Bạn đang hủy hoại mình trong tình yêu như thế nào?
Mình từng đọc được điều này ở đâu đó, đại loại là: không có ai thực sự “chỉ là lười biếng”. Đằng sau bất kì 1 vấn đề nhỏ luôn có 1...
Mình từng đọc được điều này ở đâu đó, đại loại là: không có ai thực sự “chỉ là lười biếng”. Đằng sau bất kì 1 vấn đề nhỏ luôn có 1 nguyên nhân lớn hơn. Nếu chỉ nhìn mọi thứ theo những giá trị bề mặt, ta sẽ chỉ thấy 1 người lười biếng. Nhưng sự thật là không có 1 ai khi có mối quan hệ lành mạnh với bản thân lại không muốn bản thân mình tốt hơn cả. Nó sẽ luôn là vấn đề về lòng tự trọng hoặc những niềm tin hạn chế khiến cho 1 người chọn lựa việc trì hoãn thay vì phấn đấu cho 1 phiên bản tốt đẹp hơn.
Hôm nay chúng ta nói đến self-sabotage, hội chứng “tự phá mình” trong tình yêu. Bởi cũng như việc lười biếng, không ai với 1 tâm trí lành mạnh và biết yêu thương bản thân lại cố tình hấp dẫn những điều không khiến họ hạnh phúc cả. Self-sabotage trong 1 mối quan hệ mang rất nhiều hình thái khác nhau, từ cảm xúc, suy nghĩ cho đến những hành vi hướng tới bản thân và đối phương, nhưng nó đều rất “tích cực” đi ngược lại những gì mà bản thể cao hơn (higher self) của bạn mong muốn. Thông thường, chúng ta sẽ không tự nhận ra những điều này cho đến khi nó liên tục lặp lại và khiến bạn thực sự tin mình không thể hoặc không xứng đáng có hạnh phúc.
1. “Settle for less”
Thay vì đợi 1 ai đó đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và có chung những giá trị sống với mình thì bạn đáp lại tình cảm của 1 người đơn giản vì họ có mặt đúng lúc và cho bạn đủ sự chú ý. Đây là dấu hiệu mà mình quan sát thấy có nhiều nhất ở các bạn nữ và ngay cả chính mình cũng đã từng ở vị trí này.
Lí do cho sự lựa chọn ấy là vì bạn không tin rằng mình có thể làm tốt hơn, vậy nên cứ thà học cách hài lòng với những gì mà mình có thể nhận được. Và kết quả là dù bạn ở lại hay mối quan hệ này kết thúc, bạn vẫn sẽ không thể cảm thấy vẹn toàn và thường tự vấn những khuyết điểm của bản thân, trong khi vấn đề chỉ là bạn chưa tìm được 1 người thực sự dành cho mình.
2. Yêu những người “unavailable”
Đó có thể là 1 người đã có gia đình/người yêu hay đơn giản là họ không hề có tình cảm với bạn. Đây là hành động tự phá mình mà mọi người thường chọn làm 1 cách vô thức. Tức là họ cho rằng bản thân đã sẵn sàng cho 1 mối quan hệ nhưng thực tế ngay từ đầu họ đã tự đặt mình vào 1 thất bại biết trước khi theo đuổi 1 người không có những phẩm chất mình thật lòng khao khát.
Chúng ta chọn bước vào 1 mối quan hệ với những người như vậy là bởi chính chúng ta cũng có nỗi sợ với việc cam kết (commitment). Có thể bạn cho rằng mình không xứng đáng được ai đó yêu 1 cách dễ dàng hoặc bạn có niềm tin giới hạn là mình không có khả năng giữ 1 mối quan hệ lâu dài.
3. Không sống thật với con người mình
Có thể từ những tổn thương trong tuổi thơ hay những mối quan hệ trong quá khứ mà chúng ta đã xây dựng niềm tin rằng: để được yêu thương, chúng ta cần phải phản bội bản thân. Phản bội bản thân ở đây là việc trở nên “inauthentic”, không dám sống thật với những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Trước mặt người mình yêu, bạn đeo 1 lớp mặt nạ vì cho rằng đó mới là con người mà họ muốn chứ không phải bạn.
Lời khuyên của mình là ngay từ đầu hãy cứ luôn sống thật là bản thân nếu bạn thực sự muốn được yêu vì chính con người mình. Nếu không, bạn sẽ tự hủy hoại bản thân bằng việc gây thất vọng cho cả mình và cả người mình yêu.
4. Tránh né xung đột
Đây cũng là trường hợp của một ranh giới cá nhân yếu ớt. Thay vì dám nói ra những cảm xúc của mình khi có bất đồng, bạn chọn giữ im lặng và tự ôm uất ức vì nỗi sợ làm phiền lòng người yêu. Bạn cho rằng đó là hành động phục vụ cho 1 mục đích tốt đẹp, rằng bạn đang là người biết điều, biết nhẫn nhịn nhưng thực tế chính là bạn đang tự bạc đãi bản thân.
Việc luôn cúi đầu trước những nhu cầu của người ấy, trong khi thất bại trong việc lên tiếng cho bản thân sẽ ngăn mối quan hệ được phát triển. Sự kết nối giữa 2 người vì vậy cũng không thể trở nên sâu sắc, thân mật và gần gũi do luôn tồn tại một cảm giác chán ghét, trách móc được bạn nén sâu trong lòng.
5. Có những mong đợi quá cao
Chúng ta đều hiểu rằng là con người ai cũng mắc sai lầm và không bao giờ có thể đạt đến ngưỡng của sự hoàn hảo tuyệt đối. Thế nhưng vài người từ chối nhìn ra điều đó ở người yêu và luôn mong đợi ở họ những điều vượt xa thực tế. Ví dụ, bạn có thể mong đợi người yêu mình chung thủy, thành thật và cư xử đúng mực nhưng yêu cầu họ không bao giờ được có cảm tình hay thấy 1 người khác giới hấp dẫn là 1 mong đợi phi thực tế. Một ví dụ khác là yêu cầu người đàn ông không được phép thất bại dù ở lĩnh vực nào trong cuộc sống, luôn mong đợi anh ta thành công, không làm bạn thất vọng.
Điều này sẽ chỉ khiến cho người ấy tin rằng họ không bao giờ có thể đủ tốt và làm vừa lòng người họ yêu. Không ai có thể hạnh phúc khi luôn sống trong những áp lực vì vậy chuyện rời bỏ mối quan hệ khi họ trở nên quá mệt mỏi là điều không quá gây bất ngờ.
6. Kiểm soát
Mình đã được chứng kiến những cặp đôi cài đặt thiết bị định vị trong điện thoại của nhau và cho đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên hành vi này thể hiện rằng họ luôn sống trong nỗi sợ hãi thường trực là đối phương sẽ tìm thấy 1 điều gì đó hay 1 ai đó tốt hơn mình. Mối quan hệ căn bản là không tồn tại sự tin tưởng và hoàn toàn dựa trên nỗi sợ cùng sự tự ti của mỗi người.
Bạn có thấy mình luôn cảm thấy bất an và cần phải kiểm soát người mình yêu trong mọi mặt của cuộc sống? Nếu người ấy chưa từng làm điều gì có lỗi và tạo cơ sở cho sự kiểm soát này thì phần lớn vấn đề là nằm ở bạn. Điều này sớm muộn cũng sẽ làm người ấy căng thẳng và cuối cùng chọn rời bỏ bạn để có 1 cuộc sống thanh thản hơn thôi.
7. Cảm thấy tự ti
Là khi bạn liên tục cần sự chú ý của người ấy để trấn an rằng mình đủ hấp dẫn và thú vị để giữ chân họ. Khi bạn không nhận ra những giá trị của bản thân và có lòng tự trọng thấp, sẽ rất dễ để trở nên “needy” trong mối quan hệ. Bạn sẽ luôn cần họ xuất hiện, không có 1 cuộc sống riêng và cảm thấy rằng mình không xứng đáng với tình yêu ấy, bởi vậy mà liên tục nghi ngờ tình cảm của họ.
Vấn đề là nếu tự bạn không thể cảm thấy mình đủ thì dù cho người ấy luôn không ngừng trấn an, chứng minh điều ngược lại, bạn vẫn sẽ chán ghét bản thân. Những lời tự hạ thấp bản thân của bạn rồi sẽ khiến những người xung quanh bắt đầu mệt mỏi, và sau cùng, thực sự tin vào điều đó.
8. So sánh hiện tại với quá khứ
Việc suy nghĩ về những hình bóng trong quá khứ và sự khác biệt giữa họ với người mình yêu ở hiện tại là bình thường. Tuy nhiên nếu nó trở thành nguồn cơn cho những tranh cãi trong mối quan hệ, sự so sánh của bạn chính là 1 phương thức tự hủy hoại bản thân.
Bạn cần phải hiểu người hiện tại và những mối quan hệ cũ đều là những cá thể khác biệt và bởi vậy, họ sẽ yêu bạn theo những cách khác nhau. Thay vì ngầm so đo giữa quá khứ – hiện tại và trở nên bất mãn, bạn nên học cách cởi mở hơn với những trải nghiệm, kết nối mới mẻ trong cuộc sống của mình.
9. Trust issue
Đây cũng là 1 hành vi tự hủy hoại mà chúng ta thường mắc phải, đặc biệt ở những người chưa thực sự chữa lành được tổn thương trong quá khứ. Có thể là do bạn được nghe kể từ những người xung quanh, từng tận mắt chứng kiến cảnh người thân ngoại tình hay ngay chính bản thân đã từng phải trải qua việc bị lừa dối 1 lần hoặc rất nhiều lần. Điều này khiến bạn không thể thực sự tin tưởng mối quan hệ mình đang có, thay vào đó, bạn luôn đợi chờ, mong đợi người ấy sẽ gây thất vọng.
Rất khó để bạn có 1 mối quan hệ với sự gắn bó sâu sắc khi vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Mặc khác, chính bạn cũng đang tự làm “khô máu” năng lượng của bản thân vào việc nghi ngờ, lo âu và ghen tuông quá mức. Quan trọng hơn, khi bạn có 1 niềm tin quá mạnh mẽ dù đó là tích cực hay tiêu cực, vũ trụ sẽ luôn giúp bạn chứng minh những niềm tin đó là chính xác bằng cách hấp dẫn những gì bạn hoàn toàn không muốn. Kết quả, nhìn lại thì đúng thật là những người xuất hiện trong đời bạn đều có xu hướng tệ bạc, lăng nhăng.
10. Ngoại tình
Điều này không cần thiết phải xảy ra khi mối quan hệ của bạn đang có vấn đề mà đôi khi, bạn chọn làm vậy kể cả khi mối quan hệ đang diễn ra rất tốt đẹp. Lí do của bạn có thể là do người ấy… quá yêu và tốt với bạn!
Dù thế nào, việc ở trong 1 mối quan hệ hạnh phúc và an toàn khiến bạn cảm thấy bất an vì sâu trong thâm tâm, bạn không thể tin là mình xứng đáng có những điều này. Và bởi thế, bạn tìm cách phá hoại những gì mình đang có 1 cách vô thức như bắt lỗi người ấy, gây sự để cãi nhau, tán tỉnh hoặc ngoại tình với những người khác.
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất