Indonesia - Những ngọn núi thiêng
Indo là đất nước có nhiều núi lửa nhất thế giới (hơn 400 núi lửa), và cũng là đất nước có hoạt động núi lửa mạnh nhất thế giới luôn – hơn 150 ngọn núi vẫn còn có khả năng phun trào (active).
Phần 1: Về đạo Hindu tại Bali
So với Bali, có lẽ núi lửa là phần ít được biết đến hơn của Indonesia. Thực ra Indo là đất nước có nhiều núi lửa nhất thế giới (hơn 400 núi lửa), và cũng là đất nước có hoạt động núi lửa mạnh nhất thế giới luôn – hơn 150 ngọn núi vẫn còn có khả năng phun trào (active).
Lý do Indonesia có nhiều núi lửa (và động đất, sóng thần nữa) như vậy là bởi nó nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương. Vành đai lửa Thái Bình Dương là nơi giáp ranh của nhiều mảng kiến tạo – hoạt động kiến tạo địa tầng diễn ra thường xuyên cộng với sự va chạm giữa các mảng khiến núi lửa và động đất xảy ra thường xuyên trong vùng vành đai lửa này. Và Indonesia thì thuộc phần tệ nhất của Vành đai lửa luôn, nơi ba mảng kiến tạo lớn nằm cạnh nhau: mảng Âu – Á, mảng Thái Bình Dương, mảng Australia.
Thôi xác định rồi Indonesia à, hẳn là vì mớ thảm hoạ thiên nhiên này cho nên người dân Indo cứ nghèo hoài, dù chiến tranh ở Indo không nhiều bằng những nước khác.
Một câu chuyện dui nữa là về lý do tại sao Malaysia và Indonesia nằm ngay cạnh nhau như thế, mà Malaysia không bao giờ có thảm hoạ động đất sóng thần: Đó là vì dù giáp nhau nhưng Malay lại không thuộc Vành đai lửa, và hoàn toàn không có núi nửa. Indonesia với những chiếc núi lửa san sát đã gánh hết thảm hoạ cho người hàng xóm thân yêu rồi :).
Nói thì nói vậy thôi, chứ Indonesia cũng nhờ núi lửa mà đất đai màu mỡ và thu hút được bao nhiêu khách du lịch. Với những du khách tới đây lần đầu, núi Kawah Ijen và núi Bromo là hai núi phải-ghé-thăm. Hai ngọn núi không xa nhau lắm, khoảng 4 đến 8 tiếng đi xe tuỳ vào điểm bắt đầu leo. Tuy nhiên vì nổi tiếng nên những vùng này khá mắc. Đơn cử, vé vào cổng vườn quốc gia để lên Ijen Crater là 175k cho du khách nước ngoài và 7,5k cho khách nội địa. Cho Bromo, 350k cho khách nước ngoài và chỉ 50k cho khách nội địa. Phương tiện giao thông để đi tới những vùng núi (vốn cách xa thành phố/đồng bằng) cũng cắt cổ không kém - đặc biệt là với những đứa solo traveller - vì toàn phải thuê jeep hoặc taxi riêng chứ không có phương tiện công cộng. Tính ra, để leo núi như một du khách bình thường, mình sẽ mất từ 3-4 triệu VND.
Thực ra mức phí đó cũng chẳng mắc đến thế, nhưng mình không đủ tiền mà đu theo. Mình cũng không đủ “gân” để tự đi xe máy tới chân núi rồi tự leo. Mình quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ trên Couch Surfing.
Ijen Crater - Lửa xanh giữa ngân hà
Từ Bali, mình tới Banyuwangi để leo Ijen trước. May mắn thế nào, vừa đăng bài “tìm bạn cùng đi” trên Couch Surfing thì có một anh bạn sống ngay ở Banyu liên hệ mình, nói ảnh muốn leo Ijen cùng ngày với mình, kêu mình đi chung xe máy với ảnh vì ảnh cũng không muốn đi một mình. Haha, vừa có bạn đồng hành, vừa tiết kiệm tiền hơn, với điều kiện mình đặt thiệt nhiều lòng tin vào cái tốt. Bạn bè hay chửi mình vì mình tin người lạ nhiều quá. Nhưng không phải, mình chỉ tin vào trực giác của mình – trực giác mình nói rằng người đó là người tốt. Thực ra mình biết thế giới đầy người xấu – mình gặp cũng chẳng ít người xấu, nhưng mình luôn nghĩ người tốt quanh ta nhiều hơn người xấu nhiều. Tin gì, gặp đó. Tin vào cái tốt, sẽ gặp cái tốt. Và trộm vía, xuyên suốt những chuyến đi bụi của mình, mình toàn gặp bạn chứ không gặp thù.
Nói một chút về Ijen. Ngoài chiếc hồ màu xanh ngọc bích trên đỉnh núi (màu xanh đó là do hồ có nồng độ axit cực kỳ cao, pH 0.5, làm bỏng da nếu lỡ chạm phải – đây là hồ axit lớn nhất thế giới), Ijen còn nổi tiếng với mỏ lưu huỳnh. Cũng như người miền núi hàng ngày lên đỉnh núi kiếm củi, người dân nơi đây hằng ngày lên đỉnh Ijen kiếm lưu huỳnh. Cảnh những người đàn ông cúi gằm mặt, kéo chiếc xe siêu nặng hoặc gánh những đòn gánh nặng trĩu với 16-20kg lưu huỳnh trên vai – mỉa mai thay – lại là một trong những yếu tố thu hút sự tò mò của du khách. Và nhờ lưu huỳnh, hiện tượng “lửa xanh”/ “nham thạch xanh” hiếm có cũng xảy ra trên đỉnh Ijen, hút hồn khách du lịch.
Để mình lại kể chuyện dui cho các bạn nghe nè, lý do tại sao Ijen có lửa xanh: Là bởi mỏ lưu huỳnh tạo ra khí gas lưu huỳnh dưới tầng đất đá, khí này khi len lỏi qua khe nứt của đá, tiếp xúc với không khí thì bốc cháy thành màu xanh lam. Sau đó chúng ngưng tụ lại thành chất lỏng và chảy xuống dưới nên nhìn như nham thạch màu xanh/lửa xanh. Sau một khoảng thời gian, chúng lại hoá cứng và trở về màu vàng vốn có.
Hiện tượng này xảy ra cả ngày lẫn đêm, tuy nhiên ban ngày màu lửa xanh nhìn không rõ. Bởi vậy du khách đổ về Ijen vào ban đêm – 2h sáng – để ngắm hiện tượng lửa xanh huyền thoại. Và chỉ những người may mắn mới ngắm được thôi.
Nói đến đây thì chắc bạn biết là mình với anh bạn mình phi xe máy lên núi lúc mấy giờ rồi chứ? Đúng rồi, lúc nửa đêm đó các bạn. Bạn mình thì không sợ, vì ảnh quen rồi, lên núi trăm bận rồi. Nhưng mình sợ mất hồn. Đường dốc núi quanh co, ánh sáng duy nhất là ánh sáng từ cái đèn xe máy (chứ không có đèn đường). Má ơi ta nói, giờ nghĩ lại còn run. Nhưng bù lại thì trời sao lấp lánh, chấp các thể loại trời sao Fansipan với cực Đông mình từng thấy luôn. Lúc sợ thì nhìn lên trời sao cầu thánh thần phù hộ, âu cũng là thú dui.
Phi xe máy đến chân núi, tụi mình gửi xe và bắt đầu leo. Trời tối om, du khách đông nghẹt, nên mình nhờ anh bạn mua vé địa phương cho vô cổng trót lọt, tiết kiệm được một mớ tiền. Ijen mới được làm đường, đường leo núi bằng phẳng ít đất đá, chỉ có điều rất dốc. Đi được năm chục bước dừng lại thở một lần. Được trăm lần thở như thế thì tới nơi, tầm 3h sáng.
Lúc đó lạnh kinh hồn, mình lại chỉ mặc có cái áo gió mỏng. Run lập cập đợi. Nhưng rồi vì trời mùa mưa, sương mù lên che khuất cả lửa xanh cả hồ axit nên mình hong thấy được gì. Chỉ thấy được cảnh mặt trời lên chiếu vào vùng núi lửa xung quanh – nhưng mình nghĩ vầy là đủ rồi. 4 tiếng đi bộ đổi lấy 1 bức tranh thần tiên hiện lên ngay trước mắt – đủ rồi!
Trên Ijen ngộ nhất là có “xe ôm” (ojek) bạn lên/xuống núi mà không cần đi bộ. Mà cái “xe ôm” đó chạy bằng chân người. Mấy bác công nhân khai thác lưu huỳnh tận dụng luôn những chiếc xe chở lưu huỳnh, cho khách du lịch nhảy vào, rồi cắn răng kéo lên đỉnh núi/kéo xuống chân núi. Thiệt lúc đó mình không biết nghĩ sao. Ai cũng có quyền kiếm tiền, và số tiền các bác kiếm được khi đẩy khách du lịch hẳn là nhiều hơn khi đẩy lưu huỳnh. Nhưng nhìn như vậy mình chỉ thấy khách du lịch lười biếng quá. Ầy.
Chuyến leo Ijen, mình đi lúc 11h đêm hôm trước và lê được về tới nhà anh bạn vào 11h sáng hôm sau. Leo khoảng 6-7 tiếng cả lên cả xuống.
Bạn tưởng về tới nhà ảnh là mình sập nguồn? Không, mình ngủ được có 2 tiếng rồi chả ngủ được nữa mà cứ quanh quẩn suy nghĩ lên kế hoạch cho địa điểm tiếp theo – Bromo!!
Bromo - Thảo nguyên hoang dại và chuyến đi bộ half marathon
Bromo – lý do khiến mình mê mẩn Indonesia. Bromo nằm trong Vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru – vườn quốc gia duy nhất tại Indonesia sở hữu một địa hình gọi là “Biển Cát” – Sea of Sand. Trước đây rất rất lâu thì khu này chỉ có một núi lửa bự là Tengger, sau đó khi Tengger phun trào và tạo ra một khu lòng chảo (caldera) khủng lồ - nơi mà nham thạch tiếp tục phun trào qua khe nứt và kiến tạo nên 4 ngọn núi lửa nhỏ khác – chính là Bromo và 3 ngọn núi “hàng xóm” trong Vườn quốc gia. Tengger còn là nhà của Temeru – ngọn núi lửa cao nhất Java – cùng rất nhiều sông suối, thung lũng. Người ta mệnh danh Tengger là “Quốc gia Tengger”, là bởi mức độ hùng vị và đa dạng về địa hình của nó.
Những người ưa mạo hiểm thường không chọn chinh phục Bromo (vốn khá dễ đi) mà thích leo Temeru hơn – đường khó đi, nguy hiểm hơn và “phần thưởng” khi lên đỉnh cũng ngọt ngào hơn. Còn Bromo, ngọn núi này trở nên nổi tiếng là nhờ ý nghĩa tâm linh của nó. Được đặt tên theo thần Brahma – vị thần kiến tạo có địa vị cao nhất trong hệ thống thần Hindu – Bromo là núi thiêng nơi dân tộc Tengger tới lễ bái hàng năm.
Một truyền thuyết gắn với đỉnh Bromo: Cặp vợ chồng đầu tiên tới đây khai hoang đã mang theo bộ tộc Tengger. Cùng nhau, họ chăm chỉ làm ăn và trở nên dư dả, nhưng vẫn muộn phiền vì không thể có con. Một hôm, họ được thần núi báo mộng: Thần sẽ cho họ 24 đứa con, với điều kiện họ phải hiến tế đứa con thứ 25 bằng cách thả nó xuống miệng núi Bromo, nếu không thần núi sẽ nổi giận trừng phạt. Chẳng rõ cặp vợ chồng sau đó có thả con mình xuống miệng núi lửa thật không, nhưng kể từ đó tới tận ngày nay, bộ tộc Tengger có tục lệ tháng 7 hàng năm theo lịch riêng của họ, họ sẽ mang lễ vật (rau quả, dê, gà, bò, etc) lên thả xuống miệng núi Bromo.
Câu chuyện về bộ tộc bí ẩn nơi thảo nguyên hoang dã chỉ thú vị cho đến khi mình biết tin núi Bromo sẽ cấm xe nguyên 1 tháng để phục vụ cho những hoạt động tâm linh. Và 1 tháng đó bắt đầu vào đúng cái ngày mình tới Malang để chuẩn bị leo mới đau khổ chứ. Nguyên khu vực xung quanh Bromo chỉ cho người đi bộ và ngựa vào – và lựa chọn duy nhất của tụi mình là xài “căng hải” để đi qua đoạn đường mà bình thường người ta đi xe jeep hoặc xe máy qua, rồi leo 250 bậc lên miệng núi.
Và đó là nguyên do cho chuyến đi bộ trong 7 tiếng đồng hồ liên-tục-không-nghỉ của bọn mình. Mà không phải đi bộ trên đường nhựa đâu, đi qua nguyên một cái biển cát đó các bạn.
Cũng may là mình không đi bộ một mình, mình kiếm được bạn đi cùng. Cũng từ Couch Surfing, mình gặp một bạn host người Malang, rồi từ bạn host đó mình gặp một cô bạn người Malaysia đang có trùng lịch leo Bromo với mình. Hai đứa quyết định ngay trong tối đó là ngày mai sẽ đi cùng nhau. Tụi mình hồn nhiên vô cùng, còn không thèm check google map, không hề biết hôm sau sẽ rã cẳng kinh hoàng.
Và tụi mình khởi hành lúc 8h sáng, mỗi đứa chỉ mang 1 chai nước và 1 thanh socola. Hôm đó trời đẹp lắm, nắng không gay gắt và mây thì không dày đặc, bầu trời xanh dịu càng tôn lên cái xanh tươi màu mỡ của thung lũng thảo nguyên giữa tiết mùa xuân. Hoa lá nở bung xoè, rung rinh dưới nắng. Cảm giác như mình đang thênh thang bước trên đường tới thiên đàng vậy á.
Nhưng sau khi vượt qua đoạn đường cây cối xanh tươi, bước vào Biển Cát, thì chả ai còn hơi nói câu nào. Cắm cúi đi miết. Nắng gắt hơn vì sắp vào trưa, biển cát thì vù vù thi thoảng văng cát vào mặt, và đôi chân tụi mình thì nặng nề hơn vì bị lún xuống cát. Google map nói rằng đi 3km chỉ mất 1h15p – đừng tin – vì khi ở Biển Cát bạn chắn chắn sẽ mất 3 tiếng cho 3km.
Cuối cùng, tới khi cách chân núi Bromo khoảng 3km nữa thì tụi mình từ bỏ và quay về. Bởi vì nếu không quay về thì tụi mình chắc chắn sẽ gặp mưa - ở Java khi đó ngày nào cũng mưa rào. Trời ơi ta nói vừa chạy về vừa sợ lỡ đổ mưa xuống một cái là xác định ở lại giữa rừng đêm nai. Giữa thảo nguyên không-một-chỗ-nghỉ-chân (vì bình thường đâu ai đi bộ qua đây, người ta phóng xe máy không hà), 3G thì lúc có lúc không, nước thì sắp hết mà socola cũng chẳng còn. Lúc đó mình phóng như được lắp động cơ vào chân, không còn biết mỏi luôn, đi một mạch cho đến khi về được tới lán nghỉ nơi tụi mình gửi xe trước khi vào vườn quốc gia – lúc 3h chiều. Tổng quãng đường đi 23km.
Chưa bao giờ mình đẩy mức độ chịu đựng của cơ thể mình đến ngưỡng này. Và dù chẳng lên được tới đỉnh núi, mình cũng hạnh phúc muốn chết – haha, đơn giản vì mình còn lành lặn mà kể lại được chuyện này thôi.
Khi vượt khỏi cuộc sống 9-to-5 hàng ngày và tự thử thách bản thân như thế này, mình mới hiểu ý nghĩa của hai chữ “cân bằng”. Trước mình hay nghĩ, “cân bằng” đơn giản là khi mình làm được nhiều thứ cùng 1 lúc trong cuộc sống thôi – ví dụ vừa làm over time, vừa có thời gian chơi đàn học vẽ kiếm người yêu. Nhưng giờ thì suy nghĩ đó thay đổi rồi. Nhờ mấy lần suýt tèo ở Indo, mình ngộ ra “cân bằng” có nghĩa là bạn phải sẵn sàng tư thế chấp nhận sự tiêu cực, chấp nhận rằng ngoài những lúc mình thoải mái dễ chịu vui vẻ ra, sẽ có những lúc mình mệt mỏi bực tức đau khổ đến chết được. Chấp nhận sự tiêu cực, mình mới có thể tiếp tục mà không than vãn, buông bỏ sự thất vọng mà tiếp tục hy vọng về những điều tích cực. Lúc ngã xe, mình có hai lựa chọn – 1 là nằm hostel và than vãn đau buồn vì vừa bắt đầu chuyến đi mà cái chân đã toang; 2 là chăm sóc cái chân thật tốt, chấp nhận chuyện ngã xe như một trải nghiệm đáng có, và vui vẻ tiếp tục hành trình một cách cẩn trọng. Lúc đi bộ ở Bromo cũng vậy, mình có thể chán chường và than vãn lắm chứ, rằng Indonesia tệ với mình biết bao, giờ mình chỉ muốn về Việt Nam. Nhưng mình chẳng làm thế. Đi bộ xong, mình vẫn tỉnh táo đi xe máy về tới tận nhà host, tắm rửa sắp xếp hành lý, lên giường ngủ thẳng cẳng, và hôm sau lại tiếp tục một hành trình mới với sự háo hức thậm chí còn nhiều hơn trước.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất