Mỗi chúng ta, không ít thì nhiều, đều có riêng cho mình (hoặc chung với người khác) những thứ khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi. Nếu nỗi sợ đó gom đủ một lượng người nhất định thì nó sẽ được đặt tên, ví dụ như 8 nỗi sợ “phổ biến” nhất:
Arachnophobia - chứng sợ nhện. Nguồn hình: hình của tôi.
Arachnophobia - chứng sợ nhện. Nguồn hình: hình của tôi.
1.       Arachnophobia (Sợ nhện): Arachnophobia là sợ hãi về nhện.
2.      Acrophobia (Sợ độ cao): Acrophobia là nỗi sợ độ cao.
3.      Claustrophobia (Sợ chật chội): Claustrophobia là nỗi sợ không gian hẹp, chật chội.
4.      Nyctophobia (Sợ bóng tối): Nyctophobia là nỗi sợ hãi màn đêm hoặc bóng tối.
5.      Ophidiophobia (Sợ rắn): Ophidiophobia là nỗi sợ hãi rắn.
6.      Hemophobia (Sợ máu): Hemophobia là nỗi sợ hãi máu.
7.      Aerophobia (Sợ bay): Aerophobia là nỗi sợ hãi đi máy bay hoặc bay.
8.      Trypophobia (Sợ lỗ): Trypophobia là nỗi sợ hãi về các cụm lỗ nhỏ gần nhau trên bề mặt.
Cảm giác sợ hãi là một phản ứng tự nhiên và có ích cho quá trình tiến hóa nhằm bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn. Cụ thể là: những người biết sợ sư tử, bỏ chạy khi chúng xuất hiện – họ sẽ có khả năng tồn tại đủ lâu để sinh con và truyền cái gene sợ sư tử đó cho con họ, còn những người không sợ sư tử, gặp sư tử thì đứng cười sẽ ít có khả năng tồn tại đủ lâu để kịp truyền giống (lý do thì ai cũng hiểu rồi đấy.)
Từ góc độ khoa học, sự sợ hãi là một cảm xúc phức tạp liên quan đến nhiều quá trình sinh lý, tâm lý và thần kinh.
•             Phản ứng sinh lý: Khi chúng ta nhận thức một mối đe dọa hoặc nguy hiểm, não kích hoạt hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system), kích thích phản ứng "chiến đấu hoặc chạy trốn" (fight or flight). Điều này dẫn đến việc tiết ra các hormone căng thẳng như adrenaline và cortisol, làm tăng nhịp tim, huyết áp và tốc độ thở. Những thay đổi này giúp cơ thể chuẩn bị để chiến đấu hoặc trốn thoát khỏi một mối đe dọa nào đó.
•             Vai trò của amygdala: Amygdala, một cấu trúc nhỏ hình hạt hạnh nhân ở não, đóng một vai trò quan trọng trong xử lý sợ hãi. Nó nhận thông tin giác quan từ môi trường của chúng ta và nhanh chóng đánh giá liệu nó có tiềm ẩn nguy hiểm hay không. Nếu một kích thích được coi là nguy hiểm, amygdala kích hoạt các phản ứng sợ hãi và thông báo cho các vùng não khác tương ứng.
•             Các đường dẫn thần kinh: Hai đường dẫn thần kinh chính liên quan đến sự sợ hãi là đường dẫn thì thalamus-amygdala và đường dẫn thì thalamus-vỏ não-amygdala. Đường dẫn thalamus-amygdala cho phép xử lý giác quan nhanh chóng và không tự ý, tạo điều kiện cho các phản ứng sợ hãi nhanh chóng. Đường dẫn thalamus-vỏ não-amygdala liên quan đến phân tích chi tiết hơn và đánh giá tỉnh táo về mối đe dọa trước khi tạo ra phản ứng sợ hãi.
•             Kinh nghiệm (phản xạ có điều kiện): Sợ hãi cũng có thể được học thông qua kinh nghiệm. Rút tỉa từ thí nghiệm nổi tiếng của Pavlov ở những chú chó, khi chúng ta liên kết một kích thích trung lập với một sự kiện tiêu cực thì chúng ta sẽ hình thành phản xạ vô điều kiện với kích thích trung lập đó.
Cụ thể là: khi nhìn thấy thức ăn thì cún sẽ chảy nước miếng, đây là phản xạ tự nhiên. Khi chúng ta gõ chuông, rồi cho cún ăn, thì dần dần, khi nghe tiếng chuông, cún sẽ chảy nước miếng mà không cần nhìn thấy thức ăn nữa. Từ đó, phản ứng chảy nước miếng từ phản xạ tự nhiên đã trở thành phản xạ có điều kiện, khi nó xuất hiện với một kích thích vốn dĩ chẳng liên quan gì tới nó (tiếng chuông, thay vì thức ăn).
Một ví dụ dễ thấy mà đa số chúng ta đã từng gặp là: khi bạn cài bài hát ưa thích của mình làm chuông báo thức với hy vọng có thể thức giấc một cách êm ái. Nhưng điều đó hiếm khi xảy ra, mà điều thường xảy ra hơn là: bài hát báo thức đó nhanh chóng bị loại ra khỏi danh sách “những bài hát ưa thích” của chúng ta, và nhanh chóng lọt vào top “những bài hát kinh dị ám ảnh”, vì nó gắn liền với cảm giác khó chịu khi bị đánh thức.
"Idol. Im đi!" 
Nguồn hình: hình của tôi.
"Idol. Im đi!" Nguồn hình: hình của tôi.
Quá trình điều kiện này có thể góp phần vào việc phát triển các nỗi sợ và lo âu.
•             Niềm tin và ảnh hưởng văn hóa cũng góp phần hình thành quan điểm và sự hiểu biết của chúng ta về nguy cơ tiềm ẩn, gia tăng hoặc giảm nhẹ phản ứng sợ hãi của chúng ta.
•             Yếu tố di truyền và tiến hóa: Một số nghiên cứu trên con người đã tìm thấy một số gen có liên quan đến sự xuất hiện của các rối loạn sợ hãi. Ví dụ, nghiên cứu trên con người đã tìm thấy mối liên hệ giữa các biểu hiện gen khác nhau và các rối loạn lo âu, như gen SLC6A4 (serotonin transporter) và gen COMT (catechol-O-methyltransferase). (lưu ý là các nghiên cứu này vẫn còn đang nghiên cứu và gây tranh cãi).
Ngoài ra, theo Carl Jung, bác sĩ tâm thần học và tâm lý phân tâm người Thụy Sĩ, người đã đóng góp vào việc hiểu về sợ hãi thông qua các lý thuyết về tâm thức vô thức và tâm thức tập thể, thì sợ hãi có thể phát sinh từ các biểu tượng hoặc hình ảnh khuôn mẫu hiện diện trong tâm thức tập thể. Các khuôn mẫu này là các mẫu hoặc chủ đề sâu sắc được chia sẻ qua các nền văn hóa và có tác động mạnh mẽ đến tâm thần con người. Ví dụ, khuôn mẫu của Bóng tối đại diện cho các khía cạnh tối tăm, bị giam giữ của nhân cách chúng ta, và nhìn nó có thể gợi lên sự sợ hãi và khó chịu.
Theo Jung, sợ hãi cũng có thể bắt nguồn từ việc phải đối mặt với những điều mà ta không biết và không quen thuộc. Ông đề xuất khái niệm "cái tôi tăm tối" (shadow self), ám chỉ các khía cạnh của chúng ta mà chúng ta từ chối, phản đối và bị kềm hãm. Những phần bị đàn áp này có thể biểu hiện dưới dạng sợ hãi, lo lắng hoặc căng thẳng. Jung tin rằng việc hòa nhập và hòa hợp những khía cạnh này thông qua nhận thức bản thân và chấp nhận bản thân là rất quan trọng đối với sự phát triển cá nhân và sức khỏe tâm lý.
Các lý thuyết của Jung cũng đề cập đến tính chung của sợ hãi. Ông cho rằng một số sợ hãi và lo lắng có thể được chia sẻ trong các xã hội hoặc văn hóa, phản ánh các chủ đề mẫu mực chung hoặc trải nghiệm tập thể. Ví dụ, sợ chết, sợ những thứ mình không biết hoặc sợ mất kiểm soát có thể là những nỗi sợ phổ quát bắt nguồn từ tình trạng con người chung của chúng ta.
Tuy nhiên, khi nỗi sợ của chúng ta trở nên quá mức – nghĩa là, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ví dụ như: bạn phải làm việc trên tầng 23, nhưng bạn rất sợ đi thang máy. Hoặc, sợ nói chuyện trước đám đông (Ai bị giơ tay? Tôi trước!). Hoặc, sợ phải giao tiếp với mọi người.
Bây giờ, chúng ta hãy gặp David, một bệnh nhân đã đồng ý để Anna Lembke kể câu chuyện của anh trong cuốn sách Dopamine Nation của bà:
Sách Dopamine Nation của Anna Lembke. Nguồn hình: https://www.annalembke.com/
Sách Dopamine Nation của Anna Lembke. Nguồn hình: https://www.annalembke.com/
Vấn đề của David bắt đầu khi anh vào đại học, nhưng chính xác hơn là ngày anh bước vào phòng khám sức khỏe tâm thần dành cho sinh viên. David là một sinh viên năm thứ hai, hai mươi tuổi, sống ở ngoại ô New York, và anh đang tìm kiếm sự giúp đỡ về chứng lo âu và thành tích học tập kém của mình.
Sự lo lắng của anh ấy bùng phát khi anh phải tiếp xúc với người lạ hoặc bất kỳ ai mà anh ấy không biết rõ. Mặt anh ấy đỏ bừng, ngực và lưng anh ấy ướt đẫm mồ hôi, và suy nghĩ của anh ấy trở nên lộn xộn. Anh ấy tránh những lớp học mà anh ấy phải nói trước mặt người khác. Anh ấy đã hai lần từ bỏ tham gia hội thảo bắt buộc về diễn thuyết và giao tiếp, cuối cùng anh đã hoàn thành yêu cầu này bằng cách tham gia một lớp học tương đương tại trường cao đẳng cộng đồng.
"Cậu cảm thấy sợ điều gì?" tôi hỏi.
“Tôi sợ thất bại. Tôi sợ người ta phát hiện ra mình không biết gì cả. Tôi sợ phải nhờ người khác giúp đỡ.”
Các bác sĩ chẩn đoán rằng David bị chứng chứng rối loạn tập trung (attention deficit disorder – ADD)) và rối loại lo âu tổng quát (generalized anxiety disorder (GAD)) và họ kê cho David một loạt các loại thuốc, nào là Paxil, nào là Adderall. Và David nghiện Adderall – một loại thuốc giúp cậu tăng sự tập trung chú ý.
“Điều đầu tiên tôi làm mỗi buổi sáng trước khi tới lớp là uống một liều 10 millgrams. Nó giúp tôi tập trung chú ý. Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi nghĩ mình đã có những thói quen học tập không tốt. Adderall bù đắp thiếu sót đó cho tôi, nhưng nó cũng khiến tôi trì hoãn. Nếu như có một bài kiểm tra và tôi chưa học hành gì cả, thì tôi sẽ uống Adderall khi gần tới kì kiểm tra, học ngày học đêm, cố nhồi nhét để đối phó với bài kiểm tra. Sau đó thì tôi không thể học tập mà không uống thuốc. Rồi tôi lại cần liều mạnh hơn.”
Adderall gần như kiểm soát cả cuộc sống của cậu, càng lúc càng mạnh hơn. Ngoài ra, Adderall còn “dẫn” bạn của nó là Ambien và Ativan đến với cuộc đời của David.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2005, cậu quay về ở với bố mẹ. Cậu muốn đến trường luật, lấy bằng LSATs, nhưng khi nộp đơn, cậu lại cảm thấy không thích nữa.
“Tôi ngồi trên băng ghế và cảm thấy vô cùng giận dữ: với chính mình, với cả thế giới.”
“Cậu giận dữ điều gì?”
“Tôi cảm thấy tôi đã phung phí giáo dục bậc đại học của mình. Tôi chưa từng được học thứ mà tôi muốn học. Bạn gái tôi vẫn còn đi học … cô ấy học giỏi, đang lấy bằng thạc sĩ. Tôi thì lại đang lăn lộn ở nhà, không làm gì cả.”
Sau khi bạn gái David tốt nghiệp, cô ấy đậu một công việc ở Palo Alto. Cậu theo cô ấy đến đó, và trong năm 2008, họ kết hôn. David tìm được việc làm ở một công ty lĩnh vực công nghệ mới thành lập, nơi mà cậu phải giao tiếp suốt với những kỹ sư trẻ và thông minh .
Cậu quay lại lập trình và học tất cả những thứ mà đáng lẽ ra cậu đã học ở đại học - nhưng lúc đó cậu đã từ bỏ vì cậu quá sợ hãi vì phải học trong một căn phòng đầy sinh viên. Cậu được thăng chức lên làm người phát triển phần mềm, phải làm việc 15 giờ đồng hồ mỗi này, và cậu chạy bộ hơn ba mươi dặm một tuần vào thời gian rảnh của mình.
“Nhưng để làm được tất cả những điều đó,” David nói, “Tôi phải uống nhiều Adderall hơn, không chỉ uống vào mỗi sáng, mà phải uống suốt cả ngày. Khi thức giấc, tôi uống Adderall. Về nhà, ăn tối, uống nhiều Adderall hơn. Uống thuốc trở thành thói quen mới của tôi. Tôi cũng thường xuyên uống một lượng lớn caffeine. Khi đêm đến, và tôi cần đi ngủ, thì tôi kiểu như, Okay, giờ mình làm gì đây? Vậy nên tôi quay lại với bác sĩ trị liệu và nói cô ấy kê cho tôi vài liều Ambien. Tôi giả vờ như không biết Ambien là gì, nhưng mẹ tôi đã uống Ambien trong thời gian dài, và các chú của tôi cũng thế. Tôi cũng nói với cô ấy rằng hãy kê một liều giới hạn Altivan để trị chứng căng thẳng trước khi thuyết trình. Từ năm 2008 đến 2018, tôi uống khoảng 30 miligrams Adderall mỗi này, 50 milligrams Ambien mỗi này, và 3 đến 6 milligrams Ativan mỗi ngày. Tôi đã cho rằng, mình bị căng thẳng và ADHD*và mình cần những loại thuốc này để có thể hoạt động tốt.”
Nhưng thuốc không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, và David biết thuốc mới chính là vấn đề khi sự phụ thuộc của cậu vào thuốc càng lúc càng mất kiểm soát. Và thuốc cũng không còn là cách giải quyết vấn đề nữa.  
“Tôi chán ngán việc này. Chán ngán việc phải uống thuốc kích thích mỗi sáng rồi uống thuốc an thần mỗi tối. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt cuộc đời của mình. Tôi nghĩ rằng vậy thì sẽ tốt hơn, cho mình và cho mọi người. Nhưng vợ tôi có thai, do đó, tôi biết là mình phải thay đổi. Tôi nói với cô ấy là tôi cần được giúp đỡ. Tôi nhờ cô ấy đưa tôi đến bệnh viện.”
David được đưa đến khu điều trị tâm lý nội trú, và được chẩn đoán là bị nghiện các loại thuốc kích thích và thuốc an thần. Cậu nhập viện cho đến khi cậu cai được Adderall, Ambien và Ativan, và đến khi cậu không còn ý nghĩ muốn tự sát nữa. Quá trình này kéo dài hai tuần. Cậu được xuất viện và về nhà với người vợ đang mang thai của mình.
Khi thuốc không còn là phương pháp giải quyết vấn đề, David biết mình cần thứ gì đó khác, cậu ấy đến với phòng khám tâm lý và được kê đơn một liệu trình tâm lý hoàn toàn khác: liệu pháp phơi bày – exposure therapy.
Chúng tôi đều cho rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của David là nói chuyện với người lạ, nên nhiệm vụ đầu tiên của anh ấy là buộc mình phải nói chuyện phiếm với đồng nghiệp.
[…] David nói với tôi rằng, “Bài tập trị liệu của tôi là vào bếp, phòng nghỉ hoặc căng tin ở nơi làm việc và nói chuyện với những người ngẫu nhiên. Tôi đã tự lên cho mình một kịch bản: 'Xin chào. Tên tôi là David. Tôi làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Bạn làm gì?” Tôi lập thời gian biểu: trước bữa trưa, vào bữa trưa và sau bữa trưa. Sau đó, tôi phải đo lường sự đau khổ của mình trước, trong và sau quá trình nói chuyện với người lạ đó, trên thang điểm từ một đến một trăm - một trăm là sự đau khổ tồi tệ nhất mà tôi có thể tưởng tượng được.”
[…]
“Cậu cảm thấy thế nào trước khi tương tác với người khác? Tâm trạng cậu mấy điểm?” tôi hỏi.
David trả lời: “Trước đó, tâm trạng tôi là một trăm điểm. Tôi chỉ cảm thấy rất sợ hãi. Mặt tôi đỏ hết cả lên. Tôi toát mồ hôi.”
“Cậu sợ điều gì sẽ xảy ra?”
“Tôi sợ người khác nhìn vào và cười nhạo tôi. Hoặc họ sẽ gọi phòng nhân sự hoặc nhân viên an ninh đến bắt tôi, bởi vì nhìn tôi có vẻ điên điên.”
“Mọi chuyện diễn ra như thế nào?”
“Không có điều gì tôi trong số đó xảy ra. Không ai gọi nhân sự hoặc an ninh. Tôi đắm chìm trong khoảnh khắc đó càng lâu càng tốt, vừa để cho sự lo lắng bao trùm lấy mình, vừa tôn trọng thời gian của họ. Các tương tác kéo dài khoảng bốn phút. Sau đó tâm trạng tôi khoảng bốn mươi điểm. Ít lo lắng hơn nhiều. Vì vậy, tôi đã làm điều đó theo lịch trình ba lần một ngày trong nhiều tuần và dần dần theo thời gian, nó ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Sau đó, tôi thử thách bản thân với những người ngoài công việc.”
“Ở Starbucks, tôi cố ý nói chuyện phiếm với nhân viên pha chế. Tôi chưa từng làm điều này. Tôi luôn đặt hàng qua ứng dụng để tránh phải tương tác với người khác. Nhưng lần này, tôi đến thẳng quầy và gọi cà phê. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là tôi sẽ nói hay làm điều gì đó ngu ngốc. Tôi đã làm khá tốt cho đến khi tôi làm đổ một ít cà phê của mình lên quầy. Tôi rất xấu hổ. Tôi nói với bác sĩ về chuyện đó, cô ấy bảo tôi hãy làm lại điều này một lần nữa – nghĩa là, hãy cố ý đổ một ít cà phê. Lần tiếp theo khi ở Starbucks, tôi làm đổ một ít cà phê – cố ý. Tôi cảm thấy rất căng thẳng, nhưng tôi quen dần với điều này.”
 “Tôi gần như không thể tin được rằng cuộc đời mình giờ có thể khác thế này. Tôi ít cảnh giác hơn. Tôi không phải lên kế hoạch trước để tránh việc tương tác với mọi người. Tôi có thể đi vào một toa xe lửa đông đúc và không cần phải đi làm trễ chỉ bởi vì tôi phải chờ chuyến tiếp theo, hay chuyến tiếp sau nữa. Tôi có thể thực sự thích thú với việc gặp gỡ những người mà tôi sẽ không bao giờ gặp lần nữa trong đời mình.”
_____________________________
Qua câu chuyện của David, chúng ta đã phác họa được thế nào là liệu pháp phơi bày – exposure therapy. Liệu pháp phơi bày là phương pháp điều trị tâm lý được sử dụng để giảm các triệu chứng lo âu và nỗi sợ hãi. Cụ thể, phương pháp này là việc dần dần tiếp xúc với những tình huống hoặc vật thể khiến người bệnh gặp lo âu hoặc sợ hãi, trong một môi trường an toàn và trong tầm kiểm soát. Việc tiếp xúc này sẽ giúp cho bệnh nhân phát triển các kỹ năng và cách thức xử lý những tình huống này, từ đó giảm bớt cảm giác lo âu và sợ hãi.
Có một số kỹ thuật phơi bày cụ thể có thể được sử dụng trong điều trị bằng phơi bày, bao gồm:
·        Giảm nhạy cảm hệ thống (Systematic desensitization): Kỹ thuật này bao gồm phơi bày dần dần người bệnh với kích thích gây lo âu, bắt đầu bằng một phơi bày nhẹ và tăng cường độ mạnh dần theo thời gian. Ví dụ, người sợ bay có thể bắt đầu bằng cách nhìn vào hình ảnh máy bay, sau đó xem video về cất cánh và hạ cánh, và cuối cùng là thực hiện các chuyến bay ngắn.
·        Tràn ngập (Flooding): Kỹ thuật này bao gồm phơi bày người bệnh với kích thích gây lo âu mạnh nhất một cách đột ngột. Mặc dù phương pháp này có thể gây áp lực, nhưng cũng có thể dẫn đến giảm nhạy cảm nhanh chóng và giảm triệu chứng lo âu. Ví dụ, người sợ độ cao có thể được đưa lên đến đỉnh tòa nhà cao và yêu cầu nhìn xuống vực sâu.
·        Phơi bày thực tế ảo (Virtual reality exposure therapy): Kỹ thuật này sử dụng công nghệ thực tế ảo để mô phỏng kích thích gây lo âu của người bệnh trong một môi trường kiểm soát. Điều này cho phép họ đương đầu với nỗi sợ của mình một cách an toàn và kiểm soát. Ví dụ, người sợ nhện có thể được phơi bày với một con nhện ảo bò trên tay.
Dù sử dụng kỹ thuật cụ thể nào, điều trị bằng phơi bày thường bao gồm ba bước chính:
·        Xây dựng một bậc thang các tình huống gây sợ hãi: xác định những tác nhân gây lo âu của một người và xếp hạng chúng theo độ mạnh.
·        Tiến hành phơi bày với các tình huống gây sợ hãi: phơi bày người đó với những kích thích gây lo âu, bắt đầu bằng kích thích nhẹ nhàng nhất và dần tăng độ mạnh theo thời gian.
·        Ngăn chặn phản ứng: giúp người đó chấp nhận nỗi lo âu của họ mà không dùng các cơ chế vượt qua thông thường của họ: trốn tránh hoặc phân tâm.
Tất nhiên liệu pháp phơi bày không áp dụng cho tất cả mọi tình huống, và điều kiện lý tưởng nhất là chúng ta có một bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp kề cận để theo sát và biết điểm dừng (hay giới hạn) của chúng ta để giúp chúng ta chữa trị. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể đạt được điều kiện lý tưởng này mà chúng ta vẫn khao khát muốn chữa trị nỗi sợ của mình, thì dưới đây, là ví dụ của tôi về việc kết hợp chữa chứng sợ xã hội và có chút sợ nước của mình.
Tôi đi học bơi.
Tôi đi học bơi. Nguồn hình: hình của tôi.
Tôi đi học bơi. Nguồn hình: hình của tôi.
Trước khi đi học bơi, tôi tỉ mỉ ngồi lý giải xem mình sợ cái gì nhất, và nỗi sợ đoạt giải quán quân chính là việc tôi sợ bị người khác chê cười. Tuổi này rồi mà còn đi học bơi? Nhìn các bạn nhỏ bơi tung tăng như cá, còn mình vẫn phải đeo phao. Cả hồ bơi sẽ xúm lại nhìn tôi khởi động trong những tư thế kì cục.
Và tôi nghĩ. Kệ. Ai cười thì người đó tự mỏi miệng.
Nhưng, kết quả của tôi cũng giống như David vậy. Chẳng ai cười tôi cả. Có những học viên bơi còn lớn tuổi hơn tôi. Khi tôi nhìn thấy họ, gặp họ, có những cô đáng tuổi mẹ tôi, vẫn đeo phao học bơi, thì tôi phát hiện ra ý nghĩ đầu tiên trong đầu mình hoàn toàn không phải là: Tuổi này mà còn học bơi! Thật đáng xấu hổ! mà là: Tuổi này rồi mà vẫn cố gắng học hỏi một điều mới mẻ! Thật dễ nể! Mình muốn được như họ!
Khi thấy bản thân mình nghĩ như vậy, tôi bắt đầu có tưởng tượng tích cực hơn về những điều mà người khác sẽ nghĩ về tôi.
Và thực tế chứng minh điều đó: những người ở hồ bơi, họ vô cùng thân thiện. Có một lần, khi tôi chìm mãi không học được cách nổi lên, và thầy dạy bơi thì chỉ gào lên rằng phải thả lỏng ra! Những người ở hồ bơi còn bảo vệ tôi, nói giúp tôi (la lên với ông thầy là "thầy nói thì dễ lắm!"), cổ vũ tôi. Khi tôi mãi chìm nghỉm dưới đáy hồ, họ còn truyền bí kíp cho tôi. (Hít sâu vào là tự động nó nổi).
Kết quả là sau khi học bơi, ngoài chuyện biết bơi, thì tôi đã hết sợ việc phải tiếp xúc với người lạ. Và quan trọng nhất, tôi – giống như David, thực sự thích thú với việc gặp gỡ những người mà tôi sẽ không bao giờ gặp lần nữa trong đời mình.
Nói tóm lại, liệu pháp phơi bày nghĩa là: bạn sợ cái gì – thì đi làm cái đó. Từng cấp độ một. Từng chút một.
Warning cuối: mọi thứ phải trong tầm kiểm soát – nghĩa là, nếu bạn sợ chó, tuyệt đối không nên chữa trị nỗi sợ bằng cách đi chọc chó nhé!
______
Bài viết này có tư liệu trích dẫn từ cuốn Dopamine Nation của Anna Lembke.