(Trừ những người ADHD nhé)
Có những ngày, mình làm việc từ sáng đến tối nhưng không hiệu quả. Khi nhìn vào sổ kế hoạch theo ngày, mình thậm chí chẳng hoàn thành được một hạng mục nào. Vậy mình đã làm gì?
À thì…
Lúc mình chuẩn bị đọc sách, chợt nhớ ra lâu ngày không nhắn tin cho con bạn thân. Mình định sẽ nhắn cho nó một chốc thôi sẽ đọc sách tiếp. Ai dè, nó cũng rảnh nên là hai đứa tám tới trưa.
Lúc mình chuẩn bị ngủ trưa. Mình định nghe một bài nhạc cho nó thư thả đầu óc. Mình lên Youtube và đập vào mắt là trích đoạn phim mình yêu thích. Ồ, lâu rồi mình không xem nhỉ, xem lại chút xíu. Và mình cứ thế lướt từ trích đoạn này sang trích đoạn khác… tới chiều.
Thôi chết, gần hết ngày rồi, viết bài thôi. Đang viết đoạn mở đầu mình lại nhớ ra chưa nấu cơm, chưa phơi đồ. Mình đi cắm nồi cơm, phơi hết cối quần áo trong máy giặt. Đi ngang qua lại thấy cây chưa tưới, nhà chưa quét. Loay hoay một hồi thì trời tối.
Mình quyết tâm giờ làm việc tối nay sẽ làm việc tập trung. Vừa ngồi vào bàn thì chị đồng nghiệp cũ gọi điện kể chuyện XYZ và tới 11h đêm, mình chưa viết xong một đoạn mở đầu.
Bạn có bao giờ như mình không?
Kiểm điểm bản thân chút nào:
- Bạn có tạo danh sách công việc cần làm mỗi ngày cho ngày mới?
- Bạn có để điện thoại ngay bàn làm việc?
- Bạn có thường nghía qua Facebook, email trong thời gian làm việc?
- Bạn có làm việc vào khung thời gian cố định mỗi ngày hay bạn chỉ làm việc khi bị deadline dí và khi có cảm hứng?
- Bạn làm việc ở đâu? Có vừa làm vừa chill trên nệm không?
- Bạn có làm nhiều việc cùng một lúc?
Thật ra, những vấn đề mình vừa nhắc đến cũng chính là nguyên nhân làm chúng ta dễ dàng mất tập trung.
Vì vậy, để hạn chế tối đa tình trạng mất tập trung và rèn luyện kỹ năng này. Bạn có thể áp dụng một số nguyên tắc:
Tạo danh sách công việc cần làm mỗi ngày vào tối hôm trước. Có thể chuẩn bị tài liệu, công cụ hỗ trợ để vào ngày mới, bạn chỉ cần ngồi vào bàn làm việc. Nhất là sổ tay, bút, giấy note, sách… mà bạn cần, phải chuẩn bị đầy đủ. Vì khi đang làm việc mà phải đi tìm một cuốn sách ở tận đẩu tận đâu có khi làm bạn tụt mood, không thể làm việc tiếp được.
Rời xa điện thoại và tắt mạng xã hội. Có thời gian mình không thể tạm ngưng được cái thói đang làm vô facebook nghía chút xíu. Mình tắt kết nối Internet luôn cho chắc ăn. Riết rồi quen, mình “cai” được mạng xã hội luôn ấy.
Thử sử dụng các ứng dụng hỗ trợ quản lý thời gian phù hợp.
Viết ra những suy nghĩ thoáng qua trong đầu lúc làm việc như thèm bánh bông lan trứng muối, sắp tới sinh nhật crush, nhắn tin cho bạn thân, gọi về cho mẹ…
Khúc này mình học được từ chị Chi. Đúng là trong lúc làm việc, mình bị phân tâm bởi rất nhiều thứ mà nếu không viết ra - để làm sau - và quay trở lại làm việc thì mình sẽ không tập trung được.
Làm việc theo khung giờ cố định mỗi ngày ở góc làm việc yên tĩnh. Mình là cái đứa từng làm việc một cách vô tội vạ, vui lúc nào làm lúc nấy đây. Đến khi có con nhỏ, mình vì hết sự lựa chọn nên đều đặn làm việc từ 2h sáng mỗi ngày. Mình cảm thấy bản thân tập trung hơn và hiệu quả công việc cao hơn. Cũng không biết có phải vì hoàn cảnh thúc ép, nếu không hoàn thành thì sẽ “toi” không nữa.
Nhiều người chia sẻ là nên làm việc cùng một cốc cà phê hoặc một cốc nước mát lạnh. Mình thì không áp dụng vì làm như vậy mình bị mất tập trung. Bạn có thể uống nước, uống cà phê vào 5p giải lao sau mỗi 30 phút làm việc. Vừa làm vừa uống nước, với mình thật khó.
Tắt chế độ đa nhiệm. Đây là vấn đề thường gặp ở các mẹ bỉm và người làm tự do. Tập trung vào một việc duy nhất luôn đem đến kết quả cao nhất.
Mình đã rèn luyện được khả năng tập trung khi làm việc nhưng mới đây nè, mình không thể làm được gì. Mình không những không tập trung mà còn bị thiếu hụt năng lượng.
Nguyên nhân là do mình quá mệt. Mình bị quá tải với khối lượng công việc. Cơ thể mệt mỏi cũng là nguyên nhân khiến mình bị mất tập trung. Vậy nên bạn cần chú ý cả chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi nữa nhé.
Cuối cùng là sức mạnh tiềm thức. Vẫn là bài học nghe có vẻ hơi lý thuyết nhưng mà cần phải học bạn ạ. Đó là nghĩ về mục tiêu của mình, kế hoạch của mình.
Làm việc để làm gì, tại sao cần làm việc, phần thưởng ngọt ngào sau khi hoàn thành công việc là gì… Chúng ta luôn cần một “chút gì đó” để cố gắng nhiều hơn mà nhỉ?