Người ta thường nói khó nhất là chuyện làm cha mẹ. Đưa một đứa trẻ từ trong bụng mẹ ra thế giới bên ngoài đã là một nỗi vất vả, chín tháng mười ngày mới có thể mẹ tròn con vuông được. Xong cha mẹ phải mất thêm 18 năm nữa nuôi đứa bé đó khôn lớn, trưởng thành. Mà 18 năm đó đâu phải đơn giản? 3 năm đầu đời toàn bỉm sữa, ăn dặm, tập nói, tập đi, rèn luyện tính cách ban đầu cho đứa con (chứ đâu thể nói trời sinh voi, sinh cỏ được?). 3 năm tiếp theo (con đi học mẫu giáo) thì tiền học phí, trường lớp, rồi thêm nỗi lo rằng con có bạn để chơi không, các cô giáo, cô bảo mẫu chăm sóc con ở trường thế nào, ăn uống sao, học những gì, v.v. Đến 12 năm tiếp theo (5 năm cấp 1, 4 năm cấp 2, 3 năm cấp 3) thì bớt được chuyện ăn uống, nhu cầu cơ bản, nhưng lại thêm nỗi lo về thành tích, điểm số, kiến thức, hành trang tương lai của con cái. Tới đây là lúc những mong muốn, kì vọng của cha mẹ vào con cái xuất hiện: Con mình sau này phải thành bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia, ... hoặc phải giỏi đàn hát, giỏi thể thao, vào trường top, đi du học, kiếm thật nhiều tiền, ... Những kỳ vọng đó có khi sẽ theo đuôi con cái suốt 4-5 năm tiếp theo trên giảng đường đại học. Rồi việc tìm kiếm việc làm, chỗ làm việc, rồi chuyện chọn bạn đời, có con, ... có khi cha mẹ cũng can thiệp luôn, vì "con dù lớn vẫn là con của mẹ" mà! Điểm qua toàn bộ quá trình con cái lớn lên dưới vòng tay "bảo bọc" của cha mẹ có thể thấy 1 điều: Đúng là làm cha mẹ khó thật, mà khó ... hiểu! Khó hiểu con cái. Thường khi con được 13 tuổi là lúc tâm sinh lý bất ổn nhất, nếu làm cha mẹ mà cứ cứng đầu bắt con cái phải tuân theo quy tắc và kì vọng mình đặt ra, thì đừng bao giờ mong con cái hiểu được mong muốn của cha mẹ! Nhưng nếu không có sự đồng hành cùng con cái trong quá trình trưởng thành thì con cái sẽ rất dễ sa lầy vào bùn đen tệ nạn, hoặc sẽ trở nên ích kỷ, cố chấp, không biết nghĩ cho cha mẹ và những người xung quanh. Như vậy, điều cha mẹ thực sự mong muốn ở chúng ta có thể chỉ là cuộc sống ổn định, bình yên và hạnh phúc, nhưng đó là viễn cảnh mà cha mẹ chúng ta vẽ nên chứ chưa hẳn đó là những gì chúng ta hiện thực hóa, liệu điều này có mâu thuẫn không?
Còn về phía chúng ta? Có thể hiểu đơn giản thế này: Mới sinh chúng ta khóc, cha mẹ cười, tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ là câu chào đầu tiên với thế giới. 1 tuổi gọi ba, 2 tuổi gọi mẹ, 3 tuổi đã có thể nói, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, và bắt đầu sự học trên trường mẫu giáo, 6 tuổi học cấp 1, 12 tuổi vào cấp 2, 16 tuổi vào cấp 3, 18 tuổi lên đại học và bắt đầu sống như người trưởng thành, đi làm, yêu, kết hôn, sinh con và lại lặp lại vòng tuần hoàn đó. Nhưng phải thừa nhận rằng chúng ta có đôi chút ngây thơ, dù ít dù nhiều vẫn nghĩ rằng cha mẹ thương yêu chúng ta vô điều kiện. Đó là điều rất bình thường, vì có bao giờ cha mẹ than vãn nhiều lời về chuyện sinh con ra và vất vả nuôi con khôn lớn đâu? Ấy thế mà họ đôi lúc cứ phàn nàn chúng ta thế này thế kia (đôi lúc phải dùng chữ "càm ràm" để miêu tả chính xác cách cha mẹ phàn nàn về con cái). Như vậy đa phần chúng ta cứ muốn cha mẹ hiểu mình, hiểu vô điều kiện và không phán xét, nhưng ngược lại không ít thì nhiều chúng ta lại đi "đánh giá" chính cha mẹ chúng ta, liệu như vậy có mâu thuẫn không?
Thực ra cả cha mẹ và chúng ta đều hiểu sai về nhân duyên tồn tại này. Cha mẹ đặt ra những kỳ vọng và mong muốn lên con cái cũng chỉ để thỏa mãn bản ngã mà thôi. Nói thẳng ra là khi chúng ta hồi trẻ chưa thể làm được điều gì thì thường chúng ta lại mong muốn con mình làm thay mong muốn của chúng ta, nhưng lại dùng sự yêu thương "vô điều kiện" để bao bọc con mình. Trong khi con cái thì lại mong muốn sống cuộc sống tự do của riêng mình, và sẽ dùng chính sự tự do này để báo đáp lại công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cho nên nếu nhìn bề ngoài thì có vẻ như con cái không hề quan tâm hay thấu hiểu cha mẹ, nhưng không, họ rất hiểu là đằng khác, chỉ là họ không lựa chọn cách "cổ hủ" giống như cha mẹ họ mà thôi. Như vậy, tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái thực ra là CÓ ĐIỀU KIỆN, chỉ là điều kiện vô hình, vô vật chất mới thành ra "vô điều kiện" mà thôi!
Kết luận là: Nếu cha mẹ bớt đi những mong muốn cá nhân của họ và cởi mở hơn với quá trình trưởng thành của con cái, thì chính bản thân chúng ta cũng sẽ bớt đi sự khép kín để cởi mở hơn, chia sẻ những mong muốn của bản thân tới cha mẹ, và từ đó cha mẹ với con cái sẽ dần thấu hiểu nhau hơn để đồng hành cùng nhau suốt cuộc đời.