Mình vốn rất có hứng thú với chủ đề về nguồn gốc loài người nên mình đã dịch một bài của tác giả Amy McDermott có tựa đề là "The first farmers were two groups, not one" được đăng trên trang web sciencenewsforstudent từ năm 2016. 
Dưới đây là bài dịch:
Loài người lần đầu tiên biết làm nông nghiệp khoảng 10.000 năm về trước trên vùng đất có tên là Lưỡi liềm màu mỡ (Fertile Crescent) (1). Nơi đó bao gồm một phần của Trung Đông và vùng Địa Trung Hải với điều kiện trồng trọt lý tưởng. Tại đây, người cổ đại đã bắt đầu giữ gia súc và chăm sóc cây trồng. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng những người nông dân đầu tiên thực chất thuộc về hai xã hội độc lập với nhau. Đó quả là một phát hiện bất ngờ. Một nhóm mở rộng về phía tây, đã đem nông nghiệp tới châu Âu. Nhóm còn lại di chuyển sang phía đông, đem truyền thống của họ tới vùng Nam Á. Các nhà nghiên cứu đã chia sẻ kết quả nằm ngoài sự mong đợi trên tạp chí Science vào ngày 14 tháng 7 (3).
“Chúng tôi đã nghĩ rằng người của vùng Lưỡi liềm màu mỡ chỉ là một nhóm đồng nhất về mặt di truyền và nền canh tác, nhưng trên thực tế họ là hai nhóm hoặc nhiều hơn hai nhóm" Joachime Burger phát biểu. Ông nghiên cứu về di truyền cổ đại tại Đại học Johannes Gutenberg University Mainz ở Đức. Burger cũng là người phụ trách nghiên cứu mới này. Các sách giáo khoa đều cho chúng ta hay là con người hiện đại Châu Âu và người hiện đại Nam Á đều là con cháu của cùng một tổ tiên. Nhưng đã đến lúc chúng ta nên xem xét lại ý tưởng này, Burger kết luận.    
Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của ông ấy đã tìm thấy người nông dân đầu tiên của Châu Âu đến từ vùng đất được gọi là tây Anatolia (Tiểu Á) (2). Họ sống gần vùng mà ngày nay chính là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện này trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (3). Họ ngờ rằng những người Anatolia (Anatolian) này đã khởi đầu từ phía đông. Có lẽ nơi họ sống chính là Iran, Iraq, Syria và tây nam Thổ Nhĩ kỳ ngày nay. Nhưng bằng chứng mới từ hai vùng của Iran cổ đại lại kể một câu chuyện khác. Bằng chứng đó là di tích của loài người sống từ 7000 đến 10.000 năm về trước. Bằng cách phân tích tỷ lệ giữa carbon và nitơ trong xương, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những người cổ đại này ăn các loại hạt được trồng nhiều hơn là ăn thịt. Điều đó chứng tỏ họ là nông dân. Và họ sống trước người Anatolia vài nghìn năm. Và phân tích về DNA cũng chứng minh rằng người Iran (Iranian) và Anatolia không có quan hệ gần gũi về mặt di truyền.

071516_AM_farm_inline_rev.gif
Nghiên cứu mới này đã phân tích di tích của những nông dân Iran cổ đại tại vị trí có tên là hang động Wezmeh và Abdul Hosein (bên phải của bản đồ) của vùng Lưỡi liềm màu mỡ (vùng được phủ màu nâu nhạt). Con cháu của họ đã di chuyển tới Nam Á. Trong khi đó, con cháu của người Anatolia đến từ vị trí tên là Barcin Hoyuk (4) (bên trái của bản đồ) mở rộng sang châu Âu
Thực tế, hai nhóm này có thể đã tách nhau cách đây hơn 45.000 năm, Garrett Hellenthal nói. Ông ấy là một nhà di truyền thống kê tại đại học London và là đồng tác giả của nghiên cứu mới này. Điều đó có nghĩa là hai nhóm này tách nhau chỉ ngay sau khi loài người rời khỏi châu Phi. Ngay cả 10.000 năm trước thì tổ tiên của hai nhóm người Iran và Anatolia cũng đã sống cách nhau khoảng 46.000 đến 67.000 năm trước, dữ liệu DNA của họ cho biết. Bằng chứng di tích của người nông dân Anatolia trẻ hơn khoảng vài nghìn năm so với di tích của người Iran. Nhưng hai nền canh tác "hẳn đã gặp nhau ở một mức độ nào đó" ông Burger nói. Hai nhóm người này có lẽ ngoại hình và ngôn ngữ cũng khác nhau, ông Burger cho hay. Họ không có con với nhau. Nhưng họ có cùng ý tưởng về nông nghiệp. Điều này mất vài thiên niên kỷ để mỗi nhóm chuyển từ săn bắn-hái lượm sang làm nông nghiệp. Burger nói: "Việc thuần hóa thú hoang dã không phải là việc bạn làm vào cuối tuần". Và sẽ là quá trùng hợp khi hai nhóm cùng một lúc “phát minh ra thứ gì đó điên rồ và phức tạp như nông nghiệp”.
Nhưng không phải ai cũng chia sẻ quan điểm của ông. "Việc chuyển từ săn bắn sang làm nông nghiệp có khả năng diễn ra ở nhiều thời điểm", ông Roger Matthews – một nhà khảo cổ học của Đại học Reading ở Anh phát biểu. Mặc dù cả hai nhóm người Anatolia và Iran đều là nông dân, ông nói, "ý tưởng làm nông mà họ hướng tới thực sự không giống nhau". Ở phía đông, những người nông dân đầu tiên tập trung vào việc nuôi dê và trồng trọt lúa mì, lúa mạch. Còn ở phía tây, họ lại nuôi cừu và tạo ra các thực phẩm khác. Matthews nghĩ hai cộng đồng này có những bước tiến đầu tiên vào làm nông nghiệp độc lập với nhau.
Sau một thời gian phát triển nông nghiệp, hai nền canh tác này bắt đầu cũng tách nhau ra. Tại sao họ lại di chuyển theo các hướng khác nhau đến vậy, điều này vẫn là một bí ẩn. Để chứng minh nhóm di chuyển về phía đông từ Iran, các nhà khoa học cần nhiều mẫu DNA từ những người cổ đại thuộc về vùng Lưỡi liềm màu mỡ hơn, Christina Papageorgopoulou nói. Cô ấy là nhà nhân chủng học của trường Đại học Thrace của Hy Lạp.  
"Nhiều mẫu DNA từ vùng Lưỡi liềm màu mỡ hơn có thể sẽ lý giải tại sao hai nhóm người Iran và Anatolia lại tách biệt nhau". Có lẽ, giữa họ tồn tại một ranh giới hay rào cản nào đó. "Tôi không thể tưởng tượng là có một sự kết nối giữa họ" cô nói. Nếu có thì các nhà khoa học đã phát hiện thông qua các dữ liệu DNA. "Tôi nghĩ là có một loại rào cản ở đó".
Hiện nay, các nhà khoa học có thể nghiên cứu dữ liệu DNA trên diện rộng và kết luận rằng hai nhóm nông dân đầu tiên đó không có quan hệ họ hàng với nhau. Nhưng nhiều dữ liệu DNA hơn sẽ giúp họ đi sâu vào nghiên cứu các làng, hoặc thậm chí là từng hộ gia đình. Từ đó họ có thể "tới gần với người cổ đại và cuộc sống của họ hơn", ông Burger nói. Ông hy vọng sẽ phân tích toàn bộ các làng thời kỳ Đồ đá và thông tin từ cây gia phả của các gia đình cổ đại. Điều đó sẽ giúp các nhà khoa học thực sự hiểu ai đã di cư đến đâu.
Chú thích: 
(1) Fertile Crescent (Lưỡi liềm màu mỡ): Là một mảnh đất màu mỡ thuộc vùng Trung đông cổ đại và Địa Trung Hải nơi mà nông nghiệp phát sinh cách đây 10.000 năm.
(2) Anatolia (Tiểu Á): là một bán đảo của châu Á mà ngày nay thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, bắc giáp với Biển Đen, nam giáp Địa Trung Hải, ngăn cách với châu Âu bởi biển Aegea và biển Marmara (đều thuộc Địa Trung Hải) ở phía tây và giáp với phần đất đai rộng lớn còn lại của châu Á ở phía đông (nguồn: Wikipedia).
(3) Bài viết này tác giả chủ yếu dựa trên kết quả từ hai bài báo khoa học được công bố trong năm 2016. 
- F. Broushaki et al. “Early Neolithic genomes from the eastern Fertile Crescent.” Science. Published online July 14, 2016. doi: 10.1126/science.aaf7943. (Trong bài này, nhóm tác giả đã giải trình tự genome của nhóm người thuộc thời kỳ Đồ đá mới thu thập từ vùng Zagros của Iran (phía đông của vùng Lưỡi liềm màu mỡ). Kết quả cho thấy nhóm này không có liên quan gì tới những người nông dân đầu tiên ở châu Âu hay người châu Âu hiện đại mà có quan hệ gần gũi với người Iran và Afganistan. Đồng thời, họ cũng chứng minh có một sự tách biệt giữa nhóm nông dân sơ khai vùng Zagros và nhóm nông dân sơ khai Anatolia từ 46.000 đến 77.000 năm trước).
- Z. Hofmanová et al. “Early farmers from across Europe directly descended from Neolithic Aegeans.” Proceedings of the National Academies of Sciences. Vol. 113, June 21, 2016, p. 6886. doi: 10.1073/pnas.1523951113. (Trong bài này, nhóm tác giả đã chứng minh mối quan hệ di truyền trực tiếp giữa những người nông dân sơ khai ở Địa Trung Hải và Trung Âu với những người ở Hy Lạp và Anatolia). 
(4) Barcin Hoyuk là một di tích nằm ở thung lũng Yenişehir của Bursan thuộc phía tây bắc Anatolia.