Bản ngã càng lớn - Đau khổ càng nhiều
Con người sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi tôi là ai
Tôi viết bài này để giúp đỡ bạn - người đang không hạnh phúc nhờ việc cho bạn biết sự thật về chính bạn - bạn là ai. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài. Nếu bạn học được điều gì, hãy để lại upvote và bình luận phía dưới để tôi biết được và vui vì sự có ích của mình. Nếu bạn thấy khó hiểu hay bài viết vô dụng, cũng hãy bình luận để mình có cơ hội biết để giải đáp và cải thiện. Xin chân thành cảm ơn.
Khi nhìn thấy nhiều bạn trẻ tiêu tốn thời gian tối thiểu 2 tiếng một ngày cho việc lướt mạng xã hội, hít hà các drama của showbit, lãng phí nhiều giờ nữa cho những suy tư buồn chán, hoặc ngay cả trong lúc học và làm việc các bạn cũng không tập trung, .... Tôi rất đồng cảm với các bạn và nhớ đến bản thân mình của khá nhiều năm trước, hồi còn học cao trung, cũng đã từng buồn chán như vậy, nguyên nhân là vì đâu?
Đơn giản là vì không biết rõ bản thân mình là ai, sống để làm gì. Nên chưa bao giờ cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, buồn chán và lãng phí thời gian là 2 điều hiển nhiên và duy nhất chúng ta có thể làm.
Chạy lăng xăng hết chỗ này đến chỗ kia để tìm nơi nương tựa, để tìm hạnh phúc, để tìm ý nghĩa cuộc đời.
Tôi lớn lên trong một gia đình có cả bố mẹ đều làm giáo viên. Hồi ấy thì 90% người ta đều cho rằng con nhà giáo viên là phải học giỏi. Và tôi dành 13 năm đầu đời chỉ để làm 1 việc đó là giúp người ta củng cố thêm cái quan điểm này. Chạy mãi, chạy mãi theo việc phải là đứa học giỏi nhất để xứng đáng với việc được sinh ra trong một gia đình gia giáo, cho dù cha mẹ cố tình hay không cố tình đưa cho tôi cái suy nghĩ đó, thì cuộc đời nó cũng bắt tôi phải nghĩ như vậy.
Ban đầu tôi còn vui vẻ vì được mọi người khen ngợi, người ta nói tự hào về tôi và khen tôi giỏi. Tôi thích lắm, tôi tưởng người ta khen tôi vì tôi đã nỗ lực. Và thế là tôi lại tiếp tục cố gắng. Cho đến một ngày tôi không còn là người học giỏi nhất như tôi đã từng, dù cho tôi vẫn cố gắng. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là lúc này mọi người lại quay sang nói tôi đã làm họ thất vọng, ánh mắt họ nhìn tôi đã không còn rạng rỡ và yêu thương như trước. Nhưng tôi chẳng có gì thay đổi cả, vẫn ngoan như vậy, và còn cố gắng học tập gấp đôi so với những năm trước đó. Sau này lớn lên tôi mới dần nhận ra, sư đổi thay ở đây là tôi đã mất đi một thứ, đó là cái danh hiệu, cái mác người ta gán cho tôi.
Những năm sau đó thì tôi lại lăng xăng vào rất nhiều các công tác và lĩnh vực khác, như công tác đoàn đội, tôi nhớ hồi đó tôi làm trưởng đoàn thanh niên tình nguyện trẻ tuổi nhất trong lịch sử của xã mình (16 tuổi). Sau đó tôi làm các hoạt động đoàn thể như MC, biên tập viên, người tổ chức sự kiện. Cũng đá qua vài lĩnh vực khác như âm nhạc, hội họa, văn học. Mặc dù tôi luôn đạt được thành tích cao nhất khu vực và trong các cuộc thi ở 80% các lĩnh vực mình tham gia, niềm vui và sự vinh dự có đến, nhưng nó cứ tự dưng biến mất trong tôi mà không rõ tại sao.
Ngay sau đó tôi đều nhanh chóng chán nản, rồi lại chuyển lĩnh vực mới. Tôi ngụp lặn trong cuộc sống, vì cái gì ? Sau này tôi cũng mới ý thức được đó là vì tìm một lẽ sống cho bản thân, tìm cái mình thật sự muốn làm và có thể gắn bó với nó cả đời, tìm nơi nương tựa cho mình để có được bình yên và hạnh phúc. Tôi không biết được bản thân lúc đó đang cố giải một bài toán mà mình không được học cách giải, và dĩ nhiên, tôi thất bại. Và tôi lại buồn chán, nhưng lần này tôi không lao vào các lĩnh vực mới nữa, đơn giản vì tôi đã mệt rồi.
Thê rồi, tôi nhớ mình đã dành thời gian ngắm nhìn hết chiếc lá này đến chiếc lá khác, thậm chí tôi còn nhớ là tôi đã đếm số chiếc lá trên một cành cây gần lan can lớp mình. Nếu tôi nhớ không nhầm thì gần 250 cái, lúc đó hết giờ nên tôi phải đi vào lớp, chứ nếu không chắc tôi sẽ còn tiếp tục, để xem là số chiếc lá có bằng được số suy nghĩ luôn quanh quẩn trong đầu tôi hay không. Mùa thu năm đó, lá rụng nhiều, tôi chợt nghĩ, mình sẽ chết như thế nào, có chết trong sự vô dụng như chiếc lá kia không ? À mà không, ít ra nó còn có ích, ít nhất nó giúp cho mùa thu thêm đẹp, người ta nói mùa thu đẹp vì có lá rụng trong gió bay mà.
Nhìn vào chính mình như thật sự nhìn để thấy chính mình.
Có một lần tôi tình cờ xem được một đoạn video của bạn cùng lớp, có quay lại cảnh chúng nó đang chơi bài với nhau rất vui. Nhưng mà có vui hay không thì tôi cũng chẳng quan tâm, vì với tôi lúc đó niềm vui cũng chẳng có ý nghĩa, nó cứ đến rồi đi trong tôi quá nhiều lần, bấy giờ, tôi chỉ thấy trống rỗng.
Vấn đề là, tôi lại được nhìn thấy chính bản thân đang buồn chán, đó là một bước ngoặt lớn. Hôm đó tôi tình cờ thấy mình ở trong đoạn video kể trên, đang ngồi ở một góc lớp, mắt nhìn ra ngoài lan can, buồn chán và thiếu sức sống. Tôi chợt sững lại vì có cái gì đó khang khác ở đây. Bình thường tôi cũng buồn chán, tôi ý thức rõ sự trống rỗng đó, nhưng khi thấy mình trong một lăng kính của người đứng ngoài quan sát bằng việc xem lại hình ảnh mình trong video, tại sao tôi lại cảm thấy khác nhỉ, khác ở chỗ nào, tại sao cảm giác chán nản tôi cảm nhận được ở trong đoạn video đó không hề giống như cảm giác đang thường trực trong tôi?
Tôi rất bình thản khi thấy bản thân trong khung hình đó buồn, cứ như quan sát một người xa lạ vậy, cứ như nỗi buồn của "tôi" trong video đó không phải là của tôi mặc dù ngay lúc xem video, tôi vẫn thấy trong lòng mình đang buồn.
Đó là bởi xem đoạn video vô tình mình lạc vào ống kính, tôi đang nhìn tôi một cách thực sự nhìn, một cái nhìn đúng nghĩa.
Trước đây, tôi chỉ nhìn bản thân như những gì tôi nghĩ, theo kiểu cảm nhận trong đầu rằng mình đang buồn, đó là góc nhìn thứ nhất chứ không hề có một sự công bình trong cách nhìn nhận bản thân như khi xem video, là ở góc nhìn người quan khán. Lúc đó tôi mới chợt nhận ra rằng, phải chăng có một cái tôi đang tồn tại bên trong mình, cái tôi đó vui buồn, giận giữ, chán nản,... nhưng tôi cứ tưởng là tâm của mình thật sự như vậy. Thật khó để nhận ra bản thân mình còn có một cái tôi bên trong, vì cái tôi đó cũng đang suy nghĩ, đang tư duy, đang có những cảm xúc đến và đi làm chính ta tưởng nhầm đó là ta.
Ngay kể cả khi bạn hay tôi soi gương, chụp ảnh selfie, hay chủ động xuất hiện trong khung hình của người khác, thì khi đó bản thân chúng ta đang là cái chúng ta muốn nhìn thấy, muốn thể hiện ra bên ngoài chứ không hề là chính chúng ta. Mọi thứ đều được "cái tôi, cái ý thức" này chi phối một cách vô hình mà chúng ta không hề nhận ra. Khi bạn soi gương, bạn thấy mình xinh đẹp hay xấu xí, bạn thấy mình vui buồn hay tự hào, hoặc tự ti, mặc cảm, tất cả những gì bạn thấy đó là cái tôi của bạn đang phản ánh ra cho bạn nhìn. Nên bạn mãi mãi không thể nhìn được mình thật sự là bằng cách cảm nhận hay nghĩ về bản thân (bởi đó là góc nhìn thứ nhất, chủ quan, là cách bản ngã làm việc), cho đến khi bạn nhìn chính mình như một người thứ 3, độc lập quan sát sự tương tác của bạn với thế giới. Khi đó bạn sẽ thấy, có một cái tôi đang hoạt động bên trong bạn
Cái tôi đó, cái ý thức tự nhận thức về bản thân đó chính là bản ngã bên trong mỗi chúng ta. Bản ngã là bộ lọc chúng ta dùng để nhìn nhận thế giới và giải thích cuộc sống theo cách hiểu của riêng mình. Rất khó để rạch ròi được bản ngã và bản chất thật sự của tâm, bởi vì tâm ta đã vô tình bị cuốn theo bản ngã từ khi ta sinh ra. Càng lâu, cùng với thời gian, bản ngã tạo ra rất nhiều tầng lớp che mờ đi bản chất của tâm và khiến ta càng chấp ngã - chấp chặt hơn vào cái “tôi” tồn tại kiên cố. Chỉ khi ta có đủ tuệ giác (trí tuệ khi giác ngộ) mới nhận thức được bản ngã, để tôi thử giúp bạn một chút trong việc nhận ra nó. Có phải bạn luôn nói mọi thứ bằng chữ tôi phía trước như tôi nghĩ là, tôi cho rằng, tôi đang buồn, tôi đang vui, tôi tự tin, tôi tự ti, tôi cảm thấy,..... Khi bạn thêm chữ tôi vào phía trước bất cứ điều gì, dù trong câu nói hay trong ý nghĩ, thì có nghĩa là bạn đang thừa nhận điều đó là của bạn một cách âm thầm dù bạn có ý thức được hay không. Đấy là cách hoạt động của bản ngã, luôn coi mọi thứ là của nó, kể cả những thứ vốn không do nó quyết định.
Chính vì ta bị cuốn theo cái bản ngã ấy cho nên mới sinh ra đau khổ. Bởi vì sao ? Bởi vì bản ngã ấy vô minh, thiếu trí tuệ, nên sinh ra tham ái và chấp thủ. Cái bản ngã ấy cho rằng thân xác này, cảm xúc này là của nó, tri thức, nhận thức này là của nó, cũng như mọi danh hiệu người ta dành cho nó là của nó. Cho nên mới sinh ra bảo vệ và níu giữ, khi giữ không được thì sinh ra đau khổ.
Một cái mặt nạ. Đeo càng lâu càng chặt, càng khó thể cởi ra cũng như càng tin tưởng nó thực sự là mình. Đến khi nuốn cởi ra thì đau đớn, trầy da tróc vảy nên người ta cũng sợ tháo xuống, chấp nhận sống với nó cả đời. Thật đáng buồn làm sao.
Ví dụ. Từ nhỏ tôi được mọi người nhận xét là tự tin, năng động, vì chưa có trí tuệ đủ nên tôi tin điều đó. Từ đó tôi có thể thực hiện thuần thục vai diễn này trong suốt quãng thời thơ ấu cho tới khi tôi nhận ra thực tế rằng mình là người sống khá nội tâm và thích sự tĩnh lặng, tôi cũng rụt rè trong việc bày tỏ cảm xúc của mình với người khác. Lúc đó tôi khá lo lắng và hoài nghi về bản thân mình. Tôi hoàn toàn không ý thức được cái bản ngã của mình và mình là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Tôi cũng được mọi người cho là học giỏi, điều đó khiến tôi luôn lo lắng một ngày nào đó mình sẽ khiến mọi người thất vọng. Cảm giác này đã luôn đeo bám lấy tôi trong nhiều năm.
Ví dụ: Khi bạn cho rằng thân thể này là của bạn, bạn sẽ sợ nó bị tổn thương, sợ nó bị già yếu, sợ chết và luôn tìm mọi cách để níu giữ lấy nó. Khi bạn đau ốm, bạn thường mong muốn sớm khỏi bệnh, bạn bồn chồn, lo lắng, nhưng việc sau khi bạn đã làm đủ mọi cách theo bác sĩ thì bệnh có khỏi hay không, không phải do bạn quyết định. Cái thân xác này sẽ tự vận hành và sẽ khỏi hoặc không khỏi. Nó hoàn toàn không phải thuộc về bạn. Vì nếu nó thuộc về bạn, bạn đã có khả năng điều khiển nó 100%. Ví dụ như bạn có thể chủ động dùng ý nghĩ làm cho nhịp đập tim tăng lên được không, không thể, bạn phải thông qua chạy bộ, khi đó chạy và nhịp tim tăng lại là việc của riêng cái thân rồi.
Tương tự đối với những cảm xúc, khi bạn vui, bạn có muốn niềm vui chấm dứt không, đương nhiên là không vì bạn cho rằng niềm vui đó đang thuộc về bạn, bạn đang vui. Nhưng trên thực tế, niềm vui đến là nhờ có các nhân duyên tạo ra nó, các lý do niềm vui đến, vì nó có lý do sinh ra nên nó cũng sẽ có lý do mất đi, đó là cách niềm vui hoạt động. Nó không thuộc về chúng ta nên dĩ nhiên níu giữ nó là một sai lầm, khi mất đi nó, ta thất vọng và đau khổ.
Đau khổ đến khi mất đi điều gì đó mà ta níu giữ. Thật ra bạn chưa từng mất đi thứ gì, vì chưa từng có thứ gì thuộc về bạn, chúng thuộc về chính chúng nó, như bạn chỉ thuộc về bạn mà thôi.
Ví dụ: Bình thường bạn đang không có kẹo, không có vấn đề gì xảy ra với bạn cả. Một hôm, có một người cho bạn kẹo, bạn vui vì điều đó, hôm sau người đó lại cho bạn kẹo đến khi bạn quen với điều đó và niềm vui đó. Bạn tưởng niềm vui là của mình. Đến một hôm người đó không đến nữa thì bạn lại buồn, vì bạn đã mất đi niềm vui rồi. Nhưng trên thực tế, bạn vẫn là bạn như ban đầu khi chưa có kẹo, chẳng có gì khác biệt cả. Chính vì bản ngã luôn níu giữ lấy những thứ nó cho là của nó, của tôi, của bạn nên nó sẽ luôn khóc lóc đau khổ khi điều đó mất đi. Mặc dù thực sự thì chưa từng có cái gì thuộc về nó, thuộc về chúng ta cả. Nhưng chúng ta lại tin cái nỗi khổ của bản ngã đó là của chúng ta, nên chúng ta đau khổ theo nó.
Vậy khi bạn buồn thì sao. Bản ngã cũng cho là nỗi buồn thuộc về nó. Chẳng phải bạn hay nói rằng: "Tôi đang buồn" đấy sao. Khi thêm từ tôi đứng phía trước một cái gì đó, bạn đã tự nhận nó là của bạn rồi. Nếu nó thật là của bạn, lẽ ra bạn phải có khả năng ném nó đi chứ nhỉ. Nhưng không, bạn bị cuốn theo nỗi buồn, bạn suy nghĩ rất nhiều và liên tục về nó, bạn chìm trong đau khổ.
Cho đến khi có ai đó kéo bạn ra khỏi nỗi buồn, nhưng trớ trêu là đa phần mọi người lại dùng niềm vui để kéo bạn ra, bởi họ cũng không ý thức được cái ngã đang tồn tại bên trong họ, và bạn lại tiếp tục vui buồn, và lại đau khổ.
Cách để thoát khỏi khổ đau.
Vậy làm sao để tự bạn kéo mình ra khỏi khổ đau, chính là dùng trí tuệ thực sự để nhìn nhận đúng đắn về mọi thứ, dần dần xóa đi cái nhận thức cố hữu của bản ngã. Đơn giản như khi bạn hiểu bản chất thật sự của nỗi buồn như khi tôi vừa giải thích, bạn sẽ đỡ buồn hơn một chút. Càng có nhiều hiểu biết đúng đắn, sẽ càng bớt đau khổ.
Lại nói, bản ngã liên tục tìm kiếm cái thỏa mãn nó, làm nó hài lòng, nó tưởng nó đã tìm ra hạnh phúc, rồi cái hạnh phúc đó lại mất đi, nó lại đau khổ và lại tiếp tục một vòng lặp mới. Vì cái bản ngã cho rằng niềm vui là của nó, cho nên nó liên tục đi tìm kiếm niềm vui để thỏa mãn mình, hay là bạn đang luôn chạy theo những thứ mới lạ và cảm xúc đó. Bản ngã lại cho rằng sự tự hào, công nhận, cái danh hiệu mà mọi người trao cho nó là của chính nó, nên bạn mãi chạy đi làm việc này việc kia để thỏa mãn chính mình. .
Ý nghĩa cuộc sống mà hiện tại ai cũng đang tìm : Sống để làm cái bản ngã hài lòng hay nói cách khác, sống để đau khổ.
..................................
Bản ngã che mờ bản chất thật sự của tâm bạn, ta phải dùng trí tuệ để tách rời tâm bạn và bản ngã ra thì mới hiểu tâm ta là như thế nào, và mới biết ta là ai, đồng thời cũng trả lời được câu hỏi mục đích sống là gì.
Ở đây, tôi sẽ tăng tuệ giác của bạn lên một chút bằng cách cho bạn thấy sự thật về tâm bạn.
Tâm của chúng ta giống như một mặt hồ đang được che phủ bởi một tấm màn vậy, nó đang bị che mờ và tối tăm mù mịt bởi cái màn che đó, chính là cái bản ngã, nó chỉ nghĩ nó là độc nhất, nó biết suy nghĩ, nó là riêng biệt,..... cho nên nó không để bất cứ thứ gì ngoài thế giới lọt vào trong hồ mà không thông qua sự đánh giá của nó, mặc dù nó thường là sai lệch, nó giữ những thứ đúng đắn bên ngoài và thả những thứ độc hại như cảm xúc, danh hiệu, đánh giá, kiến thức cá nhân, nhãn dán mọi người dán cho bạn vào bên trong. Tâm của ta muốn đẩy ra nhưng vô vọng vì bị cái màn chắn đó ngăn cản. Lại nói nước trong đó đục hay trong chính là tùy vào hàm lượng tham ái và dục vọng của chúng ta, của cái bản ngã.
Ta cần loại bỏ dục vọng để nước được trong hơn. Đồng thời với đó là loại bỏ đi tầng màn che phía trên mặt hồ, chính là chấp thủ, vô minh, là bản ngã. Chấp thủ có nghĩa là sự cố chấp, bám víu vào kiến thức cá nhân để nhìn nhận mọi việc, từ đó kéo theo nhân tố là vô minh (tạm hiểu là thiếu hiểu biết).
Bây giờ bạn tưởng tượng xem, sau khi loại bỏ màn che và làm mặt sạch nước hồ nó sẽ thế nào ? Chính là một mặt hồ phẳng lặng, trong sáng và có thể phản chiếu thực tại của mọi vật, của vũ trụ và đạt đến sự giác ngộ, giác ngộ được chính bản chất của cái hồ đó, là gì nhỉ ?
Đó là một cái tâm sáng suốt, có được tuệ giác, vì khi này tâm nhìn nhận mọi việc thực sự như chính nó là, có nghĩa là phản chiếu sự vật xuống mặt hồ mà không thông qua một sự đánh giá mang tính chủ quan nào. Lúc này bạn nhìn cái điện thoại trước mặt như chính nó là, nó không phải cái điện thoại, điện thoại chỉ là một danh xưng con người ta đặt cho nó mà thôi, nó không phải là điện thoại, nó là nó, mà cũng không phải là nó (vì từ "nó" mà tôi dùng để chỉ cái điện thoại cũng là một đại từ xưng hô).
Hồ nước sạch, trong sáng sẽ thu hút mọi loài đến uống nước, sẽ khiến cho cá tôm bơi lội và sinh sống bên trong. Năng lực của tâm và bản chất của tâm chính là như vậy, là làm lợi cho muôn loài.
Đến đây, bạn đã trả lời được câu hỏi bạn là ai và bạn sống để làm gì rồi chứ. Cũng như cái điện thoại trong ví dụ khi nãy, bạn không là ai cả, nếu có, đó chỉ là bản ngã đang gán cho bạn mà thôi. Bạn là một mặt hồ, tồn tại ở đó giữa đất trời, làm lợi cho muôn loài, vậy mục đích bạn sống chính là để mang lại giá trị cho mọi người, mọi chúng sinh trên cuộc đời này.
Lại có một câu hỏi khác, làm gì để hạnh phúc. Trước đây, vì thiếu hiểu biết, bản ngã bạn khiến bạn tin rằng hạnh phúc là phải có thứ này, thứ kia, hay có những thứ nó muốn, bạn muốn. Dẫn đến bạn để cho bản ngã dẫn dắt và làm mọi việc để chạy theo cảm xúc, chạy theo niềm vui, chạy theo danh lợi, chạy theo cái danh xưng người ta gán cho bạn. Vậy bây giờ, khi đã không còn chạy theo những thứ đó thì ta biết làm gì để có hạnh phúc và ta biết nương nhờ vào gì đây ?
Câu trả lời rất đơn giản, chính là nương nhờ vào tâm của chúng ta. Mọi thứ trước đây bản ngã chạy theo như danh dự, cảm xúc đều sinh ra và mất đi như một quy luật của riêng nó. Chỉ có tâm ta là thứ duy nhất không sinh không diệt, tồn tại ở đó như một mặt hồ tĩnh lặng soi chiếu thế gian. Hạnh phúc chính là khi nó được là chính nó, được mang lại lợi ích cho muôn loài. Niềm hạnh phúc khi tạo được lợi ích cho người khác là nhất thời nếu như động cơ tạo nên lợi ích đó đến từ bất cứ lý do nào khác do bản ngã tạo ra, như cho rằng giúp đỡ người khác nó sẽ có được danh dự, được yêu mến, được tôn trọng, được nhận lại lợi ích,....
Niềm hạnh phúc đó sẽ là vĩnh viễn nếu như bạn tạo ra lợi ích cho người khác không vì bất cứ lý do gì, bởi vì bản chất của tâm vốn đã là hồ nước ngọt cho muôn loài đến uống thỏa thích rồi, không cần thêm lý do gì khi giúp người nào đó nữa, đó là lẽ tự nhiên của tâm rồi. Và đạo Phật gọi niềm hạnh phúc thật sự đó là bình yên, an lạc.
Trở về với chính tâm của ta, để ta là ta như ta thực sự là
Phía trên đã có các câu trả lời các bạn muốn cho các câu hỏi tôi là ai, tôi sống vì mục đích gì, tôi làm sao có hạnh phúc. Câu hỏi lúc này là, bản ngã đang che mờ tâm, làm sao để tách nó ra khỏi tâm được ? Cho dù chính tôi đã nói cho bạn biết cách làm ở phía trên. Có 2 việc, đó là loại bỏ tham ái, dục vọng và loại bỏ sự thiếu hiểu biết. Nhưng cụ thể làm sao để làm được nó nhỉ ?
Trước hết cần hiểu loại bỏ tham ái và dục vọng, cùng với sự loại bỏ thiếu hiểu biết cần phải diễn ra đồng thời. Khi bạn bắt đầu có hiểu biết, bạn biết sự thật về khổ đau đến từ bãn ngã tham lam luôn tìm kiếm cái nó muốn, bạn sẽ dần dần từ bỏ các tham niệm của mình về tiền bạc, danh dự,... vì thấy nó không có ý nghĩa lâu dài trong việc mang lại hạnh phúc. Khi dần từ bỏ những điều ấy, bạn nhìn cuộc sống không còn dưới lăng kính trước đó nữa. Chẳng hạn như khi còn tham tiền, bạn sẽ luôn nhìn một người với suy xét đầu tiên là họ có giàu hơn bạn không, nhưng khi bớt đi tham niệm đó, bạn sẽ nhìn thấy ở người nào cũng có những điểm tốt để bạn có thể học hỏi , dần dần trí tuệ của bạn lại tăng lên, bạn lại dần từ bỏ các tham niêm, dục vọng khác,..... Cứ thế lặp đi lặp lại mãi cho đến khi bản ngã bị tách rời ra khỏi tâm.
Quá trình này rất khó khăn tại vì bản ngã cho rằng tiền bạc, công danh, sự nghiệp là của nó nên nó luôn muốn níu giữ, ta phải chiến thắng được bản ngã. Quá trình cũng rất đau đớn, vì một danh hiệu người ta đặt cho bạn chính là cái nhãn dán lên bản ngã, lên mặt của bạn, giữ càng lâu nó càng bám chặt, gỡ nó ra sớm thì sẽ đổ mồ hôi, gỡ nó ra muộn thì còn đổ máu. Nhưng bạn yên tâm, mồ hôi và máu này là của bản ngã, nó khóc than van xin với đủ mọi lý lẽ nhằm bảo bạn hãy giữ lại cái nhãn đó cho nó. Và bạn không được mềm lòng, bạn sẽ thua đấy. Bạn phải có nhận thức đúng rằng tất cả mọi thứ ngoại trừ bản chất của tâm mà ta nương nhờ, đều là tạm thời và không mang lại hạnh phúc lâu dài. Có thế thì mới không bị lung lạc trước những lý do bản ngã đưa ra.
Bản ngã sẽ chuyển hóa 5 lần để có thể trở về tâm không.
Nếu bạn vẫn chưa biết con đường nên đi cụ thể ra sao. Để tôi cung cấp cho bạn thêm một kiến thức nữa, làm bạn biết mình đang ở mức loại bỏ bản ngã nào. Có 5 tầng bậc của một bản ngã từ thấp đến cao như sau: Vật chất, Cảm xúc, Sinh mạng, Trí tuệ, Nghiệp lực. Trước khi về đến bản chất của tâm thì bản ngã sẽ qua 5 tầng này.
Ở đây, biết được các tầng bậc cho phép bạn có thể xác định được mình đang ở đâu, biết phía trước là gì và tìm ra cách để leo lên trên đó. Chia nhỏ chặng đường dài để trở về với bản chất tâm trong sáng ra làm 5 chặng nhỏ để các bạn đi tới đỡ lầm đường lạc lối. Khi bạn ở tầng nào, bạn sẽ nhìn thế giới đúng như tên gọi của tầng đó. Khi tầng trước đủ về lượng sẽ dẫn đến việc lên một tầng khác.
1. Tầng vật chất. Bạn nhìn cuộc sống lúc nào cũng qua lăng kính tiền, cái này bao nhiêu tiền, cái kia bao nhiêu tiền, đắt hay rẻ, .... công việc nào ra tiền, công việc nào không ra tiền, quen người này có ra tiền không,..... Khi bạn có bắt đầu có đủ tiền, bạn sẽ bắt đầu không còn quan tâm đến tiền, bạn sẽ mua đồ hiệu, ăn thức ăn sang trọng chứ không còn tiết kiệm như lúc chưa có tiền (có rồi sao phải tiết kiệm ?). Tại vì sao, vì bạn bắt đầu sống ở tầng bậc thứ 2 là cảm xúc, bạn tiêu tiền để mua cảm xúc.
2. Tầng cảm xúc. Đa phần những thanh niên mới giàu đều ở bậc này, thích ăn chơi, thích thể hiện, thích khoe khoang. Đến khi bạn ăn chơi hưởng lạc đủ nhiều, bạn đi Club nhiều, uống nhiều rượu thì vui nhưng đêm về nhức đầu. Bạn ăn đồ ngon nhiều thì bạn bắt đầu bị gout nhẹ, bạn hưởng dục lạc nhiều thì bạn bắt đầu gầy yếu. Lúc này bạn bắt đầu lo cho cái thân mình, bạn sợ già yếu, bạn sợ mất sức khỏe, bạn đã dần lên tầng sinh mạng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp (90%) là ăn chơi hết tiền, lại tự hạ cấp bậc xuống tầng vật chất, lại kiếm tiền để ăn chơi, cứ chạy qua chạy lại giữa hai tầng này mãi. Cho đến khi họ nhận ra sức khỏe đã hết thì đã quá muộn rồi.
3. Tầng sinh mạng. Nếu bạn nhanh chóng thoát khỏi vòng lặp giữa vật chất và cảm xúc, lên đây đủ nhanh khi mới khoảng 30, 40 tuổi, tức là vẫn còn cơ hội để tu tập tiếp. Ở tầng này, bạn bắt đầu sợ bệnh tật, sợ chết do ăn chơi, làm việc vô độ. Bạn bắt đầu ăn uống khoa học, chơi bời vừa phải, làm việc điều độ, siêng năng tập thể dục. Theo quy luật thì trí tuệ của bạn sinh khởi, bạn thông minh sáng suốt hơn. Cho nên những ai đã nắm được quy luật chuyển hóa bản ngã, đọc đến đây sẽ tự khắc biết cách làm cho bản thân mình thông minh, trí tuệ hơn bằng việc tu thân trước. Đưa bản thân vào khuôn khổ sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe thân thể và não bộ, khi đó tự khắc sẽ có trí tuệ. Trí tuệ đủ nhiều sẽ gây sự chuyển hóa về chất và tới tầng 4
4. Tầng trí tuệ. Đa phần những người thật sự giàu và thành công đều ở tầng bậc này. Tiền bắt đầu kiếm về nhiều mặc dù bạn không còn quan tâm đến tiền nữa, bạn cũng tiêu tiền nhiều hơn nhưng khi tiêu tiền bạn lại tư duy xem số tiền bỏ ra có xứng đáng không chứ không tiêu vì cảm xúc như ở tầng thứ 2 hay tiêu một cách rụt rè vì sợ mất như ở tầng đầu, khi này bạn đã có trí tuệ rồi. Bạn nhìn nhận cuộc sống rất logic, bạn đánh giá mọi sự khách quan hơn trước rất nhiều, bạn thấy mình thiếu hiểu biết, bạn thấy mọi vui thú trên đời là vô nghĩa khi đem so với trí tuệ. Bạn bắt đầu học hỏi nhiều và bạn nhận ra quy luật của cuộc sống. Bạn dần nhận thấy bản chất của tâm là trong sáng, là có ích cho muôn loài, bạn bắt đầu học cách cho đi như một quy luật để trở về với tâm mình.
5. Tầng nghiệp lực. Lúc này bạn đã bắt đầu làm việc tốt, giúp đỡ mọi người nhưng cái tâm nó vẫn còn một sự vướng mắc rằng làm thế để nó được thỏa mãn, thỏa mãn cái gì, cái mong cầu giúp người khác. Bạn cố gắng giúp càng nhiều người càng tốt để mình an vui, đó là tham niệm cuối cùng của bạn. Đây là cảnh giới của các bậc thiền sư, chư tăng trước khi họ đắc đạo.
Bỏ được tham niệm cuối cùng này thì trở về với bản chất của tâm. Như cái hồ đứng im để cho mọi loài kéo đến. Bạn gặp ai thì giúp họ, tùy theo duyên số chứ không cố chạy đi giúp người này người kia cho thỏa mãn mình nữa. Lúc này bạn đã thật sự chính là bạn.
Con người sẽ trở nên trong sáng, trở về với bản chất chỉ còn lại sự yêu thương và tri giác. Đó cũng chính là phật tánh bên trong chúng ta, nên Đức Phật mới nói, ta đã thành Phật vì tìm thấy phật tánh còn các chúng sanh đang trên con đường thành Phật.
Ở đây vấn đề giúp bạn tiến vào được tầng bậc cao hơn nằm ở câu hỏi khi nào là đủ lượng ở tầng thấp hơn, nó lại tùy vào lượng tham, sân, si có trong bạn. Nếu bạn quá tham tiền thì bạn đặt mục tiêu phải thật giàu, ko biết đến khi nào mới thỏa mãn được bản ngã về vật chất, không thể tiến vào tầng cảm xúc chứ đừng nói đến các tầng phía sau. Tương tự như vậy, khi bạn ham mê quá vào cảm xúc,.....
Có thể thấy, chia sẻ cho bạn những kiến thức này là vô nghĩa nếu bạn không tìm cách ứng dụng nó, bằng bước đầu là đọc hiểu bài này và bước sau đó là loại bỏ dần tham niệm. Bắt đầu từ việc giữ gìn ngũ giới, không nói dối, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nghiện ngập. Từ đó tham, sân, si dần được loại bỏ, bạn sẽ dần có tri thức để lại quay lại giữ gìn ngũ giới, lại bỏ bớt được tham, sân, si, trí tuệ lại sinh khởi,.... và vòng lặp này sẽ tiếp tục mãi như tôi đã nói ở phần trên.
Vậy mấu chốt của vấn đề lại nằm ở việc loại bỏ tham, sân, si và nâng cao trí tuệ. ( Giữ gìn ngũ giới có trong Pháp tu cho cư sĩ tại gia theo Phật giáo, bạn hãy tự tra cứu để hiểu thêm, nếu bạn thực sự muốn hạnh phúc, bạn sẽ đi tìm kiếm nó còn tôi chỉ là người gợi mở vấn đề)
Tổng kết
Ở phần đầu tôi có viết, con người sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi tôi là ai. Đọc đến đây chắc bạn đã tự giải đáp được rõ ràng hơn so với lần thứ nhất tôi giải đáp phía trên. Không phải hỏi tôi là ai, mà đúng ra phải hỏi bản ngã của tôi là ai. Và đương nhiên sẽ không có câu trả lời cố định, câu trả lời phụ thuộc vào bản ngã lúc đó đang chạy theo điều gì. Khi thêm chữ tôi vào cho câu hỏi, đó đã là hành động của bản ngã rồi, mà bản ngã thì sao có thể tìm thấy được cái tâm trong sáng của bạn cơ chứ, nó đang che mờ tâm bạn mà.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết, trên đây tôi đã cố gắng giải thích cho các bạn hiểu rõ các sự thật về bản ngã, về tâm của chúng ta, về việc chúng ta là ai, chúng ta sống để làm gì và làm sao có được hạnh phúc.
Bằng việc gửi đến các bạn bước đầu tiên trên con đường có được hạnh phúc lâu dài chính là một chút kiến thức này để giúp tuệ giác của các bạn tăng trưởng, phần còn lại tùy vào bạn có thực hành nó để loại bỏ tham ái, dục lạc và chấp thủ hay không để cho tuệ giác tiếp tục sinh khởi. Bằng không, bài viết này tồn tại trong các bạn cũng chỉ như một bãi rác mà bản ngã đã ném vào mặt hồ là tâm các bạn mà thôi.
Chúc các bạn thành công trên con đường tìm thấy chính mình. Chúc các bạn hạnh phúc.
Tái bút:
Có 2 câu hỏi sau khi đọc bài:
1 là khi loại bỏ tấm màn chắn bên trên hồ. Cái hồ phản chiếu mọi thứ, vậy làm sao biết cái gì đúng cái gì sai mà tiếp nhận đây ?
2 là tâm của ta làm lợi cho muôn loài, vậy cái lợi ở đây là gì ?
Giải đáp:
1. Hãy nhớ lại bản chất của tâm. Đó là trong sáng, thiện lương, yêu thương, vị tha và không vụ lợi. Vậy thì khi tâm trở về với bản chất, sẽ có tuệ giác, tuệ giác chính là trí tuệ sau khi giác ngộ, giúp biết được cái gì là tốt cái gì là xấu. Cái tốt là cái có cùng bản chất với tâm. Cái xấu là cái có cùng bản chất vớu bản ngã. Khi có một thứ dơ bẩn vào trong hồ nước sáng trong. Nó sẽ bị vẩn đục ngay lập tức, tuệ giác đó sẽ nhìn thấy ngay nên sẽ ngay lập tức loại bỏ. Còn tất cả các đúng sai khác đều là đúng sai do con người tạo ra, ví dụ 1+2=3 là đúng 1+2=4 là sai. Nhưng xét về bản chất tâm mà nói, ta hiểu đó là sản phẩm của bản ngã, nó tư duy, nó làm việc, đúng sai là tương đối. Chẳng hạn như nếu ngay từ đầu cả loài người quy định 1+2=4, thì bây giờ tôi nói 1+2=3 là sai. Nói chung, những gì do bản ngã tạo ra, càng bám chấp vào lại càng sinh ra đau khổ. Hãy học cách nhìn nhận nó từ góc nhìn của tâm. Đơn giản, cái gì trong sáng, thiện lương, không vụ lợi là đúng và ngược lại. Có thế bạn mới sống thanh thản được. Bạn có thể xem thêm video này để có thêm sự thanh thản và hiểu rõ để buông bỏ.
2. Giá trị ta trao đi là gì. Lại quay về bản chất của tâm, thương yêu và không vụ lợi. Vậy tất cả các giá trị trao đi thương yêu và không vì lợi ích thì là giá trị đúng. Nó có thể là tiền bạc, vật chất, địa vị, hay mọi thứ khác nhưng những thứ này chỉ có giá trị tạm thời nếu trao đi cho người khác, thực chất ta đang trao cho họ đau khổ về sau. Vậy nên thứ đúng đắn nhất để cho đi có 2 thứ. Một là tình yêu, sự chia sẻ khổ đau mất mát với người khác. Hai là trí tuệ để giúp họ giác ngộ và thoát khổ đau. Bài viết này của tôi cũng có ý nghĩa tương tự.
Hãy nhớ, trao đi tình yêu thương và trí tuệ bạn có sau khi giác ngộ, trí tuệ về cách có được hạnh phúc thật sự bằng việc loại bỏ tham ái, dục lạc cùng chấp thủ, chia sẻ nó đến mọi người như cách Đức Phật đã làm, khiến mọi người thoát khổ mà chẳng cần dùng tiền bạc hay bất cứ cảm xúc hoan lạc nào. Quá trình chia sẻ này có khó không, rất khó vì mọi người cũng có bản ngã riêng của họ, nhưng tâm của ta lại có tình thương và sự kiên nhẫn vô hạn. Nên bạn đừng lo.
Một lần nữa, câu hỏi số 2 cũng có lời giải đáp một cách bình lặng hơn ở đây:
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất