránh khỏi cái chết, nó sẽ đến bằng cách này hay cách khác. Bản thân Đức Phật cũng bị ảnh hưởng bởi ác nghiệp của dòng họ Thích gây ra, ngài nói đó là nguyên nhân của chứng đau đầu thường xuyên của mình.
Cái chết của Mục Kiền Liên: Dù thần thông quảng đại nhưng cũng không thể tránh được sự tác động của nghiệp lực. Có kinh ghi lại cái chết của ông do bị đá tảng do những người thuộc tà giáo lăn xuống giết chết vì ghen ghét với tài năng, sự cương quyết, năng động của ông. Khi bị đá lăn xuống, hoàn toàn không thể vận khởi thần thông mà bay đi hay tránh né được, vì đó là nghiệp mà thân xác của Mục Kiền Liên phải trả. Cũng có kinh ghi lại rằng ông vì biết nghiệp thân phải trả nên không vận khởi thần thông nữa, vì dù cho có tránh né đá tảng bằng thần thông thì sẽ có yếu tố khác từ dòng nghiệp lực buộc thân xác đó phải chết. Sau khi thân thể tan hoại, trả xong nghiệp thân là nghiệp cuối cùng với thế gian, tâm của ông vì đã chứng đắc A la hán, nghiễm nhiên có được lục thông là lậu tận thông nên được đầu nhập vào niết bàn và vĩnh viễn ra khỏi sinh tử luân hồi.
VI. Nhận định chung về thần thông.
Thần thông hoàn toàn chỉ có tác dụng làm tăng cường thêm những nghiệp lực mà chúng ta muốn tác động lên thế giới. Tốt hay xấu phụ thuộc vào trí tuệ và sự giác ngộ của mỗi người.
5 thần thông đầu tiên (ngoại từ lậu tận thông) là những khả mà hành giả sẽ có được thông qua quá trình tu tập, nhưng như đã giải thích ở trên, nó hoàn toàn vô dụng trong việc mang lại hạnh phúc và giải thoát. Tuy vậy, bạn vẫn có thể dùng nó như tôi ở phần ứng dụng, như một công cụ phụ trợ để giúp đỡ mọi người được tiện lợi hơn. Còn thần thông có thật hay không, mời bạn xem phần VIII về trả lời các câu hỏi sẽ rõ hơn cơ sở lý luận mà tin theo.
Minh chứng về sự chứng đắc trong thực tế. Những nhân vật như Đức Phật và các đại đệ tử; các danh hiệu truyền qua nhiều thế hệ như các bậc Đạt Lai Lạt Ma; hay ở hiện đại, thế kỷ 20, 21 thì có thiền sư Ajahn Chah, bà Dipa Ma, thiền sư Munindra, thiền sư Goenka, hay ở việt nam có thiền sư Thích Quảng Đức tự thiêu mình để phản đối chiến tranh, thiền sư Thích Nhất Hạnh,... đều đã chứng đắc cảnh giới A la hán và có được lục thông. Còn việc các ngài tại sao lại không thi triển thần thông cho đại chúng xem thì mời bạn quay lại các phần trên đọc các mục về ý nghĩa, công dụng của thần thông, tác hại của nó. Cộng thêm với cái tâm bình lặng như nước thì việc thể hiện thần thông đối với họ là vô nghĩa. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp ghi nhận lại trong kinh sách và thực tế (bạn tra khảo trên google về thần thông của thiền sư Dipa ma để tham khảo thêm dẫn chứng)
Quán xét lại ngũ thông:
Dẫu cho bạn đọc được tâm trí người khác, thì bạn có thể có cách làm cho họ trở nên hạnh phúc hơn nếu bạn không có trí tuệ hay không ?
Dẫu cho bạn biết trước tương lai mà không thể tránh né những nghiệp báo thì bạn có biết hay không vẫn không khác gì nhau. Trái lại biết thì càng thêm rối loạn, lo lắng, lại tạo ra một nghiệp không tốt. Tất cả những khó khăn, hay tai nạn, bệnh tật bạn gặp phải đều nằm trong vòng luân hồi, và quy luật nhân quả, nên thần thông cũng không thể giúp ích trong trường hợp này.
Dẫu cho có thể biến hóa vạn vật, tạo ra vàng bạc châu báu, có năng lực vô biên vô hạn, nhưng không thể dùng để vụ lợi cho bản thân mình hay bất cứ ai.
Dẫu cho.....
Kết luận: ngũ thông không mang lại hạnh phúc và giải thoát.
Thần thông duy nhất đưa con người đến giải thoát chính là Lậu tận thông, đạt được không phải bằng việc tu chính thần thông đó mà là bằng cách tu tập để tâm của mình đạt đến sự trong sáng và không còn tạo nghiệp nữa. Đến khi đó sẽ chứng quả A la hán và nghiễm nhiên sở hữu lục thông như các vị kể trên và thoát khỏi luân hồi. Đó cũng chính là con đường của sự giải thoát, mang lại “hạnh phúc và an lạc”. Cụ thể con đường ấy ra sao, xin dành cho một bài viết khác nếu có thể, vì chủ đề này cũng rất dài và giới hạn bài viết này chỉ nói về thần thông mà thôi.
VII. Tổng kết:
Thực chất thần thông (ngoại trừ lậu tận thông) là sản phẩm của hiện tượng giới, nó không có gì cao siêu cả. Trái lại, nó rất logic và thực tiễn. Nên sẽ có những thứ của hiện tượng giới mô phỏng được thần thông, điển hình như khoa học kĩ thuật.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học kĩ thuật cũng không khác gì ngũ thông vậy. Con người ta có thể bay lên không, đi xuống biển, biến đổi vật chất từ thể này sang thể khác hay từ nguyên tố này sang nguyên tố khác (lượng tử). Cũng có nhiều công cụ khoa học giúp thâm nhập vào ý nghĩ con người hay việc nhìn thấy quá khứ bằng cách quan sát các ngôi sao ở xa cũng như việc dùng máy tính, xác suất để dự đoán tương lai (dự đoán tình hình tài chính các công ty là một ví dụ).....
Tuy vậy, chúng ta chưa bao giờ có một nền hòa bình hay hạnh phúc thật sự. Mà thần thông của khoa học đó còn được sử dụng để tạo ác nghiệp nhiều hơn, minh chứng là các cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt và đau thương, để lại hệ lụy lâu dài cho tương lai (bom hạt nhân, vũ khí sinh học).
Con người vì có khoa học kĩ thuật mà thân an nhàn, sinh ra hưởng thụ và thích khoái lạc, chìm đắm trong dòng suy tư hỗn loạn của chính mình, chấp ngã càng ngày càng nặng thêm. Đó là tác động xấu của khoa học kĩ thuật, một minh chứng cho việc sử dụng ngũ thông không đi đôi với sự giác ngộ, cũng chính là lý do tại sao ngũ thông không được khuyến khích dạy và sử dụng.
Câu hỏi ở đây là, làm sao để ứng dụng tốt thần thông - hay khoa học kĩ thuật nhằm mục đích tạo ra sự hạnh phúc và an lạc cho con người và muôn loài ?
Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào cảnh giới của tâm, sự trong sáng, thuần khiết của nó sẽ sinh ra tuệ giác, đồng thời cũng cho chúng ta nhận thức đúng để sử dụng thần thông, hay là sử dụng các công cụ của khoa học, kĩ thuật để làm cho đời sống thêm hạnh phúc, để có thể lan tỏa các thiện nghiệp được rộng rãi hơn. Ví dụ như việc tôi đang lan tỏa ý niệm của mình đến mọi người thông qua bài viết này, có tính đúng đắn và trong sáng, không vụ lợi cũng chính là lan tỏa một thiện nghiệp đi xa mà không cần sử dụng đến năng lực của thần cảnh thông. Các bạn cũng sẽ có câu trả lời cho riêng mình, hãy luôn tìm kiếm nó.
Tu tập để tâm trong sáng bằng cách loại bỏ tham ái và chấp thủ, đồng thời cố gắng tạo nhiều thiện nghiệp hơn nữa và lan tỏa những giá trị ấy đến nhiều người hơn thay vì bám víu và lệ thuộc vào thần thông (hay khoa học kĩ thuật).
Không phải cốt yếu ở tu thần thông, mà là tu tâm tính. Đây chính là tinh thần cao cả của Đạo Phật.
Ở đây còn dẫn đến một kết luận để trả lời cho câu hỏi ở đầu bài viết đó là. Tu tâm mình và giúp đỡ mọi người như chân trái và chân phải, hai chân cùng bước mới có sự tiến bộ trên chặng đường dài. Vì khi tu, tâm trong sáng hơn, bớt ích kỷ đi thì sẽ nghĩ đến việc còn phải đi mang cho người ta hạnh phúc, làm được điều đó thì sự tham lam, ích kỷ lại bớt đi và tâm lại trong sáng, an lạc, trí tuệ lại sinh khởi, bạn sẽ hành thiện tiếp và hiệu quả cao hơn lần trước, rồi cứ thế lặp đi lặp lại mãi, chúng ta sẽ vững chãi bước đi về phía trước. Nếu chỉ tu để bản thân hạnh phúc, một chân bước hoài bước mãi mà chân kia ở nguyên tại chỗ, ắt người đó sẽ phải té ngã. Đây chính là ý nghĩa thực sự của việc thấu hiểu và thực hành triết học mà nhiều người không thể tự ngộ ra được nên cứ mãi không bao giờ có hạnh phúc thực sự và đôi khi còn quay lại nghi ngờ chánh pháp.
Tu để giúp mình nhưng quan trọng hơn nữa là giúp người
Chúc bạn đọc sẽ lĩnh hội được tinh thần mà tác giả tôi muốn chia sẻ đến các bạn và tiếp tục tiến xa trên con đường của triết học, của đạo pháp.
………………………………..................
Tái bút.
Trả lời thêm 2 câu hỏi cho bạn nào còn thắc mắc.
1. Mẹ của Mục Kiền Liên.
Lúc đầu tôi có đề cập rằng không ai có thể thoát khỏi khổ mà tự mình phải giúp mình. Sở dĩ mẹ của thoát khỏi địa ngục, thoát khổ, thoạt đầu nhìn thì là được Mục Kiền Liên giúp đỡ nhưng thực chất là bà mẹ đã tự giúp chính mình. Quá trình sinh thành và nuôi dưỡng Mục Kiền Liên đã là một thiện duyên, thiện nghiệp mà sau này nghiệp báo của thiện nghiệp đó đã giúp bà tự giải đi ác nghiệp bị đày ải nơi địa ngục. Tất cả đều đã được định sẵn trong số mệnh, kể cả nghiệp báo thiện là Mục Kiền Liên sau khi chứng đắc sẽ cứu mẹ, nó có vì bà đã tự tạo ra thiện nhân trước đó. Mỗi một điều chúng sinh làm ra, thậm chí cảm nghĩ trong đầu cũng sẽ đều sinh quả báo. Còn Đức Phật sở dĩ lại không cứu dòng họ Thích là vì quả báo thiện duyên của họ không rơi vào thời điểm bị tiêu diệt đó nên không thể cứu được. Chết là mất thân xác nhưng tâm thức của dòng họ lại không bị đày ải xuống địa ngục vì tội ác, đó đã là quả báo của thiện duyên trước đây rồi, nhưng nó diễn ra sau khi chết.
2. Tại sao nói thần thông - phép màu của triết học ?
Gọi bài viết là thần thông - phép màu của triết học vì sao? Bởi vì triết học bao trùm mọi triết học chính là Đạo Phật, và phép màu nơi nó có thể đưa con người đến giải thoát vĩnh viễn khỏi khổ đau (thoát khỏi luân hồi), đây là điều chưa một pháp môn hay trường phái triết học nào làm được. Thần thông ở đây muốn nói chỉ ám chỉ lục thông - lậu tận thông - đem đến giải thoát, còn ngũ thông trước đó thì không được tính như vậy, chỉ là công cụ hỗ trợ hành thiện mà thôi.
VIII. Lý giải cụ thể về thần thông trên cơ sở các phương pháp luận (phụ lục).
Bởi vì viết tiếp thì bài quá dài và khi tạo bài đăng bị lỗi (quá số lượng chữ cho phép) nên tôi viết phần lý giải thần thông trên cơ sở các phương pháp luận như một phụ lục ở đây.
Đề mục số VIII.Lý giải cụ thể về thần thông trên cơ sở các phương pháp luận là đề mục được viết sau rất nhiều thực hành của tác giả về tu tập đạo pháp và thần thông và đưa ra kết luận. Gồm rất nhiều đề mục nhỏ cần định nghĩa và nêu mối tương quan rõ ràng, bao gồm: bản chất vũ trụ, tâm (chân như), nghiệp và duyên, liên hệ giữa ý thức và A lại da thức, sự tương quan giữa vũ trụ và ý thức,... nhằm trả lời được rõ ràng hơn 2 câu hỏi: từ ý niệm làm sao lại gây nên những ảnh hưởng vật chất và phi vật chất được, và chi tiết về phương pháp tu tập thần thông.
Phụ lục dành cho những ai chưa tin tưởng và còn những câu hỏi về nguyên lý thần thông, cách tu tập sau khi xem xong bài viết, cũng là tránh trường hợp có ý kiến cho rằng tác giả lý luận suông.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất