Chúng ta đang dựa vào cái gì để đầu tư ?

Hỡi những con dân crypto, đã bao giờ bạn thử hỏi, bạn đang đặt cược khoản tiền của mình vào cái gì chưa ? Dù bạn là ai đi chăng nữa, ở độ tuổi nào, ngành nghề nào, mình tin bạn đều có một lí do để đầu tư vào thị trường này.  Mỗi người sẽ có cho mình một lí do riêng, đơn giản như được người thân rủ rê, bạn bè đồn thổi. Hay sâu xa hơn là đầu tư vì sự phát triển công nghệ.
Nói rộng ra, tất cả chúng ta đang đặt niềm tin về tương lai rạng rỡ của một thế giới sẽ ứng dụng blockchain, nơi mà crypto sẽ bùng nổ. Hay theo nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, đây là đầu tư giá trị. Chúng ta mua và nắm giữ Bitcoin (hay các đồng tiền điện tử khác) vì tin rằng giá trị của Bitcoin trong tương lai sẽ lớn hơn hiện tại. 
Nhưng, có thật là như vậy ? Hãy một lần, tự hỏi bản thân mình rằng: điều gì khiến chúng ta lại bỏ những số tiền quý giá của mình để mấy cái đồng tiền mà mình còn không sờ thấy được ? Có phải vì mình tin vào tương lai của tiền điện tử hay vì một lí do nào khác ?.
Việt Nam là nước đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số chấp nhận tiền điện tử trên toàn cầu, trong cả 2 năm 2021 và 2022. Nhưng nếu có một cuộc khảo sát đủ lớn diễn ra về chủ đề: tại sao bạn chấp nhận, hay đầu tư crypto. Có lẽ, phần đa còn chưa hiểu rõ về những điểm cốt lõi của các đồng tiền kĩ thuật số này. Vậy thì, nếu không hiểu rõ về công nghệ, điều gì lại khiến người Việt đầu tư nhiều như thế ? Đó chính là những câu chuyện (narratives).

Câu chuyện: công cụ điều hướng thị trường.

Nói không ngoa, Bitcoin và crypto phát triển đến ngày nay là nhờ những câu chuyện. Những câu chuyện vẽ nên tương lai cho Bitcoin, crypto, xây dựng niềm tin, tạo sự kích thích cho cộng đồng và đẩy giá lên cao.
Công nghệ blockchain vốn tốn nhiều nguồn lực, thời gian để phát triển. Nếu như bạn đã đọc qua bài viết lược sử blockchain của mình, bạn sẽ nhận ra rằng: những ý tưởng về blockchain đã có từ những năm 1900, nghĩa là mất gần 20 năm chúng ta mới thấy được một blockchain đầu tiên hoạt động là Bitcoin. Sau đó, sau 6 năm, blockchain Ethereum mới ra mắt như là thế hệ tiếp theo khi ứng dụng công nghệ smart-contract để tạo nên một hệ sinh thái. Cho đến hiện tại, năm 2022, cho dù nhiều blockchain mới (tự gọi là 3.0) ra mắt, chúng cũng chỉ là những phiên bản cải tiến, tối ưu hơn ETH một chút mà thôi.
Để thấy, nếu chỉ xét riêng những con số, những bản vẽ công nghệ khô khan. Thị trường khó mà thu hút được một dòng tiền lớn đổ vào để phát triển. Công nghệ thì cần sự thực tế, nhưng thiếu đi một chút mông mơ được tạo ra từ những câu chuyện, chắc chắn sẽ không đủ nguồn lực để phát triển.
Chính bằng cách truyền đi những câu chuyện về Bitcoin là tương lai của tiền tệ, hay crypto sẽ ảnh hưởng lên tài chính thế giới như thế nào. Các nền tảng blockchain lớn hiện tại mới có được một sự ủng hộ đông đảo từ cộng đồng như hiện tại. Hơn thế, đó cũng là những cái cớ để các nhà đầu tư nhỏ lẻ, hay cả các quỹ đầu tư lớn vin vào để đánh giá, và đầu tư cho thị trường

Những câu chuyện có luôn đúng ?

Các câu chuyện vốn chỉ là một công cụ. Mà đã là công cụ, thì ta không thể gán tính đúng và sai cho nó được. Có chăng là do những người sử dụng chúng. Như đã đề cập ở phần trên, tốc độ phát triển của công nghệ mới như blockchain là không quá nhanh, và tính kĩ thuật cũng quá khó để giải thích cho mọi người hiểu. Do đó, các câu chuyện vốn là một phần không thể thiếu trong mọi thời điểm của crypto.
Ở năm 2016, Vitalik (founder của nền tảng Ethereum) từng phát biểu:” Mỗi giao dịch trên blockchain không được tốn quá 5 cent”. Năm 2020, khi Defi summer diễn ra và phí giao dịch trên Ether đôi lúc lên đến cả trăm USD, Vitalik xuất hiện trên một podcast và cho rằng Ethereum vẫn đang đi theo đúng mục tiêu đã đặt ra. Đến đầu năm 2022, phí giao dịch của vẫn giao động quanh mức 10$.
Nếu là một người đã tham thị trường, mọi người sẽ thấy các blockchain mới sau này đã luôn lấy chi phí giao dịch của Ethereum chính để làm câu chuyện cho nền tảng của mình. Họ cho rằng blockchain của họ là thế hệ 3.0, nhanh hơn, tối ưu và quan trọng, là rẻ hơn Ethereum. 
Các nền tảng (tự xưng là Ethereum killer) này đã tạo ra một narrative, khiến người dùng tin rằng họ sẽ là tương lai của crypto, là kẻ thay thế xứng đáng cho đàn anh già cỗi Ethereum. Do đó, trong chu kỳ crypto vừa qua, các đồng coin layer-1 luôn là một sự lựa chọn đầu tư số một. Số liệu sẽ không nói dối bạn nếu bạn thử nhìn quả biểu đồ tăng trưởng của các đồng coin này.
Đó là cho đến tháng 9 vừa qua, khi Ethereum đã hoàn thành sự kiện The Merge, phí giao dịch trên Ethereum đã giảm về dưới 1$ và đôi khi là 0.2$ cho một giao dịch. Vitalik đã bước thêm một bước gần hơn đến điều mà anh đã hứa 6 năm trước. The Merge đã thổi bay những câu chuyên nhảm nhí của các blockchain khác, đồng thời mở ra một câu chuyện mới cho các nhà đầu tư đổ tiền vào Ethereum.
Xét ở thời điểm 2021, narrative về các layer-1 mới có vẻ là điều yêu thích của các nhà đầu tư. Nhưng 2022, câu chuyện này không còn hữu hiệu nữa. Dễ dàng nhìn thấy rằng, theo thời gian, sẽ có những câu chuyện mới nổi lên để thay thế cho những câu chuyện cũ, cứ thế và cứ thế. Do đó, thật khó để đoán xem câu chuyện nào là sai hay cái nào sẽ đúng và ta nên đặt cược vào. Có chăng, ta nên dựa vào thời điểm mà xác định tính khả thi của những narrative đó.

Có chăng thời của những câu chuyện đã tàn ?

Downtrend 2022 đã cho những người cũ của thị trường thấy được những gì trần trụi nhất của thị trường. Trong số đó, tất nhiên có những câu chuyện được dựng lên để móc tiền của các nhà đầu tư cả tin. Nhìn lại mà xem, Luna xuất hiện và cho rằng nền tảng của họ có thể cung cấp lãi suất ổn định 20%. Một câu chuyện đủ hay, hấp dẫn và đáng tin để các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, và dự án tin tưởng sử dụng. Và rồi sự sụp đổ của nền tảng vào tháng 5 đã một nhát shut down cả crypto. (theo một thống kê, tổng thiệt hại mà Luna gây ra lên đến hơn 40 tỷ USD).
Có những câu chuyện được đưa ra, và rồi họ thực hiện được. Nhưng có những câu chuyện chỉ được đưa ra nhằm mục đích câu kéo sự đầu tư, để rồi đến một thời điểm sự thật mới vỡ lẽ. Những chuyện xảy ra trong một chu kỳ qua đủ để chứng minh câu chuyện là không đủ tin cậy để đầu tư vào.
Cho đến hiện tại, Bitcoin hay crypto đã có một lượng người ủng hộ đủ đông, trở thành một thị trường tài chính không còn quá nhỏ như những năm trước đây. Chúng ta, những người đầu tư, có lẽ phải tập dần cho bản thân một mindset mới. Thay vì đầu tư vào những thứ chưa có thực, hãy xem xét tính hữu dụng (utility) để đầu tư. 
Thay vì để sự hưng phấn mà dự án vẽ ra chi phối bạn, hãy thử xem xét tính hữu dụng của nó, xem nó có cần thiết phải xuất hiện hay không. Chẳng hạn, một narrative được rất nhiều dự án blockchain game Việt Nam sử dụng: là 3D, metaverse. Đến nỗi, những tựa game như Rắn săn mồi hay Đặt bom cũng được gắn cái mác này vào. Mình cũng chẳng hiểu nổi ai lại chơi rắn săn mồi thực tế ảo bao giờ, thế nhưng, vẫn có không ít người tin vào điều ấy.
Năm 2022 đã sắp khép lại, ta đã có những ngày tháng thực sự tĩnh lặng để nhìn lại thị trường. Chúng ta chưa biết đến khi nào Bitcoin và crypto sẽ tiếp tục có thêm một chu kỳ tăng trưởng. Nhưng ta có thể biết chắc một điều, khi Bitcoin lại tăng giá, chắc chắn những câu chuyện mới sẽ được “bày bán” trên thị trường.