Mặc dù sự kiện “Black Lives Matter” đã diễn ra tại đất nước Mỹ hàng tháng nay nhưng hôm nay mình mới có thời gian để viết về nguồn gốc của phong trào này cùng một vài nét văn hoá lịch sử của người da đen tại Mỹ. Đây là những điều mà có thể rất nhiều người trong các bạn đã biết nhưng mình nghĩ là cũng không nhiều người nắm được rõ các giai đoạn lịch sử cùng các phong trào tồn tại song song trong thế giới của người da màu. Văn hoá và lịch sử của người da đen tại Mỹ (African American) rất rộng lớn. Nó không chỉ dừng lại ở văn hoá hip-hop với các rapper mặc baggy jeans mà còn bao gồm rất nhiều các khía cạnh chính trị, kinh tế khác nhau. Trong bài này, mình chỉ có thể sơ lược qua các giai đoạn lịch sử để mọi người có thể hiểu được một cách khái quát về xuất xứ của “Black Lives Matter”.
Người da đen đi bầu cử
    Đầu tiên, ta hãy cùng trở lại thập niên 1860s của thế kỷ 19, thời kỳ nội chiến (Civil War) khi Tu chính án 13 (Amendment 13th) được Liên Minh Miền Bắc thông qua (The Union). Đây là Tu chính án quan trọng bậc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ khi nó chấm dứt chế độ nô lệ đã tồn tại cả trăm năm. Hàng trăm nghìn nô lệ thuộc phe Miền Nam từ nay đã chính thức được tự do. Ngay sau đó, là hai Tu chính án 14 và 15 (Amendment 14 and 15) cũng được thông qua, trong đó, đàn ông da đen (lưu ý là chỉ đàn ông thôi nhá) được trao quyền bầu cử. Thêm vào đó, Tu chính án 14 cũng quy định bất cứ ai sinh ra trên lãnh thổ nước Mỹ nghiễm nhiên được công nhận là công dân Mỹ (citizenship by birth) và hưởng các quyền bình đẳng như được sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc (Life, Liberty, and Pursuit of Happiness). Hai tu chính án này là tiền đề để người da đen đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Cần phải nói thêm, vào giai đoạn này, nước Mỹ tiến vào giai đoạn Tái thiết (Reconstruction era I) kéo dài từ năm 1865 cho đến 1877. Vào thời kỳ này, chính phủ liên bang thiết lập hẳn một văn phòng để đảm bảo người da đen có một cuộc sống tự do (Freedmen’s Bureau). Quốc hội Mỹ còn thông qua đạo luật Luật dân quyền (Civil Right Act of 1866) nghiêm cấm các hành vi phân biệt chủng tộc. Thậm chí, quân đội liên bang còn được triển khai ở các bang miền Nam để hạn chế nạn phân biệt đối xử. Vào thời đó, đã có 16 người da đen làm việc trong Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ, một điều mang tính lịch sử khi mà chỉ trước đó vài năm, họ bị định giá như một đồ vật. 
    Những sự kiện trên đã gây ra sự phẫn nộ với chính quyền da trắng tại các bang miền Nam. Tại Điện Capitol thường xuyên xảy ra các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nghị sĩ miền Nam và miền Bắc về các luật liên quan đến bình đẳng chủng tộc. Cũng trong thời kì này mà tổ chức ám sát nổi tiếng Ku Klux Klan (KKK) ra đời với niềm tin về sự thượng đẳng của người da trắng. KKK tấn công vào Luật dân quyền 1866 cùng bất cứ ai ủng hộ bình đẳng chủng tộc. Mãi cho đến năm 1871, Ku Klux Klan mới bị tiêu diệt. Tuy nhiên, tất cả các lợi ích trên cũng dần chấm dứt khi nước Mỹ bước vào cuối thập niên 1870s. Điều này xảy ra khi ứng viên tổng thống Rutherford Hayes của Đảng Cộng hòa đã thoả thuận với các thành viên Đảng Dân chủ tại miền Nam để đổi số phiếu của họ lấy quyền tự trị của chính quyền miền Nam. Kết quả cuộc bầu cử năm 1876 (election of 1876), Hayes thắng và quân đội liên bang rút khỏi các bang miền Nam. Cần phải nói thêm vào thời gian đó, Đảng Dân chủ (đảng mà cựu Tổng thống Obama cầm quyền) lại là phe ra sức phản đối các điều luật bảo vệ quyền bình đẳng cho người da màu và vì thế, hầu hết người da màu ủng hộ đảng Cộng hòa. Từ đây một loạt các điều luật phân biệt giữa người da màu và người da trắng được đưa ra, chấm dứt thời kỳ Tái thiết.
 
Đây là Martin Luther King Jr. và Malcom X.
    Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một đạo luật ra đời đã làm thay đổi hoàn toàn xã hội của người da đen, đó là luật Jim Crow. Điều luật này chia tách người da đen với người da trắng (separate but equal). Về cơ bản, luật Jim Crow quy định người da đen đi xe buýt của người da đen, ăn trong khu ăn của người da đen, và thậm chí là đi nhà thờ của người da đen. Tóm lại, luật Jim Crow hạn chế tối thiểu sự tiếp xúc giữa người da đen và người da trắng với tôn chỉ người da đen chỉ nên sinh hoạt với người da đen và tương tự với người da trắng. Rất nhiều tác phẩm viết về thời kỳ đen tối này, tiêu biểu có thể kể đến Giết con chim nhại của Harper Lee. Sự kiện này kéo dài cho đến khi có sự xuất hiện của Martin Luther King Jr. (một nhân vật chắc hẳn ai cũng biết). 
    Mọi sự khởi đầu khi Rosa Park, một người phụ nữ da màu, bị bắt vì không nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng trên một chuyến xe buýt. Phẫn nộ vì sự việc này, King đã kêu gọi tẩy chay các chuyến xe buýt (Montgomery Boycott - 1956) tại Montgomery, dẫn đến việc các hệ thống xe buýt của thành phố bị thâm hụt ngân sách nặng nề. Điều này dẫn đến việc Toà Án Tối Cao Mỹ dần huỷ bỏ các điều luật phân chia người dân theo màu da. Cần phải nói thêm rằng, Martin Luther King Jr. là một người sùng bái Gandhi. Ông tin vào chủ nghĩa đấu tranh phi bạo lực và tẩy chay (Civil Disobedience and Nonviolent protest). Chính điều này hoá ra lại chia tách các phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen. Xuyết suốt gần 10 năm từ năm 1956, hàng loạt các cuộc biểu tình và đàn áp đã diễn ra tại các bang trên toàn nước Mỹ. Phe của Martin Luther King (Civil Rights Movement) thu hút rất nhiều sinh viên trẻ và các thành viên đạo Thiên Chúa tham gia, tạo nên hai tổ chức là SNCC do sinh viên cầm đầu và SCLC của nhà thờ. Hai phe này, dưới chỉ đạo của King, thường xuyên tổ chức biểu tình và khi bị cảnh sát đàn áp, họ sẽ đứng yên chịu trận. Rất nhiều trong số họ bị đánh đập tàn bạo cho đến chết. Tiêu biểu là Ngày Chủ nhật đẫm máu (Bloody Sunday) khi cuộc diễu hành của SLSC và SNCC từ Selma đến Montgomery, Alabama bị cảnh sát địa phương đàn áp một cách bạo lực. Điều đặc biệt là nó đã được truyền hình trực tiếp trên TV, và do đó, gây ra sự phẫn nộ của phần đông dân chúng Mỹ. Những chất xúc tác trên đã khiến tổng thống Johnson phải ký thông qua Luật bầu cử năm 1965 (Voting Rights Act of 1965), nghiêm cấm các hành vi phân biệt chủng tộc trong quá trình bầu cử. Ngoài ra, sự kiện trên còn gây ra sự phẫn nộ trong chính cộng đồng người da đen khi họ cảm thấy phong trào đấu tranh không vũ lực của MLK không hiệu quả. Vì thế một vài bộ phận, bao gồm chính tổ chức SNCC, dần quay sang một trường phái mới, đó là “Black Power” (mình sẽ để nguyên không dịch). 
    Khởi nguồn của "Black Power" có từ thập niên 1950s khi Malcolm X, một nhân vật từng rất thân cận với MLK, cho rằng sẽ không thể có một xã hội hoà hợp giữa người da đen và người da trắng. Lý do ông đưa ra là vì người da trắng luôn có xu thế chèn ép người da đen và vì thế, người da đen nên duy trì xã hội của riêng họ. Tất nhiên tư tưởng này, qua nhiều năm đã bị bão hoà với các tư tưởng của MLK về một xã hội bình đẳng. Tuy nhiên, có một điểm khiến “Black Power” tách biệt hẳn so với “Civil Rights Movement”: đó là “Black Power” cho phép sử dụng bạo lực để đấu tranh (và mang một chút hơi hướng của Chủ nghĩa Xã hội). Rất nhiều người da đen ngả theo trường phái này, họ thành lập các phe phái, điển hình như “Black Panther” ( và bộ phim cùng tên không lấy ý tưởng từ đây nhá). Sau rất nhiều đấu tranh vất vả, cuối cùng thì nước Mỹ cũng tiến vào bình đẳng hoá xã hội khi hàng loạt các điều luật được ra đời nhằm xóa bỏ chế độ phân biệt Jim Crow. Nổi bất nhất trong đó là Luật dân sinh năm 1964 (Civil Rights Act of 1964).
    Trên đây là một vài tổng quát của mình về văn hoá lịch sử của người da đen cũng như nguồn gốc sâu xa cho phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Dù không biết các phong trào này sẽ đi tới đâu nhưng nó đã, đang, và sẽ là một phần của nước Mỹ. 
Nguồn
Pruitt, Sarah. “How the Black Power Movement Influenced the Civil Rights Movement.” History.com, A&E Television Networks, 20 Feb. 2020, www.history.com/news/black-power-movement-civil-rights.
Foner, Eric. “Reconstruction.” Encyclopædia Britannica, Encyclopædia Britannica, Inc., 28 July 2020, www.britannica.com/event/Reconstruction-United-States-history.
“Selma to Montgomery March.” The Martin Luther King, Jr., Research and Education Institute, 27 June 2018, kinginstitute.stanford.edu/encyclopedia/selma-montgomery-march.
“What We Believe.” Black Lives Matter, 2020, blacklivesmatter.com/what-we-believe/.