Bạn gái của bạn hay đòi chia tay là cớ làm sao?
Bài viết này dành cho những người có bạn gái nhưng cô này hay đòi chia tay, những người bạn gái hay đòi chia tay và bất cứ ai có cái...
Bài viết này dành cho những người có bạn gái nhưng cô này hay đòi chia tay, những người bạn gái hay đòi chia tay và bất cứ ai có cái gì đó hoặc ai đó hay đòi chia tay.
Một buổi tối sau khi chúng tôi cãi nhau, bạn trai tôi vừa cười vừa sụt sịt bảo: Tao biết rồi, tao hơn bạn trai cũ của mày ở chỗ, khi mày đòi chia tay hoặc mày bảo đừng nói chuyện với mày nữa, tao vẫn khăng khăng ở lại. Mày là masochist đúng không? Mày máu M, tao biết mà.
Lúc đó tôi bàng hoàng nhận ra: mình chính là kiểu bạn gái hay đòi chia tay để được níu kéo. Ôi không. Oh no.
Trong những mối quan hệ trước đó, bất kể là tình bạn hay tình yêu, tôi đều có một "điểm chia tay" thường xảy ra vào khoảng 3 tháng kể từ thời gian bắt đầu mối quan hệ. Kể từ "điểm chia tay" này xuất hiện một phản ứng từ chối dữ dội, tức là số lần tôi muốn chia tay và từ bỏ mối quan hệ tăng vù vù. Tôi thường tự ghét bỏ chính mình vì điều này, nhưng thực ra lại quá hoang mang để nhận ra nguồn gốc nằm ở đâu. Tôi đứng giữa một đống hỗn độn câu hỏi đại loại như, liệu là do người kia hay do mình, liệu do tính cách không hợp nhau hay do chúng tôi chỉ chưa đủ thân thiết... Và tôi chẳng tài nào chắc chắn được điều gì. Nếu bạn đọc tới đây và nghĩ tới cô bạn gái cũ (hoặc hiện tại) của bạn và vô số lần chia tay trong nước mắt, tôi không mong bạn thông cảm cho hành vi ấy. Nó là một hành vi không lành mạnh của mối quan hệ mà không một ai nên chấp nhận như một điều bình thường của chuyện tình cảm. Điều cấp thiết nhất cần làm là hiểu về nó.
Protest behaviour (tạm dịch: hành vi phản kháng) trong thuyết gắn bó và lý do bạn tự bắn vào chân trong các mối quan hệ
Thuyết gắn bó trong tâm lý học là một khái niệm xuất hiện lần đầu trong nghiên cứu của John Bowlby vào năm 1958. Là một nhà trị liệu ở viện trẻ em Child Guidance Clinic in London từ những năm 1930, Bowlby đã quan sát và đúc kết được tầm quan trọng của mối quan hệ đứa trẻ - người mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển về xã hội, cảm xúc và nhận thức. (McLeod, 2017)
Theo sau những nhận định của Bowlby, nhà tâm lý học Mary Ainsworth đã thực hiện một nghiên cứu về gắn bó vào năm 1971 và 1978 có tên là The Strange Situation, quan sát những em bé từ một tới hai tuổi. Từ những quan sát của mình, Ainsworth (1970) kết luận những phong cách gắn bó (attachment style) là kết quả của việc tiếp xúc giữa trẻ với người mẹ, và bà xác định ba phong cách gắn bó chính, đó là Lo âu (Anxious/Occupied); Né tránh (Avoidant) và An toàn (Secured). Xem thêm về 3 phong cách gắn bó ở bài viết này: http://trandieutuanh.spiderum.com/bai-dang/Mon-qua-ban-nen-tang-cho-nguoi-minh-yeu-dip-Valentine-nay-lcc
Ý tưởng chính trong thuyết gắn bó của Bowlby (1982) chính là hệ thống hành vi gắn bó - attachment behavioral system, một hệ thống tâm lý bẩm sinh thúc đẩy chúng ta ở cạnh những người quan tâm ủng hộ ta (attachment figures - đối tượng gắn bó) mỗi khi cần. Cho dù hệ thống này tối quan trọng khi ta còn là những đứa trẻ sơ sinh mong manh và phụ thuộc, Bowlby (1988) viết rằng nó còn ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của người suốt cuộc đời, liên tục thúc đẩy ta tìm kiếm sự gần gũi với attachment figure. Những nghiên cứu tâm lý học thần kinh hiện nay (tổng kết bởi Coan, 2016) cũng ủng hộ quan điểm này, rằng não người tiến hóa trong bối cảnh các mối quan hệ xã hội và hành vi phụ thuộc vào người khác là chiến lược mặc định để điều chỉnh cảm xúc (emotion regulation).
Tuy nhiên, khi những đối tượng gắn bó không có mặt khi cần hay không ủng hộ, ta có thể sẽ đi tới bước thứ hai - những chiến lược thứ cấp (secondary strategies) (Main, 1990). Xem hệ thống phản ứng ở bảng này:
(Attachment-related psychodynamics, Mikulincer & Shaver, 2002)
Hoặc một bảng dễ hiểu hơn do nhà nghiên cứu về gắn bó Phillip R. Shaver (2006) tổng hợp ở đây:
Theo đó, những chiến lược thứ cấp (sencondary strategies) chia ra 2 hướng, lo lắng quá mức, đòi hỏi sự quan tâm, quá cảnh giác (đối với người có kiểu gắn bó lo âu - anxious/occupied) hoặc né tránh, cố tránh thân mật, cố tỏ ra độc lập, xa cách về cảm xúc (đối với người có kiểu gắn bó né tránh - avoidant). Những chiến lược này còn gọi là protest behaviour (tạm dịch: hành vi phản kháng).
Protest behaviour có thể bao gồm những điều này (trích từ sách Attached - The New Science of Adult Attachment and How It Can Help You Find and Keep Love của Amir Levine và Rachel Heller)
Cố liên lạc nhiều lần một cách cường điệu:
Gọi, nhắn tin, gửi mail vô số lần, chờ điện thoại, cố tình đi qua công ti đối phương mong gặp được người đó.
Chối bỏ:
Quay lưng lại không nói chuyện, bắt chuyện với người khác, lảng tránh đối phương.
So đo hơn thua:
Để ý xem bao lâu người đó trả lời điện thoại/tin nhắn và chờ đúng số thời gian đó để trả lời họ, đợi họ chủ động làm hòa trước và né tránh họ cho tới khi họ làm thế.
Tỏ ra ghét bỏ:
Đảo mắt, nhìn chỗ khác, rời khỏi phòng khi họ đang nói.
Dọa chia tay:
"Chúng mình không hợp, anh/em không thể chịu được nữa,” “Anh/em biết mình không dành cho nhau", "Anh/em nghĩ tốt nhất anh/em nên độc thân lúc này" - chỉ để người kia ngăn bạn đi.
Tỏ ra bận rộn
Làm đối phương ghen
Hóa ra tôi không phải là masochist, tôi cũng không phải một cô bạn gái phiền toái, những gì tôi đang thể hiện ra là hành vi khi hệ thống gắn bó được kích hoạt, rẽ theo hướng phong cách gắn bó lo âu. Những người thuộc phong cách gắn bó này thường có một khả năng để ý những dấu hiệu cảm xúc dù là nhỏ nhất từ người khác. Kết quả từ nghiên cứu của Chris Fraley của trường Đại học Illinois ở Urbana-Champaign - người thiết kế ra ECR-R ‐ Experiences in Close Relationships Scale, một bảng hỏi kiểm tra hành vi gắn bó của một người trong các mối quan hệ - đã cho thấy sự nhạy cảm của nhóm phong cách lo âu này. Nhóm này nhạy cảm với thay đổi trong biểu hiện cảm xúc của người khác và họ thường có sự phán đoán chính xác cao hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra họ thường đi tới kết luận nhanh hơn và khi họ quy chụp như thế, họ sẽ phán đoán sai hoàn toàn. Nghe cũng thật chua chát, nhưng hẳn ít nhất là bạn đã hiểu bạn "bị làm sao", vì mọi thứ đều có lý do mà phải không?
Tham khảo và đọc thêm:
Bạn có thể làm test dựa trên bảng hỏi của ECR-R ở đây (cứ mỗi 30 ngày sẽ có mail nhắc làm lại test) https://yourpersonality.net/attachment/
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất