Với mình, Indonesia là một đất nước khiêm nhường. Ôm trong lòng bao kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ, bao thăng trầm lịch sử, bao sắc màu văn hoá, nhưng đất nước vạn đảo lại được rất ít người biết đến. Đa phần người ta chỉ biết tới Bali, mà thậm chí cũng không phải toàn bộ Bali nữa mà là một phần bé xíu xiu trung tâm Bali mà thôi. Và phần đó, dù cũng rực rỡ sắc màu, lại chỉ phản ánh một Indonesia với vẻ đẹp thương mại hoá để làm hài lòng khách du lịch.
Có một Indonesia ngoài những hotel, resort - thô ráp hơn, giản dị hơn, bí ẩn hơn. Có một Indonesia ngoài những bức ảnh triệu like - hùng vĩ hơn, đáng sợ hơn, hoang dại hơn. Cũng có một Indonesia ngoài những lời khen ngợi – tăm tối hơn, nhiều vết sẹo hơn và khắc khổ hơn.
---
Indonesia vốn nằm trong wishlist của mình từ lâu. Một bà chị mình có duyên quen được đã đi vòng vòng Indo trong chuyến đi bụi 1 tháng của bả, và kể lại trên Facebook. Mình chết lịm trong lòng khi nhìn thấy núi lửa Bromo, lòng đinh ninh Indonesia hẳn là nơi duy nhất tại Đông Nam Á có núi lửa, hàng trăm cái núi lửa - lúc đó kiến thức hơi hạn hẹp nên không biết là ngay Tây Nguyên cũng có địa hình núi lửa (đã tắt hàng triệu năm). Thế là mình quyết tâm đến Indonesia cho bằng được, để ngắm cái kỳ quan có-một-không-hai ấy.
Để các bạn dễ hình dung thì đây là bản đồ Indonesia:
Đó thấy Bali bé xíu xiu ở chính giữa không? Bali chỉ là một phần rất rất nhỏ của Indonesia mà thôi. Ở bên phải Bali là đảo Java – hòn đảo lớn nhất Indonesia với tổng dân cư chiếm 95% Indonesia – thủ đô kinh tế Jarkata và thủ đô văn hoá Yogyakartar (gọi tắt là Jogja) nằm trên hòn đảo Java này, hai ngọn núi lửa nổi tiếng nhất ở Indonesia là Bromo và Ijen cũng thuộc Java. Ở bên trái Bali – hay gọi là Đông Indonesia – là nơi có rừng nhiệt đới già nhất thế giới – gấp 3 lần tuổi của rừng Amazon và là một trong những nơi mà con người đặt chân tới sớm nhất. Nói Indonesia hoang dại, chính là nói về phía Đông Indonesia đó. Đông Indonesia còn có một hòn ngọc nữa – đảo Flores – nổi tiếng với rồng Komodo, loài rồng có thiệt duy nhứt trên địa cầu. Tới Flores là sẽ đi thuyền lênh đênh 2-3 ngày đêm, ngắm cá đuối, săn rồng, và ngắm thiên nhiên đẹp kinh hoàng nữa. Nhưng Flores mắc cũng kinh hoàng nên mình đành để dành lần sau.
Hai tuần thăm Indonesia của mình, thì có đến 1 tuần mình lên kế hoạch dành trọn cho núi lửa. Một tuần còn lại chia đôi cho Bali và Yogyakarta – thủ phủ văn hoá của Indonesia.
---

Phần I - Đạo Hindu tại Bali

Sau kha khá chuyến solo thì nói thiệt là mình chủ quan, lên plan sơ sơ thôi chứ không tìm hiểu kỹ. Thế là toi. Tới Bali mà không ngờ nó bự vậy. Nhìn trên bản đồ bé bé thế, nhưng Bali cũng chia ra tới chục khu vực và có nhiều hòn đảo vệ tinh. Mình không đặt hostel, mà đi Grab bike về thẳng nhà bạn host mình đã liên lạc trước, và mình không ngờ là nhà bạn ý cách trung tâm Bali (là Ubud) tới sáu chục km. Nhờ vậy mà ngay ngày đầu đã được trải nghiệm cuộc sống địa phương ở đây.
Trong khi những nơi khác dày đặc người Hồi, Bali vẫn giữ cho mình hơi thở đặc trưng của đạo Hindu. Hay ho ở chỗ, đạo Hindu được người bản địa nơi đây cải biên, tạo nên phiên bản Hindu rất tươi mới so với Hindu tại Ấn.
Nếu như ở Ấn, bạn thấy chùa/miếu/đền thờ thần khắp nơi, thậm chí gốc cây, thềm nhà, thì ở Bali, người ta thậm chí còn làm nhà-ngắn-hạn cho thần trên những penjor – nôm na là cây nêu phiên bản Bali. Penjor dùng để trang trí cổng nhà mỗi dịp lễ hội. Được làm bằng tre, trang trí bằng lá dừa, penjor cong cong tượng trưng cho đỉnh núi Agung, đỉnh núi cao và linh thiêng nhất Bali. Bên trong penjor là một cái bàn thờ nhỏ và người Bali sẽ đặt lễ vật vào đây để thờ cúng. Lễ hội xong, cây nêu được quăng đi, thì thần lại về với “ngôi nhà” dài hạn đã đăng ký hộ khẩu từ lâu.
Tới Bali, một “đặc sản” khác bạn sẽ nhìn thấy vào buổi sáng là những dĩa hoa cúng (Canang sari). Dĩa hoa nhỏ xíu được đặt trên sàn nhà, sàn chùa, sàn đền và bất cứ đâu bạn đi qua, mỗi dĩa được cắm một nén hương nhỏ. Trên dĩa hoa đó, có đủ 3 màu tượng trưng cho Tam thần Trimurti trong Hindu giáo, có gạo, snack và cả tiền cúng nữa. Thế là đi trên đường phố Bali vào buổi sáng phải thật cẩn thận để không dẫm phải Canang sari. Cũng là đạo Hindu, mà Bali thật khác lạ. Hồi mình ở Ấn Độ thì người dân không đặt dĩa hoa cúng như vậy mà thường kết hoa thành vòng rồi đeo vào tượng thần.
Canang sari bên đường mỗi sáng sớm
Canang sari bên đường mỗi sáng sớm
À, và chiếc khăn rằn trắng đen (salut poleng) mà tụi mình hay thấy và lũ đi bụi hay đeo á, nó có một ý nghĩa tâm linh khá thú vị ở Bali. Màu trắng tượng trưng cho cái thiện, màu đen cho cái ác, và trên chiếc khăn rằn thì trắng đen đan xen, cân bằng. Người Bali có một niềm tin mà mình thấy thật là hay, rằng mọi thứ trên đời này cân bằng, có thiện có ác, có tốt có xấu. Không ai làm siêu nhân tốt bụng được mãi mà không có những lúc ích kỷ xấu xa, cũng không ai sinh ra đã là gian ác mà luôn có sự tốt đẹp bên trong, mình không thế lúc nào cũng gặp may được mà sẽ có lúc mình xui, rồi may, rồi xui, rồi may. Vì niềm tin đó, họ bọc chiếc khăn trắng đen lên cho những bức tượng thần, hay bên ngoài đền thờ, bất cứ nơi nào đậm chất tâm linh như một cách để bảo đảm rằng năng lượng tốt và năng lượng xấu của vị thần đó sẽ được cân bằng.
Hoạ tiết tượng trưng cho sự cân bằng
Hoạ tiết tượng trưng cho sự cân bằng
Bali còn sở hữu những điệu nhảy truyền thống siêu siêu đặc biệt. Có điệu múa Barong & Rangda – nôm na là múa sư tử, với Barong là con sư tử phiên bản Bali, còn Rangda là “ông Địa”, nhưng mà là ông Địa độc ác muốn giết Barong.
Barong & Rangda
Barong & Rangda
Có điệu múa lửa Kecak Dance – điệu múa hoàn toàn không dùng nhạc cụ, mọi âm thanh trong màn biểu diễn đều được tạo ra từ… miệng. Đây là điệu múa mình may mắn được xem, và nó hay vượt ngoài mong đợi của mình. Được ra đời năm 1930 dựa trên phong tục “lên đồng” của người Bali, điệu múa được chia làm 2 phần: Phần 1 là khoảng 50 người đàn ông mặc khố với vải kẻ ô trắng đen poleng, cùng ngồi vòng tròn và hô “Cak Cak Cak” với ngọn lửa ở trung tâm. Phần 2 là phần kịch kết hợp nhảy múa được dựng dựa trên sử thi Ramayana – phần đức vua Rama đi cứu vợ. Coi có hơn 1 tiếng mà thấy đãaa gì đâu.
Kecak dance
Kecak dance
Bên cạnh đó, nghệ thuật tạc tượng ở Bali thực sự siêu đẳng. Ngôi đền mà mình vô để coi Kecak dance là ngôi đền thờ… thần Chết – chính là nữ thần Randa - kẻ thù của sư tử Barong mình kể ở trên, vì thế những bức tượng không hiền hoà đáng yêu như thường lệ mà là tượng nhai đầu trẻ con rồi đầu lâu xương xọ tùm lum. Vô cái đền mà như vô Disneyland cho người lớn bạn ạ, vì bao nhiêu quái vật hiện hình hết ở đây, vừa thô ráp vừa tinh xảo, chẳng có màu gì ngoài màu xám mà lại sống động như phim 5D.
Rồng Naga
Rồng Naga
Sư tử hông biết tên
Sư tử hông biết tên
Barong
Barong
Phù thuỷ Rangda
Phù thuỷ Rangda
Đền thờ Rangda
Đền thờ Rangda
Cổng trời Đền Pura Dalem Tama Kaja
Cổng trời Đền Pura Dalem Tama Kaja
Đó chỉ là vài nét cơ bản về văn hoá Bali thôi, đa sắc hệt như mong đợi của mình. Thực ra đây là quan điểm của mình thôi, nhưng mình luôn nghĩ, cứ là Đạo đa thần giáo thì chắc chắn sẽ siêu thú vị. Mà có lẽ vì mình chưa đi bụi ở những nơi độc thần đủ nhiều nên chưa thể biết được nét đẹp của nó thôi.

II. Đảo Penida và cái chân tím lịm

Còn chuyện cái chân tím lịm, thì là vì lần đầu mình ngã xe. Chuyện xảy ra ở đảo Penida, một hòn đảo vệ tinh của Bali bà con ạ. Quên chưa nói, Indonesia đi xe máy bên tay trái chứ không phải tay phải như Việt Nam. Lên đảo mình liều như một con diều, thuê xe vi vu liền, xong không ngờ cái đường đảo có đoạn xấu đến thế, đá dăm lổn ngổn. Cái hoảng quá bóp lộn cái phanh bánh trước. Cái lộn nguyên người, đo đất. Bò dậy được thì cái chân toang rồi, nguyên đầu gối xước mảng da, cái mắt cá cũng chảy máu. Mà may nữa hôm đó mình không đi giày mà đi xăng đan, thế là 1 bên bàn chân cũng chảy máu. Nói chung là máu me be bét vậy đó.
May được chú chủ hostel mình thuê chạy lại hốt về, đưa thuốc cho bôi các thứ. Mà mình thấy mình cũng liều, chân như thế rồi mà hôm sau mình vẫn đi lặn biển chứ.
Bali không chỉ có nét đẹp văn hoá, mà thiên nhiên Bali cũng đẹp ngộp thở. Vùng biển đảo Penida là nhà của những rặng san hô màu sắc rực rỡ, của hàng ngàn loài cá, rùa, tôm, và của những chú cá đuối khổng lồ. Vào mùa hè, còn có cá mola-mola, loài cá bự chảng nổi tiếng ở Bali. Người Bali có luật không cho đánh bắt quá nhiều, nên những loài cá cứ thế tự do sinh sống. Chỉ có điều du lịch phát triển quá nhanh, người ta đi coi cá nhiều thành ra lũ cá ngại, lặn sâu xuống, thi thoảng mới nổi lên cho mình coi.
Đi lặn không chụp hình được, chỉ chụp lại cái chân toang thui
Đi lặn không chụp hình được, chỉ chụp lại cái chân toang thui
Mình trả khoảng 250k cho 2 tiếng lặn, được đưa tới 5 điểm lặn khác nhau. Trời ơi ta nói lặn xuống thấy nó đẹp. Mình được nhìn san hô đủ màu, san hô còn sống luôn. Rồi thấy cả những đàn cá con bơi ngay bên dưới mình. Thấy mấy con cá bự bằng bắp đùi ngoe nguẩy. Thấy cả rùa bơi bơi nữa. À, và có thấy một thứ đáng buồn: cái nắp nhựa đã có vỏ sò bám vào. Mình nhặt nó về. Đến giờ cái nắp nhựa đó vẫn ở trong balo mình. Buồn ghê, khi tận mắt thấy plastic ảnh hưởng đến đại dương.
Lặn nè, chụp ảnh check-in ngoài đảo nè, chuyện trò với cô chú chủ trọ dễ thương (Mình ở đây nè: https://www.booking.com/hotel/id/hostel-bukit-sangcure.en-gb.html), và biết thêm vài người bạn mới từ mọi nơi trên thế giới. Penida với mình vừa đau vì cái chân tím lịm, nhưng cũng thật yên bình và hài hoà biết mấy. Mong lắm một ngày trở lại :)
Angel's Billabong
Angel's Billabong
 Kelingking beach
Kelingking beach
View xịn xò từ hostel
View xịn xò từ hostel
Phần 2 - Những ngọn núi thiêng hay Hành trình chinh phục núi lửa